24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Tiến Hoàng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tin mới về dịch Covid-19 ngày 20/0: Công điện khẩn nâng chất lượng xét nghiệm Covid-19

Bộ Y tế đề nghị các địa phương quyết định nới lỏng giãn cách xã hội theo nguyên tắc thực hiện có lộ trình và hạ cấp độ nguy cơ từng bước, chắc chắn.

Xử lý kịp thời hạn chế trong công tác xét nghiệm

Bộ trưởng Y tế đã ký Công điện 1436 gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố.

Trong công điện, ông Nguyễn Thanh Long đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các chỉ đạo, kết luận của Chính phủ, Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công điện 1409 (ban hành ngày 15/9) về xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch khi giãn cách xã hội.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phổ biến đến tất cả quận/huyện, xã/phường, thị trấn; tập trung thực hiện tại những địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao.

Các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm, kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, vướng mắc còn tồn tại.

Công điện của Bộ Y tế cũng nêu rõ trên cơ sở kết quả thực hiện, các địa phương quyết định việc nới lỏng giãn cách xã hội theo nguyên tắc thực hiện có lộ trình và hạ dần cấp độ nguy cơ từng bước, chắc chắn.

Tại những địa bàn nguy cơ (vùng vàng) và bình thường mới (vùng xanh), các đơn vị thực hiện việc xét nghiệm với nhóm, địa điểm nguy cơ để kịp thời điều chỉnh phù hợp biện pháp phòng, chống dịch.

Trước đó, trong Công điện 1409, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố khi thực hiện giãn cách xã hội, phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách. Nguyên tắc là ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể như thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố...

Bộ Y tế nhấn mạnh thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng cam), địa phương phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để phát hiện F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời.

Các đơn vị có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR.

Các địa bàn còn lại thực hiện xét nghiệm 5-7 ngày/lần, gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề.

Khi xét nghiệm rRT-PCR, các cơ sở phải đảm bảo trả kết quả trong thời gian 12 giờ. Thực hiện xét nghiệm dứt điểm theo từng địa bàn và đảm bảo không để lây nhiễm chéo khi thực hiện lấy mẫu.

Các địa phương tập trung lực lượng lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; chia nhỏ điểm lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu; việc lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể được thực hiện bởi tình nguyện viên hoặc người dân.

Khẩn trương điều động lực lượng ở các địa bàn đang ở mức bình thường mới để tập trung hỗ trợ lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao.

Trong Công điện ngày 15/9, Bộ Y tế cũng đã nhấn mạnh các tỉnh, thành phải thực hiện liên tục việc đánh giá nguy cơ để quyết định việc giãn cách và nới lỏng giãn cách. Việc nới lỏng giãn cách phải thực hiện từng bước, chắc chắn và phải tiếp tục xét nghiệm tầm soát theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hà Nội nới dần các hoạt động ngoài "vùng đỏ"

Số ca mắc mới từ 18h ngày 19/9 đến 6h ngày 20/9 ghi nhận 3 ca bệnh trong đó 2 ca tại khu cách ly, 1 ca tại cộng đồng

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.925 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.598 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.327 ca.

Thững ngày tới, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định phòng chống dịch ở các cơ sở kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin, đặc biệt là mũi 2; tiếp tục xét nghiệm nhất là đối với những người có triệu chứng ho, sốt, khó thở…; khẩn trương xây dựng trạm y tế lưu động.

Từ ngày 24/7, trong đợt đầu Hà Nội giãn cách xã hội để phòng dịch, trung bình nghi nhận có 71,2 ca mắc mới/ngày, đến đợt giãn cách thứ 4 chỉ còn trung bình 25-27 ca/ngày và đến ngày 19/9, dự kiến cũng khoảng dưới 15 ca. Trên 60% toàn dân số đã được tiêm vắc-xin ít nhất 1 mũi.

Qua chiến dịch thần tốc vừa qua, Thành phố đã xét nghiệm diện rộng trên 4 triệu người để bóc tách F0 khỏi cộng đồng và tỷ lệ ca mắc ngoài cộng đồng đã giảm từ 50 xuống còn 10%. Sau đó, Thành phố đã điều chỉnh xét nghiệm theo hướng có trọng điểm, đúng đối tượng, khu vực nguy cơ.

Lãnh đạo Hà Nội cho biết, từ các mốc thời gian của từng loại vắc-xin, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai, đảm bảo sẽ tiêm vắc-xin mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2021. Đây là điều kiện quan trọng để thực hiện "mục tiêu kép".

Theo định hướng chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, dự kiến sau 21/9, TP sẽ không chia 3 phân vùng nữa. Nơi nguy cơ rất cao, có ca F0 sẽ trở thành "điểm đỏ" với quy mô hẹp.

"Điểm đỏ" thì phải áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng; khu vực xuất hiện F0 và các gia đình lân cạnh phải phong tỏa, cách ly y tế. Khu vực lân cận là vùng vàng, còn lại là xanh. Việc kiểm soát dịch được thực hiện theo tinh thần “không có đỏ là tốt nhất, có thì phải thu hẹp tối đa”".

Cùng với đó, Thành phố sẽ tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát cửa ngõ Thủ đô. Hà Nội cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ để làm việc với các tỉnh thành lân cận để phối hợp quản lý người ra vào Thủ đô.

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã chủ động các phương án phòng, chống dịch sau ngày 21/9.

Sau ngày 21/9, TP sẽ xây dựng phương án phòng, chống dịch theo hướng nới lỏng từng bước để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Trong đó, các địa phương cần chú trọng triển khai việc quét mã Qr Code.

Cùng với đó, các quận huyện cần chú trọng các phương án bảo đảm phòng chống dịch cho các phương tiện đường bộ, đường hàng không về thành phố; việc đảm bảo các điều kiện cần thiết để các trường học trước đây các quận mượn làm nơi cách ly phục vụ cho việc chuẩn bị sẽ đón học sinh, sinh viên trở lại học tập.

Sau ngày 21/9, Thành phố dự kiến sẽ cơ bản cho các công trình xây dựng hoạt động trở lại với các điều kiện cụ thể để đảm bảo an toàn, vì thế phải chủ động các phương án phòng, chống dịch để triển khai. Các khu vực "điểm đỏ" sẽ không được xây dựng hoặc đang triển khai xây dựng mà có F0 thì phải dừng.

TP.HCM: Bộ Y tế đã phân bổ thêm 54.700 liều vắc-xin Astra Zeneca

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM hiện các bệnh viện tại TP.HCM đang điều trị cho 41.193 bệnh nhân, trong đó có 3.459 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.350 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Về tiến độ tiêm vắc-xin, theo thống kê, đến hết ngày 18/9, Thành phố đã tiêm được 8.735.784 mũi vắc-xin Covid-19; trong đó, tổng số mũi 1 là 6.728.803, mũi 2 là 2.006.981, số người được tiêm trên 65 tuổi và người có bệnh nền là 1.025.251 người

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, các quận, huyện vẫn tiếp tục tiêm vét vắc-xin cho các trường hợp chưa tiêm mũi 1, tiêm mũi 2 cho người đã đủ thời gian.

Qua ghi nhận, các quận, huyện có tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 2 cao nhất gồm Quận 11 đạt tỷ lệ 43%, Quận 10 đạt 41%, huyện Cần Giờ đạt 39%, huyện Hóc Môn đạt 37%...

Bộ Y tế đã phân bổ thêm cho TP.HCM 54.700 liều vắc-xin AstraZeneca. Hiện số vắc-xin này đã được đưa về các quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Phân bổ 8 triệu liều vắc-xin Vero Cell

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có quyết định phân bổ 8 triệu liều vắc-xin Vero Cell cho 25 tỉnh, thành phố để tiêm mũi 1 và mũi 2.

Theo quyết định phân bổ, Hà Nội là địa phương được nhận nhiều nhất với hơn 1,3 triệu liều, tiếp đến là Quảng Ninh với hơn 700.000 liều. TP.HCM, Lạng Sơn, Hải Phòng và Yên Bái cùng nhận 500.000 liều.

Bắc Ninh được phân bổ 400.000 liều, Khánh Hòa, Kiên Giang mỗi nơi nhận 300.000 liều. Tỉnh Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Định, Long An, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Tây Ninh... cùng được phân bổ 200.000 liều. Các địa phương còn lại được nhận khoảng 100.000 liều.

Được biết, ngày 3/6, Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt có điều kiện vắc-xin của Sinopharm. Đây là loại vắc-xin ngừa Covid-19 thứ 3 được phê duyệt tại Việt Nam, sau AstraZeneca và Sputnik V.

Khi phê duyệt vắc-xin của Sinopharm vào danh sách sử dụng khẩn cấp vào hồi tháng 5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận hiệu quả bảo vệ là 78,2%. Đây là vắc-xin thứ 6 trên thế giới được xét vào danh sách này và là loại đầu tiên sử dụng công nghệ bất hoạt.

Đến ngày 17/9, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 50 triệu liều vắc-xin Covid-19 từ các nguồn khác nhau. Phần lớn trong số này đã được phân bổ cho các địa phương, đơn vị.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hôm 11/9 cho biết dự kiến từ nay đến hết năm 2021, Việt Nam nhận thêm khoảng 100 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, trong đó đến hết tháng 9 về khoảng 22,8 triệu liều, tháng 10 có thêm khoảng 31,2 triệu liều.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả