Tin thế giới 22/4: Nga ra lệnh rút quân ở biên giới Ukraine; Czech định khơi mào cuộc "sát phạt" khủng với Nga? Trung Quốc dọa trả đũa Australia
Căng thẳng Nga-Ukraine, Nga-Czech, Nga-Mỹ; căng thẳng Trung Quốc-Australia, vụ Navaly, tàu ngầm Indonesia mất tích... là một số tin thế giới nổi bật.
Nga-Ukraine:
Nga ra lệnh cho bắt đầu triển khai rút binh sĩ về căn cứ sau các cuộc diễn tập
Hãng thông tấn Nga RIA đưa tin, Moscow đã ra lệnh cho quân đội bắt đầu triển khai rút binh sĩ ở biên giới với Ukraine về các căn cứ thường xuyên trong nước từ ngày 23/4 sau các cuộc tập trận.
Trước đó, cùng ngày, hãng Interfax đưa tin, ngày 22/4, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã bắt đầu tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn ở Crimea và Biển Đen với sự tham gia của hơn 10.000 binh sĩ và hơn 40 tàu chiến.
Theo hãng thông tấn RIA, cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến Crimea để giám sát cuộc tập trận quy mô lớn sát biên giới Ukraine này.
Hãng tin Interfax dẫn lời Bộ trưởng Shoigu cho biết, đã đạt được các mục tiêu của "cuộc kiểm tra quân", hoàn thành các cuộc rà soát quân khu miền Nam và miền Tây của nước này.
Mặc dù vậy, ông Shoigu lưu ý, quân đội nước này phải sẵn sàng phản ứng nhanh chóng trong trường hợp có diễn biến "không thuận lợi" về tình hình gần các cuộc diễn tập Người bảo vệ châu Âu của NATO. (Reuters)
Kremlin phản hồi đề nghị tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Ukraine
Ngày 20/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi người đồng cấp Nga Vladimir Putin gặp mặt "ở bất cứ nơi nào tại vùng Donbass Ukraine, nơi đang có chiến tranh".
Đồng thời, nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố cứng rắn: "Ukraine sẽ không khơi mào chiến tranh trước, nhưng sẽ chiến đấu đến người cuối cùng".
Ngày 22/4, Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã biết về lời mời của Tổng thống Zelensky, nêu rõ, ông Putin sẽ phản hồi nếu thấy phù hợp. (Reuters)
Nga bắt giữ một người tình nghi làm gián điệp cho Ukraine tại Crimea
Hãng thông tấn RIA của Nga đưa tin, ngày 22/4, Cơ quan An ninh Liên bang Nga đã bắt giữ một người đàn ông bị tình nghi phản quốc ở thành phố Sevastopol của Crimea vì được cho là đã thu thập và chuyển các thông tin bí mật về Hạm đội Biển Đen của Nga cho cơ quan tình báo quân sự Ukraine.
Tuy nhiên, phía Nga chưa công khai danh tính của người đàn ông này. (Reuters)
Vụ Navalny: Người biểu tình tiếp tục xuống đường, Pháp cảnh báo trừng phạt Nga
Ngày 22/4, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cảnh báo, Liên minh châu Âu (EU) sẽ buộc Tổng thống Vladimir Putin và giới chức Nga phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu nhân vật chỉ trích Điện Kremlin Alexei Navalny tuyệt thực qua đời và sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới.
Trong diễn biến liên quan tình hình biểu tình ủng hộ ông Navalny, cảnh sát Nga đã bắt giữ gần 1.800 người trên khắp nước Nga.
Được biết, các cuộc biểu tình ủng hộ ông Navalny đã nổ ra tại hàng chục thành phố của Nga, với các cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra ở thủ đô Moscow. Hàng nghìn người biểu tình đã đổ xuống đường đòi trả tự do và sự chăm sóc y tế thích hợp cho ông Navalny, người đã tuyệt thực trong 3 tuần qua.
Tuy nhiên, Điện Kremlin đã bày tỏ sự coi nhẹ các cuộc biểu tình này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên trong ngày 22/4 rằng, ông thấy "không có lý do gì" để phải đưa ra bình luận về các cuộc biểu tình. (France 24, Reuters)
Nga-Czech: Prague để ngỏ khả năng trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga
Ngày 22/4, trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi có bao nhiêu nhân viên của Đại sứ quán Nga sẽ phải rời Prague, tân Ngoại trưởng Cộng hòa Czech Jakub Kulhanek đáp: "Khoảng 60 người. Mục tiêu của chúng tôi là làm sao cân bằng về số lượng nhân viên hiện tại trong đại sứ quán của chúng tôi ở Moscow".
Trước đó, Prague đã ra tối hậu thư cho Nga yêu cầu để 20 nhân viên ngoại giao của Czech bị Moscow ra lệnh trục xuất được quay lại làm việc trong chiều cùng ngày nếu không muốn chịu đòn đáp trả tiếp theo. Trong khi đó, Nga tuyên bố sẵn sàng đáp trả mọi hành động của Czech. (Sputnik)
Nga-Mỹ: Nga chính thức đáp trả việc Mỹ trục xuất các nhà ngoại giao
Ngày 21/4, Nga đã yêu cầu 10 nhà ngoại giao Mỹ rời khỏi Nga vào ngày 21/5.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Biện pháp này là kết quả của một phản ứng 'đối chiếu' những hành động thù địch của phía Mỹ nhằm vào một số nhân viên Đại sứ quán Nga ở Washington và Tổng lãnh sự quán Nga ở New York". (AFP)
Tàu ngầm Indonesia mất tích: Lượng oxy trên tàu chỉ đủ duy trì 72 giờ nữa
Cũng theo hãng tin này, 6 tàu chiến, 1 trực thăng và 400 người đã tham gia cuộc tìm kiếm. Singapore, Malaysia đã điều tàu cứu hộ tới giúp đỡ, trong khi Mỹ, Australia, Pháp và Đức cũng đã đưa ra đề nghị hỗ trợ Indonesia.
Trong khi đó, Ấn Độ đã điều tàu cứu hộ lặn sâu của Hải quân nước này hỗ trợ xác định vị trí tàu ngầm bị mất tích.
Trước đó, kênh truyền hình CNN dẫn một tuyên bố của Hải quân Indonesia cho biết, có thể tàu ngầm KRI Nanggala-402 đã mất điện toàn bộ khi đang lặn tĩnh tại vùng biển Bali, khiến con tàu mất kiểm soát và không thể thực hiện các quy trình khẩn cấp và chìm xuống độ sâu 600-700 mét.
Ngoài ra, Hải quân Indonesia cũng cho biết đã phát hiện các vệt dầu loang quanh khu vực nghi là vị trí tàu đắm. Do vậy, có thể đã xảy ra hư hỏng đối với thùng nhiên liệu do áp lực của nước biển. (BBC, CNN)
Mỹ-Trung Quốc: Trung Quốc bất bình với dự luật mới của Mỹ, kêu gọi đi đúng hướng
Ngày 22/4, người phát ngôn Ban Đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc You Wenze bày tỏ bất bình và kiên quyết phản đối việc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua dự thảo Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021.
Theo người phát ngôn, dự luật của Mỹ chứa đầy tâm lý Chiến tranh Lạnh và thành kiến về ý thức hệ, đồng thời vô cớ xuyên tạc và nhắm vào các chiến lược phát triển cũng như các chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc.
Theo ông này, dự luật của Mỹ can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Trong khi đó, cùng ngày, trong cuộc phỏng vấn độc quyền với AP, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành nói rằng, quan hệ Trung Quốc-Mỹ nên được đưa trở lại đúng hướng.
Ông Lạc cho rằng, đối với hai cường quốc như Trung Quốc và Mỹ, sự cạnh tranh có thể là điều không thể tránh khỏi song phải cạnh tranh phải lành mạnh, đồng thời kêu gọi không nên để sự cạnh tranh trở thành một trò chơi "được-mất", nói rằng Mỹ-Trung cần cố gắng hết sức để mở rộng hợp tác vì điều đó có lợi cho cả hai bên.
Quan chức Trung Quốc này lưu ý, đối phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế là hai lĩnh vực mà sự hợp tác giữa Trung Quốc-Mỹ có thể cực kỳ quan trọng. (THX)
Australia-Trung Quốc:
Trong bình luận chính thức đầu tiên của chính phủ Trung Quốc kể từ khi Australia thông báo quyết định hủy bỏ thỏa thuận tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của bang Victoria vào tối 21/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố, động thái này sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Canberra và Bắc Kinh.
Lưu ý Australia là quốc gia đầu tiên hủy bỏ một thỏa thuận BRI đã ký, ông Uông nói rằng, Trung Quốc kêu gọi Australia ngay lập tức sửa chữa sai lầm của mình, thu hồi ngay quyết định sai lầm và "không tiếp tục xát muối vào vết thương của mối quan hệ Trung Quốc-Australia vốn đã căng thẳng".
Ông Uông lưu ý, nếu Australia không làm điều đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả một cách kiên quyết và mạnh mẽ.
Trong khi đó, phát biểu trên đài ABC sáng cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne lên tiếng bảo vệ quyết định của Canberra, khẳng định động thái này không nhằm mục đích làm tổn hại đến mối quan hệ của Australia với bất kỳ quốc gia nào và sẽ tiếp tục coi trọng cam kết hợp tác với Trung Quốc. (THX, ABC News)
Bất ổn ở CH Chad
Tổng thống Cộng hòa Chad từ trần, con trai lên thay thế
Ngày 20/4, người phát ngôn quân đội Cộng hòa Chad cho hay, Tổng thống nước này Idriss Déby, vừa mới giành được đa số phiếu bầu trong vòng bầu cử Tổng thống đầu tiên hôm 11/4, đã từ trần vì những vết thương trên tuyến đầu.
Ngày 21/4, Văn phòng Tổng thống Chad cho biết, Tướng Mahamat Idriss Déby Itno, 37 tuổi, một trong những người con trai của cố Tổng thống Idriss Deby Itno sẽ thay cha “làm nhiệm vụ của Tổng thống Chad”, đồng thời là người đứng đầu các lực lượng vũ trang. (AFP, Reuters)
Anh, Mỹ, Pháp lên tiếng
Ngày 20/4, sau khi Tổng thống Idriss Deby Itno qua đời, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu rõ, Washington mong muốn được chứng kiến tiến trình chuyển tiếp ở Cộng hòa Chad diễn ra một cách phù hợp với hiến pháp của quốc gia châu Phi này.
Trong khi đó, ngày 22/4, Anh đã lên án vụ "sát hại Tổng thống Deby" và kêu gọi chấm dứt bạo lực, tập trung vào tiến trình chuyển tiếp sang chế độ dân sự và hợp hiến"
Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, chính phủ Pháp lo ngại về ổn định chính trị tại Chad sau cái chết đột ngột của cố Tổng thống Deby nhưng không cho rằng, các nhà lãnh đạo mới của nước này sẽ rút khỏi cuộc chiến chống các phần tử Hồi giáo cực đoan tại khu vực Sahel. (AFP, Reuters)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận