24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thành Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tin thế giới 23/3: Phương Tây "ồ ạt" trừng phạt Trung Quốc; Nga-Trung hợp lực để đối phó Mỹ; Mỹ "bênh" Philippines ở Biển Đông

Phương Tây 'ồ ạt' trừng phạt Trung Quốc, quan hệ Nga-Trung Quốc, Biển Đông, tình hình Myanmar... là một số sự kiện thế giới nổi bật trong 24 giờ qua.

Mỹ, Anh, EU đồng lòng trừng phạt Trung Quốc, Bắc Kinh nhanh chóng phản ứng

Ngày 22/3, Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) thay nhau ra thông báo áp lệnh trừng phạt Trung Quốc với các nước này vi phạm nhân quyền đối với sắc dân người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương.

Theo thông báo trên trang web của Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ, 2 quan chức mới được bổ sung vào danh sách trừng phạt của Washington gồm ông Vương Quân Chính, Bí thư Đảng ủy Tập đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương (XPCC) và ông Trần Minh Quốc, Cục trưởng Cục Công an Tân Cương (XPSB).

Trong khi đó, Anh cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt 4 quan chức Trung Quốc liên quan tới những hành vi "lạm dụng quy mô lớn" đối với tộc người Duy Ngô Nhĩ tại vùng Tân Cương. Trước đó, EU đã quyết định áp lệnh trừng phạt với 4 quan chức và 1 công ty xây dựng của Trung Quốc.

Bộ các vấn đề toàn cầu (GAC) của Canada ngày 22/3 ra tuyên bố cho biết chính phủ nước này quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với 4 quan chức và một thực thể Trung Quốc theo Quy định về các biện pháp kinh tế đặc biệt.

Đây được xem là hành động phối hợp đầu tiên của Phương Tây chống lại Bắc Kinh dưới thời tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trong tuyên bố chung, ngoại trưởng các nước Anh, Mỹ và Canada cho biết các nước này quan ngại sâu sắc trước những hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền tại Tân Cương. Hiện có rất nhiều bằng chứng cho thấy những vi phạm này, bao gồm cả các tài liệu của chính Chính phủ Trung Quốc cũng như các hình ảnh vệ tinh và lời khai của nhân chứng.

Trong tuyên bố chung của mình, Anh, Mỹ và Canada cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp cùng nhau để làm sáng tỏ những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc và kêu gọi công lý cho những người đang gặp khó khăn tại Tân Cương.

Trung Quốc đã chối bỏ các cáo buộc này và sau đó đã ngay lập tức đáp trả EU, Mỹ, Anh và Canada bằng các lệnh trừng phạt nhắm vào các nhà lập pháp, nhà ngoại giao đồng thời cấm các doanh nghiệp của Phương Tây làm ăn với Trung Quốc. (Reuters)

Hé lộ bức thư của ông Trump để lại cho Tổng thống Biden

Theo truyền thống từ các đời tổng thống Mỹ, ông Donald Trump trước khi rời Nhà Trắng đã để lại một bức thư cho người kế nghiệm Joe Biden. Ông tiết lộ những gì viết trong thư đều xuất phát từ tấm lòng. Bức thư dài hai trang được đặt trên bàn Resolute (bàn Kiên định) trong Phòng Bầu dục tại Nhà Trắng.

Ngày 22/3, cựu Tổng thống Trump đã chia sẻ một số thông điệp mà ông đã gửi đến cho người kế nhiệm.

“Về cơ bản, tôi chúc ông ấy may mắn. Mọi người biết đấy, bức thư dài vài trang và nó xuất phát từ tấm lòng của tôi, vì tôi mong muốn ông ấy đảm đương tốt trách nhiệm”, ông Trump cho hay.

Cũng trong buổi phỏng vấn, ông Trump tiếp tục khẳng định cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 là gian lận và không thừa nhận rằng mình đã bị đánh bại. (Independent)

Mỹ từ chối đề nghị gặp mặt trực tiếp của Nga

Bộ Ngoại giao Nga ngày 22/3 thông báo phía Mỹ đã khước từ lời đề nghị của Tổng thống Vladimir Putin về việc tổ chức đối thoại trực tiếp với người đồng cấp Mỹ Joe Biden trước đó.

"Chúng tôi lấy làm tiếc khi phải thông báo rằng phía Mỹ đã không ủng hộ đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc tổ chức cuộc nói chuyện với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 19 hoặc 22/3 dưới hình thức hội nghị trực tuyến công khai để thảo luận về một số vấn đề nảy sinh giữa hai nước, cũng như bàn về ổn định chiến lược”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.

Bộ Ngoại giao Nga đánh giá phía Washington đã bỏ lỡ một cơ hội quan trọng để tìm ra lối thoát cho sự bế tắc trong quan hệ Nga - Mỹ hiện nay, đồng thời nhấn mạnh rằng trách nhiệm đối với tình hình hiện tại hoàn toàn thuộc về phía Mỹ. (Sputnik)

Nga-Trung Quốc muốn phối hợp chống lại các thách thức từ Mỹ

Ngày 23/3, Trung Quốc và Nga xác nhận rằng họ sẽ tăng cường hợp tác để chống lại các nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng một nhóm nhằm kiềm chế sức mạnh quân sự và các hành vi vi phạm nhân quyền của họ.

Trong 2 ngày họp tại thành phố Quế Lâm (Trung Quốc), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov còn kêu gọi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden không can thiệp vào công việc nội bộ của 2 quốc gia này.

Hai bên cũng bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ giữa các quốc gia hữu hảo truyền thống gồm Trung Quốc, Nga và Triều Tiên trong nỗ lực chống lại áp lực chính trị do chính quyền Biden phát động hồi tháng 1.

Đặc biệt, sau hội đàm, Nga và Trung Quốc cho biết, họ muốn có một hội nghị thượng đỉnh gồm các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong bối cảnh trong bối cảnh bất ổn chính trị toàn cầu gia tăng. Moscow và Bắc Kinh cho rằng, bất ổn hiện này xuất phát từ cách hành xử mang tính “phá hoại” của Washington. (TASS)

Lãnh đạo Trung Quốc, Triều Tiên trao đổi thư, đẩy mạnh quan hệ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thông điệp tới Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, qua đó nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh muốn duy trì hoà bình và sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Đáp lại, ông Kim Jong-un cũng đã gửi thông điệp tới ông Tập Cận Bình rằng, Triều Tiên muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc, và bày tỏ hy vọng tình hữu nghị giữa hai nước sẽ được phát triển phù hợp với yêu cầu của thời đại và nguyện vọng đôi bên.

Tuyên bố bày tỏ mối quan hệ tương trợ này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Mỹ đã nhất trí với người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc rằng, họ cần cùng nhau đối phó trước sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực và mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. (Reuters)

Đại sứ Trung Quốc tại Pháp và Hà Lan bị triệu tập

Ngày 22/3, Bộ Ngoại giao Pháp đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Lư Sa Dã vì những chỉ trích của Bắc Kinh đối với nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, làm việc tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược của Pháp. Ông Bondaz bị Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp gọi là “kẻ táo tợn” do có quan điểm chỉ trích Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan.

Phát biểu trong buổi họp báo, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Agnes von der Muhll cho biết, Pháp đã đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc các quy tắc cơ bản được quy định trong Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao.

Theo bà von der Muhll, Trung Quốc không thể dùng cách tấn công vào tự do học thuật, tự do ngôn luận và các quyền tự do dân chủ cơ bản để đáp trả các mối quan ngại chính đáng của EU.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hà Lan thông báo, chính phủ nước này đã triệu Đại sứ Trung Quốc sau nghị sĩ Sjoerd Sjoerdsma nằm trong danh sách 10 cá nhân châu Âu bị Bắc Kinh trừng phạt liên quan tới tranh cãi giữa Trung Quốc-EU về vấn đề Tân Cương. (AFP)

Tình hình Myanmar: Chính quyền quân sự tung bằng chứng bà Aung San Suu Kyi tham nhũng

Ngày 23/3, trong một cuộc họp báo được phát trên truyền hình, chính quyền quân sự ở Myanmar đã phát hình ảnh về lời khai của cựu lãnh đạo thành phố Yangon Phyo Min Thein với cáo buộc bà Aung San Suu Kyi tham nhũng.

Chính quyền quân sự đã chiếu video lời khai của ông Phyo Min Thein, trong đó quan chức này thừa nhận đã nhiều lần đến thăm bà Aung San Suu Kyi cũng như đưa tiền cho bà "bất cứ khi nào cần".

Video còn cho thấy một thị trưởng ở thành phố Naypyitaw cáo buộc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã có hành vi gian lận bầu cử bằng cách "bịa đặt" ra cử tri, trong đó tăng gấp 3 lần số lượng ở một thị trấn.

Trong một động thái khác, phát ngôn viên của chính quyền quân sự Zaw Min Tun cho hay, lấy làm tiếc về "những mất mát của người biểu tình", thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, đồng thời cho biết, 9 thành viên của lực lượng an ninh đã thiệt mạng.

Ông Zaw Min Tun cho biết 164 người biểu tình đã thiệt mạng, nhưng cáo buộc người biểu tình chống đảo chính phá hoại tài sản trên diện rộng và gây ra tình trạng hỗn loạn. (Reuters)

Mỹ ủng hộ Philippines trong vấn đề Biển Đông

Ngày 23/3, Đại sứ quán Mỹ tại Philipines bày tỏ ủng hộ Manila trong một cuộc đối đầu mới với Bắc Kinh tại Biển Đông, trong đó Manila đang yêu cầu một đoàn tàu cá Trung Quốc rời Đá Ba Đầu (Manila gọi là Julian Felipe).

Trong một bản tuyên bố, Đại sứ quán Mỹ tại Philipines đã chia sẻ mối quan ngại của Philippines và cáo buộc Trung Quốc sử dụng "lực lượng dân quân biển nhằm hăm dọa, khiêu khích và đe dọa các quốc gia khác, làm suy yếu hòa bình và an ninh trong khu vực".

Đại sứ quán Mỹ nhấn mạnh: "Chúng tôi sát cánh với Philippines, đồng minh hiệp ước lâu đời nhất của chúng tôi ở châu Á”.

Trước đó, ngày 21/3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã yêu cầu khoảng 200 tàu Trung Quốc mà ông cho là tàu dân quân biển, phải rời Đá Ba Đầu (còn gọi là bãi san hô nông Whitsun), cách thị trấn Bataraza ở tỉnh Palawan, miền Tây Philippines, khoảng 324 km (175 hải lý) về phía Tây.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc giải thích rằng tàu thuyền của họ tại Đá Ba Đầu là “những tàu đánh cá” đang trú ẩn do thời tiết không thuận lợi. Bắc Kinh còn nói rằng "lâu nay, tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc vẫn đánh bắt hải sản gần rạn san hô này". (AP)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả