menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Cao Đức Giang

Tín dụng tăng tốc – Nhà băng tìm cách cân đối vốn và kiềm giữ lãi suất

Trước diễn biến tín dụng bất ngờ tăng tốc đột ngột, hệ thống ngân hàng đứng trước thách thức thanh khoản càng trở nên thu hẹp và gây áp lực lên lãi suất huy động. Liệu các ngân hàng sẽ làm gì để cân đối lại vốn và kiềm giữ lãi suất?

Vì đâu tăng tốc?

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), tăng trưởng tín dụng đến ngày 24/06/2024 chỉ mới tăng 4.45% so với đầu năm, còn theo công bố của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới nhất cho thấy, tính đến cuối tháng 6, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 14.4 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm ngoái, tức đã có hơn 814,000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế trong nửa đầu năm nay. Theo đó, chỉ trong vòng 6 ngày cuối tháng 6, dư nợ tín dụng đã kịp tăng thêm 1.55%, tương ứng số tăng tuyệt đối lên đến hơn 210,000 tỷ đồng, chiếm gần 26% tổng mức tăng trong 6 tháng.

Cũng theo cập nhật của NHNN, trước đó dư nợ tín dụng đến cuối tháng 5 là hơn 14.03 triệu tỷ đồng, như vậy nếu chỉ tính riêng trong tháng 6, dư nợ tín dụng toàn ngành đã tăng mạnh hơn 349,100 tỷ đồng, tương đương tăng 2.57% và chiếm 43% tổng mức tăng của 6 tháng. Điều này cho thấy các nhà băng đã tăng tốc tín dụng mạnh mẽ như thế nào trong tháng cuối cùng của quý 2 nói chung và tuần cuối cùng của tháng 6 nói riêng, nhằm đạt mục tiêu 5-6% tính đến hết quý 2/2024 theo chủ trương của Chính phủ.

Trong bối cảnh triển vọng phục hồi của nền kinh tế đang khả quan, đã thúc đẩy nhu cầu vay vốn tăng trưởng tích cực hơn. Cụ thể, GDP quý 2 vừa qua tăng 6.93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7.99% của quý 2/2022 trong giai đoạn 2020-2024, kéo GDP 6 tháng tăng 6.42%, cũng chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6.58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. Trong đó, riêng khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng cao nhất ở 7.51%,

Các hoạt động sản xuất, thương mại và môi trường kinh doanh cũng thể hiện xu hướng tích cực, qua chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng 7.54% so với cùng kỳ; chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tăng vọt lên 54.7 điểm trong tháng 6 và là tháng thứ 3 liên tiếp trên ngưỡng 50; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng tăng 15.7% so với cùng kỳ năm trước, với xuất siêu kỷ lục 11.63 tỷ USD.

Thứ hai là nhờ vào mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã giảm về mức khá dễ chịu, có thể thu hút được khách hàng vay và đảm bảo cho doanh nghiệp vẫn có khả năng sinh lời trước mức chi phí lãi vay này. Lãi suất cho vay bình quân theo niêm yết của các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện phổ biến quanh 6-8%, trong đó một số ngân hàng gần đây thậm chí liên tục triển khai các chương trình cho vay lãi suất ưu đãi chỉ từ 4-5%/ năm.

Thứ ba là theo thông lệ, các TCTD cũng thường chạy chỉ tiêu dư nợ tín dụng vào những ngày cuối quý nhằm làm đẹp sổ sách báo cáo, cũng như hướng đến khả năng có thể được NHNN phân bổ thêm room tăng trưởng cho năm nay. Cần nhớ rằng, hồi đầu năm nay nhà điều hành cũng từng cho biết có thể sẽ chuyển room tín dụng từ ngân hàng chưa sử dụng hết sang các ngân hàng có tăng trưởng tích cực. Rõ ràng điều này có thể kích thích các nhà băng thi đua phát triển cho vay để tối ưu hóa nguồn vốn và có cơ hội được nới thêm room cho những tháng cuối năm.

Đặc biệt với Thông tư 06/2024/TT-NHNN ban hành ngày 18/06/2024 chính thức gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép cơ cấu nợ đến hết ngày 31/12/2024, cũng có thể đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn trong những ngày cuối tháng 6. Theo đó, nhằm ngăn chặn chuyển nhóm nợ xấu mà sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến báo cáo tài chính bán niên, các nhà băng có lẽ đã đẩy mạnh tái cơ cấu nợ theo hướng lãi nhập gốc trong những ngày cuối tháng 6 càng làm tăng số dư nợ gốc.

Tìm cách cân đối vốn và kiềm giữ lãi suất

Trước diễn biến tín dụng bất ngờ tăng tốc đột ngột như vậy, hệ thống ngân hàng cũng đứng trước thách thức thanh khoản càng trở nên thu hẹp và gây áp lực lên lãi suất huy động. Theo báo cáo của GSO, tính đến thời điểm 24/06/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 1.50% so với cuối năm 2023. Mức tăng này không chỉ chưa đến một nửa mức tăng 3.68% của cùng kỳ năm trước, mà còn thấp hơn rất nhiều mức tăng trưởng tín dụng 4.45% của cùng thời điểm và mức tăng 6% theo cập nhật mới nhất.

Với chênh lệch giữa tăng trưởng nguồn vốn đầu vào và lượng vốn giải ngân đầu ra lớn như vậy, áp lực tăng lãi suất để cân đối vốn và đảm bảo các tỷ lệ an toàn thanh khoản là tất yếu. Thực tế lãi suất huy động đầu vào cũng đã bắt đầu đảo chiều đi lên trở lại từ cuối quý 1 đến nay, đặc biệt đà tăng đã nhanh hơn và ngày càng lan rộng trong tháng 6 vừa qua, trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang trở nên thiếu hụt vốn để đẩy mạnh tín dụng.

Theo dữ liệu gần nhất của NHNN, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) của toàn hệ thống đã leo lên mức 78.86% vào cuối tháng 5, tăng 2.82% so với cuối năm 2023. Trong đó tỷ lệ này ở nhóm NHTM Nhà nước là 82.61%, tăng 1.76% và ở nhóm NHTM cổ phần là 82.01%, tăng mạnh 4.11%. Với dư nợ tín dụng tiếp tục tăng vọt trong tháng 6 vừa qua và cao hơn nhiều so với tiền gửi, tỷ lệ này có lẽ đã tiếp tục lên mức cao hơn và ngày càng tiến gần ngưỡng quy định là 85%.

Theo kết quả điều tra “Xu hướng kinh doanh của các TCTD quý 3/2024” vừa được Vụ Dự báo, Thống kê, NHNN mới công bố, nhiều TCTD đã hoặc dự kiến tăng nhẹ lãi suất huy động, tuy nhiên, tính chung cả năm 2024 vẫn dự kiến giảm nhẹ lãi suất huy động so với cuối năm ngoái. Các TCTD cũng dự kiến giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Trong tình hình dư nợ đang tăng tốc trở lại và sẽ tiếp tục mở rộng nhanh hơn trong thời gian còn lại của năm nay, ngược lại mặt trận huy động vốn đang trở nên ngày càng khó khăn hơn khiến mục tiêu kiềm giữ lãi suất đang đứng trước thách thức không nhỏ, các ngân hàng cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn vốn đầu vào, từ chủ động tăng vốn điều lệ, tìm kiếm các nguồn vốn quốc tế, tài trợ thương mại cho đến tích cực phát hành giấy tờ có giá.

Cụ thể trong 6 tháng đầu năm nay, trong 115,487 trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được phát hành, nhóm ngân hàng đã chiếm tỷ trọng đến 64%, theo báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA). Điều này cho thấy trong bối cảnh thu hút tiền gửi từ khách hàng khó khăn, các nhà băng đã tăng cường phát hành trái phiếu kỳ hạn dài để cân đối lại nguồn vốn, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh doanh trung dài hạn.

Riêng trong tháng 6 vừa qua, đã có 42,147 tỷ đồng TPDN được phát hành, chiếm tỷ trọng hơn 36% tổng giá trị phát hành trong 6 tháng. Một số ngân hàng đã phát hành trái phiếu khá lớn như ngân hàng Shinhan Việt Nam (5,000 tỷ đồng), MSB (2,000 tỷ đồng), Ngân hàng Bắc Á (4,500 tỷ đồng), ACB (10,000 tỷ đồng), OCB (1,300 tỷ đồng), Techcombank (5,000 tỷ đồng), BIDV (4,370 tỷ đồng), MB (5,000 tỷ đồng).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả