Tin mới nhất về dịch Covid-19 ngày 25/8: Đưa robot vào điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng; số ca tại Hà Nội tăng trở lại
Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM đã triển khai những thiết bị hiện đại nhất để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, trong đó có robot.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội sáng 25/8, Thành phố vừa ghi nhận thêm 4 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Trong số 4 bệnh nhân mới được phát hiện có 2 người tại cộng đồng, 2 trường hợp còn lại trong khu cách ly.
Hai người được phát hiện tại cộng đồng nhiễm nCoV có địa chỉ ở Phú Cường, Sóc Sơn. Hai bệnh nhân là mẹ (58 tuổi) và con gái (13 tuổi) của một trường hợp F0 được ghi nhận trước đó. Ngày 24/8, họ được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với virus.
Tại khu cách ly tập trung, Thành phố cũng vừa ghi nhận 2 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 là bà T.T.M. (70 tuổi) và chị Đ.T.H. (41 tuổi).
Trước đó, bệnh nhân cùng trú tại Minh Khai, Hai Bà Trưng, trở thành F1 sau khi tiếp xúc một trường hợp F0 và được đưa đi cách ly tập trung. Ngày 24/8, cả 2 người này xuất hiện triệu chứng của bệnh và có kết quả xét nghiệm lần 2 dương tính với nCoV.
Như vậy, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 2.681 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, 1.354 người được phát hiện ngoài cộng đồng, 1.327 trường hợp còn lại đã cách ly.
Sau 2 ngày có số lượng người nhiễm virus giảm là 23/8 (36), 22/8 (20), hôm qua (ngày 24/8), Hà Nội tiếp tục ghi nhận các trường hợp dương tính với Covid-19 tăng cao trở lại với 67 ca được ghi nhận.
Sở Y tế TP.HCM đề nghị xét công nhận liệt sĩ cho 2 nhân viên tử vong vì Covid-19
Chiều tối 24/8, Sở Y tế TP.HCM có công văn 5979/SYT-TCCB gửi Bộ Y tế và UBND TP.HCM để đề nghị xét công nhận liệt sĩ đối với cán bộ y tế tử vong khi tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
Hai người tử vong trong quá trình tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 là Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn (SN 1961), Trưởng Trạm Y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè và điều dưỡng hạng IV Trần Thị Phương Hằng.
Từ ngày 20/5, tại huyện Nhà Bè xuất hiện những ca nhiễm Covid-19. Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn đã cùng với tất cả nhân viên Trạm Y tế xã Phước Lộc thực hiện nhiệm vụ điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm.
Đến ngày 11/7, bác sĩ Nhẫn xét nghiệm có kết quả PCR dương tính với virus SARS-CoV-2, nên được chuyển vào Bệnh viện Hồi sức Covid-19 Thủ Đức để điều trị. Đến ngày 4/8, bác sĩ Nhẫn qua đời vì Covid-19.
Đối với điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng (SN 1979), làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ngày 27/7, Bệnh viện Nhân dân Gia Định chuyển Khoa Hồi sức tích cực thành Khoa Hồi sức Covid-19. Điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng tiếp tục nhận nhiệm vụ mới.
Ngày 31/7, chị Hằng có kết quả xét nghiệm PCR dương tính SARS-CoV-2, được đưa vào Bệnh viện Hồi sức Covid-19 để điều trị.
Ngày 13/8, chị Hằng được xuất viện sau khi xét nghiệm cho ra các kết quả đủ điều kiện về nhà. Chị Hằng xin được về nhà mẹ ở tỉnh Đồng Nai để tiếp tục tự cách ly theo quy định. Khi về đến Đồng Nai, chị Hằng khó thở và được chở vào Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc cấp cứu, nhưng tử vong.
Đưa robot vào điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại TP.HCM
Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Trung ương Huế (Trung tâm nằm trong khuôn viên Bệnh viện Dã chiến 14 TP.HCM) triển khai những thiết bị hiện đại nhất để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, trong đó có robot.
GS.Phạm Như Hiệp, Giám đốc BV Trung ương Huế cho biết, máy thở, ô-xy, robot lẫn các thiết bị khác đã lắp đặt hoàn chỉnh và chạy thử, đáp ứng tốt nhu cầu điều trị. Tất cả y bác sĩ đều đã xác định làm việc với tinh thần cao nhất.
Hiện đã có gần 400 y bác sĩ có mặt tại Trung tâm, trong đó lực lượng chủ lực là các y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế. Bên cạnh đó còn có Bệnh viện C Đà Nẵng, Việt Nam - Cuba Đồng Hới, Đa khoa Trung ương Quảng Nam…
Trong giai đoạn đầu Trung tâm sẽ tiếp nhận bệnh nhân một cách nhịp nhàng để đảm bảo các hệ thống máy thở, máy theo dõi sinh tồn hoạt động ổn định. Khi Trung tâm hoạt động thông suốt thì sẽ tiếp nhận lượng bệnh nhân nặng rất lớn. Các phác đồ điều trị được làm theo đúng chỉ dẫn của Bộ Y tế nên hy vọng rằng sẽ giành giật lại được nhiều sự sống cho người bệnh.
Theo Trưởng phòng Quản lý phòng bệnh và Cơ sở vật chất, Bệnh viện Trung ương Huế Huỳnh Phúc Minh cho biết thêm, Trung tâm được phân chia thành 4 nhóm giường, 90 bệnh nhân giường hồi sức nguy kịch, 162 giường bệnh nhân hồi sức nặng, 252 giường bệnh nhân thoát hồi sức và bệnh nhân nặng phải thở oxy, 100 giường bệnh nhân theo dõi. Ngoài ra còn 8 giường cấp cứu và đón bệnh. Các trang thiết bị tối tân nhất quy tụ tại đây sẽ là “vũ khí” quan trọng điều trị cho người bệnh.
Robot này giúp y bác sĩ giảm áp lực khi hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân, tránh bị lây nhiễm trong quá trình điều trị cũng như góp phần giảm lây lan Covid-19 ra cộng đồng. Robot do bác sĩ Huỳnh Thúc Minh trực tiếp nghiên cứu, sản xuất tại Bệnh viện Trung ương Huế và 3 con robot như vậy được đưa tới Trung tâm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận