menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đức Anh

Tin thế giới 10/11: Ông Trump và 29 "tweet" kịch tính; Trung Quốc "phản pháo" Mỹ; Indonesia nói về dự luật của Bắc Kinh

Bầu cử Mỹ 2020, quan hệ Mỹ-Trung, dự luật về hải cảnh của Trung Quốc, Tổng thống Peru bị phế truất là một số tin thế giới nổi bật 24 giờ qua.

Bầu cử Mỹ 2020

Ông Trump với 29 bài tweet về bầu cử chỉ trong 24 giờ

Trong 24h qua, ông Trump đã có động thái bất ngờ khi đăng và chia sẻ tới 29 bài viết/video trên trang Facebook Donald J. Trump. Tất cả các bài viết đều có nội dung liên quan tới bầu cử.

Trong số đó, đáng lưu ý nhất là những nội dung liên quan tới cuộc chiến pháp lí tại các bang với số phiếu đại cử tri lớn, bao gồm Wisconsin, Pennsylvania, Georgia và cả bang Nevada.

Cụ thể, loạt bài về bầu cử được bắt đầu với nội dung: "Số lượng phiếu cần phải xác định lại thậm chí còn nhiều hơn dự đoán ban đầu. Một số lượng rất lớn phiếu đã bị can thiệp. Hãy chờ xem!".

Tiếp đó, ông viết: "Nevada hóa ra là hang ổ của những lá phiếu giả. Ông Matt Schlapp (Chủ tịch Liên minh Bảo thủ Mỹ) và Adam Paul Laxalt (đồng Chủ tịch Ủy ban bầu cử của ông Trump tại bang Nevada) đang tìm hiểu những điều mà khi được công khai sẽ vô cùng gây sốc".

Loạt thông tin được ông Trump đăng tiếp theo cũng không kém phần kịch tính như: "Tình hình ở Wisconsin cũng rất ổn. Cần một ít thời gian theo pháp lý. Sẽ sớm có diễn biến!"; "Pennsylvania ngăn chúng ta theo dõi quá trình kiểm phiếu. Không thể tin nổi và bất hợp pháp"; "Sẽ thắng lớn ở Georgia, cũng như Đêm Bầu cử vậy!"

Bên cạnh đó, ông Trump còn chỉ trích các hãng truyền thông như Fox News, Quinnipiac, ABC/WaPo, NBC/WSJ "đi quá đà trong cuộc bỏ phiếu với những "khảo sát tệ hại nhất từ trước tới nay".

Tổng thống Mỹ đương nhiệm cũng đề cập tình hình vaccine ngừa Covid-19 và khẳng định: "Nếu ông Biden là tổng thống, mọi người sẽ không thể có vaccine trong 4 năm tới, hay được FDA thông qua sớm như vậy".

Ông Trump và đội ngũ của ông đã bắt đầu "cuộc chiến pháp lý" để kiểm tra hoặc đếm lại phiếu ở một số bang quan trọng với hy vọng có cơ hội lật ngược tình thế và thắng cử. (Twitter)

"Phó tướng" của ông Trump lần đầu lên tiếng hậu bầu cử

Ngày 9/11, trên Twitter, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence viết: “Gửi tới đội ngũ của Phó Tổng thống hôm nay: Mọi chuyện chưa kết thúc. Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không bao giờ ngừng đấu tranh cho chúng ta và chúng ta sẽ không ngừng chiến đấu cho tới khi mọi lá phiếu hợp lệ được kiểm”.

Theo USA Today, đây được xem là tuyên bố công khai đầu tiên của ông Pence kể từ khi ông Joe Biden được các hãng tin lớn tại Mỹ đưa tin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống hôm 3/11. Giới truyền thông Mỹ tính toán và dự đoán ông Biden sẽ vượt qua mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết để thắng bầu cử năm nay. (USA Today)

Tổng thống Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Ngày 9/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper “đã bị sa thải” và ông Christopher Miller, Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia sẽ trở thành quyền Bộ trưởng Quốc phòng ngay lập tức.

Tổng thống Trump khẳng định, ông Miller sẽ hoàn thành công việc xuất sắc, đồng thời cảm ơn Bộ trưởng Mark Esper vì thời gian làm việc đã qua. (Reuters)

Nga-Mỹ

Moscow: Quan hệ Nga-Mỹ còn nhiều vấn đề cần được giải quyết

Ngày 9/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với đài phát thanh Ekho Moskvy (Tiếng vọng Moscow) rằng, có nhiều vấn đề được đưa ra trong đối thoại Nga-Mỹ, tuy nhiên chưa có vấn đề nào được giải quyết một cách chiến lược trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.

Bà Zakharova nói: "Mọi thứ chỉ dừng lại ở mức độ nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề này hay vấn đề khác. Thành thật mà nói, ngay bây giờ tôi không thể nêu ra bất kỳ vấn đề nào được giải quyết về mặt chiến lược."

"Có rất nhiều vấn đề như vậy, đã có các nỗ lực để giải quyết chúng, nhiều giải pháp đã được đưa ra... Thật không may, một lần nữa, do xung đột chính trị nội bộ tại Mỹ, tất cả các vấn đề này đang bị kìm hãm lại", bà Zakharova cho hay. (TASS)

Mỹ-Trung Quốc

Mỹ trừng phạt 4 công dân Trung Quốc liên quan vấn đề Hong Kong, Bắc Kinh lên tiếng

Ngày 9/11, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 4 công dân Trung Quốc liên quan đến những hoạt động đối với Hong Kong gồm Deng Zhonghua, Edwina Lau, Li Jiangzhou và Li Kwai-wah.

Động thái trên được coi là phản ứng mới nhất của Mỹ đối với những hành động của Trung Quốc ở Hong Kong, trong đó có việc ban hành luật an ninh quốc gia mới đối với đặc khu này - vốn bị Washington cáo buộc là hành động vi phạm không thể chấp nhận được đối với những cam kết “một quốc gia, hai chế độ” của Trung Quốc.

Ngày 10/11, Bắc Kinh cho rằng, lệnh trừng phạt của Mỹ là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và sự can thiệp trắng trợn vào công việc của đặc khu này.

Phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ, Bắc Kinh hối thúc Mỹ lập tức rút cái gọi là lệnh trừng phạt của Washington và không nên lún sâu hơn vào con đường sai trái. (Reuters)

Trung Đông

Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine Saeb Erekat qua đời vì Covid-19

Ngày 10/11, Văn phòng Tổng thống Palestine thông báo ,Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đồng thời là Trưởng đoàn đàm phán của Palestine, ông Saeb Erekat, đã qua đời ở tuổi 65 vì các biến chứng do mắc Covid-19 .

Tổng thống Mahmud Abbas đã bày tỏ đau buồn về sự ra đi của ông Saeb Erekat, nhấn mạnh đây là tổn thất lớn đối với người dân Palestine.

Sinh ra tại Jerusalem năm 1955, ông Erekat từng có thời gian sinh sống ở thị trấn thánh địa Jericho ở vùng Bờ Tây bị chiếm đóng.

Là một học giả thông thạo tiếng Anh cũng như tiếng Arab là tiếng mẹ đẻ, ông Erekat đã tham gia các nhóm đàm phán của Palestine với Israel từ năm 1991. Ông đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh thành lập một nhà nước Palestine độc lập. (Times of Israel)

Israel và Sudan nỗ lực bình thường hóa quan hệ

Ngày 10/11, một nguồn tin giấu tên cho biết, Israel lên kế hoạch cử phái đoàn đầu tiên tới Sudan trong ngày 15/11. Động thái này diễn ra sau khi Israel tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Sudan ngày 23/10.

Hiện văn phòng Thủ tướng Israel và giới chức Sudan chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Sudan do Mỹ làm trung gian, dựa trên bước đột phá trong quan hệ ngoại giao giữa Nhà nước Do Thái và các quốc gia Arab vùng Vịnh vốn có truyền thống xa lánh Jerusalem vì xung đột với người Palestine. (Reuters)

Xung đột Armenia-Azerbaijan

Đạt lệnh ngừng bắn, tình hình Nagorno-Karabakh hạ nhiệt, Azerbaijan-Thổ Nhĩ Kỳ muốn giám sát

Ngày 10/11, Nga, Azerbaijan và Armenia đã lần lượt thông báo ký một thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột quân sự liên quan khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh sau hơn 1 tháng đổ máu, trong đó có lệnh ngừng bắn.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết, các hành động quân sự ở khu vực Nagorno-Karabakh vẫn chưa hoàn toàn kết thúc sau lệnh ngừng bắn này, trong khi người phát ngôn Bộ Quốc phòng nước này thông báo, các hành động quân sự ở khu vực nói trên đã chấm dứt hoàn toàn. Tình hình ở khu vực xung đột đã bình yên kể từ sáng cùng ngày.

Trong khi đó, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã thảo luận việc thành lập một trung tâm gìn giữa hòa bình chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ để giám sát việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực Nagorno-Karabakh.

Về phía Nga, Điện Kremlin cho biết, chưa có thỏa thuận nào về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ tại Nagorno-Karabakh và việc thành lập một trung tâm gìn giữ hòa bình bên ngoài khu vực này là vấn đề của một thỏa thuận khác.

Trước đó, sáng cùng ngày, Nga đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình gồm 1.960 quân nhân cùng với với các phương tiện và thiết bị tới một căn cứ không quân ở Nagorno-Karabakh như một phần trong thỏa thuận ngừng bắn. (Reuters)

Indonesia-Trung Quốc

Phản ứng của Indonesia về dự thảo luật mới của Trung Quốc liên quan lực lượng hải cảnh

Ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết, Indonesia hiện đang theo dõi quá trình xây dựng pháp luật về lực lượng bảo vệ bờ biển do Trung Quốc soạn thảo.

Bà Retno cũng cho hay, Indonesia tôn trọng mọi quốc gia trong việc đưa ra luật của quốc gia đó, song hy vọng rằng luật này sẽ không có tác động tiêu cực đến việc thực hiện hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông.

Indonesia sẽ tiếp tục trao đổi với Chính phủ Trung Quốc về sự tồn tại theo kế hoạch của luật, bà Retno nhấn mạnh.

Theo một số nguồn tin, Trung Quốc được cho là đang soạn thảo luật mới nhằm tích hợp lực lượng hải cảnh của nước này với các đơn vị quân đội. Theo dự luật này, lực lượng hải cảnh sẽ được tăng cường khả năng quân sự. (TTXVN)

Mỹ-Campuchia

Mỹ bình luận việc Campuchia phá bỏ cơ sở quân sự do Washington tài trợ

Ngày 10/11, Mỹ bày tỏ thất vọng về việc Campuchia đã phá bỏ căn cứ quân sự thứ 2 do Mỹ tài trợ mà không thông báo trước.

Trong tháng này, Campuchia đã hoàn tất việc xóa bỏ một cơ sở bảo dưỡng tại căn cứ Ream - được xây dựng năm 2017 bằng hỗ trợ tài chính từ Mỹ - sau khi phá bỏ một trụ sở hải quân chiến lược tại đó hồi tháng 9. Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh đã xác nhận việc phá bỏ trên với AFP, khiến phía Đại sứ quán Mỹ chi trích.

Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ Chad Roedemeier nhấn mạnh: "Chúng tôi thất vọng rằng giới chức quân sự Campuchia đã phá bỏ một cơ sở an ninh hải quân khác do Mỹ tài trợ mà không thông báo hay giải thích gì".

Căn cứ Ream tọa lạc ở vị trí chiến lược trong Vịnh Thái Lan, cho phép tiếp cận khu vực Biển Đông tranh chấp. (AFP)

Peru

Tổng thống Peru bị phế truất

Ngày 9/11, Tổng thống Peru Martín Vizcarra cho biết, sẽ chấp thuận nghị quyết của Quốc hội về việc phế truất ông và sẽ “rời khỏi văn phòng tổng thống ngay hôm nay”. Ông Vizcarra khẳng định không lên kế hoạch hành động pháp lý phản đối nghị quyết này.

Trước đó cùng ngày, với 105 phiếu thuận trên tổng số 130 phiếu, Quốc hội Peru đã thông qua nghị quyết phế truất Tổng thống Vizcarra với cáo buộc phạm tội tham nhũng khi còn giữ chức Thống đốc tỉnh Morquegua ở miền Nam.

Quyết định được đưa ra sau phiên họp toàn thể của Quốc hội Peru tuyên bố ông Vizcarra "thiếu phẩm chất đạo đức" và vì vậy đất nước được đặt vào tình trạng "thiếu vắng vị trí Tổng thống nước Cộng hòa".

Trước đó, ông Vizcarra đã có mặt tại quốc hội để điều trần về vụ việc, trong đó ông đã bác bỏ những cáo buộc tham nhũng, đồng thời chỉ trích tiến trình phế truất ông được thực hiện bằng những cáo buộc chưa được cơ quan pháp luật kiểm chứng. (Reuters).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại