Tin thế giới 12/10: Nga cố níu "kèo" ở Nagorno-Karabakh; Trung Quốc nói về "bạn tốt mãi mãi"; Sự khác lạ của ông Kim Jong-un
Armenia-Azerbaijan lật 'kèo', quan hệ Trung Quốc-Philippines, bài phát biểu của nhà lãnh đạo Triều Tiên tại diễn binh là một số tin thế giới nổi bật.
Xung đột Armenia-Azerbaijan
Chiến sự ác liệt sau 'kèo' ngừng bắn, Nga yêu cầu giám sát
Đêm 11 và sáng 12/10, lực lượng Armenia và Azerbaijan tiếp tục giao tranh, cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian tại khu vực Nagorno-Karabakh có hiệu lực hôm 10/10.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết đã "tiêu diệt" một số lớn lực lượng của đối phương, cũng như 1 xe tăng T-72 và 3 bệ phóng tên lửa đa nòng Grad, đồng thời thông báo, lực lượng vũ trang Armenia đã pháo kích vào huyện Aghdam trên giới tuyến ở Nagorno-Karabakh.
Về phía Armenia, nữ phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Shushan Stepanyan cho hay, quân đội Azerbaijan đã pháo kích dữ dội ở mặt trận phía Nam, đồng thời khẳng định Azerbaijan chịu tổn thất lớn về nhân lực và thiết bị quân sự, tuy nhiên không cho biết thêm chi tiết.
Ngày 12/10, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết đang theo dõi sát các diễn biến trên thực địa, đồng thời nhấn mạnh, việc hai bên tôn trọng lệnh ngừng bắn là điều cực kỳ quan trọng.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy một lệnh ngừng bắn tại khu vực Nagorno-Karabakh, cho rằng cho đến nay, Ankara đã mắc quan điểm sai lầm khi vẫn chưa kêu gọi một lệnh ngừng bắn tại khu vực này. (Reuters)
Brexit
Châu Âu có thể không còn mềm mỏng với Anh
Ngày 12/10, tờ Financial Times đưa tin, trong tuần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo khác của Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhấn mạnh các quy tắc thực thi cứng rắn đối với bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Anh, cảnh báo rằng, động thái của Thủ tướng Anh Boris Johnson nhằm hủy bỏ hiệp ước Brexit cho thấy các tuyên bố của nước Anh không thể tin cậy được.
Trước đó, trong cuộc điện đàm ngày 11/10 với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, cần đạt được tiến bộ tại các cuộc đàm phán thương mại hậu Brexit trong những ngày tới để xóa bỏ "những khoảng cách đáng kể" giữa hai bên đặc biệt trong các lĩnh vực đánh bắt cá và sân chơi bình đẳng thông qua các cuộc đàm phán cấp tốc giữa hai trưởng phái đoàn đàm phán.
Thủ tướng Johnson khẳng định lại niềm tin của ông cho rằng, "đạt được thỏa thuận trong những ngày tới sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên và Anh cũng đã chuẩn bị để kết thúc thời kỳ chuyển đổi theo như cách thức của Australia". (Reuters)
Trung Quốc-Philippines
Ông Vương Nghị muốn Trung Quốc và Philippines là “bạn tốt mãi mãi”
Ngày 11/10, trong cuộc hội đàm nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, Trung Quốc không quan tâm tới việc "cạnh tranh với các quốc gia khác cho vị trí lãnh đạo thế giới".
Về quan hệ với Philippines, ông Vương Nghị cho rằng, Trung Quốc và Philippines nên là “bạn tốt mãi mãi” và Bắc Kinh sẵn lòng hợp tác chặt chẽ với Philippines liên quan tới các chương trình cơ sở hạ tầng.
Nhà ngoại giao Trung Quốc cũng kêu gọi 2 nước cần hợp tác để giải quyết vấn đề căng thẳng trên Biển Đông để không ảnh hưởng tới quan hệ giữa 2 bên. (SCMP)
Trung Quốc-Australia
Trung Quốc cáo buộc công dân Australia hoạt động gián điệp
Ngày 12/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, nhà văn người Australia gốc Trung Quốc đang bị tạm giam, ông Yang Hengjun, đã bị cáo buộc hoạt động gián điệp và một tòa án của Bắc Kinh đang thụ lý vụ việc này.
Ông Yang Hengjun, blogger 55 tuổi, đã bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giữ hồi tháng 1/2019 tại sân bay Quảng Châu sau khi trở về từ New York (Mỹ). Ông này đang bị tạm giam tại Bắc Kinh và gia đình không được phép tiếp xúc, trong khi người vợ vẫn còn ở Trung Quốc.
Trong một bức thư gửi gia đình hồi tháng 9 vừa qua, ông Yang cho biết mình vô tội và sẽ “không bao giờ thừa nhận điều gì mà ông không làm”. (Reuters)
Nga-Mỹ
Tổng thống Trump sẽ 'tặng' Nga điều bất ngờ?
Hãng tin Axios dẫn nguồn tin trong chính quyền Tổng thống Trump cho hay, các quan chức cấp cao thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ đang thảo luận về một thỏa thuận hạt nhân với Nga trước Ngày Bầu cử.
Việc gia hạn Hiệp ước New START được Tổng thống Nga Vladimir Putin và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden tán thành. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đang tìm cách phác thảo một thỏa thuận mới, trong đó không chỉ bao gồm Nga mà còn cả Trung Quốc, nước hiện sở hữu kho hạt nhân lớn thứ ba thế giới.
Theo Axios, chính quyền Mỹ hiện đang xây dựng một thỏa thuận mà cả Nga và Trung Quốc đều có thể chấp nhận tham gia mặc dù Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh nước này phản đối việc tham gia bất kỳ thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân 3 bên nào với Nga và Mỹ. (Axios)
Bán đảo Triều Tiên
Ông Kim Jong-un 'rơi nước mắt' khi phát biểu một bài phát biểu rất khác trong lễ duyệt binh?
Ngày 10/10, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có bài phát biểu trong lễ duyệt binh quy mô lớn tại Bình Nhưỡng để kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động. Giới chuyên gia cho rằng, bài phát biểu này của ông Kim Jong-un rất khác so với những bài phát biểu trước đó của ông.
Thay vì tập trung ca ngợi sức mạnh quân sự của Triều Tiên, bài phát biểu tại lễ duyệt binh năm nay của ông Kim Jong-un tập trung thể hiện sự đồng cảm, khích lệ người dân. Ngoài ra, ông cũng bày tỏ hy vọng cải thiện quan hệ với Hàn Quốc.
Theo hãng tin Guardian, trong lúc phát biểu, ông Kim đã bỏ kính dường như để gạt đi những giọt nước mắt xúc động khi nhận trách nhiệm về những khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt.
"Người dân đã đặt niềm tin cao như trời và sâu như biển vào tôi nhưng tôi chưa thể đáp lại một cách xứng đáng. Tôi vô cùng xin lỗi về điều đó”, ông Kim nói.
Ông Kim Jong-un dành phần lớn bài phát biểu để chia sẻ với những khó khăn mà người dân Triều Tiên đang phải đối mặt. Ông dùng các từ như "thách thức lớn", "khó khăn chồng chất”, "thảm họa chưa từng có" khi đề cập những khó khăn như lệnh trừng phạt quốc tế, đại dịch Covid-19 và thiên tai. (The Guardian)
Nga-Bulgaria
Căng thẳng ngoại giao gia tăng, Nga dọa đáp trả Bulgaria
Ngày 12/10, RIA đưa tin, Nga đã triệu Đại sứ Bulgaria tại Moscow đến trụ sở Bộ Ngoại giao để làm rõ những vấn đề liên quan đến việc Bulgaria trục xuất hai nhà ngoại giao Nga cuối tháng 9 vừa qua, đồng thời cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả ngoại giao phù hợp đối với động thái của Bulgaria.
Hôm 24/9, Bộ Ngoại giao Bulgaria yêu cầu 2 nhân viên ngoại giao Nga đang làm việc tại thủ đô Sofia phải rời khỏi quốc gia này trong vòng 72 giờ với cáo buộc những người này đã tiến hành các hoạt động gián điệp.
Đại sứ quán Nga tại Sofia cho biết đã nhận được thông báo từ phía Bulgaria, song khẳng định phía Bulgaria không đưa bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh cho cáo buộc hai nhân viên ngoại giao Nga làm việc không đúng chức trách được giao.
Hiện Bulgaria chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên. (Reuters)
Thái Lan
Người biểu tình lên kế hoạch bao vây tòa nhà chính phủ
Ngày 11/10, thủ lĩnh biểu tình Arnon Nampa đã công bố kế hoạch bao vây tòa nhà chính phủ trong cuộc biểu tình dự kiến vào ngày 14/10.
Ông Arnon, một đồng lãnh đạo của Khana Ratsadorn (Nhóm Nhân dân) - tên mới của nhóm Nhân dân Tự do - viết trên Facebook rằng, những người biểu tình chống chính phủ sẽ tụ tập tại Tượng đài Dân chủ trên Đại lộ Ratchadamnoen vào ngày 14/10 trước khi tiến đến tòa nhà chính phủ.
Luật sư nhân quyền Arnon cho biết, những người biểu tình sau đó sẽ dựng trại bên ngoài tòa nhà chính phủ để gây áp lực buộc Thủ tướng Prayut Chan-o-cha từ chức. Ông Arnon mời người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội tham gia cuộc biểu tình.
Trong khi đó, tờ Bangkok Post ngày 12/10 dẫn một nguồn tin cảnh sát cho biết, trong một cuộc họp tại trụ sở Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, các sĩ quan cấp cao đã chỉ đạo cảnh sát tránh sử dụng vũ lực và sẽ thiết lập 21 trạm kiểm soát an ninh vào tối 13/10 để kiểm tra vũ khí. Nguồn tin này cho biết thêm, các thủ lĩnh biểu tình vẫn chưa xin phép nhà chức trách để tổ chức cuộc biểu tình. (Bangkok Post)
Đông Địa Trung Hải
Thổ Nhĩ Kỳ khảo sát địa chấn, Hy Lạp lập tức lên tiếng
Tối 11/10, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành cảnh báo trong đó nói rằng tàu Oruc Reis của nước này sẽ tiến hành cuộc khảo sát địa chấn tại Đông Địa Trung Hải trong 10 ngày tới, một bước đi có khả năng làm căng thẳng với Hy Lạp tái bùng phát.
Theo thông báo, hai tàu khác, gồm Ataman và Cengiz Han, cùng với tàu thăm dò Oruc Reis sẽ tiếp tục hoạt động trong một khu vực bao gồm cả phía Nam đảo Kastellorizo của Hy Lạp cho đến ngày 22/10.
Phản ứng với quyết định này của Ankara, ngày 12/10, trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Hy Lạp cho rằng, động thái này "là mối đe dọa trực tiếp đến hòa bình khu vực", cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ "không thực sự mong muốn tiến hành đối thoại" trong bối cảnh hai quốc gia đang nỗ lực ấn định thời hạn tiến hành đàm phán nhằm tháo gỡ căng thẳng liên quan tới tranh chấp về việc thăm dò dầu khí và chủ quyền lãnh hải tại Đông Địa Trung Hải. (Reuters)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận