Tín hiệu vui cho nhiều ngành
Nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp Việt Nam được dự báo sẽ hồi phục khi Trung Quốc từ bỏ chính sách Zero Covid.
Xuất khẩu kỳ vọng đẩy mạnh
Với dân số hơn 1,45 tỷ người, quy mô kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc là thị trường quan trọng của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Bởi đặc điểm địa lý có biên giới chung, Trung Quốc đang là thị trường xuất nhập khẩu quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, chiếm tỷ trọng 16% trong tổng giá trị xuất khẩu của nước ta và là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 28% tổng giá trị nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2022.
Chính vì vậy, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất khi quốc gia này nới lỏng chính sách phòng dịch. Trong đó, xuất khẩu thủy sản được nhận định sẽ hưởng lợi mạnh mẽ, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.
Hai năm gần đây, tỷ trọng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đã sụt giảm đáng kể (năm 2021 giảm 26%, 9 tháng đầu năm 2022 giảm 27%), nguyên nhân chính là Trung Quốc duy trì chính sách Zero Covid khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung và cá tra nói riêng bị giảm. Nay Trung Quốc mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu thụ được kỳ vọng tăng mạnh, nhất là cá tra Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh khi sản lượng cá Minh Thái từ Nga sụt giảm.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra mạnh vào thị trường Trung Quốc là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đa quốc gia IDI (mã IDI), Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC), Công ty cổ phần Nam Việt (mã ANV).
Trung Quốc còn được biết đến là thị trường tiêu thụ cá tra lớn thứ hai toàn cầu, nên việc mở cửa trở lại sẽ mang lại động lực lớn cho ngành này.
Báo cáo về ngành cá tra ngày 27/12/2022 do Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra cho biết, Công ty cổ phần Nam Việt (mã chứng khoán ANV) đang phục hồi sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc. Công ty đã xuất thêm được 80 container sang thị trường này.
Ngoài xuất khẩu sang Thượng Hải, Nam Việt đã tìm được một số đối tác tại Bắc Kinh và Quảng Châu. Dự kiến, sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc của công ty này sẽ tăng trưởng từ 35 - 45% trong thời gian tới.
Giá bán cũng cao hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành do sản phẩm của Nam Việt là mặt hàng không hóa chất và xử lý thấp. VCBS kỳ vọng doanh thu cá tra năm 2023 của Nam Việt sẽ tăng trưởng 9% so với năm 2022, lợi nhuận đạt 693 tỷ đồng.
Bên cạnh cá tra, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Trung Quốc cũng kỳ vọng tăng trưởng trở lại khi nhu cầu tiêu thụ tại thị trường này cải thiện. Nhưng theo Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), đa số doanh nghiệp chế biến tôm đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không hoặc rất ít xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nên hầu như không được hưởng lợi nhiều từ sự kiện trên.
Các doanh nghiệp trong ngành đang đón chờ động thái mở cửa của Trung Quốc. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam
Nhóm mặt hàng rau, củ quả cũng được kỳ vọng gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc khi biên mậu thông thoáng. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp trong ngành đang đón chờ động thái mở cửa của Trung Quốc. Hàng hóa thông quan tại các cửa khẩu, cảng biển sẽ nhanh hơn, lượng xuất khẩu sẽ tăng, nhất là những sản phẩm xuất khẩu chính ngạch như thanh long, chanh leo, chuối, sầu riêng…
Việc Trung Quốc mở cửa có thể giúp tăng sản lượng xuất khẩu xơ sợi và khôi phục lại nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may cho Việt Nam. Tồn kho sợi của Việt Nam trong hai năm qua tăng mạnh, bởi xuất khẩu vào Trung Quốc ách tắc.
Trước khi Trung Quốc thực hiện phong tỏa để phòng dịch Covid, tỷ trọng xuất khẩu xơ, sợi sang thị trường này luôn duy trì ở mức hơn 50% trong cơ cấu giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Các doanh nghiệp trong ngành dệt may được hưởng lợi nổi bật là Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH), Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM), Tổng công ty May 10 (mã M10)…
Cũng theo Agriseco, động thái mở cửa của Trung Quốc giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường này. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Philippines.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam được nhận định tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2022 - 2031 nhờ chính sách phát triển nông nghiệp bền vững, tỷ trọng gạo chất lượng tăng dần qua các năm và việc tham gia các hiệp định thương mại đa phương và song phương giúp mở rộng thị trường. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn, các doanh nghiệp cũng chuẩn bị nguồn lực để đẩy mạnh vào thị trường này khi mở cửa chính thức.
Doanh nghiệp cao su thiên nhiên cũng được kỳ vọng hưởng lợi từ việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ bỏ chính sách Zero Covid. Trung Quốc là nước nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 70% tổng sản lượng xuất khẩu năm 2022. Nhu cầu tiêu thụ cao su tại Trung Quốc giảm mạnh trong 3 năm qua và được dự báo tăng trở lại để phục vụ sản xuất săm lốp, xe hơi.
Du lịch, vận tải tăng tốc
Giai đoạn trước đại dịch, khách du lịch Trung Quốc chiếm đến 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Vì vậy, khi Trung Quốc công bố mở cửa, nhiều đơn vị lữ hành đã lên kế hoạch tour, tuyến để đón khách du lịch từ nước này đến Việt Nam.
Ông Vũ Đức Biên, Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietravel Airlines cho biết, Trung Quốc là thị trường lớn, khi mở cửa sẽ mở ra triển vọng tích cực cho du lịch Việt Nam, bao gồm cả khách tới Việt Nam và khách Việt Nam đi du lịch Trung Quốc.
Trước đó, Vietnam Airlines đã mở lại đường bay tới Trung Quốc. Các chuyến bay kết nối giữa hai nước được kỳ vọng tăng tần suất trong năm nay.
Không chỉ là động lực cho ngành du lịch, khi các đường bay Trung Quốc - Việt Nam được kết nối trở lại nhiều hơn, dòng vốn FDI từ Trung Quốc cũng được kỳ vọng tăng trở lại. Các doanh nghiệp FDI vẫn có xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Việt Nam dự báo tiếp tục hưởng lợi nhờ thu hút vốn FDI từ Trung Quốc thông qua các hoạt động góp vốn, liên doanh, liên kết vào các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Trung Quốc mở cửa trở lại thúc đẩy hoạt động thương mại và tiêu dùng toàn cầu. Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo, giá dầu Brent trung bình sẽ duy trì ở mức 90 USD/thùng vào năm 2023, giúp các doanh nghiệp vận tải giảm chi phí nhiên liệu cho các doanh nghiệp vận tải biển và thúc đẩy thương mại toàn cầu.
Mặc dù còn đối mặt với nhiều thách thức bởi thị trường chưa phục hồi hoàn toàn, nhưng du lịch và vận tải được đánh giá sẽ tăng tốc trong năm 2023. Riêng vận tải, giá cước vận tải biển thấp hơn, giảm tắc nghẽn tại các cảng lớn và chính sách nới lỏng của Trung Quốc mang lại triển vọng.
Kinh tế toàn cầu năm 2023 bao trùm bởi lo ngại nguy cơ suy thoái, lạm phát, nhưng động thái mở cửa của Trung Quốc đang thổi làn gió mới, cơ hội mới cho nhiều ngành tăng tốc trở lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận