menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thành Dũng

Tin thế giới 18/12: Ông Putin lần đầu nói về tương lai ông Trump; Mỹ sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông

Hậu bầu cử Mỹ 2020, họp báo của Tổng thống Nga, tình hình Biển Đông, quan hệ Mỹ-Trung, Iran... là một số tin thế giới nổi bật 24 giờ qua.

Hậu bầu cử Mỹ 2020

Ông Biden và ông Trump cùng lên tiếng về vụ việc của Hunter Biden

Ngày 17/12, trong cuộc phỏng vấn được phát sóng trên đài CBS, khi đề cập việc con trai Hunter Biden đang bị điều tra về "vấn đề thuế", Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden khẳng định: "Chúng tôi rất tin tưởng con trai mình".

Ông Biden khẳng định "không lo ngại về bất kỳ cáo buộc nào nhằm vào Hunter", cho rằng đây là "hành động chơi xấu' và ông đã quá quen với những việc này.

Khi được hỏi liệu có "chân thành" gửi lời cảm ơn đương kim Tổng thống Donald Trump vì một điều gì đó trong thời gian ông Trump cầm quyền hay không, ông Biden đáp rằng, những tiến bộ trong công tác phát triển và bào chế vaccine phòng Covid-19 là điều tích cực.

Trước đó cùng ngày, trên Twitter cá nhân, ông Trump cũng khẳng định không không liên quan đến bất kỳ cuộc điều tra phạm tội nào đối với gia đình của ông Biden và cũng “không có gì để làm” với việc truy tố ông Hunter.

Tổng thống Trump khẳng định những tin tức cho rằng, ông có liên quan đến các cuộc điều tra con trai ông Biden là "giả mạo" và cho hay "rất buồn khi đọc những tin tức như vậy". (Reuters)

Ông Putin dự đoán tương lai chính trị của ông Trump sau bầu cử

Ngày 17/12, trong cuộc họp báo cuối năm, khi được yêu cầu bình luận về tương lai chính trị của Tổng thống Donald Trump hậu bầu cử Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin hài hước nói: "Dẫu sao ông Trump chắc chắn sẽ không sang Nga tìm việc làm mới".

Tổng thống Putin cho rằng, ông Trump "có được nền tảng ủng hộ rất lớn ở nước Mỹ, gần 50% cử tri phổ thông đã bỏ phiếu cho ông ấy chứ không phải phiếu đại cử tri và ông ấy sẽ chưa từ bỏ chính trường".

Đáp lại câu hỏi của phóng viên rằng tại sao tin tặc Nga không giúp ông Trump giành chiến thắng, chủ nhân Điện Kremlin nói, đây là một câu hỏi mang "thuyết âm mưu" mà nhiều người lợi dụng để làm tổn hại quan hệ song phương Nga-Mỹ.

Tổng thống Putin cho rằng, đây là "những cáo buộc không có bất cứ bằng chứng nào", ông Putin nói. (TASS)

Mỹ-Trung Quốc

Ông Trump "giáng đòn" Trung Quốc vào cuối nhiệm kỳ, Bắc Kinh dọa đáp trả

Reuters dẫn hai nguồn tin cho biết, ngày 18/12, khoảng 80 công ty và tổ chức sẽ bị đưa vào "danh sách đen" thương mại, trong đó gần như toàn bộ là các công ty Trung Quốc, bao gồm nhà sản xuất chip hàng đầu SMIC.

Theo các nguồn tin, Bộ Thương mại Mỹ được cho là sẽ công bố tên của một số công ty Trung Quốc mà Washington cho là có quan hệ với quân đội Trung Quốc, bao gồm các công ty tham gia vào hoạt động xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông.

Đây là động thái mới nhất trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm củng cố di sản cứng rắn với Trung Quốc mà ông theo đuổi suốt 4 năm qua. Động thái này diễn ra chỉ vài tuần trước khi tổng thống đắc cử Mỹ nhậm chức.

Phản ứng lại thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã hối thúc Mỹ dừng việc trừng phạt “không công bằng” các công ty của Trung Quốc, khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty nước này. (Reuters)

Iran

Iran bắt đầu xây dựng cơ sở hạt nhân ở Fordow, truyền thông đưa tin

Hãng tin AP trích dẫn các hình ảnh vệ tinh cho hay, Iran đã bắt đầu xây dựng một cơ sở hạt nhân dưới lòng đất ở Fordow.

Theo AP, việc xây dựng bắt đầu vào cuối tháng Chín. Các hình ảnh thu được từ Maxar Technologies cho thấy, các động thái diễn ra ở phía Tây Bắc, gần thành phố Qom, cách Tehran khoảng 90 km về phía Tây Nam và đã đào xong phần móng.

Hiện chưa rõ mục tiêu việc xây dựng cơ sở này. Chính quyền Iran chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức trong khi phái bộ của Iran tại Liên hợp quốc cũng như cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA, nơi có các thanh sát viên ở Iran cũng giữ im lặng. (AP)

Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ

Mỹ tìm cách hòa dịu sau khi trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 17/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Cale Brown cho hay, trong tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc thảo luận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu về các lệnh trừng phạt liên quan việc Ankara mua S-400 của Nga.

Theo đó, ông Pompeo "nhấn mạnh rằng, mục tiêu của các lệnh trừng phạt là ngăn chặn Nga nhận được doanh thu, tiếp cận và tạo ảnh hưởng, không nhằm mục đích làm suy yếu khả năng quân sự hoặc khả năng sẵn sàng chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc bất kỳ đồng minh hoặc đối tác nào khác của Mỹ".

Ngoại trưởng Pompeo cũng "thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết vấn đề S-400 theo cách phù hợp với lịch sử hợp tác lĩnh vực quốc phòng kéo dài hàng thập kỷ của chúng tôi và tái cam kết với NATO về nghĩa vụ mua vũ khí tương thích của NATO". (AFP)

Nga

Cuộc họp báo thường niên của Tổng thống Nga

Ngày 17/12, Tổng thống Nga đã tiến hành cuộc họp báo thường niên, trong đó, ngoài các vấn đề đối nội, ông Putin đã thẳng thắn trả lời nhiều câu hỏi về đối ngoại cũng như tình hình quốc tế.

Về Dòng chảy phương Bắc 2, ông Putin khẳng định dự án này "rõ ràng có lợi cho kinh tế châu Âu nói chung và cho Đức nói riêng", đồng thời bày tỏ hy vọng Nga sẽ toàn tất lắp đặt tuyến đường ống và chính quyền mới ở Mỹ sẽ tôn trọng các đối tác.

Trả lời câu hỏi về khả năng cuộc chiến tranh lạnh mới, Tổng thống Putin cho rằng, “chính phương Tây mới không giữ lời”, nêu rõ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tiến hành 2 đợt mở rộng về phía Đông.

Tổng thống Nga cũng đề cập việc Mỹ, thành viên hàng đầu của NATO, cũng chính là nước rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và Hiệp ước Bầu trời mở trong khi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (New START) sắp hết hạn vẫn chưa được gia hạn dù Nga vẫn muốn kéo dài Hiệp ước thêm một năm và sau đó thương lượng tiếp.

Đề cập tình hình ở Donbass, miền Đông Ukraine và quan hệ với Kiev, Tổng thống Putin lưu ý, triển vọng quan hệ giữa LB Nga và Ukraine hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền Ukraine.

Về tình hình Belarus, Tổng thống Putin cho rằng cần để người dân Belarus tự giải quyết các vấn đề nội bộ, bởi can thiệp từ bên ngoài sẽ không đem đến điều gì tốt đẹp. Theo ông, cần kiên nhẫn và giúp tất cả các lực lượng chính trị không xung đột, mà đối thoại.

Trong xung đột Nagorno-Karabakh, Tổng thống Putin bày tỏ hy vọng tiếp theo lệnh ngừng bắn sẽ là việc bình thường hóa quan hệ trong khu vực. Về phần mình Nga sẵn sàng tiếp tục vai trò hòa giải. (TTXVN)

Biển Đông

Mỹ sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông

Trong một tài liệu đề ra các mục tiêu cho Hải quân, Thủy quân lục chiến và Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ trong năm 2021, Lầu Năm Góc đánh giá, Nga làm dấy lên mối đe dọa đối với quân đội Mỹ, song “Trung Quốc là đối thủ duy nhất có tiềm lực cả về kinh tế và quân sự, tạo ra thách thức lâu dài và toàn diện đối với Mỹ”.

Tài liệu cho hay, các chiến dịch và sức mạnh của lực lượng hải quân Mỹ sẽ tập trung vào việc đối phó những hành vi gây hấn của Trung Quốc trên toàn cầu cũng như tăng cường khả năng răn đe khu vực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tài liệu nhấn mạnh, Bắc Kinh là mối đe dọa chiến lược cấp bách và lâu dài nhất.

Tài liệu nêu rõ: "Nếu các đối thủ của chúng ta leo thang thành xung đột, trở thành kẻ thù thì chúng ta phải kiểm soát các vùng biển này để loại bỏ các mục tiêu của họ, đánh bại lực lượng của họ, bảo vệ quê hương và các đồng minh của chúng ta". (SCMP)

Bán đảo Triều Tiên

Lùm xùm quanh lệnh cấm phát tờ rơi tuyên truyền chống Triều Tiên của Hàn Quốc

Ngày 14/12, dự luật của Hàn Quốc cấm phát các tờ rơi tuyên truyền chống Triều Tiên qua biên giới đã được Quốc hội Hàn Quốc thông qua với 187 phiếu thuận và 0 phiếu chống.

Một khi được ban hành, việc xét lại luật về quan hệ liên Triều sẽ cấm phát tờ rơi chống Bình Nhưỡng qua biên giới, những người vi phạm có thể phải chịu mức hình phạt cao nhất là 3 năm tù giam hoặc phạt hành chính 30 triệu Won (tương đương 27.400 USD).

Nhiều nhân vật chỉ trích, trong đó có các nghị sĩ Mỹ, đã bày tỏ quan ngại, lưu ý luật này có thể làm giảm quyền tự do bày tỏ cũng như cắt đứt sự tiếp cận ít ỏi với người dân Triều Tiên, những người phải nhận được thông tin từ bên ngoài

Washington Post cho biết, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Stephen Biegun đã "bí mật truyền tải" những quan ngại của chính quyền Mỹ trong chuyến công du của ông tới Seoul, vốn đã kết thúc hôm 11/12.

Trong khi đó, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc Tomas Ojea Quintana đã nói với một hãng truyền thông Mỹ rằng, ông hy vọng Seoul sẽ tái cân nhắc luật này trước khi nó chính thức có hiệu lực, viện dẫn quyền tự do bày tỏ của các nhóm hoạt động. (Yonhap)

Nhật Bản

Nội các Nhật Bản thông qua kế hoạch tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa

Ngày 18/12, Nội các Nhật Bản đã thông qua kế hoạch phát triển hai tàu hải quân được trang bị các hệ thống tên lửa đánh chặn Aegis SM-6 có khả năng bắn hạ tên lửa hành trình thay thế cho kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa này trên bộ.

Trong dự thảo ngân sách cho tài khóa 2021, Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự chi 1,7 tỷ Yen (16,5 triệu USD) cho hoạt động nghiên cứu nhằm phát triển các tàu được trang bị hệ thống tên lửa đánh chặn Aegis trên.

Cũng trong phiên họp này, nội các Nhật Bản đã thông qua phương án phát triển tên lửa tầm xa có thể tấn công tàu chiến của đối phương từ bên ngoài tầm bắn của các tàu đó. (Kyodo)

Vùng Vịnh

Các nước vùng Vịnh lên kế hoạch tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh

Ngày 17/12, Ngoại trưởng Kuwait Ahmed Nasser al-Mohammed Al-Sabah cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh thường niên các nước vùng Vịnh, vốn thường được tổ chức vào tháng 12, sẽ được Saudi Arabia đăng cai tổ chức vào ngày 5/1/2021.

Điều này thể hiện ý nguyện muốn hàn gắn của Kuwait, nước giữ vai trò trung gian giải quyết khủng hoảng khu vực do rạn nứt kéo dài nhiều năm với Qatar.

Các nguồn tin dự kiến, tất cả các nguyên thủ quốc gia sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh nói trên - sự kiện mà trước đó Quốc vương Qatar không tham gia kể từ năm 2017.

Theo nhiều nguồn thạo tin, các quốc gia vùng Vịnh có thể đã đạt được một thỏa thuận có "phạm vi hạn chế" tạo điều kiện cho một "giải pháp tạm thời" nhằm giảm căng thẳng trong nội bộ GCC. (Aljazeera)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại