Tin thế giới 23/8: Nga "kêu oan" cho Dòng chảy phương Bắc 2; Thổ Nhĩ Kỳ lại sắp "chọc giận" Mỹ? Taliban khóa chặt vòng vây Panjshir
Dòng chảy phương Bắc 2, Diễn đàn Nền tảng Crimea, căng thẳng Nga-Ukraine, Mỹ-Thổ và S-400 Nga, Afghanistan... là một số tin thế giới nổi bật.
Nga 'kêu oan' cho Dòng chảy phương Bắc 2
Ngày 23/8, tờ Magyar Nemzet của Hungary đăng tải bài trả lời phỏng vấn của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho hay, nhận định xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga là không có cơ sở.
Ngoại trưởng Lavrov lưu ý: "Chúng tôi coi việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn toàn là dự án thương mại đôi bên cùng có lợi và là sự phụ thuộc tích cực lẫn nhau, vì Nga cũng quan tâm đến việc người châu Âu mua các sản phẩm của mình".
Theo ông Lavrov, việc vận hành đường ống sẽ đảm bảo đa dạng hóa các tuyến đường vận chuyển khí đốt, cung cấp khí đốt bền vững cho người tiêu dùng châu Âu thông qua con đường ngắn nhất cũng như củng cố an ninh năng lượng chiến lược của châu Âu trong nhiều thập kỷ tới.
Nga cũng cam kết không từ bỏ các thỏa thuận hiện có về việc cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu, tuy nhiên, các nước trung chuyển sẽ phải cạnh tranh để giành quyền quá cảnh, thay vì họ tự đưa ra các điều khoản.
Các tuyên bố trên được đưa ra khi trước đó 3 ngày, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 1 tàu và 2 cá nhân Nga liên quan đến dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.
Ngày 23/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố, Bắc Kinh xem các biện pháp trừng phạt mới của Washington đối với dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga là vô căn cứ. (TASS)
Ukraine, Mỹ, Đức thảo luận vấn đề Dòng chảy phương Bắc 2
Ngày 23/8, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko cho biết, ông cùng các người đồng cấp Mỹ và Đức đã thảo luận về việc đảm bảo tương lai của Kiev với tư cách là nước trung chuyển khí đốt sau khi việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nga đến châu Âu mang tên Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier nhấn mạnh, Berlin mong muốn hỗ trợ Ukraine chuyển đổi năng lượng tái tạo.
Cuộc gặp của bộ trưởng năng lượng 3 nước diễn ra bên lề Diễn đàn “Nền tảng Crimea”, một sự kiện do Kiev khởi xướng nhằm thu hút sự chú ý của quốc tế về việc giành lại bán đảo Crimea vốn được sáp nhập vào Nga từ năm 2014. (Reuters)
Diễn đàn Nền tảng Crimea: Tổng thống Ukraine nói châu Âu e ngại Nga?
Ngày 22/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, các nhà lãnh đạo của nhiều nước phương Tây không tham dự Diễn đàn Nền tảng Crimea vì "họ e ngại Nga".
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình Ukraine, ông Zelensky nói: "Đó là sự thật, châu Âu e ngại Nga. Thực tế này nên được công nhận và đó là điều bình thường".
Liên quan Nền tảng Crimea trên, cùng ngày, Đài phát thanh quốc gia Ba Lan đưa tin Tổng thống Andrzej Duda đã bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày tới Ukraine để tham dự Diễn đàn trên.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) rằng, việc các quốc gia thành viên và giới chức khối này tham gia Diễn đàn Nền tảng Crimea sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ với Moscow và sẽ gây ra hậu quả. (TASS)
Nga-Ukraine: Moscow bắt giữ một điệp viên của Kiev
Ngày 23/8, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết, đã giam giữ và mở cuộc điều tra tội phạm gián điệp nhằm vào một công dân Ukraine, song không tiết lộ tên người này.
Cơ quan trên cho rằng, công dân bị cáo buộc gián điệp trên, làm việc cho tình báo Ukraine, đã cố gắng tuyển mộ các công nhân tại nhà máy sản xuất vũ khí Tula làm người báo tin.
Nhà máy này cách thủ đô Moscow khoảng 170km về phía Nam, chuyên sản xuất tên lửa dẫn đường, súng bắn tỉa và súng tự động tiên tiến cho quân đội.
FSB cho biết người đàn ông này đã tìm cách ăn cắp bí mật quốc gia về các loại súng mới nhất và các tài liệu kỹ thuật cũng như các vũ khí đang phát triển.
Bộ Ngoại giao Ukraine chưa phản hồi yêu cầu bình luận về vụ việc. (TASS)
Afghanistan: Taliban siết vòng vây phe phản kháng ở Panjshir
Ngày 23/8, trên mạng xã hội Twitter, người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid thông báo, lực lượng này đã bao vây Mặt trận kháng chiến dân tộc chống Taliban cố thủ ở thung lũng Panjshir song đang tìm cách đàm phán hòa bình thay vì giao tranh.
Một người phát ngôn của mặt trận trên hồi cuối tuần qua cho hay, nhóm này sẵn sàng cho "cuộc xung đột trường kỳ" nhưng ưu tiên đàm phán nhằm tiến tới một chính phủ có tính đại diện cao.
Trao đổi với hãng tin AFP, người phát ngôn của lực lượng kháng chiến Ali Maisam Nazary cho biết, “các điều kiện cho thỏa thuận hòa bình với Taliban bao gồm sự phân quyền, một hệ thống đảm bảo công bằng xã hội, bình đẳng, quyền và tự do cho tất cả người dân”.
Thung lũng Panjshir, nơi nổi tiếng là hệ thống phòng thủ tự nhiên không bao giờ bị xuyên thủng bởi Liên Xô trước đây hay Taliban trong các cuộc xung đột trước đó, hiện là nơi trú ẩn chính cuối cùng của lực lượng chống Taliban do Ahmad Massoud, con trai của thủ lĩnh Ahmed Shah Massoud lãnh đạo. Ngoài ra, cựu Phó Tổng thống Saleh cũng có mặt ở khu vực này. (AFP)
Mỹ thay đổi chính sách về sơ tán ở sân bay Kabul
Nguồn tin cho biết thêm, nhiều người Afghanistan từng làm việc cho phái bộ NATO tại Afghanistan hoặc các cơ quan phương Tây và đã nộp đơn cho chương trình Thị thực Nhập cư Đặc biệt của Mỹ sẽ không được phép vào sân bay này.
Trong khi đó quân đội Đức thông báo, sáng cùng ngày đã xảy cuộc đấu súng giữa các tay súng không rõ danh tính và lực lượng Afghanistan tại cổng phía Bắc của sân bay Kabul, khiến một nhân viên an ninh Afghanistan thiệt mạng và 3 người bị thương. (Sputnik)
Thổ Nhĩ Kỳ sắp mua thêm S-400 Nga, lại chọc giận Mỹ?
Ngày 23/8, hãng tin Interfax dẫn lời người đứng đầu Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport cho biết, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến gần đến việc ký kết một hợp đồng mới nhằm cung cấp thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cho Ankara trong tương lai gần.
Việc mua các tổ hợp S-400 của Nga đã gây căng thẳng trong quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Washington đã trừng phạt Ankara và đe dọa sẽ áp các lệnh trừng phạt mới nếu Ankara mua thêm các hệ thống vũ khí lớn của Moscow. (Reuters)
Belarus cáo buộc Ba Lan gây xung đột biên giới
Ngày 23/8, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cáo buộc Ba Lan gây ra cuộc xung đột biên giới với Belarus bằng cách đưa người di cư từ lãnh thổ của mình đến khu vực biên giới hai nước.
Hãng Belta dẫn phát biểu của ông Lukashenko tại Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) nhấn mạnh: "Những gì Ba Lan đã làm: họ bắt giữ khoảng 50 người trên lãnh thổ Ba Lan đang trên đường đến Đức và đẩy những mối đe dọa này đến khu vực biên giới với Belarus".
Theo nhà lãnh đạo Belarus, Ba Lan "đã dàn dựng cuộc xung đột ở biên giới, xâm phạm biên giới quốc gia của Belarus”. (Sputnik)
Thỏa thuận hạt nhân Iran: Tehran sẵn sàng tham gia đàm phán
Ngày 23/8, Đại sứ Nga tại Tehran Levan Dzhagaryan cho biết, chính phủ mới của Iran phát tín hiệu sẵn sàng tiếp tục tham gia tiến trình đàm phán tại Vienna (Áo). Theo ông Dzhagaryan, Iran đang thành lập một phái đoàn đàm phán mới.
Trước đó, ngày 22/8, Ngoại trưởng mới được chỉ định của Iran, ông Hossein Amir-Abdollahian cho biết, Tehran sẵn sàng tham gia đàm phán hạt nhân nếu nhận thấy tiến trình này “hợp lý” và phục vụ lợi ích của người dân Iran.
Tuy vậy, ông Amir-Abdollahian cũng cảnh báo sẽ "không ràng buộc Bộ Ngoại giao với thỏa thuận hạt nhân năm 2015" và không lãng phí thời gian cho những cuộc đàm phán không có lợi đối với người dân Iran. (Sputnik)
Triều Tiên cảnh báo đáp trả mạnh tay Nhật Bản
Ngày 22/8, Triều Tiên cáo buộc Nhật Bản "xâm nhập trái phép" vào vùng biển mà nước này có các quyền hàng hải, đồng thời cảnh báo khả năng thực hiện "các biện pháp đáp trả mạnh tay".
Trong bài viết đăng trên trang web riêng, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng, vấn đề ảnh hưởng đến "vùng kinh tế biển" của Triều Tiên ở Biển Nhật Bản (Bình Nhưỡng gọi là Biển Đông) "đã trở thành thực tế trong những năm gần đây".
Mặc dù bài viết không đề cập các trường hợp cụ thể mà Nhật Bản xâm nhập vào vùng biển tranh chấp, nhưng rõ ràng đang ám chỉ đến hoạt động của các tàu đánh cá và tuần duyên Nhật Bản tại các khu vực, nơi có các vùng đặc quyền kinh tế mà hai nước tuyên bố chủ quyền chồng chéo. (Kyodo)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận