Tín dụng tiêu dùng tạm “nghẽn mạng” vì Covid-19
Tâm lý phòng thủ và giãn cách xã hội thời gian dịch bệnh khiến người dân giảm mạnh chi tiêu và qua đó, các khoản vay tín dụng tiêu dùng mới và cũ đều bị ảnh hưởng trong ngắn hạn.
Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Tính đến cuối năm 2019, các ngân hàng đã cho vay cá nhân vào khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,4%. Thế nhưng, diễn biến của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến người dân, đã và đang dần tác động đến các khoản vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân.
Việc Chính phủ hạn chế người dân đi lại, thậm chí cách ly xã hội theo từng khu vực trong một thời gian khiến lượng công việc của các lái xe giảm đi hẳn.
Từ các tài xế xe khách liên tỉnh, taxi, xe ôm, cho đến tài xế xe buýt công cộng cũng đã “tạm thời” mất việc trong nửa cuối tháng 3 và cả tháng 4 vừa qua.
Nhiều người lái xe ôm đã chuyển nhanh sang định hướng giao hàng như một cách đối phó. Tuy nhiên, số người giao thì tăng lên nhanh mà lượng hàng giao lại không theo kịp, nên nhóm này cũng gặp khó.
Câu chuyện khó chuyển đổi nghề nghiệp dẫn đến đời sống khó khăn cũng là chuyện chung của nhiều lao động trong các nhóm ngành khác.
Chẳng hạn, các cơ sở thẩm mỹ, chăm sóc sức khỏe phải tuân thủ nghiêm lệnh cách ly xã hội khiến những người lao động trong nghề này mất hẳn nguồn thu nhập.
Có một số người quảng cáo có thể cung cấp dịch vụ tại nhà, nhưng rất ít việc bởi người dân rất thận trọng khi tiếp xúc với người lạ.
Với tính chất công việc bắt buộc phải tiếp xúc gần, những người thợ này trong tình hình hiện tại chỉ có thể nằm nhà chờ cho dịch qua đi. Quán xá đóng cửa, khách sạn ế ẩm, các nhân viên phục vụ tại các địa điểm trên cũng dần mất việc.
Ða phần người lao động trong nhóm này không có tay nghề gì khác. Nhiều thợ nấu, thợ pha chế có định hướng buôn bán online, giao hàng từ nhà, nhưng lại cần đồng vốn đầu tư ban đầu.
Lao công nhà hàng, khách sạn thì không thể cạnh tranh với nhóm chuyên giúp việc tại nhà. Những đồng lương từ việc phục vụ bàn, lau dọn phòng, pha chế cà phê... chỉ giúp đủ sống qua ngày. Bây giờ khi công việc đã mất, họ càng thêm lao đao.
Người lao động không có tài sản đảm bảo khi có nhu cầu tài chính vốn là “khách quen” của dịch vụ tài chính tiêu dùng. Nay các đối tượng này mất việc, bị nợ lương vì dịch bệnh gây ảnh hưởng lớn tới thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam, khi những người đi vay bỗng chốc mất khả năng trả nợ.
Cùng với đó, Thông tư 18/2019/TT-NHNN có hiệu lực từ đầu năm 2020 quy định về việc giảm tỷ lệ cho vay tiền mặt đối với các công ty tài chính cũng tạo áp lực lên mô hình kinh doanh của nhiều công ty tài chính tiêu dùng nhỏ và mới.
Năm 2020 có lẽ sẽ trở thành một năm khó khăn với nhiều công ty tài chính tiêu dùng khi lợi nhuận dự đoán sụt giảm sau nhiều năm tăng trưởng mạnh.
Khi nền kinh tế bị tổn thương vì dịch Covid-19, làn sóng cắt giảm lao động lan ra trong các ngành nghề như hàng không, du lịch, bán lẻ, giải trí, ăn uống...
Và hệ quả là thu nhập của nhiều hộ gia đình và cá nhân sẽ suy giảm, kéo theo khó khăn đối với việc chi trả các khoản nợ tiêu dùng đến hạn.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong tháng 2 tăng gần 60% so với tháng trước đó, lên tới gần 48.000 người.
Con số này cũng cao hơn 70% so với cùng kỳ năm 2019 và dự báo các tháng 3-4/2020 sẽ còn tăng.
Trong số những người thất nghiệp này và cả những người đang bị nợ lương do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, không thiếu những người đã và đang có những khoản vay tiêu dùng tại nhiều công ty tín dụng tiêu dùng đến ngày đáo hạn.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, tổng dư nợ cho mảng tài chính tiêu dùng theo những số liệu cập nhất mới nhất được công bố vào khoảng 130.000 tỷ đồng với sự chiếm lĩnh hơn 50% thị phần (65.000 tỷ đồng) tới từ FE CREDIT.
Dù báo cáo phân khúc cụ thể về tỷ trọng cho vay không được công bố rộng rãi, nhưng theo khảo sát, tỷ trọng cho vay tiền mặt và mua sắm thiết bị điện - điện tử vẫn chiếm cao nhất.
Ngành nghề người đi vay cũng không được thống kê cụ thể, song hầu hết tập trung vào lao động tự do với thu nhập trung bình trên 5 triệu đồng/người/tháng .
Lo ngại nợ xấu tiêu dùng tăng
Từ dữ liệu trên cho thấy, nợ xấu mảng cho vay tiêu dùng chắc chắn sẽ gia tăng dưới ảnh hưởng của đại dịch, vì thu nhập phần lớn lực lượng lao động sẽ giảm.
Tuy nhiên, theo Mirae Asset, áp lực nợ xấu lên nhóm công ty tài chính tiêu dùng này sẽ không lớn vì họ luôn có những kịch bản "stress test" (kịch bản xấu nhất cho hệ thống) về lượng nợ xấu bùng phát ở mức nào và sức chịu đựng của họ là bao nhiêu. Ðiều này phụ thuộc rất lớn vào hệ thống quản trị rủi ro của mỗi công ty tài chính.
Ngoài ra, hầu hết công ty tài chính tiêu dùng đang có tỷ trọng lớn ở Việt Nam như FE CREDIT, HD SAISON, hay các công ty nước ngoài từ Hàn Quốc và Nhật Bản đều có tiềm lực tài chính và ngân hàng mẹ chống lưng, giúp kiểm soát được nợ xấu.
Thế nhưng, trước khủng hoảng kinh tế vì dịch Covid-19 hoành hành, tình trạng thất nghiệp gia tăng khiến nhiều cá nhân rơi vào khó khăn, nhất là với những người đang có nợ vay ở ngân hàng sẽ gặp khó trong trả nợ.
Vì vậy, việc cần thiết là các ngân hàng và công ty tài chính chủ động thực hiện giảm, giãn nợ cho khách hàng để họ không quá áp lực trong việc trả nợ.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dịch bệnh kéo dài tác động lên hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tất yếu sẽ dẫn đến việc người lao động bị giảm thu nhập. Tình trạng này có thể kéo dài trong cả năm nay, dẫn đến nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng và công ty tài chính sẽ tăng nhanh.
Theo một báo cáo chiến lược tháng 4/2020 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các cuộc khủng hoảng tài chính thường đi kèm với suy thoái kinh tế.
VDSC cho rằng, khủng hoảng tín dụng vẫn có nguy cơ xảy ra nếu thiệt hại kinh tế từ dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tài chính của các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Theo thống kê của FiinGroup, tín dụng tiêu dùng Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 59% trong giai đoạn 2013-2017.
Tốc độ tăng trưởng này trong năm 2018 đã chững lại ở mức 30,4% so với năm 2017, dù tín dụng tiêu dùng trong năm này đóng góp tới gần 20% vào tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
Tăng trưởng của các công ty tài chính tiêu dùng đã giảm xuống 15% trong năm 2018, so với mức 38% của một năm trước đó.
Với sân chơi ngày càng tăng tính cạnh tranh khi nhiều công ty tài chính tham gia trong năm 2019, tăng trưởng doanh thu của nhiều công ty tài chính tiêu dùng đã bị thu hẹp.
Và sang tới năm 2020, khi kinh tế toàn cầu lao đao vì dịch bệnh, tăng trưởng của nhiều công ty trong ngành này được dự đoán sẽ còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn nữa.
Thực tế, trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng khắp toàn cầu, nhiều quốc gia phải đóng cửa biên giới, nguồn cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, hoạt động sản xuất - kinh doanh trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình thế “sống dở chết dở”...
Trước thực trạng này, các nhà phân tích cho rằng, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi nhiều hộ gia đình trên toàn cầu bắt đầu mất khả năng thanh toán các khoản nợ vay tiêu dùng.
Tại Trung Quốc, nơi dịch Covid-19 đã cướp đi nhiều mạng sống và gây tổn thất nặng nề cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp những tháng đầu năm 2020, các khoản nợ tín dụng quá hạn trong tháng 2 đã tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ðể tránh rủi ro nợ xấu tiêu dùng, các ngân hàng và công ty tài chính đã đẩy mạnh tái cơ cấu nợ, chia sẻ khó khăn với khách hàng nhỏ, lẻ.
Chẳng hạn, Kienlongbank giảm đến 25% trên tổng số tiền lãi phải thanh toán cho hơn 85.000 khách hàng vay vốn trả góp ngày kể từ ngày 3/4 cho đến ngày 30/6/2020. Viet Capital Bank giảm 2,5%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
Không chỉ với ngân hàng, các công ty tài chính cũng vào cuộc hỗ trợ. Ðơn cử, FE CREDIT hỗ trợ các khoản vay tiền mặt lên đến 70 triệu đồng, không cần thế chấp cùng lãi suất cạnh tranh.
Còn các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được HD SAISON cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ…
Ðồng thời, tất cả giáo viên, giảng viên, bác sĩ, y tá, cán bộ nhân viên công tác tại các trường học, bệnh viện trên toàn quốc đều nhận được ưu đãi lãi suất 1,09%/năm khi vay trả góp với HD SAISON.
Theo các chuyên gia tài chính, với khoản vay tiêu dùng, cần gia hạn nợ ít nhất từ 3-6 tháng cả lãi và gốc cho những người đi vay đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. Về phía người đi vay, cần phải thông báo ngay cho các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính về tình hình thu nhập, tài chính của mình để xin ân hạn khoản vay.
Trong trường hợp người đi vay mất hoàn toàn khả năng thanh toán, vỡ nợ, các tổ chức tín dụng và công ty tài chính cần thương lượng với họ để thống nhất cách giải quyết như giảm nợ, giảm lãi suất, đưa ra một lộ trình trả nợ mới sau thời gian ân hạn...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận