Tín dụng trung và dài hạn sẽ eo hẹp
Việc NHNN dự kiến tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ khiến các nhà băng chỉ lo huy động vốn trung và dài hạn, mà không dám tăng thêm nguồn tín dụng này.
Ngoài việc tăng lãi suất huy động các kỳ hạn dài, các nhà băng đang chạy đua phát hành trái phiếu để “giải tỏa” cơn khát vốn trung và dài hạn.
Ồ ạt phát hành trái phiếu
VietinBank vừa công bố thông tin cho biết, NHNN đã chấp thuận cho ngân hàng này phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng trong năm 2019.
Không chỉ ông lớn VietinBank, mà nhiều ngân hàng tầm trung khác cũng đang chạy đua phát hành trái phiếu để huy động vốn. Điển hình trong số này có thể kể tới VPBank. Theo đó, từ 20/5 đến 22/5 vừa qua, VPBank đã thực hiện thành công 3 đợt phát hành trái phiếu cho VPS với tổng giá trị đạt 1.200 tỷ đồng. Trước đó, trong tháng 4 VPS cũng đã liên tục mua vào tới 3.000 tỷ đồng trái phiếu của VPBank.
ACB cũng vừa phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 năm 2019 với tổng giá trị phát hành tối đa là 5.500 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 2-3 năm, mức lãi suất tối đa 6,75%/năm đối với kỳ hạn 3 năm và 6,7%/năm đối với kỳ hạn 2 năm.
Việc các ngân hàng thương mại đang phải chạy đua thu hút nguồn vốn trung và dài hạn càng khiến nguồn vốn này trong nền kinh tế thêm cạn kiệt, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Hay như ABBank cũng đã phát hành thành công 2.500 tỷ đồng loại hình trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm, có kỳ hạn 3 năm, mức lãi suất danh nghĩa năm đầu tiên là 6,5%/năm và sau đó được điều chỉnh mỗi năm 1 lần…
Theo các chuyên gia ngân hàng, việc các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm 2 mục đích chính. Thứ nhất là tăng vốn cấp 2 để nâng cao hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) khi mà thời hạn phải áp dụng chuẩn Basel II đã cận kề (1/1/2020). Thứ hai, việc phát hành trái phiếu cũng góp phần bổ sung thêm nguồn vốn trung và dài hạn cho các nhà băng nhằm tuân thủ yêu cầu vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đã được giảm về còn 40% kể từ đầu năm nay và có thể giảm tiếp về còn 30% trong 2- 3 năm tới.
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn trung và dài hạn
Trên thực tế, không phải nhà băng nào cũng có thể gọi vốn qua kênh trái phiếu; lãi suất trái phiếu cũng rất khác nhau tùy thuộc vào quy mô và uy tín của nhà băng. Đặc biệt, việc lạm dụng phát hành trái phiếu cũng đẩy các nhà băng đứng trước rủi ro, bởi lãi suất trái phiếu thường là cố định nên các ngân hàng có thể bị thiệt hại nếu mặt bằng lãi suất giảm trong tương lai.
Còn với doanh nghiệp, việc các ngân hàng chạy đua phát hành trái phiếu không phải là một tín hiệu tích cực, bởi động thái này chủ yếu nhằm tuân thủ các quy định của NHNN hơn là “phục vụ nhu cầu tín dụng trung và dài hạn”.
Quả vậy, số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các NHTM Nhà nước đang là 31,12%, còn của các nhà băng khối cổ phần là 32,40%, tức đều thấp hơn nhiều so với quy định hiện hành. Thế nhưng tại nhiều nhà băng, tỷ lệ này đang ở mức khá cao. Báo cáo tài chính quý 1 của nhiều nhà băng cũng ghi nhận tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn trong tổng dư nợ rất lớn, như Techcombank là 62,73%; VPBank là 61,79%...
Tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn lớn cũng có nghĩa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cũng sẽ lớn. Hơn nữa, do kỳ hạn cho vay dài nên các ngân hàng cũng khó có thể sớm thu hẹp tỷ lệ này. Vì thế, với việc NHNN dự kiến giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống còn 30%, chắc chắn nhiều nhà băng sẽ chỉ lo huy động vốn trung và dài hạn, trong khi không dám tăng thêm nguồn tín dụng này.
Điều đó cũng đồng nghĩa, sẽ có những ngành, lĩnh vực sẽ khó có thể tiếp cận được nguồn vốn trung và dài hạn từ ngân hàng. Không những vậy, do các ngân hàng cũng đang phải chạy đua để thu hút nguồn vốn trung và dài hạn càng khiến nguồn vốn này trong nền kinh tế thêm cạn kiệt, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Một rủi ro nữa đối với doanh nghiệp là mặt bằng lãi suất sẽ tăng lên nếu NHNN tiếp tục siết chặt tín dụng trung và dài hạn. Vì lẽ đó, không ít ý kiến cho rằng, NHNN nên cân nhắc việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 30%. Bên cạnh đó, lời khuyên của các chuyên gia là doanh nghiệp nên khai thác tối đa các kênh vốn trung và dài hạn khác như phát hành trái phiếu, cổ phiếu hoặc tranh thủ nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận