Tin thế giới 12/11: Ông Trump sẽ tranh cử lại nếu xác nhận thua? Thế giới đua nhau điện đàm với ông Biden; Mỹ-Trung Quốc bắt tay hạ nhiệt căng thẳng?
Bầu cử Mỹ 2020, Xung đột Armenia-Azerbaijan, căng thẳng Mỹ-Trung Quốc, Ấn Độ-Trung Quốc... là những tin thế giới nổi bật 24 giờ qua.
Hậu Bầu cử Mỹ 2020
Bang chiến địa Georgia kiểm lại toàn bộ phiếu
Ngày 11/11, Thư ký bang Georgia Brad Raffensperger thông báo, bang này sẽ thực hiện quá trình kiểm lại toàn bộ phiếu bằng tay do tỷ lệ cách biệt quá sít sao.
Theo ông Raffensperger, sau khi kết quả kiểm lại phiếu bằng tay được xác thực, đội ngũ chiến dịch tranh cử của bên thua có thể yêu cầu kiểm lại một lần nữa, lần này phiếu sẽ được kiểm lại bằng máy.
Kết quả kiểm phiếu hiện tại ở Georgia cho thấy ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đang dẫn trước đối thủ Donald Trump chỉ 14.101 phiếu bầu, trong số 5 triệu phiếu bầu trên toàn bang.
Cùng ngày, truyền thông Mỹ đưa tin, đương kim Tổng thống Donald Trump đã giành chiến thắng tại bang Alaska, qua đó thêm được 3 phiếu đại cử tri, nâng tổng số phiếu đại cử tri ông có được tới thời điểm này lên 217 phiếu. Với 75% số phiếu được kiểm tại bang Alaska, Tổng thống Trump dẫn trước với khoảng 57% số phiếu, so với 39% của ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. (CBS News)
Lãnh đạo các nước đua nhau điện đàm với ông Biden
Ngày 10/11, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, cuộc điện đàm giữa ông và ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Joe Biden là "sự trở về với những vấn đề truyền thống trong mối quan hệ giữa hai nước Anh và Mỹ".
Thủ tướng Johnson cho hay, cuộc gọi "đưa quan hệ giữa hai nước trở về trạng thái bình thường vốn có trước đây: đó là hai nước sát cánh cùng nhau trong một số vấn đề như thúc đẩy dân chủ trên thế giới, vấn đề nhân quyền, tự do thương mại, NATO, an ninh chung, mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương... và trên hết đó là vấn đề biến đổi khí hậu".
Trong khi đó, ngày 11/11, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho hay, ông đã có cuộc nói chuyện đầu tiên với ông Joe Biden. Trên mạng xã hội Twitter, ông Morrison viết: "Tôi vừa nói chuyện với ứng cử viên Joe Biden để chúc mừng ông đắc cử. Tôi mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ đồng minh sâu sắc và lâu dài giữa hai nước, đồng thời hợp tác chặt chẽ với ông Biden để cùng đối mặt với nhiều thách thức của thế giới. Chúng tôi mong muốn kỷ niệm 70 năm thành lập Liên minh ANZUS (Khối hiệp ước quân sự Australia - New Zealand - Mỹ) vào năm tới".
Ngày 12/11, trên Twitter, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, ông và ông Biden đã có cuộc điện đàm, trong đó tái khẳng định cam kết đối với liên minh Hàn-Mỹ và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết, ông Moon và ông Biden đã nhất trí sẽ sớm tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh.
Về phía Nhật Bản, cùng ngày, Thủ tướng Suga Yoshihide cho biết, ông đã điện đàm với ông Biden và khẳng định tầm quan trọng của quan hệ song phương cũng như một khu vực "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở". Ngoài ra, Thủ tướng Suga và ông Biden đã nhất trí gặp nhau sớm nhất có thể. (Reuters)
Thư chúc mừng ông Biden bị chặn lại?
Hãng tin CNN đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ đã không gửi đến ông Joe Biden hoặc đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông hàng chục thông điệp của các quan chức ngoại giao nước ngoài gửi tới Bộ này sau khi ông Biden được giới truyền thông đưa tin sẽ trở thành Tổng thống đắc cử vào cuối tuần trước.
Bộ Ngoại giao Mỹ thường tổ chức các cuộc liên hệ với Tổng thống đắc cử, tuy nhiên, các quan chức thạo tin cho biết, chính quyền Tổng thống Trump không thừa nhận chiến thắng của ông Biden cũng như không cho đội ngũ tranh cử của ông Biden tiếp cận các nguồn thông tin về chuyển giao quyền lực.
Trong khi đó, đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Biden đã gọi điện cho các lãnh đạo nước ngoài mà không cần tới sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ. (CNN)
Ông Trump có thể sớm tuyên bố tranh cử tổng thống năm 2024
Tổng thống Trump ngày 11/11 đã lên tiếng ủng hộ Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Ronna McDaniel tiếp tục giữ vị trí này thêm một nhiệm kỳ. Một nguồn tin nói với Reuters rằng, động thái của ông Trump có thể là “khúc dạo đầu” cho việc ông sẽ sớm công bố kế hoạch tranh cử tổng thống vào năm 2024.
Theo đó, ông Trump nói với các trợ lý rằng, ông có kế hoạch chạy đua tới Nhà Trắng vào năm 2024 trong trường hợp ông không thắng trong cuộc chiến pháp lý. Ông có thể thông báo điều này vào cuối năm, nguồn tin cho hay. (Reuters)
Xung đột Armenia-Azerbaijan
Ký thỏa thuận ngừng bắn, Tổng thống Armenia bị yêu cầu từ chức
Các cổng thông tin địa phương ở Armenia mới đây cho biết, phe chính trị đối lập của nước này, những người tiếp tục biểu tình tại tòa nhà quốc hội ở trung tâm Yerevan vào tối ngày 11/11, đã yêu cầu Thủ tướng Nikol Pashinyan từ chức trước nửa đêm nay, sau khi ông ký thỏa thuận ngừng bắn.
"Chúng tôi yêu cầu ông Pashinyan từ chức trước 12 giờ đêm nay. Nếu không, quốc hội quốc gia nên đưa ra quyết định này. Chúng tôi sẽ đợi đến 24 giờ và nếu không có đơn từ chức, chúng tôi sẽ tổ chức họp báo sau nửa đêm để vạch ra các bước tiếp theo. Trong mọi trường hợp, Pashinyan cần phải ra đi”, đại diện đảng Liên đoàn Cách mạng Armenia Ishkhan Saghatelian nói.
Chiến sự ở vùng Karabakh hầu như chính thức chấm dứt trong hơn 24 tiếng đồng hồ qua, với thỏa thuận ngưng bắn giữa Armenia và Azerbaijan, do Nga làm trung gian, bắt đầu có hiệu lực từ hôm 10/11/2020.
Theo tuyên bố do Tổng thống Nga Vladimir Putin xướng đọc, Baku và Yerevan dừng chân tại đúng vị trí mà hiện nay họ đang chiếm giữ, đồng thời phải trao đổi tù nhân và thi thể của những người đã chết. (TASS)
Nga,Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thành lập Trung tâm kiểm soát ở Nagorno-Karabakh
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã ký bản ghi nhớ về thành lập Trung tâm kiểm soát chung việc chấm dứt các hành động thù địch ở Nagorno-Karabakh.
Văn phòng báo chí Bộ Quốc phòng Nga ngày 11/11 cho biết: “Sau cuộc hội đàm, bản ghi nhớ đã được ký kết về thành lập trung tâm kiểm soát chung lệnh ngừng bắn và mọi hành động thù địch trong khu vực xảy ra xung đột Nagorno-Karabakh”.
Theo Bộ trưởng Shoigu, thỏa thuận ngừng bắn mà lãnh đạo Nga, Azerbaijan và Armenia đạt được nhằm chấm dứt giao tranh và đưa lực lượng gìn giữ hòa bình Nga vào khu vực xung đột cho phép chấm dứt các vụ bạo lực.
Trung tâm giám sát chung sẽ được đặt trên lãnh thổ của Azerbaijan và sẽ thu thập, kiểm tra và tổng hợp thông tin về việc tuân thủ chế độ ngừng bắn. Đồng thời, Trung tâm chung sẽ xem xét mọi khiếu nại và các vấn đề liên quan đến việc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. (Sputnik)
Baku đòi Yerevan bồi thường
Ngày 11/11, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết, Baku sẽ mời các chuyên gia quốc tế để đánh giá thiệt hại gây ra cho các vùng lãnh thổ trong khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh đã được bàn giao cho Azerbaijan, đồng thời sẽ yêu cầu Armenia bồi thường thông qua tòa án quốc tế.
"99% các tòa nhà bị phá hủy ở các vùng lãnh thổ được giải phóng, bao gồm các tòa nhà dân cư, trường học, bệnh viện, các tòa nhà công cộng, di tích lịch sử, lăng mộ tổ tiên và nhà thờ Hồi giáo của chúng ta", ông Aliyev cho biết thêm. (TASS)
Mỹ-Trung Quốc
Mỹ sẽ trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Hong Kong
Ngày 11/11, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Robert O’Brien, vừa lên tiếng cáo buộc Trung Quốc vi phạm các cam kết quốc tế đối với Hong Kong và cam đoan sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt mới.
Trước đó, 4 nghị sĩ Hong Kong đã mất ghế trong cơ quan lập pháp sau khi các động thái và hành vi của họ được xác định là đe dọa tới an ninh quốc gia Trung Quốc.
"Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng mọi cơ hội... để tìm kiếm và trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm phá hoại nền tự do của Hong Kong", - ông O'Brien nhấn mạnh. (Al Jazeera)
Quân đội Mỹ-Trung đàm phán nhiều ngày
Theo tuyên bố ngắn từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nội dung các cuộc thảo luận tập trung vào phòng chống và kiểm soát đại dịch Covid-19, hợp tác ứng phó với lụt bão và hợp tác dân sự - quân sự. Các cuộc họp sẽ được tổ chức dưới hình thức trực tuyến kéo dài 3 ngày từ 12/11.
Các nhà quan sát cho biết, hội đàm lần này nằm trong khuôn khổ trao đổi thường xuyên lần thứ 16 giữa quân đội hai nước, có thể giúp giảm nguy cơ xung đột lớn giữa hai quốc gia trong bối cảnh Mỹ thay thế một loạt nhân sự Lầu Năm Góc sau bầu cử.
Cuối tháng trước, quân đội Mỹ và Trung Quốc cũng đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của nhóm công tác để trao đổi về khủng hoảng truyền thông. Hai bên nhất trí thiết lập các cơ chế để ngăn ngừa rủi ro cũng như tiến hành các đánh giá sau khủng hoảng. Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết một cuộc tham vấn chung về an ninh hàng hải giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra vào cuối năm nay. (THX)
Ấn Độ-Trung Quốc
Ấn Độ và Trung Quốc đã đồng ý rút quân khỏi điểm xung đột
Ngày 11/11, trang mạng Times of India đưa tin, Ấn Độ và Trung Quốc đã đồng ý rút quân, xe tăng, pháo và xe bọc thép khỏi các "điểm đụng độ'' ở khu vực hồ Pangong-Chushul thuộc phía Đông Ladakh.
Các nguồn tin cùng ngày cho biết, phương thức cụ thể và trình tự các bước cũng như quy trình kiểm tra chung cho kế hoạch rút quân hiện đang được quân đội hai bên thảo luận và hoàn thiện tiếp sau cuộc họp cấp tư lệnh quân đoàn lần thứ 8 diễn ra hôm 6/11.
Theo kế hoạch, việc rút quân có thể bắt đầu từ bờ Bắc của hồ Pangong, nơi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã chiếm đóng và củng cố khu vực dài 8 km từ Điểm tuần tra số 4 (Finger-4) đến Điểm tuần tra số 8 (Finger-8).
PLA sẽ rút về phía Đông Finger-8 trong khi binh sĩ Ấn Độ lùi về phía Tây chốt Dhan Singh Thapa giữa Finger-2 và Finger-3.
Quá trình này sẽ diễn ra theo từng giai đoạn với 1/3 quân số mỗi bên sẽ rút lui trong mỗi giai đoạn. Giai đoạn cuối cùng hai bên sẽ rút lui khỏi điểm Chushul mà trước đó chưa bị chiếm giữ. (Times of India)
Châu Âu
EU công bố kế hoạch thành lập Liên minh Y tế đối phó dịch Covid-19
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 11/11 đã công bố các kế hoạch của ủy ban này về việc thành lập một Liên minh Y tế châu Âu để Liên minh châu Âu (EU) có thể ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng y tế như dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Các quan chức EU đã thừa nhận, khối này thiếu sự chuẩn bị cũng như sự phối hợp trong giai đoạn đầu bùng phát dịch Covid-19. Trong bài phát biểu hồi tháng 9 vừa qua, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã đưa ra ý tưởng rút ra các bài học và thành lập một Liên minh Y tế.
Bà nêu rõ dịch Covid-19 đã cho thấy rõ sự cần thiết phối hợp tốt hơn trong EU, phải có hệ thống y tế linh hoạt hơn và chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Các đề xuất của EC tập trung vào việc cải thiện khung pháp lý hiện hành đối với các mối đe dọa nghiêm trọng xuyên biên giới đối với sức khỏe người dân, cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng và ứng phó với khủng hoảng của các cơ quan chủ chốt của EU, chẳng hạn Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) và Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận