Tin thế giới 19/1: Điều "đáng tự hào" của chính quyền ông Trump; Mỹ-Trung khẩu chiến vì SARS-CoV-2; Nga phớt lờ phương Tây, không ngán biểu tình
Lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Trump trước ngày rời Nhà Trắng, điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2... là một số tin thế giới nổi bật 24 giờ qua.
Phó Tổng thống Mỹ Pence nói về niềm tự hào với chính quyền sắp mãn nhiệm
Hồi cuối tuần, trên Twitter, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói rằng: “Tôi tự hào thông báo, khi chỉ còn vài ngày nữa chính quyền của chúng tôi sẽ kết thúc, rằng chúng tôi là chính quyền đầu tiên trong nhiều thập kỷ không đẩy Mỹ vào một cuộc chiến tranh mới. Đó là hòa bình thông qua sức mạnh”.
Hồi tháng 12 năm ngoái, tờ Forbes cũng đăng tải bài báo có nội dung: “Bất kể bạn cảm thấy thế nào về nhiệm kì của ông Trump, thì ông ấy đã làm được nhiều điều để thay đổi xu hướng quân sự của Mỹ trong vòng 4 năm.”
Trong khi đó, Fox News cho rằng, động thái ngồi vào bàn đàm phán với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un của ông Trump vẫn được coi là nỗ lực chân thành cho một bước đột phá ngoại giao. (Fox News)
Lời tạm biệt của Đệ nhất phu nhân Melania Trump
Ngày 18/1, Đệ nhất phu nhân Melania Trump gửi gắm thông điệp chia tay qua một video phát biểu dài gần 7 phút, khi nhiệm kỳ của ông Trump chỉ còn chưa đầy 48 giờ nữa.
"Bốn năm qua là quãng thời gian không thể quên. Tôi và Tổng thống Trump chuẩn bị kết thúc quãng thời gian trong Nhà Trắng, tôi nghĩ đến tất cả mọi người và những câu chuyện về tình yêu, lòng ái quốc và sự tận tâm của họ", bà Melania nói.
Trong thông điệp, dù không trực tiếp đề cập đến vụ bạo loạn ở trụ sở quốc hội hôm 6/1, nhưng bà Melania đã lên án bạo lực nói chung: "Hãy làm việc bằng sự đam mê, nhưng luôn nhớ rằng bạo lực không bao giờ là câu trả lời, không bao giờ được chấp nhận".
Trong video, bà Melania cũng đề cập chiến dịch "Be Best" mà bà khởi xướng trong những năm qua: "Tôi kêu gọi mọi người Mỹ hãy là đại sứ của Be Best để tập trung vào điều giúp gắn kết chúng ta, để vượt lên trên những gì chia rẽ chúng ta và để luôn luôn lựa chọn yêu thương thay vì thù hận, hòa bình thay vì bạo lực". (New York Post)
Lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ: Lầu Năm Góc 'tung' lực lượng hấn luyện đặc biệt
Ngày 18/1, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo, 750 thành viên được huấn luyện đặc biệt của quân đội Mỹ - bao gồm các thành viên được đào tạo để thực hiện các nhiệm vụ phát hiện, khử trùng sau các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, sinh học, hạt nhân, phóng xạ và chất nổ - đã được triển khai tới thủ đô Washington DC.
Các thành viên khác cũng tham gia hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ của quốc hội Mỹ trong việc thực hiện các xét nghiệm Covid-19 đối với những người tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden vào ngày 20/1.
Ngoài ra, 2.000 quân nhân cũng được triển khai để hỗ trợ cho lễ nhậm chức. (Politico)
Ông Trump cấm mua máy bay không người lái của Nga và Trung Quốc
Ngày 18/1 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành một sắc lệnh hành pháp cấm mua các hệ thống máy bay không người lái từ “các nước đối thủ” như Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.
Sắc lệnh mới nêu rõ, việc phụ thuộc vào máy bay không người lái do các nước trên sản xuất sẽ đe dọa an ninh quốc gia và an ninh kinh tế của Mỹ.
Chính sách mới của Mỹ nhằm mục đích tránh mua các máy bay không người lái tiềm ẩn “các nguy cơ không chấp nhận được”, được sản xuất bởi các đối thủ nước ngoài, chứa các phần mềm hoặc các thành phần điện tử của các nước đối thủ.
Sắc lệnh này cũng khuyến khích việc sử dụng các máy bay không người lái do Mỹ sản xuất. (TASS)
Mỹ-Trung Quốc khẩu chiến về nguồn gốc SARS-CoV-2
Ngày 15/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố nhận được "các thông tin tình báo mới nhất" về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19, trong đó tiếp tục cho rằng, SARS-CoV-2 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán và là sản phẩm của con người.
Ông Pompeo cũng cáo buộc “Bắc Kinh tiếp tục che giấu các thông tin quan trọng mà các nhà khoa học cần để bảo vệ thế giới khỏi Covid-19 chết người".
Phản ứng lại các cáo buộc này, ngày 18/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho đây "toàn là những thuyết âm mưu và những lời dối trá" vô căn cứ nhằm "cố hết sức để đổ lỗi cho các nước khác". (The Sun, THX)
Vụ Navalny: Nga phớt lờ phương Tây
Ngày 19/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga sẽ không quan tâm đến việc một số nước phương Tây kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Moscow liên quan việc bắt giữ chính trị gia đối lập Alexei Navalny.
Ông Peskov đồng thời nhấn mạnh, đây hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Nga.
Về việc ông Navalny kêu gọi người dân Nga xuống đường biểu tình, người phát ngôn Peskov cho biết, đây là động thái đáng báo động, nhưng khẳng định, Điện Kremlin không lo ngại các cuộc biểu tình lớn.
Trong khi đó, luật sư của ông này cho biết, Ủy ban Điều tra Nga, chuyên các vụ án lớn, đã mở cuộc điều tra chính trị gia đối lập này tội phỉ báng vì "làm mất danh dự và nhân phẩm" của các cựu chiến binh trong Thế chiến 2 với những lời lẽ như "nỗi xấu hổ của đất nước", "những người không có lương tâm" và "những kẻ phản bội". (Reuters, AFP)
Israel-Palestine: LHQ kêu gọi Israel chấm dứt xây nhà định cư mới tại Bờ Tây
Ngày 18/1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã hối thúc Israel dừng và hủy bỏ quyết định xây gần 800 nhà định cư mới tại khu Bờ Tây bị chiếm đóng.
Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh, quyết định trên của Israel là trở ngại lớn đối với việc đạt được giải pháp hai nhà nước cũng như nền hòa bình công bằng, lâu dài và toàn diện tại Trung Đông.
Ông Guterres nêu rõ, việc thành lập các khu định cư của Israel tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng kể từ năm 1967, bao gồm Đông Jerusalem, không có giá trị pháp lý và là hành động vi phạm rõ ràng theo luật quốc tế.
Trong khi đó, Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh cho rằng, động thái của Israel thể hiện nước này đang chạy đua với thời gian để xây thêm khu định cư trước khi Tổng thống Trump hết nhiệm kỳ.
Ông Shtayyeh kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối các khu định cư của Israel đồng thời chia sẻ trách nhiệm bảo vệ giải pháp hai nhà nước. (AFP)
Iran tập trận bộ binh, Qatar kêu gọi các nước vùng Vịnh hòa giải với Tehran
Ngày 19/1, kênh truyền hình quốc gia Iran đưa tin, quân đội nước này, bao gồm các đơn vị biệt kích và bộ binh đổ bộ đường không đã tham gia cuộc tập trận trên bộ thường niên dọc theo bờ biển Vịnh Oman cùng với sự tham gia của các máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay vận tải quân sự.
Đây là cuộc tập trận mới nhất trong một loạt các cuộc tập trận nhanh mà nước này đang tiến hành trong bối cảnh căng thẳng leo thang về chương trình hạt nhân và áp lực từ chiến dịch của Washington chống lại Tehran.
Cùng ngày, Qatar đã kêu gọi các quốc gia Arab vùng Vịnh tổ chức đàm phán với Iran, sau khi Doha hòa giải với Tehran. (AP, AFP)
Belarus-EU: Minsk chỉ trích các lệnh trừng phạt của EU
Ngày 18/1, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Belarus Sergei Aleinik đã chỉ trích các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) tại cuộc gặp với Trưởng đại diện EU tại Belarus Dirk Schuebel.
Tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận về thực trạng và triển vọng hợp tác giữa Belarus và EU. Ông Sergei Aleinik cho rằng, các lệnh trừng phạt của EU với Belarus, đặc biệt là đối với công dân và công ty Belarus là "không mang tính xây dựng".
Phía Belarus nhấn mạnh rằng, nước này có lợi ích trong việc thúc đẩy hợp tác với EU dựa trên các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và láng giềng tốt. (Belta)
Đức nỗ lực thúc đẩy quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU
Ngày 18/1, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã tới Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận với người đồng cấp nước này Mevlut Cavusoglu về những bất đồng giữa Ankara với Hy Lạp.
Phát biểu sau cuộc gặp ông Maas, Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết, đã có "bầu không khí tích cực" cho mối quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày gần đây và Ankara luôn sẵn sàng đối thoại với Hy Lạp mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết.
Trong khi đó, theo Ngoại trưởng Maas, với việc thông báo tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Ankara và Athens, cánh cửa cho một giải pháp ngoại giao vốn đóng lại từ năm 2016 đang hé mở trở lại.
Ông nhận định các tranh chấp rất phức tạp nhưng không phải không thể giải quyết, đồng thời cho rằng dù tiến trình giải quyết không dễ dàng, song khi cả hai bên tiếp cận đàm phán với ý định nghiêm túc thì sẽ có thể tìm kiếm được một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột hiện nay.
Ngoại trưởng Đức cũng kỳ vọng mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng cần phải tận dụng mọi "khả năng và tiềm năng" để thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai bên. (TTXVN)
Tổng thống Moldova thúc đẩy hợp tác với EU
Ngày 18/1, theo Đài phát thanh quốc tế Romania, Tổng thống Moldova Maia Sandu, vốn thân phương Tây, đang có chuyến thăm 2 ngày tới Brussels để thiết lập lại quan hệ với EU, mối quan hệ vốn đã bị ảnh hưởng bởi chính sách của người tiền nhiệm thân Nga Igor Dodon.
Trong chuyến thăm, bà Sandu sẽ gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel và đại diện Chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell, Ủy viên Hành chính và Ngân sách Châu Âu Johannes Hahn, cũng như với Chủ tịch Nghị viện châu Âu David-Maria Sassoli. (THX)
Nhà lãnh đạo Triều Tiêu kêu gọi Nội các coi người dân như 'Chúa trời"
Ngày 19/1, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un đã kêu gọi các thành viên mới được bổ nhiệm của Nội các và đảng Lao động cầm quyền hãy cống hiến cho đất nước và phục vụ người dân như "Chúa trời".
Ông Kim cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của "sự tận tâm và dũng cảm" của các thành viên Nội các phụ trách vấn đề kinh tế trong việc đạt được kế hoạch kinh tế 5 năm đã được nêu ra tại đại hội đảng và hối thúc họ tạo ra "những thay đổi lớn lao". (Yonhap)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận