Tin thế giới 11/3: Mỹ đề nghị Trung Quốc họp cấp cao; Nga phủ nhận quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ; Ukraine "đánh lớn" ở Donbass
Cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc 'hạ nhiệt', ĐSQ Trung Quốc bị tấn công, tình hình Myanmar, giao tranh ở Donbass... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.
Mỹ-Trung Quốc tổ chức hội nghị ngoại giao cấp cao
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ hội đàm với các quan chức hàng đầu của Trung Quốc vào tuần tới tại Anchorage, Alaska nhằm giảm leo thang căng thẳng giữa hai cường quốc.
Ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan có kế hoạch thảo luận về "một loạt các vấn đề" với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và nhà ngoại giao cấp cao Dương Khiết Trì.
Trong số các chủ đề sẽ có cam kết của chính quyền Washington trong việc ủng hộ “hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ và một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
“Đây là cơ hội quan trọng để chúng tôi trình bày một cách rất thẳng thắn về nhiều lo ngại mà chúng tôi có đối với các hành động và hành vi của Bắc Kinh đang thách thức an ninh, sự thịnh vượng và các giá trị của Mỹ cũng như các đối tác và đồng minh của chúng tôi", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định.
Về phần mình, ngày 11/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết các nhà ngoại giao Trung Quốc sẽ gặp các quan chức Mỹ tại Alaska vào ngày 18-19/3.
Ông Triệu Lập Kiên cho hay Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì - sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan "theo lời mời của phía Mỹ".
Ông Triệu nói thêm rằng Trung Quốc hy vọng Mỹ có thể đưa quan hệ trở lại lộ trình "lành mạnh và ổn định", đánh giá quan hệ một cách khách quan và hợp lý, từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và tư duy được-mất, cũng như tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc. (Reuters/THX)
Bộ Quốc phòng Mỹ cẩn thận trước hoạt động quân sự của Trung Quốc
Một báo cáo mới đây được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hôm 10/3, đã trình bày chi tiết các hoạt động đảm bảo "tự do hàng hải" đang được nước này tiến hành trên toàn cầu, nhằm mục tiêu thực thi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Báo cáo của Lầu Năm Góc cho hay: "Các yêu sách hàng hải bất hợp pháp hoặc những học thuyết pháp lý rời rạc về các quyền trên biển, những thứ không phù hợp đối với những luật quốc tế được phản ánh trong UNCLOS, đều gây ra mối đe dọa đối với nền tảng pháp lý của một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Do đó, Mỹ cam kết sẽ đối đầu với mối đe dọa này bằng việc thách thức những yêu sách hàng hải quá khích".
Báo cáo đã chỉ ra ít nhất 9 hoạt động hướng đến việc thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc, trong năm hoạt động được xem là bận rộn nhất của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương tính đến thời điểm hiện tại.
Các hoạt động này đều diễn ra ở Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông, và được trình bày với những giải thích cụ thể theo từng loại hình. (Reuters)
Mỹ cử tàu chiến thứ 3 qua eo biển Đài Loan
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John Finn của hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 10/3.
Cụ thể, Hạm đội 7 của hải quân Mỹ nhấn mạnh tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS John Finn (DDG 113) đã thực hiện “hành trình đi qua eo biển Đài Loan theo kế hoạch” và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhằm “thể hiện cam kết của Mỹ về sự tự do và mở cửa của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Cũng trong tuyên bố, hải quân Mỹ khẳng định “quân đội Mỹ sẽ tiếp tục bay qua, đi qua và hoạt động ở bất cứ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép”.
Ngày 11/3, Cơ quan Quốc phòng Đài Loan thông báo tàu khu trục USS John Finn của hải quân Mỹ đã di chuyển qua eo biển Đài Loan từ phía bắc sang phía Nam. Quân đội Đài Loan đã huy động lực lượng tình báo, trinh sát và giám sát theo dõi quá trình di chuyển của tàu chiến Mỹ. Cơ quan Quốc phòng Đài Loan nhấn mạnh, tình hình quanh Đài Loan vào thời điểm tàu USS John Finn đi qua là hoàn toàn bình thường. (CNA)
Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức bị tấn công
Ngày 10/3, cảnh sát Đức cho biết, họ đã bắt giữ một người đàn ông ném nhiều chất gây cháy vào khuôn viên của "một đại sứ quán" tọa lạc trên phố Brueckenstrasse, trung tâm thủ đô Berlin.
Mặc dù cảnh sát không nói rõ đại sứ quán nào bị tấn công, nhưng Trung Quốc là quốc gia duy nhất đặt đại sứ quán ở Brueckenstrasse.
Theo cảnh sát, nghi phạm có thể đã ném các thiết bị gây cháy vào khuôn viên đại sứ quán lúc 6 giờ sáng ngày 10/3 (giờ địa phương, 12 giờ trưa cùng ngày giờ Việt Nam).
Các nhân viên đại sứ quán này đã kịp thời dập lửa và rất may không có thương vong trong vụ việc. Cảnh sát đang tiếp tục điều tra. (AFP)
Tình hình Myanmar: Tiếp tục xảy ra đụng độ, 7 người thiệt mạng
Truyền thông Myanmar đưa tin đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh tiếp diễn trong ngày 11/3, khiến ít nhất 7 người thiệt mạng. Trong đó, 6 người đã thiệt mạng ở thị trấn Myaing, miền Trung nước này, trong khi 1 người thiệt mạng ở quận North Dagon, thành phố Yangon.
Cũng trong ngày 11/3, người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar, Chuẩn tướng Zaw Min Tun, cho biết hội đồng quân sự cầm quyền của nước này sẽ chỉ điều hành đất nước trong khoảng 1 thời gian nhất định, sau đó sẽ tổ chức tổng tuyển cử và chuyển giao quyền lực cho đảng nào giành chiến thắng.
Ông Zaw Min Tun còn cáo buộc bà Aung San Suu Kyi đã phê duyệt một khoản thanh toán bất hợp pháp trị giá 600.000 USD cộng với vàng khi còn nắm quyền điều hành đất nước.
Trước đó một ngày, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã họp và thông qua Tuyên bố Chủ tịch HĐBA về tình hình ở Myanmar, bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây sau khi quân đội tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 1/2 cũng như bắt giữ các thành viên chính phủ và kêu gọi thả ngay những người này.
HĐBA đã bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực tại Myanmar, khẳng định tiếp tục ủng hộ tiến trình dân chủ, kêu gọi tôn trọng quyền tự do cơ bản của con người và pháp quyền, khuyến khích đối thoại hòa bình, hòa giải phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar. (Reuters)
Rộ tin đồn Bắc Kinh họp kín với chính quyền quân sự Myanmar
Tờ Irrawaddy ngày 10/3 đưa tin ít nhất 2 quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Myanmar tại thủ đô Naypyitaw đã bị giam giữ với cáo buộc lộ lọt tài liệu liên quan cuộc họp khẩn giữa chính quyền quân sự với đại diện chính phủ Trung Quốc.
Theo đó, một tài liệu bị rò rỉ cuối tuần qua đã lan truyền trên mạng xã hội, trong đó cho thấy một phái đoàn Trung Quốc hồi cuối tháng 2 đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với các nhân viên nội vụ và ngoại giao Myanmar.
Theo tài liệu, phái đoàn Trung Quốc được cho là đã yêu cầu chính quyền quân sự tại Myanmar tăng cường an ninh cho các dự án đường ống dẫn dầu và khí đốt của nước này trong bối cảnh dư luận phản đối Trung Quốc tiếp tục gia tăng trên khắp Myanmar.
Ngoài ra, tài liệu cũng cho thấy Trung Quốc yêu cầu chính quyền quân sự gây áp lực với giới truyền thông nhằm giảm bớt sự hoài nghi đối với Trung Quốc. (Irrawaddy)
Giao tranh bùng phát dữ dội ở Donbass
Các cuộc pháo kích thường xuyên của Lực lượng vũ trang Ukraine vào lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR), leo thang thành các cuộc đụng độ quy mô lớn giữa quân đội Ukraine và lực lượng tự vệ của các nước cộng hòa tự xưng.
Ngày 10/3, cựu đại diện chính thức của dân quân Cộng hòa Nhân dân tự xưng Lugansk (LNR) Andrei Marochko cho hay, giao tranh giữa các binh sĩ thuộc lượng vũ trang Ukraine và LPR đã nổ ra ngày 10/3 ở làng Mikhailovka (Zolotoe-5).
Đến nay, tại khu vực giáp ranh giữa hai nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng, có hơn 200 xe tăng của Lực lượng vũ trang Ukraine, hơn 50 đơn vị pháo dã chiến, pháo phản lực và vũ khí tên lửa chiến thuật, điều này cho thấy Kiev sẵn sàng bắt đầu chiến dịch tấn công bất cứ lúc nào.
Theo nhiều ước tính khác nhau, một chiến dịch quân sự toàn diện của Lực lượng vũ trang Ukraine có thể bắt đầu vào cuối tuần này hoặc tuần sau. (TASS)
Nga 'nhắn gửi' tới Thổ Nhĩ Kỳ thông điệp về Crimea
Ngày 10/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga “không chấp nhận lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ về Crimea”.
Giống như nhiều đồng minh phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ không công nhận việc mà Moscow gọi là “thống nhất” Crimea, coi đây là hành vi Nga sáp nhập bất hợp pháp lãnh thổ của Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ cũng từ chối công nhận Crimea là một phần của nước Nga.
Tuy nhiên, ông Peskov thể hiện sự “tự tin rằng sớm hay muộn, các đối tác và đồng nghiệp người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận ra lập trường của Nga là đúng đắn và chính đáng”.
Ông Peskov nhấn mạnh sự bất đồng trong vấn đề Crimea không ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khi Ankara là “một đồng minh rất quan trọng”, “một đồng minh chiến lược” của Moscow. (TASS)
Vấn đề Hong Kong: Trung Quốc thông qua việc sửa Luật Bầu cử
Ngày 11/3, Quốc hội Trung Quốc đạt đồng thuận gần như tuyệt đối về đề xuất thay đổi cơ quan có vai trò chọn lựa đặc khu trưởng và đề xuất ứng viên tranh cử vào Hội đồng Lập pháp Hong Kong.
Theo Bloomberg, nghị quyết vừa được thông qua sẽ thay đổi quy mô và thành phần cơ quan chọn ra đặc khu trưởng Hong Kong. Cơ quan này còn có vai trò đề cử ứng viên tranh cử vào Hội đồng Lập pháp Hong Kong.
Nghị quyết đồng thời đảm bảo chỉ "người yêu nước" được tranh cử vào cơ quan công quyền Hong Kong. Sau khi được bỏ phiếu tán thành, dự thảo nghị quyết sẽ được chuyển cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh chi tiết quá trình cải cách bầu cử ở Hong Kong. Với nghị quyết mới, ủy ban sẽ bổ sung 300 ủy viên thân Bắc Kinh, nâng tổng số thành viên lên 1.500.
Theo Tân Hoa xã, với hệ thống bầu cử mới, thành viên lưỡng hội Trung Quốc, gồm Nhân đại (Quốc hội) và Chính Hiệp (tương tự Mặt trận Tổ quốc), sẽ tham gia vào Ủy ban Bầu cử Hong Kong. Sau đó, Ủy ban này sẽ chọn tân đặc khu trưởng trong năm 2022. (THX/Bloomberg)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận