Tin thế giới 17/3: Mỹ ‘gửi’ Trung Quốc lệnh trừng phạt mới, dọa trừng phạt Nga; Moscow khẳng định Crimea không thể xâm phạm; Triều Tiên muốn ‘đập tan’
Mỹ áp lệnh trừng phạt mới lên Trung Quốc, Triều Tiên 'nóng mặt' trước quan hệ Mỹ-Hàn, vấn đề Biển Đông, ... là những sự kiện thế giới nổi bật.
Mỹ trừng phạt 24 quan chức Trung Quốc
Ngày 16/3, chính phủ Mỹ đã áp lệnh trừng phạt thêm 24 quan chức Trung Quốc và Hong Kong, liên quan đến những điều luật mới của Bắc Kinh về hệ thống bầu cử ở đặc khu.
Những người có tên trong lệnh trừng phạt mới gồm nhiều thành viên cấp cao của Quốc hội Trung Quốc, cùng các quan chức thực thi pháp luật ở Hong Kong, đáng chú ý có ông Vương Thần, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội và ông Vưu Quyền, Trưởng ban Công tác mặt trận thống nhất trung ương.
Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố động thái này nhằm đáp trả những hạn chế mới do Bắc Kinh đưa ra đối với quyền bầu cử và ứng cử của người dân Hong Kong vào hội đồng lập pháp của đặc khu.
Hạn chế mới này của chính quyền đại lục bị Mỹ cho là nhằm ngăn chặn những nhân vật đối lập tham gia bầu cử. Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc nói việc thay đổi giúp “những người yêu nước có nhiều tiếng nói hơn trong việc quản lý đặc khu”.
Đặc biệt, động thái trên diễn ra ngay trước thềm cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken với các nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh vào cuối tuần này. (SCMP)
Mỹ dọa trừng phạt Nga vì can thiệp bầu cử
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là chuẩn bị đưa ra một số biện pháp trừng phạt đối với Nga trong tuần tới sau một báo cáo cho rằng, Moscow cố tình can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ 2020.
Theo đó, CNN dẫn lời 3 quan chức giấu tên từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ngoài Nga, các lệnh trừng phạt mới cũng sẽ nhắm vào Trung Quốc và Iran.
Báo cáo của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ (NIC) đã củng cố thêm những cáo buộc lâu nay rằng, một số nhân vật hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump, theo chỉ đạo từ phía Nga, đã đưa ra những cáo buộc chống lại ứng cử viên Joe Biden lúc bấy giờ. Báo cáo này cũng bổ sung những phát hiện mới rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giám sát hoặc ít nhất là chấp thuận việc can thiệp bầu cử để có lợi cho ông Trump.
Báo cáo cũng cáo buộc cả Trung Quốc và Iran đều nằm trong nhóm các quốc gia "thực hiện một số hành động nhằm cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử", lưu ý rằng, Tehran đã "thực hiện một chiến dịch ảnh hưởng bí mật đa hướng nhằm cản trở nỗ lực tái tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump.
Ngoài ra, Venezuela, Cuba và lực lượng Hezbollah cũng nằm trong tầm ngắm trừng phạt mới. (Sputnik)
Tình báo Mỹ cảnh báo Triều Tiên có thể đang chuẩn bị thử vũ khí
Hôm 17/3, CNN đưa tin các quan chức Mỹ đang ở trong tình trạng cảnh giác khi Mỹ và Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung quy mô nhỏ, mô phỏng tác chiến trên máy tính và Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đang ở châu Á để họp với những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong khi đó, có thông tin từ các cơ quan tình báo Mỹ cho biết, Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho vụ thử vũ khí đầu tiên kể từ khi tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.
"Việc Triều Tiên tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt là mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ và an ninh của các đồng minh và đối tác của chúng tôi. Trong thời gian tới, Bộ quốc phòng sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác để tìm cách ngăn chặn các hành vi tiêu cực từ Triều Tiên" - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, Trung tá Martin Meiners cho biết trong một tuyên bố.
Các chuyên gia cho biết, việc Triều Tiên thử nghiệm hoặc khiêu khích dưới một hình thức nào đó sẽ không phải là điều quá bất ngờ. (CNN)
Mỹ cam kết tăng cường hợp tác với Hàn Quốc trước thách thức Trung-Triều
Ngày 17/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã tái khẳng định cam kết của Washington trong việc tăng cường hợp tác với Hàn Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ liên minh hai nước trước những "thách thức chưa từng có" do Triều Tiên và Trung Quốc đặt ra.
Ông Austin đã đưa ra nhận định này trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook tại Seoul, coi liên minh Hàn-Mỹ là "kim chỉ nam" cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng đối với khu vực Đông Bắc Á. Ông Austin nói: "Cam kết của chúng tôi với liên minh Mỹ-Hàn, vốn đã kiên định trong 70 năm qua, vẫn nguyên giá trị".
Về phần mình, Bộ trưởng Suh cho rằng, điều quan trọng là hai nước đồng minh này phải duy trì khả năng răn đe và tư thế phòng thủ chung vững mạnh. (Yonhap)
Biển Đông: Mỹ chỉ trích Trung Quốc hành xử ngang ngược
Ngày 16/3, Ngoại trưởng Antony Blinken cáo buộc rằng, các hành động trên biển và cách hành xử với Đài Loan cho thấy Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
“Bắc Kinh đã hành động thô bạo hơn ở trong nước và ngang ngược hơn ở nước ngoài, kể cả ở biển Hoa Đông (gồm cả Senkaku), Biển Đông và cả với Đài Loan”, ông Blinken nói.
Các bình luận này lặp lại các tuyên bố sau cuộc hội đàm “2 + 2” giữa quan chức ngoại giao và quốc phòng Mỹ-Nhật Bản, được tổ chức ở Tokyo hôm 16/3. Cuộc gặp này diễn ra trước cuộc gặp gỡ lần đầu giữa quan chức Mỹ và Trung Quốc sau khi ông Biden tiếp quản Nhà Trắng.
“Chúng tôi mong có cơ hội nói chuyện với các đối tác Trung Quốc một số mối quan ngại về những hành động mà nước này đang thực hiện”, ông Blinken cho hay. (Reuters)
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov: Crimea mãi mãi thuộc về nước Nga
"Tương lai của Crimea sẽ mãi mãi thuộc về nước Nga. Dù muốn hay không, bất kỳ hành động nào của các quốc gia phương Tây cũng sẽ không thể thay đổi thực tế này, theo quan điểm của luật pháp quốc tế, hoặc từ chính trị hay đạo đức” - Ngoại trưởng Sergey Lavrov trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Krym-24 hôm 16/3, nhân kỷ niệm 7 năm Crimea thống nhất với Nga.
Ông Lavrov tái khẳng định rằng 7 năm trước, người dân Crimea đã bỏ phiếu về việc gia nhập Nga và điều này "hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế".
Bộ trưởng Lavrov cũng cam kết, cơ quan ngoại giao Nga sẽ tiếp tục "nỗ lực để làm cho các đối tác nước ngoài của Moscow hiểu rõ việc Crimea sáp nhập vào Nga là hoàn toàn hợp lý, giúp người dân Crimea được trở về với quê hương của họ”. (TASS)
Anh kêu gọi tránh ‘Chiến tranh Lạnh kiểu mới’ với Trung Quốc
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 16/3 đưa ra cảnh báo rằng, Anh không nên bị lôi kéo vào một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" với Trung Quốc khi ông vạch ra tầm nhìn cho chính sách đối ngoại hậu Brexit.
Thủ tướng Johnson nói với các nhà lập pháp tại Hạ viện rằng: "Những người kêu gọi một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc hoặc tách nền kinh tế của chúng ta hoàn toàn khỏi Trung Quốc... là sai lầm".
Ông Johnson cho biết Anh sẽ phải "hợp tác với Trung Quốc ở nơi phù hợp với các giá trị và lợi ích của chúng ta", bao gồm xây dựng "một mối quan hệ kinh tế tích cực và mạnh mẽ hơn" cũng như hợp tác về các vấn đề biến đổi khí hậu. (THX)
Tình hình Myanmar: Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp sơ tán
Trung Quốc vừa yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước sơ tán những nhân viên làm ở vị trí không quan trọng khỏi Myanmar, sau khi vài chục nhà xưởng của Trung Quốc ở Myanmar bị tấn công trong làn sóng biểu tình dữ dội.
Những đối tượng khác sẽ được sơ tán bao gồm, nhân viên hết hạn luân chuyển, những người chưa được tiêm phòng vaccine Covid-19, những người sống ở khu vực xa và đang đối mặt với tình hình rất khó khăn ở địa phương, thông báo cho biết. (THX)
Truyền thông Triều Tiên đăng áp phích cảnh báo chặt đứt liên minh Hàn-Mỹ
Ngày 17/3, Uriminzokkiri - trang tuyên truyền đối ngoại của Triều Tiên đã công bố một áp phích quảng cáo mô tả một chiếc búa cầm tay đập tan liên minh giữa Hàn-Mỹ, trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đang ở thăm Hàn Quốc để thảo luận về Triều Tiên và các vấn đề liên minh khác.
Trên trang web của mình, Uriminzokkiri đăng áp phích vẽ một chiếc búa có khắc chữ "quyền tự quyết" nghiền nát một sợi xích thành nhiều mảnh. Sợi xích này được ghép từ các chữ như "liên minh trên hết" và "chính sách phụ thuộc vào các cường quốc nước ngoài".
Áp phích cũng đi kèm với một cụm từ có nội dung "Từ chối sự cai trị và can thiệp của các thế lực nước ngoài và bảo vệ phẩm giá và quyền tự chủ của chúng ta". Áp phích này dường như cho thấy Hàn Quốc đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ sức ép của Mỹ.
Tấm áp phích được công bố một ngày sau khi bà Kim Yo-jong, em gái đầy quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đưa ra một tuyên bố gay gắt và chỉ trích Hàn Quốc vì đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ. (AFP)
Trung Quốc ngăn các đại sứ EU đến Tân Cương liên quan tới vấn đề người Duy Ngô Nhĩ
Ngày 17/3, nguồn tin ngoại giao đã xác nhận chuyến thăm của các đại sứ Liên minh châu Âu (EU) đến khu vực Tân Cương của Trung Quốc bị đình chỉ do yêu cầu tiếp cận với học giả người Duy Ngô Nhĩ Ilham Tohti.
Trả lời phỏng vấn AFP, một nhà ngoại giao châu Âu nói rằng, đó là vì phái đoàn muốn thăm nhà kinh tế học Tohti, trước đó bị kết án chung thân vì tội ly khai hồi năm 2014.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại EU, ông Zhang Ming, hôm 16/3 cho hay "hầu hết mọi thứ đã được thu xếp" cho đại sứ của các nước thành viên EU đến thăm Tân Cương, nhưng chuyến thăm đã gặp trở ngại do "những đòi hỏi không thể chấp nhận được”. Ông nói thêm: “Họ khăng khăng đòi gặp một tội phạm bị kết án theo luật pháp Trung Quốc. Điều này là không thể chấp nhận được". (AFP)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận