Tin mới về dịch Covid-19 ngày 29: 2 điều kiện để F0 cách ly tại nhà; Ổ dịch Thanh Xuân vẫn nóng
Bộ Y tế vừa có hướng dẫn quy định 2 điều kiện để F0 được cách ly, theo dõi tại nhà.
Hà Nội: Ổ dịch Thanh Xuân lên tới 186 ca mắc
Sáng 29/8, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 28/8 đến 6 giờ ngày 29/8, Hà Nội ghi nhận 33 ca mắc mới trong đó 2 ca tại cộng đồng, 31 ca được cách ly và trong khu vực phong tỏa. Riêng ổ dịch Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân từ ngày 23/8 đến nay đã ghi nhận 186 ca.
Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 2.991 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, 1.532 người được phát hiện ngoài cộng đồng, 1.459 trường hợp còn lại đã cách ly.
Trên quy mô cả nước, ngoài số ca mắc tăng cao mỗi ngày, hiện tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 10.405 người, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong trên thế giới (2,1%).
Giảm tỉ lệ tử vong đang là mục tiêu của các cơ sở y tế khi điều trị bệnh nhân Covid-19. Các chuyên gia nhận định, việc thiếu thốn các thiết bị lọc máu liên tục CRRT dẫn đến tình trạng quá tải, nhiều bệnh nhân không được điều trị kịp thời dẫn đến tỷ lệ tử vong tăng cao hơn so với các nước trong khu vực.
GS.TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng tổ điều trị bệnh nhân Covid-19 khuyến nghị có thể áp dụng lọc máu hấp phụ ngay khi bệnh nhân thở HFNC, không đợi đến khi thở máy, ECMO. Can thiệp lọc máu hấp phụ trong điều trị bệnh nhân Covid-19.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp. Số ca mắc vẫn đang tăng, bệnh nhân nặng nguy kịch và số ca tử vong vẫn đang là thách thức đối với ngành Y tế. Rất nhiều biện pháp đã được áp dụng trong thời gian vừa qua.
Bộ Y tế quy định 2 điều kiện để F0 được cách ly, theo dõi tại nhà
Bộ Y tế quy định rõ những người nhiễm Covid-19 đủ các điều kiện dưới đây sẽ được cơ quan có trách nhiệm ra quyết định cách ly, theo dõi tại nhà:
Một là căn cứ mức độ bệnh và đặc điểm của người nhiễm Covid-19: Không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ gồm các biểu hiện như không suy hô hấp, SpO2 ≥ 96%, nhịp thở ≤ 20 lần/phút; độ tuổi: Trên 12 tháng và dưới 50 tuổi; không có bệnh nền; không mang thai.
Hai là người nhiễm Covid-19 có khả năng tự chăm sóc bản thân. Theo đó, người nhiễm có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân; biết cách đo thân nhiệt; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát; khi có tình trạng cấp cứu, có sẵn và sử dụng được các phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính; có khả năng tự dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.
Nếu người nhiễm Covid-19 không có khả năng tự chăm sóc thì gia đình phải có người khỏe mạnh, có kiến thức chăm sóc người nhiễm, biết cách phòng ngừa lây nhiễm để hỗ trợ các F0. Tuy nhiên, cần hạn chế người chăm sóc.
Cũng theo hướng dẫn này, ngay khi được thông báo về việc cách ly người nhiễm tại nhà, các thành viên trong nhà cần lưu lại các số điện thoại đường dây nóng phòng, chống dịch; người được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe người nhiễm và các số điện thoại cần thiết khác.
Ngoài ra, gia đình cần bố trí vùng không gian dành riêng cho người nhiễm, đồng thời phân công một người phù hợp nhất chăm sóc người nhiễm (nếu cần).
Cùng với đó, gia đình cần chuẩn bị các vật dụng tối thiểu: Khẩu trang y tế dùng 1 lần (đủ dùng cho cả nhà trong 2-3 tuần); găng tay y tế sạch, nhiệt kế, máy đo huyết áp; các thuốc đang sử dụng cho người trong nhà có bệnh sẵn có như: Cao huyết áp, đái tháo đường, gút... với số lượng có thể dùng trong ít nhất 30 ngày; các thuốc và đơn thuốc (theo đơn) của bác sĩ đối với người nhiễm (nếu có).
Đặc biệt lưu ý, khi trong gia đình có người nhiễm Covid-19, những người trong gia đình cũng cần phải cách ly tại nhà để tránh lây nhiễm cộng đồng bởi cũng có nguy cơ nhiễm.
Với những gia đình có F0 cách ly tại nhà, không cần lo lắng tích trữ thực phẩm vì sẽ có chính quyền địa phương, người thân và các lực lượng, tổ chức giúp đỡ gia đình trong thời gian cách ly tại nhà.
Cùng ngày, Bộ Y tế có Quyết định số 4158/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn phòng ngừa và quản lý nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc.
Theo hướng dẫn, nguyên tắc thực hiện là áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn trong chăm sóc người bệnh, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám, chữa bệnh;
Bảo đảm luôn trang bị sẵn sàng phương tiện phòng hộ cá nhân ở mọi khu vực chăm sóc và điều trị người nhiễm hoặc nghi nhiễm SARS-CoV-2, với số lượng, chủng loại và chất lượng phù hợp; bảo đảm tiêm vắc xin phòng Covid-19 đủ liều cho tất cả nhân viên y tế, đặc biệt người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch.
Các đơn vị, cá nhân thực hiện theo hướng dẫn này để bảo đảm đủ nhân lực có kiến thức chuyên môn và phòng ngừa lây nhiễm cho công tác điều trị, chăm sóc người SARS-CoV-2, bố trí ca kíp làm việc phù hợp nhằm bảo đảm sức khỏe nhân viên y tế; hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế và người bệnh thông qua việc phân luồng, tăng cường sàng lọc nhằm phát hiện sớm, cách ly kịp thời người nhiễm hoặc nghi nhiễm SARS-CoV-2.
Đồng thời, bảo đảm nhân viên y tế nhận biết chính xác nguy cơ lây nhiễm, tự đánh giá đúng, trung thực nguy cơ lây nhiễm nhằm phát hiện sớm và cách ly kịp thời nhân viên y tế nhiễm hoặc nghi nhiễm SARS-CoV-2.
Qua đây, Bộ Y tế hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 ở nhân viên y tế theo các nội dung: Những biện pháp phòng ngừa chung; tổ chức phân luồng, sàng lọc, phát hiện sớm và cách ly kịp thời người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2; phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 trong thực hành lâm sàng.
Bộ Y tế cũng hướng dẫn đánh giá nguy cơ và quản lý nhân viên y tế nhiễm SARS-CoV-2, trong đó quy định chi tiết việc quản lý nhân viên y tế được đánh giá "Nguy cơ lây nhiễm thấp", "Nguy cơ lây nhiễm cao".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận