menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Việt Dũng

Tin thế giới 24/8: Ukraine tuyên bố hùng hồn, EU "lơ" cảnh cáo của Nga về Crimea; Đại sứ Afghanistan cảnh báo tình trạng "thảm khốc"

Căng thẳng Nga-Ukraine về Crimea, Dòng chảy phương Bắc 2, căng thẳng giữa Belarus với các nước EU, Afghanistan... là một số tin thế giới nổi bật

Tin thế giới 24/8: Ukraine tuyên bố hùng hồn, EU "lơ" cảnh cáo của Nga về Crimea; Đại sứ Afghanistan cảnh báo tình trạng "thảm khốc"
Đại diện các quốc gia và tổ chức tham dự Diễn đàn Nền tảng Crimea do Ukraine khởi xướng ở Kiev vào ngày 23/8. (Nguồn: TASS)

Tổng thống Ukraine tuyên bố làm tất cả để lấy lại Crimea

Ngày 23/8, tại Kiev đã diễn ra Diễn đàn Nền tảng Crimea do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chủ trì. Diễn đàn này lần đầu tiên được ông Zelensky công bố hồi tháng 9/2020 nhằm mục tiêu tập hợp các nỗ lực quốc tế để "đưa Crimea trở lại quyền kiểm soát của Kiev".

Các quan chức hàng đầu từ 46 quốc gia, trong đó có 30 quốc gia thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tham dự Diễn đàn này.

Phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn, nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố “làm mọi thứ có thể để lấy lại Crimea, để Crimea cùng với Ukraine trở thành một phần của châu Âu”.

Tổng thống Zelensky khẳng định Ukraine sẽ "sử dụng tất cả các phương tiện chính trị, pháp lý, nhưng trước hết và quan trọng nhất là ngoại giao”, đồng thời kêu gọi sự “hỗ trợ hiệu quả ở cấp độ quốc tế”.

Nhà lãnh đạo Ukraine tiếp tục cáo buộc Nga chiếm đóng trái phép và biến Crimea thành một “căn cứ quân sự” và “một chỗ đứng để Nga tăng cường ảnh hưởng của mình đối với khu vực Biển Đen”, dù Moscow liên tục bác bỏ. (AP)

Bất chấp cảnh báo từ Nga, EU tham dự Nền tảng Crimea, bày tỏ ủng hộ Ukraine

Tham dự Diễn đàn "Nền tảng Crimea", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói: "Tôi ở đây để tái khẳng định lập trường kiên định của Liên minh châu Âu (EU): Chúng tôi không và sẽ không công nhận việc Nga sáp nhập Crimea và Sevastopol bất hợp pháp".

Nhà lãnh đạo này cũng tuyên bố: "Chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi nghiêm túc chính sách không công nhận của mình. Và chúng tôi sẽ kiên quyết chống lại bất kỳ hành vi vi phạm luật pháp quốc tế nào".

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho rằng, việc các quốc gia thành viên và giới chức EU tham gia diễn đàn Nền tảng Crimea sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ với Moscow và sẽ gây ra hậu quả. (AP)

Điện Kremlin: Nền tảng Crimea là sự kiện chống Nga

Ngày 23/8, bình luận về Diễn đàn Nền tảng Crimea, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Chúng tôi coi sự kiện này là cực kỳ không thân thiện đối với Nga. Chúng tôi hoàn toàn không chấp nhận những động thái như vậy liên quan khu vực của Nga, liên quan Crimea".

Ông Peskov tuyên bố, đối với Diễn đàn Nền tảng Crimea, Nga có thái độ hoàn toàn rõ ràng: "Đó là một sự kiện chống Nga".

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova từng tuyên bố, Nga sẽ "lưu ý" lập trường của các nước sẽ tham gia diễn đàn và "sẽ đưa ra kết luận tương ứng". (TASS)

Nga: Thảo luận với Mỹ về Dòng chảy phương Bắc 2 là vô lý

Ngày 23/8, Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Birichevsky cho biết, Nga coi việc thảo luận về dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 với Mỹ là chuyện vô lý bởi: “Mỹ ở đâu và đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 ở đâu? Họ nằm ở những nơi hoàn toàn khác nhau trên thế giới".

Theo quan chức Nga, Moscow sẽ đàm phán với các đối tác liên quan Dòng chảy phương Bắc 2, đó là "châu Âu, những khách hàng chủ chốt sử dụng khí đốt tự nhiên được cung cấp qua đường ống này”.

Ông Birichevsky cũng cho biết, nếu Ukraine không muốn trung chuyển khí đốt của Nga, thì Moscow vẫn có thể tiến hành việc vận chuyển mà không cần sử dụng tuyến đường trung chuyển đó. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh vẫn chưa có cuộc thảo luận nào về vấn đề này.

Theo ông Birichevsky, việc Nga có thể tự thực hiện mọi nghĩa vụ về việc cung cấp khí đốt cho châu Âu không có nghĩa là Moscow từ chối việc trung chuyển qua Ukraine, trừ khi Kiev muốn điều đó. (Sputnik)

Đại sứ Afghanistan tại LHQ cảnh báo về tình trạng "thảm khốc"

Ngày 24/8, Đại diện thường trực của Afghanistan tại Liên hợp quốc Nasir Ahmad Andisha cho rằng, cộng đồng quốc tế phải chịu trách nhiệm về tình hình thảm khốc tại Afghanistan.

Ông Andisha nói: "Tình hình trên thực địa rất bất ổn và thảm khốc, đòi hỏi sự chú ý nghiêm túc và trách nhiệm. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế và vi phạm nhân quyền, những hành vi này đều đã được thống kê".

Ông Nasir Ahmad Andisha cũng kêu gọi thành lập một chính phủ toàn diện ở Afghanistan, bao gồm đại diện của tất cả các nhóm sắc tộc và phụ nữ. (Reuters, Sputnik)

Mỹ phản ứng trước "lằn ranh đỏ" của Taliban

Ngày 23/8, Taliban tuyên bố sẽ không đồng ý kéo dài thời hạn chót ngày 31/8 để Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, đồng thời cảnh báo việc trì hoãn có thể gây ra những hậu quả.

Về "tối hậu thư" này, cùng ngày, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho hay, Mỹ hiểu rõ mong muốn của Taliban và Washington có ý định tuân thủ hạn chót đó.

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cũng cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden tin rằng Mỹ có thời gian để sơ tán tất cả các công dân Mỹ ra khỏi Afghanistan vào thời hạn rút toàn bộ binh lĩnh Mỹ là ngày 31/8.

Ngoài ra, ông Sullivan cũng cho biết, các lực lượng Mỹ tại sân bay quốc tế Kabul đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ ISIS-K, một chi nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Afghanistan.

Theo ông Sullivan, hiện chính quyền Tổng thống Biden không có kế hoạch đối thoại với lãnh đạo của phong trào Taliban. (Reuters)

Canada để ngỏ khả năng áp trừng phạt Taliban

Ngày 23/8, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào ngày 24/8, Thủ tướng Canada Justin Trudeau để ngỏ khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Taliban.

Thủ tướng Canada bày tỏ mong đợi thảo luận với các nhà lãnh đạo G7 về các biện pháp đối với Afghanistan.

Trước đó, Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao EU cho biết, các nhà lãnh đạo G7 sẽ đồng ý phối hợp về việc nếu hoặc khi nào công nhận Taliban hoặc gia hạn các biện pháp trừng phạt để thúc đẩy Taliban tuân thủ các cam kết tôn trọng quyền của phụ nữ và quan hệ quốc tế. (Reuters)

Nga, Ấn Độ nhất trí hợp tác trong giải quyết vấn đề Afghanistan

Ngày 24/8, Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và thảo luận về tình hình Afghanistan.

Tuyên bố của Điện Kremlin nêu rõ: “Trong cuộc trao đổi, hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực chung đóng góp cho việc thiết lập hòa bình và ổn định ở Afghanistan, đảm bảo an ninh chung trong khu vực”.

Tổng thống Putin và Thủ tướng Modi cũng bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống lại “sự lan rộng của tư tưởng khủng bố và mối đe dọa ma túy bắt nguồn từ lãnh thổ Afghanistan. Hai bên đã nhất trí thiết lập một kênh song phương tham vấn thường trực về vấn đề này”.

Về vấn đề người tị nạn Afghanistan, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga hiện chưa quyết định dành vị thế đặc biệt cho những người tị nạn Afghanistan. (Sputnik)

EU-Belarus: Lithuania, Ba Lan xây hàng rào ở biên giới với Belarus

Ngày 23/8, Lithuania cho biết, nước này sẽ hoàn tất việc xây dựng hàng rào dài 508km dọc biên giới với Belarus vào tháng 9/2022 nhằm ngăn dòng người di cư từ Minsk mà Vilnius cho là đã đạt con số kỷ lục.

Trong một phát biểu, Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte nói: “Cần có hàng rào để chống lại cuộc tấn công mà Belarus đang tiến hành nhằm vào Lithuania và EU”.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết, nước này sẽ xây một hàng rào cao 2,5m dọc biên giới với Belarus để ngăn người di cư.

EU cho rằng, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã “đạo diễn” vụ dòng người di cư này để đáp trả các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Minsk. (Reuters)

Bán đảo Triều Tiên: Nga-Mỹ-Hàn tìm kiếm giải pháp thúc đẩy đàm phán hạt nhân

Ngày 24/8, tại Seoul, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov đã gặp Đặc phái viên của Hàn Quốc về các vấn đề hòa bình và an ninh Bán đảo Triều Tiên Noh Kyu-duk.

Trong cuộc gặp, ông Morgulov tái khẳng định, Moscow sẵn sàng đóng "một vai trò mang tính xây dựng" trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên cũng như ủng hộ các cuộc đối thoại hạt nhân giữa các nước liên quan.

Cùng ngày, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young có cuộc gặp Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim và thảo luận về biện pháp phối hợp để khởi động các cuộc đàm phán bị đình trệ với Bình Nhưỡng.

Đặc phái viên Sung Kim cho biết, Mỹ không có ý định thù địch với Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ gần gũi giữa hai nước nhằm giải quyết các vấn đề Triều Tiên thông qua ngoại giao và can dự, bao gồm cả trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo. (Yonhap).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại