Tin mới về Covid-19 ngày 3/12: Omicron lan tới ít nhất 26 quốc gia, vùng lãnh thổ
Hiện tại biến chủng mới Omicron đã lan tới ít nhất 26 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tốc độ lan nhanh
Các quốc gia trên khắp thế giới đang chạy đua để phát hiện sớm nhất những ca nhiễm biến chủng Omicron. Giới chức y tế toàn cầu lo ngại về sự nguy hiểm của biến chủng mới và đưa ra hàng loạt biện pháp phòng dịch khắt khe.
Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi và được cảnh báo có khả năng lây truyền cao hơn, thậm chí gấp nhiều lần Delta. Sau đó, nó nhanh chóng lan ra các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Theo thống kê của GISAID, CNN, tính đến hiện tại, ít nhất 26 quốc gia, vùng lãnh thổ đã phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron.
Điểm chung có thể dễ dàng nhận thấy ở những nơi đã ghi nhận bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron đó là các ca nhiễm đầu tiên đều là hành khách có tiền sử trở về từ châu Phi, nước ngoài.
Tại Việt Nam, theo người đứng đầu ngành Y tế, hiện nước ta vẫn chưa phát hiện ca mắc chứa biển thể Omicron.
Tuy nhiên, để ứng phó với biến thể này, ngành Y tế đang yêu cầu các tỉnh, thành phố chuẩn bị kịch bản ứng phó, không bị động, bất ngờ.
Hiện Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) đang tập trung giám sát biến chủng Omicron.
Được biết, ngày 25/11, giới chuyên gia Nam Phi phát hiện biến chủng mới là B.1.1.529 ở Botswana với hơn 32 đột biến được phát hiện tại protein gai (S). Đặc biệt, 15 đột biến tại vùng gắn kết thụ thể (RBD) và vị trí furin, nơi có thể làm tăng khả năng lây lan.
Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên cho biến chủng này là Omicron và liệt nó vào danh sách "biến chủng đáng lo ngại".
Đây là biến chủng được coi là rất nguy hiểm vì khả năng lây lan có thể hơn 5 lần Delta. Trước đó, biến chủng Delta đã khiến hàng loạt quốc gia quay trở lại với ác mộng Covid-19 sau khi tưởng như đã kiểm soát được dịch bệnh.
Ngày 30/11, WHO đưa cảnh báo, người chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc chưa có bằng chứng từng nhiễm SARS-CoV-2 trước đó mà thuộc nhóm có rủi ro mắc bệnh nặng và tử vong, bao gồm người từ 60 tuổi trở lên hoặc người có bệnh nền, nên được khuyến cáo hoãn đi lại tới khu vực có lây nhiễm cộng đồng.
TP.HCM huy động các cơ sở y tế điều trị F0
Ngày 2/12, Sở Y tế TP.HCM ký văn bản khẩn gửi lãnh đạo các bệnh viện trên địa bàn thành phố về việc sẵn sàng tiếp nhận người bệnh trong tình hình mới.
Văn bản được phát đi trong bối cảnh số ca nhập viện và tử vong ở thành phố vẫn tiếp tục gia tăng, cùng với diễn biến dịch tại khu vực phía Nam còn phức tạp. Trên thế giới cũng xuất hiện biến chủng mới Omicron gây lo ngại.
Trước tình hình này, Sở Y tế Thành phố đề nghị tất cả tất cả cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện nghiêm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm, phát hiện ca bệnh, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo.
Ngoài ra, các bệnh viện cần rà soát, tái cấu trúc và chức năng phù hợp với yêu cầu thu nhận, điều trị Covid-19 và các bệnh lý thông thường khác, cụ thể:
Tất cả bệnh viện thành lập đơn vị Covid-19 để sẵn sàng thu nhận, điều trị F0 (đảm bảo giường có ô-xy, thuốc, trang thiết bị y tế), đảm bảo mỗi đơn vị có số giường tối thiểu bằng 10% tổng số giường của cả bệnh viện.
Các bệnh viện chuyên khoa nhi, nhiễm và đa khoa hạng 1: Hình thành đơn vị Hồi sức Covid-19 trực thuộc khoa Hồi sức tích cực - chống độc để sẵn sàng tiếp nhận điều trị người bệnh nặng, nguy kịch; khuyến khích các bệnh viện thành lập khoa Hồi sức Covid-19.
Đồng thời, các đơn vị cần duy trì buồng cách ly tạm tại khoa lâm sàng dành cho người nghi mắc Covid-19.
Các bệnh viện đã chuyển đổi công năng toàn bộ để điều trị Covid-19 bao gồm: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Trưng Vương, An Bình, Đa khoa huyện Củ Chi.
Các bệnh viện tách đôi (có khối nhà riêng biệt, có cổng và lối đi riêng) để thực hiện song song nhiệm vụ điều trị Covid-19 bao gồm: Bệnh viện Quân Dân y Miền Đông, Phạm Ngọc Thạch, Từ Dũ, Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương, Nhi đồng Thành phố.
Tổng quy mô giường bệnh của các bệnh viện chuyển đổi công năng điều trị Covid-19 khoảng 4.300 giường.
Trong đợt bùng phát dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM có tổng cộng 468.716 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố.
Thanh Hóa: 17 học sinh có phản ứng sau tiêm Pfizer hiện đã ổn định
Chiều 2/12, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa báo cáo về tình hình tiêm chủng vắc-xin phòng dịch Covid-19 cho trẻ 15-17 tuổi trên địa bàn.
Theo đó, đợt này Thanh Hóa được cấp 117.000 liều vắc-xin Pfizer để phân bổ cho 27/27 huyện, thị, thành phố. Từ ngày 30/11 đến trưa 2/12, các địa phương đồng loạt tiêm và đã sử dụng hết 56.766 liều.
Ngành Y tế đã thành lập 3 đoàn giám sát tại tất cả điểm tiêm chủng theo quy định. Trong quá trình tiêm, một số địa phương xảy ra các phản ứng ở một số trẻ, trong đó, 17 trường hợp phản ứng nặng. Những trường hợp nặng này có địa chỉ ở 7 huyện, thị xã.
Theo đại diện Sở Y tế Thanh Hóa, đến 9h sáng 2/12, sức khỏe của 17 trường hợp này đã ổn định và được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện của các địa phương.
Ngoài ra, ngành Y tế cũng ghi nhận một số phản ứng thông thường với các biểu hiện sưng đau chỗ tiêm, buồn nôn, chóng mặt thoáng qua. Hiện số học sinh này ổn định sức khỏe và tiếp tục được theo dõi tại nhà.
Trước tình hình này, ngành y tế tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường việc kiểm tra để đảm bảo an toàn nhất cho trẻ khi tiêm và thực hiện đúng theo kế hoạch nhằm tăng độ bao phủ vắc-xin đến toàn dân, sớm tạo miễn dịch cộng đồng.
Sơn La: Thêm xã điều chỉnh cấp độ dịch Covid-19
Sở Y tế tỉnh Sơn La chiều 2/12 vừa ban hành Thông báo số 379/TB-SYT điều chỉnh cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Sơn La theo các tiêu chí tại Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế.
Cụ thể, tỉnh Sơn La cùng 12 huyện, thành phố và 202 xã, phường, thị trấn ở cấp độ dịch 1 (nguy cơ thấp); riêng 2 xã Mường Do (huyện Phù Yên) và Chiềng En (huyện Sông Mã) ở cấp độ dịch 2 (nguy cơ trung bình)
Như vậy theo thông báo mới nhất này, Sơn La có 2 xã đang ở cấp độ dịch màu vàng- nguy cơ trung bình.
Trước đó, ngày 9/11, theo thông báo của Sở Y tế tỉnh Sơn La, cấp độ dịch của toàn tỉnh cùng 203 xã, phường, thị trấn là cấp độ 1; riêng xã Mường Do (huyện Phù Yên) là cấp độ 2.
Tính đến 7 giờ ngày 2/12, tỉnh Sơn La có 6.230 người theo dõi, cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tập trung, cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe cộng đồng.
Tỉnh đã triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên được 906.206 mũi, trong đó có 259.209 mũi 2 và 13.714 mũi 1 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi
Từ ngày 5/10 đến chiều 2/12, tỉnh Sơn La đã phát hiện 120 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là công dân trở về từ các tỉnh đang có dịch và một số trường hợp lây nhiễm thứ phát trong tỉnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận