Tin thế giới 18/3: Tổng thống Mỹ khiến Nga nổi giận; thêm cáo buộc tội danh mới với bà San Suu Kyi; Trung Quốc nói gì về hội đàm với Mỹ?
Kỳ vọng gì vào hội đàm Mỹ-Trung? Mỹ-Hàn được thắt chặt, Nga-Mỹ trục trặc, Tổng thống Tanzania qua đời... là những sự kiện thế giới nổi bật.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ: Không quá kỳ vọng và ảo tưởng về cuộc gặp ở Alaska
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho rằng Bắc Kinh không kỳ vọng nhiều vào cuộc gặp giữa các quan chức cấp cao hai nước ngày 18-19/3 tại Alaska.
Cuộc gặp giữa các quan chức cao cấp Trung Quốc và Mỹ diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước xấu đi trong một thời gian dài dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, bao gồm việc áp đặt hạn chế thị thực lẫn nhau, áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại và công nghệ.
Đại sứ Thôi Thiên Khải cho biết, chính phủ Trung Quốc "không mong đợi giải quyết tất cả các vấn đề trong một cuộc đối thoại", “không quá kỳ vọng và ảo tưởng”.
Viết trên Twitter cá nhân hôm 17/3, ông Thôi Thiên Khải cho rằng cuộc gặp ở Alaska nên là sự khởi đầu của cuộc liên lạc song phương mang tính xây dựng. “Sức ép và lệnh cấm vận đơn phương chỉ dẫn tới ngõ cụt”, ông Thôi viết.
Trong khi đó, ngày 18/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, trong cuộc đối thoại Trung-Mỹ, hai bên có thể thảo luận bất kỳ vấn đề nào cùng quan tâm, trong đó có cả hoạt động trao đổi cấp cao. (Reuters)
Có gì trong hội đàm 2+2 của Mỹ-Hàn Quốc?
Sáng 18/3, Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành cuộc gặp 2+2 giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng tại Seoul để thảo luận về một chiến lược chung đối với Triều Tiên, cũng như nỗ lực chung để củng cố liên minh và các vấn đề khác.
Tham gia cuộc họp có Ngoại trưởng Chung Eui-yong và Bộ trưởng Quốc phòng Suh Wook của Hàn Quốc cùng Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin của Mỹ.
Hai bên đã đưa ra tuyên bố chung sau khi kết thúc cuộc hội đàm 2+2, trong đó cam kết coi chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên là ưu tiên của liên minh Hàn-Mỹ. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Mỹ và Hàn Quốc cũng cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ trong tất cả các vấn đề liên quan Bán đảo Triều Tiên.
Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác 3 bên với Nhật Bản, cam kết “tiếp tục đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi và hướng tới tương lai vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực”.
Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mô tả chuyến công du của hai nhân vật đứng đầu ngành ngoại giao và quốc phòng Mỹ đến Đông Bắc Á cho thấy cam kết mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với liên minh Hàn-Mỹ. (Yonhap)
Triều Tiên ra điều kiện trở lại đàm phán với Mỹ
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui cho biết, Bình Nhưỡng sẽ không đáp lại những lời mời trở lại đàm phán hạt nhân với Mỹ cho đến khi Washington từ bỏ "các chính sách thù địch".
"Chúng tôi muốn tuyên bố lập trường là không có cuộc tiếp xúc và đối thoại giữa Triều Tiên và Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào, trừ khi Washington từ bỏ chính sách thù địch ", Thứ trưởng Choe Son Hui nói.
Theo Thứ trưởng Choe, chính quyền Mỹ đã bắt đầu liên lạc với Triều Tiên từ tháng 2 qua kênh e-mail, cuộc gọi và tin nhắn trực tiếp tới giới chức nước này hoặc qua một quốc gia thứ ba, tuy nhiên, Bình Nhưỡng chỉ coi đây là một "mánh khóe rẻ tiền" để tạo sự chú ý của dư luận. (Yonhap)
Nga triệu đại sứ về nước, muốn Mỹ xin lỗi
Ngày 17/3, Bộ Ngoại giao Nga thông báo: “Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov, đã được mời về Moscow để tham vấn với mục đích phân tích những gì nên làm và phạm vi thực hiện trong quan hệ với Mỹ”.
Thông báo nhấn mạnh, Moscow mong muốn ngăn tình trạng “xấu đi đến mức không thể đảo ngược được” trong quan hệ song phương.
Thông cáo được đưa ra sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố Moscow sẽ phải “trả giá” vì can thiệp vào những cuộc bầu cử của Mỹ và ông nhất trí với đánh giá cho rằng người đồng cấp Nga Vladimir Putin là “kẻ sát nhân”.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin đã lên tiếng phản pháo động thái của Tổng thống Biden, cho rằng ông chủ Nhà Trắng "xúc phạm công dân Nga", nhấn mạnh rằng, "tấn công ông Putin là "tấn công vào đất nước Nga".
Theo Reuters, Phó chủ tịch Thượng viện Nga Konstantin Kosachyov nói, bình luận của ông Biden là không thể chấp nhận được, khẳng định phát ngôn này chắc chắn sẽ làm xấu thêm mối quan hệ Mỹ - Nga vốn đã tồi tệ.
“Tôi nghi ngờ đây không phải là động thái cuối cùng của Nga nếu không có lời giải thích hay lời xin lỗi nào từ phía Mỹ”, ông Kosachyov viết trên Facebook ngày 18/3. (Reuters/TASS)
Ngoại trưởng Nga chuẩn bị sang Trung Quốc
Ngày 18/3 tại thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên thông báo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ công du Trung Quốc từ ngày 22-23/3.
Nhà ngoại giao hàng đầu Nga sẽ đến Bắc Kinh theo lời mời của Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng nước chủ nhà Vương Nghị. (THX)
Bà Aung San Suu Kyi đối mặt với án tù 15 năm
Theo đài truyền hình nhà nước MRTV, chính quyền quân sự Myanmar cáo buộc bà Suu Kyi vi phạm luật chống tham nhũng, có nguy cơ đối mặt tối đa 15 năm tù. Trước đó, bà Suu Kyi bị cáo buộc 4 tội danh khác.
Ông Weik hối lộ bà Suu Kyi để những dự án của ông được suôn sẻ, nói rằng không có nhân chứng nào trong vụ việc này.
Trước đó, quân đội Myanmar cáo buộc bà Suu Kyi vi phạm Luật Xuất nhập khẩu, Luật quản lý thiên tai, Luật Viễn thông và Kích động theo một điều trong bộ luật thời thuộc địa. (Reuters)
Tổng thống Tanzania đột ngột qua đời
Ngày 17/3, trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia, Phó Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan thông báo, Tổng thống John Magufuli, 61 tuổi, đã qua đời vì bệnh liên quan tới tim mạch.
Phó Tổng thống Samia Suluhu Hassan nói: "Với niềm tiếc thương sâu sắc, tôi xin thông báo với các bạn rằng vào lúc 18h ngày 17/3/2021, chúng ta đã mất đi nhà lãnh đạo anh dũng - Tổng thống John Pombe Magufuli".
Theo BBC, bà Samia Suluhu Hassan tuyên bố 14 ngày quốc tang để tiễn đưa Tổng thống John Magufuli. (AFP)
Armenia thông báo bầu cử Quốc hội sớm
Bộ trưởng Môi trường Armenia Romanos Petrosyan, thành viên đảng cầm quyền của Thủ tướng Nikol Pashinyan, ngày 18/3 cho biết chính quyền Armenia sẽ sớm thông báo ngày tổ chức bầu cử quốc hội trước thời hạn.
Ông Petrosyan tiết lộ: "Chính quyền dự kiến tổ chức bầu cử quốc hội trước thời hạn. Ngày 18 hoặc 19/3 chúng tôi sẽ thông báo ngày tổ chức bầu cử".
Người phát ngôn của Thủ tướng, ông Mane Gevorkyan xác nhận Thủ tướng Pashinyan và người đứng đầu đảng đối lập “Armenia thịnh vượng” Gagik Tsarukyan sẽ thảo luận luận về khả năng tổ chức bầu cử quốc hội trước thời hạn.
Trước đó, ông Pashinyan cũng thảo luận vấn đề này trong cuộc gặp với lãnh đạo đảng đối lập "Armenia tri thức" Edmon Marykyan. (Reuters)
Quốc hội Australia ‘đòi lại’ cảng cho Trung Quốc thuê
Ủy ban Quốc hội Australia về tăng trưởng thương mại và đầu tư khuyến nghị chính phủ nước này xem xét lại hợp đồng thuê cảng Darwin, kéo dài 99 năm, có vi phạm Đạo luật Quan hệ Đối ngoại mới hay không.
Đạo luật Quan hệ Đối ngoại được thông qua hồi tháng 12/2020, cho phép chính phủ Australia chặn các thỏa thuận quốc tế của các trường đại học, hội đồng thành phố và chính quyền tiểu bang vì lý do an ninh và lợi ích của Australia.
Trước những căng thẳng đang diễn ra với Trung Quốc, việc để các doanh nghiệp nhà nước và liên kết với nhà nước của Trung Quốc tham gia vào các trường đại học, gồm Viện Khổng Tử và cơ sở hạ tầng chiến lược, là một rủi ro an ninh quốc gia không thể chấp nhận được”, báo cáo của Ủy ban Quốc hội Australia về tăng trưởng thương mại và đầu tư cho hay.
Năm 2015, chính quyền lãnh thổ Bắc Australia cho công ty Landbridge của Trung Quốc thuê cảng Darwin với giá 355 triệu USD và có toàn quyền kiểm soát hoạt động của cảng Darwin trong 99 năm.
Landbridge là công ty tư nhân thuộc sở hữu của tỷ phú Trung Quốc Ye Cheng, được cho là có mối liên hệ mật thiết với chính quyền Trung Quốc. Cảng Darwin đóng vai trò quan trọng, vừa là cảng thương mại, vừa là căn cứ phục vụ lực lượng quốc phòng Australia và Mỹ. (SCMP)
EU chuẩn bị ‘giáng đòn’ trừng phạt vào Trung Quốc
Reuters ngày 17/3 dẫn lời 2 nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cho biết các lệnh trừng phạt này nhằm đáp trả việc Trung Quốc "vi phạm nhân quyền" liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm Hồi giáo thiểu số khác ở Tân Cương.
Lệnh trừng phạt này sẽ chính thức có hiệu lực sau khi các Ngoại trưởng châu Âu phê chuẩn trong cuộc họp vào ngày 22/3 tới đây. Hiện danh tính cụ thể của những cá nhân và thực thể bị trừng phạt vẫn chưa được công bố.
Nếu chính thức được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên EU áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc sau hơn 3 thập kỷ, kể từ sau lệnh cấm vận vũ khí năm 1989. (Reuters)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận