Tin mới về dịch Covid-19 ngày 9/10: Hà Nội còn 12 điểm đang phong tỏa
Với 3 ca mắc mới Covid-19 vừa được phát hiện, số điểm đang thực hiện phong tỏa tại Hà Nội tăng lên ở mức 12.
Không phát hiện ca mắc mới
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 8/10 đến 6h ngày 9/10, trên địa bàn thành phố không ghi nhận ca dương tính mới với SARS-CoV-2.
Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 4.031 ca; trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.606 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.425 ca.
Về tình hình điều trị, tổng số bệnh nhân đã được điều trị khỏi là 3.466 trường hợp và 36 người đã tử vong.
Hiện, các cơ sở y tế của Hà Nội đang điều trị 206 bệnh nhân Covid-19, trong đó, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đang điều trị 50 trường hợp, Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm 21, Bệnh viện Bắc Thăng Long 9, Cơ sở cách ly điều trị Đền Lừ III 2, Cơ sở điều trị ký túc xá Phenikaa 20. Ngoài ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 điều trị 98 bệnh nhân, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị 6 bệnh nhân.
Tính đến 18h ngày 8/10, thành phố tiếp tục rà soát, ghi nhận thêm 43 trường hợp F1 và 75 F2. Ngoài ra, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có tổng số 672 điểm phong tỏa, trong đó, số điểm đang phong tỏa là 12.
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội về công tác cách ly, hiện trên địa bàn thành phố còn 3.354 người đang cách ly, trong đó, có 1.116 người tại khu cách ly tập trung cho F1 và người về từ vùng dịch; 65 người tại khu cách ly tập trung do quân đội quản lý; 2.092 người cách ly tại khách sạn; 81 người tại khu cách ly dành cho tổ bay.
Về công tác tiêm chủng, ngày 8/10, Hà Nội đã tiêm được 229.765 mũi; trong đó có 6.295 mũi 1 và 223.470 mũi 2. Đến nay, các quận, huyện, thị xã tiêm được hơn 7,1 triệu mũi, trong đó có hơn 5,1 triệu mũi 1 và hơn 2 triệu mũi 2. Các bệnh viện trung ương trên địa bàn thành phố tiêm được 1.159.840 mũi, trong đó có 792.138 mũi 1 và 367.702 mũi 2.
Như vậy, tổng số Hà Nội đã tiêm được hơn 8,26 triệu mũi, trong đó có gần 5,9 triệu mũi 1 (đạt 97,9% dân số trên 18 tuổi và 71% tổng dân số); tiêm được hơn 2,37 triệu mũi 2 (đạt 39,4% dân số trên 18 tuổi và 28,6% tổng dân số).
Bộ Y tế thay đổi tiêu chí xuất viện
Theo quy định của Bộ Y tế các F0 được ra viện khi đã được cách ly điều trị tại cơ sở tiếp nhận, điều trị Covid-19 tối thiểu 10 ngày và có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ virus thấp (Ct ≥30) vào ngày thứ 9.
Các trường hợp có triệu chứng lâm sàng được ra viện khi đủ các điều kiện sau: Được cách ly điều trị tại cơ sở tiếp nhận, điều trị Covid-19 tối thiểu 14 ngày
Các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên; Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ virus thấp (Ct ≥30) vào trước ngày ra viện.
Các trường hợp cách ly điều trị trên 10 ngày và có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR nhiều lần có nồng độ virus Ct < 30 được ra viện đủ các điều kiện sau:
Đã được cách ly điều trị tại cơ sở tiếp nhận, điều trị Covid-19 đủ 21 ngày tính từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2
Các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên.
Sau khi ra viện, cơ quan tiếp nhận, điều trị, người bệnh phải thông báo cho y tế cơ sở và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) địa phương biết và phối hợp. Người bệnh sau khi ra viện cần ở tại nhà và tự theo dõi trong 7 ngày; đo thân nhiệt 2 lần/ngày; tuân thủ thông điệp 5K.
Nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào, bệnh nhân cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời.
Với người bệnh ra viện thuộc trường hợp cách ly điều trị trên 10 ngày và có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR nhiều lần có nồng độ virus Ct < 30:
Sau khi ra viện yêu cầu người bệnh thực hiện cách ly y tế tại nhà trong 7 ngày; đo thân nhiệt 2 lần/ngày.
Nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào, cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời.
Việc bàn giao, vận chuyển người bệnh sau xuất viện vẫn tiếp tục theo quy định ban hành trước đó trong Công văn số 425/CV-BCĐ ngày 19/1 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và các văn bản thay thế khác (nếu có).
Người bệnh bắt buộc phải đi bằng xe riêng (do người hoàn thành cách ly hoặc cơ quan sử dụng người nhập cảnh hoặc chủ cơ sở cách ly tập trung hoặc địa phương bố trí). Xe phải được đăng ký trước với đơn vị quản lý khu cách ly tập trung, không tổ chức đưa đón đông người (chỉ gồm lái xe hoặc/và người giám sát đi cùng)
Người hoàn thành cách ly, lái xe hoặc người đi cùng (nếu có) phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển, bố trí, sử dụng thườngxuyên dung dịch sát khuẩn tay khi lên, xuống xe và trong suốt quá trình di chuyển; cài đặt và mở ứng dụng truy vết liên tục và áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân theo quy định.
Những người đi trên xe phải hạn chế tiếp xúc gần (< 2 m) với người khác trong quá trình di chuyển; hạn chế dừng, đỗ ăn uống dọc đường, tốt nhất đi thẳng từ khu cách ly tập trung về nhà, nơi lưu trú.
TP.HCM đề nghị công nhận kiểm soát dịch cho 20 quận, huyện và TP.Thủ Đức
Tính đến ngày 6/10, đã có 19 quận, huyện và TP.Thủ Đức được đề nghị công nhận kiểm soát dịch. Chỉ còn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh là 2 địa phương chưa được đề nghị công nhận kiểm soát dịch.
Đến ngày 8/10, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP này (Ban chỉ đạo) công nhận thêm huyện Bình Chánh đạt 6/6 tiêu chí kiểm soát dịch quy định của Bộ Y tế.
Như vậy, hiện TP.HCM đã có 20 quận, huyện và TP.Thủ Đức được đề nghị công bố kiểm soát dịch, chỉ còn duy nhất quận Bình Tân chưa được đề nghị công bố kiểm soát dịch Covid-19.
Cụ thể, vào ngày 30/9, Đoàn kiểm tra số 18 đã làm việc với UBND quận Bình Tân, ghi nhận những kết quả tích cực của quận trong thời gian qua.
Khi đối chiếu với bộ tiêu chí theo Quyết định 3979/2021 của Bộ Y tế, quận Bình Tân đạt về chỉ số kéo giảm 50% số ca nhiễm mắc mới so với tuần cao nhất của đợt dịch, nhưng tính theo chu kỳ 7 ngày, số ca nhiễm từ ngày 22/9 đến 27/9 lại tăng, vẫn còn ghi nhận nhiều ca dương tính.
Quận Bình Tân đã đạt chỉ số về tỷ lệ số mẫu xét nghiệm dương tính trên số người lấy mẫu xét nghiệm giảm liên tục trong vòng 14 ngày và không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới trong 7 ngày.
Về nhóm chỉ số nguy cơ lây nhiễm, tiêu chí này yêu cầu đánh giá mức độ nguy cơ theo cấp phường nhưng quận Bình Tân lại đánh giá theo khu phố, tổ dân phố là chưa phù hợp.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP, cũng trong sáng 8/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, tính từ khi TP bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt 1 đến hết ngày 7/10 đã tiêm được 12.045.799 mũi tiêm, trong đó 5.013.768 người tiêm mũi 2. Vắc-xin Vero Cell đã tiêm cho 2.942.091 người.
Tỷ lệ người trên 18 tuổi đã tiêm 1 mũi là 97,5%; người tiêm đủ 2 mũi là 69,6%; người trên 65 tuổi được tiêm 2 mũi là 73,47%; người trên 50 được tiêm 2 mũi là 61,79%.
Tính đến nay, TP được Bộ Y tế phân bổ 12.278.264 liều vắc-xin và đã tiêm 11.913.318 liều. Tỷ lệ tiêm chủng trên tổng vắc-xin phân bổ thực tế tại TP là 97,03% (theo dữ liệu Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19).
Quy định về test nhanh khi tới cơ sở y tế
Trong công văn mới ban hành của Sở Y tế TP.HCM, người bệnh có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày sẽ không cần test nhanh khi đi khám tại cơ sở y tế.
Cụ thể, tại khoa khám bệnh, cấp cứu và đơn vị điều trị trong ngày người bệnh khi đến khám cần khai báo y tế điện tử và được phân luồng, sàng lọc triệu chứng theo quy định của Bộ Y tế. Trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 sẽ được làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.
Đối với bệnh nhân cấp cứu, bệnh viện cần ưu tiên can thiệp cấp cứu tại buồng sàng lọc, sau khi người bệnh ổn định, cần xem xét chỉ định xét nghiệm nhanh kháng nguyên nếu có triệu chứng nghi ngờ.
Đối với người bệnh cần can thiệp thủ thuật, phẫu thuật tại khu vực điều trị - ngoại trú, điều trị ban ngày (như phẫu thuật trong ngày, thận nhân tạo, khí dung, khám thăm dò chức năng hô hấp, nội soi dạ dày, răng miệng...): Được xét nghiệm nhanh kháng nguyên để quyết định nơi thực hiện thủ thuật, phẫu thuật phù hợp.
Tuy nhiên, với trường hợp người bệnh và thân nhân đã có xét nghiệm âm tính còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu) và không có triệu chứng nghi ngờ, thì không cần xét nghiệm lại.
Đối với người bệnh có chỉ định nhập viện, cần xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm rRT-PCR (mẫu đơn hoặc mẫu gộp không quá 10 mẫu) cho người bệnh và người chăm sóc đi kèm trước khi nhập viện.
Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, người bệnh vẫn được điều trị tại khu cách ly tạm.
Như vậy, theo quy định này, những trường hợp đến khám, chữa bệnh thông thường (không can thiệp phẫu thuật, thủ thuật) và không có triệu chứng viêm hô hấp sẽ không cần xét nghiệm Covid-19.
Tại khu điều trị nội trú và các khoa, phòng khác, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các đơn vị xét nghiệm (rRT-PCR hoặc test nhanh) cho tất cả nhân viên, người lao động, người bệnh, người chăm sóc ngay khi có triệu chứng nghi ngờ (sốt, ho, đau họng, mất khứu giác, mất vị giác...).
Tất cả người mắc viêm phổi diễn tiến nhanh, suy hô hấp không giải thích cần phải chỉ định xét nghiệm rRT-PCR mẫu đơn.
Các nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với F0, nhân viên xử lý mẫu bệnh phẩm, đồ vải, rác thải lây nhiễm và các khu vực nguy cơ cao được xét nghiệm rRT-PCR mẫu gộp 10/tuần/lần. Các nhân viên còn lại, bao gồm bệnh nhân nội trú, cũng được lấy mẫu ngẫu nhiên 20% với tần suất tương tự.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận