Tin thế giới 19/4: Nga nói Mỹ gửi "tấm vé sang bên kia thế giới" cho Navalny; Anh sắp động tay ở Biển Đen; Lý do Thủ tướng Anh hủy thăm Ấn Độ
Căng thẳng quốc tế và đối đáp Nga-Mỹ quanh vụ Navalny, Nga-Ukraine, Biển Đen, Nga-Czech ăn miếng trả miếng... là một số tin thế giới nổi bật.
Vụ Navalny:
Mỹ cảnh cáo 'nếu Navalny chết...', Nga đáp trả 'thư tiễn biệt à?'
Ngày 19/4, sau khi có các thông tin nói rằng sức khỏe của nhân vật chỉ trích Điện Kremlin Alexei Navalny đang trong tình trạng nguy kịch, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay, nước này đã thông báo với chính phủ Nga rằng những gì xảy ra với ông Navalny khi bị giam giữ "sẽ là trách nhiệm của Nga và họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế".
Mặc dù không nói cụ thể về việc Mỹ và các đồng minh sẽ hành động như thế nào trong trường hợp ông Navalny tử vong trong tù, song ông Sullivan cho biết, nước này đang xem xét nhiều biện pháp khác nhau và "sẽ có hậu quả nếu ông Navalny chết".
Đáp trả cảnh báo của ông Sullivan, ngày 19/4, nghị sĩ Duma Quốc gia Nga Ruslan Balbek cho rằng, đây chẳng khác nào gửi tới nhân vật đối lập Nga "một bức thư tiễn biệt", là "tấm vé sang thế giới bên kia", mục đích là "để làm hại Nga".
Nghị sĩ trên nói thêm rằng, ông sẽ không ngạc nhiên nếu ông Navalny sẽ "trở mặt", đổi lấy việc đảm bảo tính mạng bằng cách "tiết lộ một vài điều về sự hợp tác của ông này với Mỹ" cho cơ quan điều tra Nga. (Politico, Sputnik)
Nga chuyển ông Navalny đến bệnh viện
Ngày 19/4, Nga thông báo đã chuyển ông Navalny tới bệnh viện chuyên dành cho các tù nhân, đồng thời khẳng định, sức khỏe của chính trị gia 44 tuổi này vẫn ổn định và được các bác sĩ kiểm tra hàng ngày.
Ông Navalny, hiện đang thực thi án 3,5 năm tù vì vi phạm các điều khoản của án treo về tội tham ô năm 2014, bắt đầu tuyệt thực từ ngày 31/3 nhằm đòi quyền điều trị tích cực bệnh đau lưng và tê chân tay.
Cùng ngày, Bộ Nội vụ Nga kêu gọi người dân không tham gia các cuộc biểu tình đã lên kế hoạch trong tuần này để ủng hộ Navalny.
Cơ quan này cảnh báo “bất kỳ hành động gây hấn nào của những người tham gia các cuộc biểu tình trái phép, đặc biệt là các nỗ lực kích động xung đột với lực lượng thực thi pháp luật, đều sẽ bị coi là đe dọa an ninh công cộng và bị đàn áp ngay lập tức”. (Reuters)
Nga-Ukraine:
Máy bay chiến đấu Nga ồ ạt đổ bộ Crimea
Ngày 17/4, hãng tin TASS dẫn nguồn tin từ cơ quan báo chí của Quân khu phía nam Liên bang Nga cho biết, Moscow đã triển khai hơn 50 máy bay chiến đấu - là các phi hành đoàn thuộc đơn vị không quân Su-25SM3 của Lực lượng Phòng không và Không lực 4 thuộc Quân khu này, đóng tại Stavropol - đến các sân bay quân sự ở Crimea.
Trong khi đó, phi đội Su-25SM3 đóng tại Crimea đã được chuyển tới bãi thử Ashuluk tại vùng Astrakhan của Nga.
Hoạt động luân chuyển máy bay chiến đấu này là một phần trong quá trình kiểm tra của quân đội Nga.
Trước đó, hôm 15/4, Nga thông báo sẽ chặn eo biển Kerch trong 6 tháng để tập trận quân sự. Nga cũng đưa 15 tàu chiến từ Biển Caspian tới Biển Đen vào tuần trước. (TASS)
Anh chuẩn bị "động tay" ở Biển Đen?
Tờ Times dẫn các nguồn tin trong Hải quân Hoàng gia Anh cho hay, nước này sẽ cử một tàu khu trục và khinh hạm chống ngầm - tách từ nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Hoàng gia ở Địa Trung Hải - đến Biển Đen vào tháng 5 để thể hiện tình đoàn kết với Ukraine và các đồng minh NATO trong khu vực.
Theo Times, các máy bay chiến đấu F-35 và trực thăng Merlin trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ sẵn sàng bay đến viện trợ trong trường hợp có mối đe dọa từ tàu, tàu ngầm hoặc máy bay của Nga.
Tàu HMS Queen Elizabeth sẽ ở lại Địa Trung Hải do lệnh cấm đi vào Biển Đen.
Một nguồn tin Hải quân Anh nói với tờ Times rằng, London ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời kêu gọi Nga giảm leo thang.
Trước đây, Mỹ đã lên kế hoạch đưa các tàu khu trục Roosevelt và Donald Cook đến Biển Đen, tuy nhiên, hoạt động này sau đó đã bị hủy. (Sputnik)
Nga-EU:
Nga tuyên bố tiếp tục trả đũa mọi lệnh trừng phạt
Ngày 19/4, Điện Kremlin tuyên bố, Nga sẽ tiếp tục đáp trả tương xứng nếu bị áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt, sau hàng loạt động thái từ Mỹ và các nước ở châu Âu.
Phát biểu với phóng viên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Nguyên tắc có đi có lại là tọa độ tuyệt đối. Những quyết định trả đũa này sẽ tiếp tục được thực hiện nếu động thái tương tự vẫn tiếp tục". (Reuters)
Czech thừa nhận phản ứng đáp trả ngoại giao của Nga mạnh hơn dự kiến
Ngày 19/4, sau đòn đáp trả của Moscow với việc Prague trục xuất 18 nhà ngoại giao Nga, quyền Ngoại trưởng Czech Jan Hamacek cho rằng, việc Nga trục xuất 20 nhân viên Đại sứ quán Czech là sự đáp trả mạnh hơn dự kiến, với số nhân viên ngoại giao bị trục xuất nhiều hơn.
Ông Hamacek cho biết sẽ gặp Thủ tướng Andrej Babis để thảo luận về các biện pháp tiếp theo.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Czech cũng nêu rõ, đã yêu cầu ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ tình đoàn kết với Czech.
Trước đó, Anh, Mỹ, Ba Lan và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương cũng đã lên tiếng bày tỏ ủng hộ Prague trong "trận chiến" này . (Reuters)
Tổng thống Pháp đề nghị xác định "ranh giới đỏ" với Nga
Ngày 18/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, các cường quốc trên thế giới nên xác định "rõ ràng ranh giới đỏ" với Nga.
Ông Macron nhắc đến việc Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3/2014 như một thời kỳ mà chính sách ngoại giao của phương Tây đã quá dễ dãi, cho rằng " đó là sự thất bại của một cách tiếp cận ngây thơ đối với Nga". (AFP)
Hòa bình Afghanistan:
Nổ bom khiến gần 20 phiến quân Taliban thiệt mạng ở Afghanistan
Ngày 18/4, Bộ Quốc phòng Afghanistan thông báo, ít nhất 17 tay súng thuộc phong trào Hồi giáo Taliban đã thiệt mạng trong một vụ nổ ở một nhà máy chế tạo bom do lực lượng này kiểm soát ở tỉnh Ghazni, miền Nam Afghanistan.
Theo thông báo, vụ việc xảy ra tại huyện Qarabagh, nằm ở phía Đông Nam trung tâm hành chính tỉnh này. Một đối tượng gián điệp chủ chốt của Taliban được cho nằm trong số những người thiệt mạng. (Sputnik)
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định không còn mối đe dọa khủng bố ở Afghanistan
Ngày 18/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lên tiếng bảo vệ quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden rút quân khỏi Afghanistan.
Trả lời phỏng vấn trong chương trình This Week trên đài ABC của Mỹ, Ngoại trưởng Blinken cho biết, Mỹ đã đạt được các mục tiêu đề ra, theo đó mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda đã bị suy yếu đáng kể và hiện không còn khả năng tấn công nước Mỹ từ Afghanistan.
Trong khi đó, Mỹ có những ưu tiên quan trọng khác trong chương trình nghị sự cần tập trung nguồn lực như mối quan hệ với Trung Quốc, ứng phó với biến đổi khí hậu và chống dịch Covid-19. (Aljazeera)
Iran hoan nghênh đối thoại với Saudi Arabia
Truyền thông quốc tế đưa tin, một quan chức cấp cao của Iran và hai nguồn tin trong khu vực nói rằng, trong tháng này, các quan chức Saudi Arabia và Iran đã tổ chức cuộc thảo luận tại Iraq nhằm xoa dịu căng thẳng, trong bối cảnh Iran và Saudi Arabia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 2016 và can dự một số cuộc chiến tranh ủy nhiệm trong khu vực do họ tranh giành ảnh hưởng.
Ngày 19/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết, Tehran luôn hoan nghênh đối thoại với Saudi Arabia, nhưng ông không xác nhận hay phủ nhận cuộc đàm phán trực tiếp giữa 2 đối thủ không đội trời chung này.
Theo ông Khatibzadeh, điều này có lợi cho người dân hai nước cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực".
Hiện giới chức Saudi Arabia chưa phản hồi gì khi được đề nghị bình luận về cuộc đàm phán trên (Reuters)
Covid-19: Ấn Độ phong tỏa thủ đô, Thủ tướng Anh hủy chuyến công du
Từ đêm 19/4, thủ đô New Delhi của Ấn Độ sẽ phải áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trong 6 ngày, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến tệ, với hơn 250.000 ca mới mỗi ngày trên cả nước trong tuần qua.
Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Anh thông báo: "Trước tình hình Covid-19 hiện tại, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ không thể tới Ấn Độ vào tuần tới".
Theo thông báo, lãnh đạo hai nước sẽ có bài phát biểu trong tháng này "để nhất trí và bắt đầu những kế hoạch đầy tham vọng của họ cho quan hệ đối tác tương lai giữa Anh và Ấn Độ". (Reuters)
Mỹ rút bớt nhân viên ngoại giao khỏi CH Chad
Ngày 18/4, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu nhiều nhà ngoại giao không giữ vai trò trọng yếu tại Đại sứ quán Mỹ ở CH Chad rời khỏi quốc gia châu Phi này.
Trong một cảnh báo đi lại, bộ trên nhấn mạnh: "Các nhóm vũ trang phi chính phủ tại miền Bắc Chad đã di chuyển xuống phía Nam và nhiều khả năng đang hướng tới N'Djamena. Do vị trí của họ ngày càng gần với N'Djamena và khả năng xảy ra bạo lực trong thành phố, các nhân viên không thiết yếu của chính phủ Mỹ đã được yêu cầu rời khỏi Chad bằng các hãng hàng không thương mại".
Ngoài những nhân viên không thiết yếu, bộ trên cũng yêu cầu gia đình của các nhân viên Mỹ làm việc tại đây rời đi do các nhóm vũ trang dường như đang di chuyển hướng tới N'Djamena
Từ lâu, bộ này đã cảnh báo công dân Mỹ không nên đến Chad vì tình hình bất ổn và sự hiện diện của nhóm thánh chiến Boko Haram. (AP)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận