Tin mới về dịch Covid-19 ngày 31/10: Hà Nội có 2 ổ dịch phức tạp; TP.HCM tiêm vắc-xin cho trẻ từ 3 tuổi trở lên
Nhiều ca bệnh mới xuất hiện, vì vậy, yêu cầu các địa phương phải khẩn trương dập dịch.
Hà Nội: 2 ổ dịch phức tạp
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, hiện Thành phố có 2 chùm ca bệnh diễn biến phức tạp gồm chùm ở thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai và chùm ở xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh (hiện đã ghi nhận 30 ca mắc).
Hai chùm ca bệnh này có liên quan đến đám hiếu, đám cưới và liên quan các cơ quan, công sở nên lượng người có tiếp xúc với F0 nhiều. Công tác điều tra, truy vết, xét nghiệm tiếp tục được triển khai để tiến tới khoanh vùng, dập dịch trong thời gian sớm nhất.
Cùng với đó, thành phố đang thực hiện giám sát người về từ các địa phương có dịch. Đến nay đã rà soát, quản lý và giám sát sức khỏe 8.153 người từ các tỉnh miền Nam, trong đó phát hiện 48 trường hợp dương tính (gồm: 34 người trở về từ TP.HCM, 6 người về từ tỉnh Đồng Nai, 3 người về từ tỉnh Bình Dương, 2 người về từ Quảng Ngãi, 1 người về từ Tây Ninh, 1 người về từ Hà Giang và 1 người về từ Hà Nam).
Trong các ca dương tính này ngoài trẻ em chưa đến tuổi tiêm chủng, có nhiều người đã được tiêm vắc-xin.
CDC Hà Nội khuyến cáo, kể cả khi đã tiêm vắc-xin, thậm chí tiêm đủ mũi, người dân cần tiếp tục thực hiện tốt biện pháp 5K, tốt nhất nên hạn chế tối đa việc đến những nơi đông người. Khi phải đi đến trung tâm thương mai, siêu thị, bến xe, bến tàu, nơi công sở…, người dân cần thực hiện quét mã QR-code để thuận tiện cho việc truy vết khi phát hiện F0.
TP.HCM: Tiêm vắc-xin cho trẻ từ 3 tuổi trở lên
Theo Sở Y tế TP.HCM, trong năm 2022, Thành phố có kế hoạch tiêm mũi 1, mũi 2 vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên. Ngoài ra, người đủ thời gian theo quy định của Bộ Y tế cũng có thể tiêm mũi 3, mũi 4.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, trong đợt dịch thứ 4, Thành phố đã trải qua 4 giai đoạn giãn cách xã hội. Thời điểm nặng nề nhất kéo dài từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9.
Cụ thể, dịch bệnh bùng phát từ cuối tháng 4, ca đầu tiên ghi nhận tại quận Bình Tân. Sau đó, tiếp tục phát hiện 2 ca cộng đồng tại quận 7 và Thủ Đức. Những trường hợp này nhiễm chủng Delta.
Trong tháng 5, tỷ lệ ca dương tính tại TP là cấp độ 1, tháng 6 cấp độ 3, tháng 7 cấp độ 3 và tháng 8 lên cấp độ 4, do biến chủng Delta phức tạp, khó lường, lây nhiễm nhanh, không như các đợt dịch trước đó từ tháng 3 đến 12/2020.
Phó Giám đốc Sở Y tế nhận định TP đang ở cấp độ 2 (cấp độ trung bình, tương ứng với màu vàng), một số quận huyện cấp độ 1 (nguy cơ thấp). Tuy nhiên, về mắc ca mới thì Thành phố đang ở cấp độ 3 nhưng nhờ có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao nên Thành phố được tính ở cấp độ 2.
Thông tin về những hoạt động phòng chống dịch trong thời gian tới, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, kế hoạch 2 tháng cuối năm, Thành phố tiếp tục tiêm vét vắc-xin ngừa Covid-19 mũi 1, mũi 2 cho người trên 18 tuổi. Đồng thời, tiêm mũi 1, 2 cho trẻ từ 12-17 tuổi (dự kiến hoàn tất vào cuối tháng 11).
Đặc biệt, Thành phố sẽ tiêm nhắc mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch trong tháng 11,12/2021.
Bước sang năm 2022, ngành y tế Thành phố dự kiến triển khai tiêm mũi 1 và mũi 2 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên. Ngoài ra, tổ chức tiêm vắc-xin mũi 3 và mũi 4 cho người đủ thời gian theo quy định của Bộ Y tế.
Cần Thơ nâng cấp độ chống dịch
Ngày 30/10, UBND TP.Cần Thơ, ký ban hành văn bản cập nhật, xác định thành phố có dịch ở cấp độ 2. Theo đó, Thành phố có 8 quận, huyện ghi nhận dịch ở cấp độ 2 và quận Cái Răng ở cấp độ 1. Theo đánh giá của Sở Y tế, TP.Cần Thơ có 29 phường/xã/thị trấn có dịch ở cấp độ 1 và 43 đơn vị ở cấp độ 2. 10 đơn vị ở cấp độ 3 và phường An Nghiệp (quận Ninh Kiều) ở cấp độ 4.
TP.Cần Thơ đã ban hành hướng dẫn cụ thể hoạt động ở từng cấp độ dịch kể từ 9h ngày 1/11. Ở cấp độ 1, các hoạt động diễn ra theo trạng thái “bình thường mới” và đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Ở cấp độ 2, người dân không tập trung quá 30 người và phải đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch. Cơ sở kinh doanh thực phẩm, ăn uống chỉ được phép bán mang về hoặc tại chỗ không nhưng quá 50% công suất.
Cơ sở đảm bảo khoảng cách mỗi bàn tối thiểu 2 m, không phục vụ rượu bia và các loại đồ uống có cồn.
Cơ sở cắt tóc, gội đầu và hoạt động thể thao, bơi lội được phép hoạt động nhưng không quá 50% công suất tại cùng thời điểm. Thành phố cũng tạm dừng dịch vụ vui chơi giải trí, karaoke, quán bar, massage, vũ trường…
Ở cấp độ 3, Thành phố yêu cầu không tập trung quá 10 người và cấp độ 4 không quá 2 người.
Cơ sở kinh doanh ăn uống chỉ được phép bán mang đi hoặc tại chỗ nhưng không quá 30% công suất ở cùng thời điểm và không phục vụ đồ uống có cồn.
TP.Cần Thơ cho phép chợ hoạt động nhưng đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của chính quyền.
Vĩnh Long áp dụng biện pháp chống dịch cấp độ 3
Từ 0h ngày 31/10, tỉnh Vĩnh Long áp dụng biện pháp phòng, chống dịch ở cấp độ 3 đối với 12 xã, phường, gồm phường 1, 2, 3, 4, 5, 8, 9 (TP.Vĩnh Long) và các xã Phước Hậu, Long Phước, Tân Hạnh, Thanh Đức (huyện Long Hồ) và xã Hòa Tịnh (huyện Mang Thít). Các địa phương còn lại của tỉnh áp dụng dịch ở cấp độ 2.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện có phương án thu hẹp hoặc mở rộng phạm vi thực hiện biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Tại điểm, khu vực có F0 cộng đồng, việc phong tỏa thực hiện trên tinh thần “hẹp và chặt”, khẩn trương truy vết rõ nguồn lây, triển khai xét nghiệm tầm soát.
Số ca nhiễm tăng cao, Đắk Lắk lập thêm bệnh viện dã chiến 1.500 giường
Ngày 30/10, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến số 2 để điều trị bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện có quy mô 1.500 giường, trực thuộc Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin và đặt tại Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk (phường Tân Hòa, TP.Buôn Ma Thuột).
Cơ sở này có chức năng là cách ly, chăm sóc, điều trị bệnh nhân dương tính Covid-19 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ; thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ và có bệnh lý nền ổn định.
Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk từ ngày 27/4 đến nay, địa phương ghi nhận 3.874 ca mắc Covid-19. Trong đó, 1.754 trường hợp đang điều trị, 2.096 ca đã điều trị khỏi và 24 người tử vong.
Trong 14 ngày qua (16-29/10), Đắk Lắk đã ghi nhận 1.246 trường hợp mắc mới, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, 892 ca phát hiện trong cộng đồng, chiếm tỷ lệ 71,6% số ca mắc phát hiện trong 14 ngày.
Những chùm ca bệnh chủ yếu liên quan đến các chợ, tiểu thương. Theo đánh giá cấp độ dịch, Đắk Lắk hiện ở cấp độ 3.
Trước tình hình diễn biến phức tạp, tỉnh Đắk Lắk dự kiến tăng số giường điều trị cho bệnh nhân Covid-19 lên 5.580 giường ở cả 3 tầng điều trị.
Trong đó Bệnh viện dã chiến số 1 và Bệnh viện dã chiến số 2 là 3.600 giường bệnh; Trung tâm y tế huyện Krông Búk 230 giường bệnh; Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 là 300 giường bệnh; Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh có quy mô 100 giường.
Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên sẽ mở rộng giường bệnh điều trị bệnh nhân trung bình, nặng, nguy kịch lên 700 giường bệnh. Các bệnh viện tuyến huyện, Bệnh viện Đa khoa khu vực 333, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh sẽ bố trí 5-20 giường bệnh để điều trị bệnh nhân nặng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận