Tin mới nhất về dịch Covid-19 ngày 15/8: Chính phủ đồng ý mua gần 20 triệu liều vắc-xin Pfizer; Hà Nội ca nhiễm ngoài cộng đồng tăng
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP về mua bổ sung vắc-xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer.
Chính thức thử nghiệm vắc-xin ARCT-154
Hôm nay (15/8), Trường Đại học Y Hà Nội khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154 giai đoạn 1.
Giai đoạn này được thực hiện trên 100 người tình nguyện khỏe mạnh phân nhóm ngẫu nhiên theo tỉ lệ 3:1 (75 người tiêm ARCT-154 và 25 người tiêm giả dược) nhằm đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch. Người tình nguyện được tiêm 2 mũi vắc-xin hoặc giả dược cách nhau 28 ngày.
Vắc-xin ARCT-154 được sản xuất theo công nghệ tân tiến nhất hiện nay là saRNA (self-amplifying mRNA - mRNA tự nhân bản). Đây là công nghệ mới, cho phép sử dụng liều vắc-xin thấp hơn, trong khi kích thích miễn dịch kéo dài hơn, cho hiệu quả phòng ngừa biến thể nCoV nhanh chóng và đơn giản, có khả năng chống lại các biến chủng mới nguy hiểm như Alpha, Beta, Gamma, Delta…
Đây là lần đầu tiên công nghệ này được áp dụng tại Việt Nam và do Công ty CP Công nghệ sinh học VinBioCare thuộc VinGroup nhận chuyển giao công nghệ từ Công ty Arcturus Therapeutics, Mỹ. VinBioCare đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vắc-xin tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Chính phủ đồng ý mua bổ sung gần 20 triệu liều vắc-xin của Pfizer
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP về mua bổ sung vắc-xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer.
Cụ thể, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua bổ sung 19.998.810 liều vắc-xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer với các điều kiện như Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18-5-2021 của Chính phủ về mua vắc-xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm về các nội dung trong Tờ trình số 341/TTr-BYT ngày3-8-2021 và khẩn trương tổ chức thực hiện việc mua vắc-xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer để có vắc-xin sớm nhất, nhiều nhất có thể đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống mọi tiêu cực trong quá trình mua, sử dụng vắc-xin.
Dự kiến trong quý III và quýIV4/2021 vắc-xin sẽ về hàng tuần.
Theo Bộ Y tế, Vắc-xin Comirnaty của Pfizer - BioNTech là vắc-xin RNA (mRNA), giúp các tế bào cơ thể tạo ra một loại protein vô hại. Sau đó, protein vô hại này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể tạo kháng thể chống lại virus SARS-COV-2.
Vắc xin Comirnaty của Pfizer - BioNTech được Tổ chức Y tế thế giới thông qua chấp thuận sử dụng vắc xin trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 31/12/2020. Vắc xin này đã được nhiều quốc gia trên thế giới cấp phép lưu hành và sử dụng.
Tại Việt Nam vắc-xin Comirnaty của Pfizer - BioNTech đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Hà Nội - dịch có xu hướng giảm
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội sáng 15/8, thành phố phát hiện thêm 5 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 là F1 với F0 phát hiện qua sàng lọc trước đó. Trước đó trong ngày 14/8, số ca mắc của Hà Nội cũng chỉ ghi nhận 41 ca bệnh, trong khi đó ngày 13/8 số ca mắc ở thành phố ở mức 3 con số.
Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 2.175 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
Ngoài ra, 190 trường hợp liên quan các ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K trên địa bàn cũng được Bộ Y tế công bố trước đó.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến 6h ngày 15/8, thông qua chiến dịch mở rộng xét nghiệm sàng lọc vừa qua, thành phố đã lấy được tổng cộng 281.894/300.000 mẫu bệnh phẩm dự kiến. Qua đó, Hà Nội phát hiện 23 trường hợp dương tính với virus, 266.885 người âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.
Hiện Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến 6h ngày 23/8. Ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhấn mạnh giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng nhất để dập tắt ổ dịch, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng nhân dân.
Nếu không thực hiện giãn cách xã hội kịp thời, Hà Nội có thể đã không giữ được tình hình dịch như hiện nay. Và nếu dừng giãn cách xã hội, thành phố sẽ không thể giữ được thành quả hiện tại, không có đủ điều kiện để kiểm soát và tiến tới khống chế dịch.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố hiện vẫn phức tạp, các ca nhiễm ngoài cộng đồng tiếp tục gia tăng. Do đó, ngành y tế sẽ tận dụng thời gian thành phố giãn cách thêm 15 ngày để vét sạch F0 ra khỏi cộng đồng.
Bình Dương thí điểm điều trị F0 không triệu trứng tại nhà
Tỉnh Bình Dương đã mạnh dạn cho thực hiện theo dõi y tế tại nhà đối với những người nhiễm Covid-19 không triệu chứng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương tổ chức thí điểm cách ly y tế F0 tại nhà và giao Sở Y tế ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể điều kiện, đối tượng, quy trình và phương án thực hiện cụ thể.
Đối với các trường hợp mắc Covid-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại cơ sở y tế hoặc các trường hợp dương tính SARS-CoV-2 phát hiện trong cộng đồng và F1 ít nguy cơ, có đủ điều kiện theo quy định cũng được tổ chức cách ly tại nhà theo hướng dẫn.
Riêng các trường hợp F1 đã cách ly y tế tập trung 7 ngày, nếu kết quả xét nghiệm ngày thứ 1, ngày thứ 7 âm tính (thực hiện xét nghiệm PCR ngày thứ 7) thì xem xét cho cách ly tại nhà trong 7 ngày tiếp theo và phải thực hiện xét nghiệm vào ngày thứ 14 theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Thống kê sơ bộ, hiện đang có 967 trường hợp người nhiễm Covid-19 đang được theo dõi y tế tại nhà.
Để hỗ trợ cho người nhiễm Covid-19 theo dõi cách ly y tế tại nhà, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã thành lập những đội hỗ trợ nhanh, đường dây nóng để tư vấn, nắm thông tin và kịp thời xử lý khi người dân cần.
Bà Phạm Thị Thảo, Phó chủ tịch UBND Thị xã Bến Cát, cho biết thị xã có 12 đội hỗ trợ nhanh, ở tất cả các xã, phường.
Trong đó, mỗi đội đều được bố trí đầy đủ phương tiện để sẵn sàng giúp đỡ người dân và người bệnh, đồng thời công bố số điện thoại đường dây nóng của thị xã với thời gian làm việc 24/7 để người dân liên hệ phản ánh liên quan tình trạng bản thân, tư vấn sức khỏe, hỗ trợ thực phẩm thiết yếu, tiếp nhận các thông tin phản ánh, yêu cầu của người dân trên địa bàn thị xã trong thời gian giãn cách xã hội.
“Thị xã Bến Cát đã cho phép 55 trường hợp nhiễm Covid-19 không triệu chứng được theo dõi y tế tại nhà tại 5/8 xã, phường. Đến nay, 15 trường hợp đã khỏi bệnh và tiếp tục theo dõi y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế”, bà Thảo cho biết.
Cho phép người nhiễm Covid-19 không triệu chứng được theo dõi y tế tại nhà giúp giảm tải cho các cơ sở y tế. Mô hình này rất phù hợp với thị xã Bến Cát hiện nay. Tuy nhiên, để được theo dõi cách ly y tế tại nhà điều kiện quan trọng là người nhiễm không có triệu chứng. Nhà phải rộng, có phòng riêng, khép kín.
Những trường hợp người nhiễm Covid-19 có thể gọi điện đến nhân viên trạm y tế và số điện thoại đường dây nóng của tỉnh, huyện và trung tâm y tế để được giúp đỡ về cấp cứu, chuyển viện, tư vấn sức khỏe…
Để quyết định cho phép người nhiễm Covid-19 không triệu chứng được cách ly y tế tại nhà, khâu khám sàng lọc cần được thực hiện kỹ, người nhiễm không có bệnh lý nền, phải cam kết tuân thủ quy định về cách ly y tế.
“Đây là hướng mới, người dân có nhu cầu được ở nhà giúp họ có tâm lý thoải mái từ đó nhanh khỏi bệnh”, bà Thảo khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận