Tin thế giới 16/9: Nga cung cấp S-500 cho quân đội; Mỹ-Anh-Australia thiết lập quan hệ đối tác an ninh; Triều Tiên nói lý do phóng tên lửa
Nga cung cấp S-500 cho quân đội, Mỹ-Anh-Australia thiết lập quan hệ đối tác an ninh... là những sự kiện thế giới nổi bật 24h qua.
Nga ra mắt các hệ thống phòng thủ S-500 mới
Hãng thông tấn RIA dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov ngày 16/9 cho biết nước này đã hoàn tất những thử nghiệm hệ thống tên lửa đất đối không S-500 mới và đã bắt đầu cung cấp vũ khí này cho các lực lượng vũ trang.
S-500, một vũ khí mà Moscow hy vọng sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của nước này cũng như trở thành một nhà xuất khẩu vũ khí đắt hàng nhất, đã được miêu tả là một hệ thống phòng thủ không gian vũ trụ và có thể ngăn chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa, các tên lửa hành trình siêu thanh và máy bay. (Reuters)
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu về bầu cử Duma quốc gia từ nơi cách ly
Ngày 16/9, Tổng thống Putin thông báo ông đang phải tự cách ly do hàng chục người trong đội ngũ thân cận của ông mắc Covid-19. Điện Kremlin cho hay, ông Putin vẫn khỏe mạnh và chỉ số kháng thể trong cơ thể ở mức cao.
Cùng ngày, ông đã có một bài phát biểu trên truyền hình về cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga sẽ diễn ra từ ngày 17-19/9 tới.
Tổng thống Nga Putin cho biết, cuộc bầu cử là sự kiện quan trọng nhất trong đời sống xã hội nước này. Ông nhấn mạnh mọi người đều quan tâm đến những người có trách nhiệm, năng động, có uy tín, chứng minh cho hy vọng và sự tin tưởng của người dân Nga.
Theo nhà lãnh đạo Nga: "Thế giới ngày nay rất phức tạp, nó đang thay đổi nhanh chóng, đôi khi không thể đoán trước được. Đương nhiên, điều đó tạo ra những thách thức mới nhưng cũng mở ra những triển vọng rộng lớn nhất".
Theo đó, cần có sự phối hợp của nhà nước, xã hội và người dân để đáp ứng những thách thức và sử dụng hiệu quả các triển vọng này.
Ông Putin nhấn mạnh: "Cần có một quốc hội mạnh mẽ, có thẩm quyền và các nhà lập pháp mới của Duma Quốc gia phải làm việc vì lợi ích của đất nước và nhân dân Nga, sẵn sàng đảm bảo lợi ích quốc gia trên tất cả lĩnh vực một cách kiên quyết và nhất quán". (TASS)
Nga phản đối EU siết chặt chính sách
Ngày 16/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga lấy làm tiếc về báo cáo mới nhất của Nghị viện châu Âu (EP), trong đó không đề cập đến kế hoạch đối thoại với Moskva.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Peskov khẳng định: “Tất nhiên, bản chất của tài liệu này chỉ gây ra sự tiếc nuối. Thật không may, báo cáo không đề cập đến sự cần thiết phải thiết lập một cuộc đối thoại, phải giải quyết những vấn đề tồn đọng và bất đồng thông qua trao đổi ở các cấp và các kênh khác nhau... Điều tích cực duy nhất là tài liệu này chỉ hoàn toàn mang tính cố vấn”.
Trước đó cùng ngày, EP đã thông qua một báo cáo với các khuyến nghị về việc đưa ra những chính sách cứng rắn hơn đối với Nga. (TASS)
Mỹ, Anh, Australia thiết lập quan hệ đối tác an ninh mới
Ngày 15/9, Mỹ, Anh và Australia thông báo sẽ thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên, có tên gọi là AUKUS, ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Phát biểu với các phóng viên, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho hay, theo quy định của quan hệ đối tác mới được Tổng thống nước này Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison công bố, Washington và London sẽ cung cấp cho Canberra công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 16/9 cho biết quan hệ đối tác an ninh mới giữa Mỹ, Anh và Australia sẽ đẩy nhanh việc phát triển những công nghệ quốc phòng tối tân.
Phát biểu tại Quốc hội, nhà lãnh đạo Anh nêu rõ: "Mặc dù quan hệ đối tác của chúng ta sẽ bắt đầu với các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng hiện giờ chúng ta đã lập nên AUKUS với kỳ vọng đẩy nhanh tốc độ phát triển những hệ thống quốc phòng tối tân, trong đó bao gồm mạng, trí tuệ nhân tạo, tính toán lượng tử và những khả năng dưới biển".
Theo ông Johnson, động thái này, một phần của liên minh quốc phòng mới giữa Anh, Australia và Mỹ, "không có ý định đối đầu với bất kỳ cường quốc nào khác", sau khi Trung Quốc coi thỏa thuận này là" mối đe dọa đối với sự ổn định khu vực".
Trong khi đó, Australia tuyên bố sẽ đóng 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân theo thỏa thuận trên.
Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố: "Thế giới của chúng ta đang trở nên phức tạp hơn, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Để đối mặt với các thách thức và giúp đưa an ninh và ổn định tới những khu vực cần thiết, chúng ta cần phải nâng quan hệ đối tác lên một tầm cao mới".
Phản ứng về động thái này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 16/9 đã chỉ trích thỏa thuận đối tác an ninh mới giữa Mỹ, Anh và Australia, nhấn mạnh rằng ba nước này đang hủy hoại hòa bình và ổn định của khu vực. (Reuters/AFP)
Pháp giận dữ, nói bị ‘đâm sau lưng’
Ngày 16/9, Pháp bày tỏ sự giận dữ vì quyết định bất ngờ của Australia khi hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm khổng lồ, thay vào đó ưu tiên các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, đồng thời gọi động thái này là một sự vi phạm lòng tin.
Cụ thể, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nêu rõ: "Đó thực sự là một hành động đâm sau lưng. Chúng tôi đã tạo dựng mối quan hệ tin tưởng với Australia, sự tin tưởng này đã bị phản bội. Hôm nay tôi vô cùng tức giận và cay đắng... Đây không phải là việc các đồng minh làm với nhau".
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã gọi hành động của Australia là "tin tức rất tồi tệ liên quan đến việc giữ lời", đồng thời nói thêm rằng, Pháp "sẽ mở to mắt để xem Mỹ đối xử với các đồng minh ra sao". (AFP)
Anh có Ngoại trưởng mới
Ngày 15/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố quyết định cải tổ nội các, theo đó Bộ trưởng Thương mại Quốc tế nước này là bà Lizz Trus được bổ nhiệm giữ chức vụ Ngoại trưởng phụ trách Các vấn đề đối ngoại, thịnh vượng chung và phát triển, thay thế ông Dominic Raab. Đây là một trong 4 vị trí uy tín nhất trong nội các của Vương quốc Anh.
Bà Lizz Truss, 46 tuổi từng đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Tư pháp và Môi trường dưới thời cựu Thủ tướng Theresa May. Việc bà Truss được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Anh đưa bà trở thành người phụ nữ thứ 2 trong lịch sử đảm nhiệm cương vị này.
Bên cạnh đó, bà Lizz Truss sẽ vẫn tiếp tục đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Phụ nữ và Bình đẳng. Trong khi đó, ông Dominic Raab sẽ đảm nhận cương vị mới là Bộ trưởng Tư pháp và kiêm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng.
Thủ tướng Boris Johnson công bố các quyết định thay đổi nhân sự trong nội các với mục đích có được một đội ngũ mới mạnh mẽ và đoàn kết nhằm đưa nước Anh phục hồi tốt hơn sau đại dịch Covid-19 và vượt qua những vấn đề gai góc hiện nay như tình hình Afghanistan, vấn đề cải cách thuế... (Reuters)
Triều Tiên tuyên bố lý do phóng thử các hệ thống tên lửa mới
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) đưa tin Bình Nhưỡng vừa thử nghiệm các hệ thống tên lửa mới nhằm nâng cao năng lực đáp trả các mối đe dọa tiềm tàng đối với nước này.
"Hệ thống tên lửa hành trình mới đóng vai trò như phương tiện phản công hiệu quả, có khả năng giáng đòn mạnh nhất vào các lực lượng đe dọa Triều Tiên", hãng KCNA ngày 16/9 dẫn lời ông Pak Jong Chon, Tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên.
Theo ông Pak Jong Chon, quân đội Triều Tiên nên chuẩn bị các kế hoạch chiến thuật để triển khai hệ thống tên lửa này ở những vùng khác nhau của đất nước.
Ông Pak cũng lưu ý thêm rằng hệ thống tên lửa đạn đạo được Triều Tiên phóng thử ngày 15/9 có thể tạo tiền đề cho việc phát triển một hệ thống có khả năng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mang vũ khí hạt nhân lớn hơn. (KCNA)
Hàn-Mỹ điện đàm về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết các nhà ngoại giao nước này và Mỹ ngày 16/9 đã có cuộc điện đàm để thảo luận về tình hình Bán đảo Triều Tiên sau khi Triều Tiên làm gia tăng căng thẳng với 2 vụ phóng tên lửa đạn đạo ngày 15/9.
Cuộc điện đàm giữa ông Rim Kap-soo, Vụ trưởng Vụ Chế độ hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, và bà Jung Pak, Phó Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ với Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ra thông cáo báo chí cho biết "hai bên đã tổ chức các cuộc tham vấn cấp làm việc về tình hình Bán đảo Triều Tiên gần đây và theo nhiều cách khác nhau để can dự với Triều Tiên nhằm đạt được tiến bộ thực chất trong tiến trình hòa bình trên Bán đảo". (Yonhap)
Cảnh sát Đức phá âm mưu tấn công giáo đường Do Thái
Ngày 16/9, cảnh sát Đức đã bắt giữ một số phần tử đe dọa tấn công một giáo đường Do Thái ở phía Tây thành phố Hagen, vào ngày lễ Yom Kippur của người Do Thái. Buổi hành lễ tại giáo đường này sau đó đã bị hủy bỏ.
Vụ việc làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tái diễn một cuộc tấn công năm 2019 nhằm vào một giáo đường Do Thái. Thời điểm đó, một phần tử Quốc xã mới tìm cách tấn công vào giáo đường khi những tín đồ Do Thái giáo đang hành lễ bên trong, cũng đúng vào dịp Yom Kippur, ngày lễ linh thiêng nhất trong năm của người Do Thái. (Spiegel)
Quân đội Pháp tiêu diệt một thủ lĩnh của phiến quân IS
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 16/9 cho biết quân đội nước này đã tiêu diệt Adnan Abou Walid al-Sahrawi, một thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), ở sa mạc Sahara.
"Adnan Abou Walid al-Sahrawi, thủ lĩnh nhánh của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở khu vực Sahel, đã bị lực lượng Pháp 'vô hiệu hóa' tại sa mạc Sahara. Đây là một thành tựu lớn trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố ở Sahel", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo trên Twitter.
Sahrawi đứng đầu một nhánh của nhóm IS, hoạt động mạnh ở khu vực biên giới giữa Mali, Burkina Faso và Niger. (AFP)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận