Tín hiệu lạc quan từ dòng vốn ngoại
Sau một năm 2023 chịu áp lực rút vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài, những tuần đầu tiên của năm 2024 bắt đầu có tín hiệu khởi sắc, khi khối này đã bắt đầu mua ròng trở lại, dù quy mô còn nhỏ.
Diễn biến này cũng nằm trong quy luật thông thường khi các tổ chức thường giải ngân trở lại trong quý I hàng năm, sau khi tái cân bằng danh mục vào cuối năm tài chính liền trước.
Vẫn còn áp lực từ dòng vốn châu Á
Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE), cho thấy trong gần 3 tuần đầu tiên của tháng 1-2024, NĐT nước ngoài đã quay lại mua ròng tổng cộng gần 240 tỷ đồng. Đặc biệt trong 2 tuần vừa qua, khối này mua cổ phiếu (CP) tương đối mạnh, đạt khoảng 450 tỷ đồng ròng. Đây không phải là lượng vốn lớn nếu xét trên quy mô toàn thị trường, nhưng là một tín hiệu mới sau năm 2023 bán ròng tới gần 1 tỷ USD.
Sự đảo chiều trong giao dịch như vậy đã được báo trước, vì thông thường các hoạt động tái cơ cấu danh mục trên phạm vi toàn cầu của các quỹ đầu tư sẽ thực hiện trong năm tài chính.
Tuy nhiên, hiện tại TTCK Việt Nam vẫn đang còn những áp lực từ nhóm quỹ ETF nội - có nguồn vốn chủ yếu đến từ châu Á như Đài Loan, Thái Lan. Việc nhóm quỹ này biến động tài sản hàng ngày là bình thường, và những tín hiệu rút vốn ở nhóm này vẫn chưa dừng lại.
Thống kê từ FiinTrade cho thấy, tháng 1-2024 (tính đến ngày 18-1) các quỹ ETF chính đang đầu tư vào TTCK Việt Nam vẫn bị rút ròng hơn 1.100 tỷ đồng. Trong đó áp lực chính là từ các quỹ nội với tổng mức rút ròng khoảng 1.084 tỷ đồng, bao gồm chủ yếu là VFM Diamond (-902 tỷ đồng) và SSIAM VNFIN (-326 tỷ đồng). Quỹ Diamond có dòng vốn Thái Lan nổi bật. Tuy nhiên, quỹ Fubon FTSE có dòng vốn Đài Loan đã ổn định trở lại sau đợt hút vốn ròng khá mạnh tháng 12 năm ngoái.
Như vậy dòng vốn ETF vẫn chủ yếu chịu áp lực từ các quỹ nội và quỹ có dòng vốn châu Á (cụ thể là Thái Lan). Các quỹ ETF nội khi mua bán trên thị trường sẽ không được đánh dấu là giao dịch của khối ngoại (vì có pháp nhân trong nước dù huy động vốn có thể từ bên ngoài).
Do đó việc NĐT nước ngoài mua ròng tổng thể trong tháng 1-2024 như đề cập ban đầu, có thể là dấu ấn của các quỹ chủ động. Cũng phải lưu ý rằng, đợt bán ròng lớn trong năm 2023 cũng chủ yếu đến từ các quỹ chủ động. Không có thống kê rõ ràng nào về lượng vốn thực sự bị rút khỏi biên giới Việt Nam, mà chỉ là dấu hiệu từ giao dịch hàng ngày.
Vì vậy sẽ là đúng hơn nếu nói rằng các quỹ đã thay đổi trạng thái, hơn là rút vốn đi. Do đó việc mua ròng trở lại cũng có thể là hoạt động tái xây dựng danh mục.
Cần những thay đổi tăng sức hấp dẫn dòng vốn ngoại
Những kỳ vọng về nâng hạng thị trường lâu nay được cho là chất xúc tác mạnh mẽ giúp TTCK Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn ngoại. Tuy nhiên đây chưa thể là câu chuyện một sớm một chiều có thể giải quyết được ngay. Chẳng hạn, theo tiêu chí xếp hạng thị trường mới nổi của MSCI, thị trường Việt Nam còn thiếu 9/18 tiêu chí.
Theo chuẩn của FTSE, Việt Nam mới đáp ứng được 7/9 tiêu chí. Dù vậy kỳ vọng này đang nóng dần lên khi nửa cuối năm 2023, các cơ quan quản lý thị trường đã liên tục tiếp xúc và làm việc với các cơ quan xếp hạng thị trường để làm rõ khả năng đáp ứng các tiêu chí.
Ý chí từ cấp cao nhất cũng đang tạo sức ép đẩy nhanh tiến trình này như Công điện 1360/CĐ-TTg ngày 13-12-2023 của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nâng hạng TTCK; Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29-12-2023 phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, theo tiêu chuẩn phân hạng của các tổ chức quốc tế.
TTCK là thị trường của kỳ vọng, nên câu chuyện nâng hạng không nhất thiết phải là một thời gian cụ thể - thí dụ thời điểm xét nâng hạng, mà là một quá trình đáp ứng dần các tiêu chí để được nâng hạng. Nói cách khác, nếu những bước đi cụ thể được xác lập một cách rõ ràng, cũng đã có thể tăng sức hút đối với mối quan tâm của NĐT nước ngoài.
Chẳng hạn câu chuyện nới lỏng điều kiện ký quỹ (Pre-funding) trong giao dịch. Hiện nay các NĐT phải ký quỹ 100% tại ngày T+0 (ngày lệnh mua được thực hiện thành công), và toàn bộ số tiền cần để thanh toán bị “đóng băng” cho tới chiều ngày T+2 mới được chuyển giao CP (mới là ngày cần thanh toán).
Điều này nghĩa là hàng chưa được giao nhưng tiền thanh toán đã bị khóa lại toàn bộ, làm mất lợi thế sử dụng vốn của NĐT. Do vậy nếu giảm được tỷ lệ ký quỹ này, sẽ là một thay đổi tích cực và đây cũng là một trong các vướng mắc theo thông lệ quốc tế để được nâng hạn thị trường.
Hay như với hệ thống KRX, việc kiểm thử đã đến giai đoạn cuối và khả năng triển khai vào thực tế trong năm 2024 rất cao cũng là dấu mốc quan trọng.
Nhưng từ việc áp dụng hệ thống mới đến việc xuất hiện các nghiệp vụ mới trong giao dịch như mua bán trong ngày, bán khống, quyền chọn… còn là khoảng thời gian dài, nhưng kỳ vọng có thể đi trước vì khi hạ tầng đã có sẵn, việc triển khai chỉ là vấn đề thời gian.
3 tuần đầu tiên của tháng 1-2024, NĐT nước ngoài đã quay lại mua ròng tổng cộng gần 240 tỷ đồng. Đặc biệt trong 2 tuần vừa qua, khối này mua CP tương đối mạnh, đạt khoảng 450 tỷ đồng ròng. Đây không phải là lượng vốn lớn nếu xét trên quy mô toàn thị trường, nhưng là một tín hiệu mới sau năm 2023 bán ròng tới gần 1 tỷ USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận