Tín dụng kết nối kinh tế vùng
Trong năm 2019 vừa qua, hoạt động kết nối các vùng kinh tế trọng điểm trên địa bàn cả nước đã được Chính phủ và các bộ, ngành tập trung đẩy mạnh. Trong đó, riêng lĩnh vực tín dụng, nguồn vốn từ các NHTM đã giải ngân hàng trăm ngàn tỷ đồng vào các dự án hạ
Nỗ lực lớn cho hạ tầng huyết mạch
Tại cuộc họp báo thông tin về hoạt động ngân hàng diễn ra vào đầu tháng 10/2019, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, thời gian qua việc các NHTM tham gia tích cực vào hoạt động cấp vốn cho các dự án hạ tầng giao thông lớn trên địa bàn cả nước là “nỗ lực rất lớn” và “quyết tâm rất cao” của các TCTD. Bởi trong bối cảnh hiện nay, các NHTM đa phần là huy động vốn ngắn hạn, nhưng cho vay các dự án BOT giao thông lại chủ yếu dài hạn và đòi hỏi vốn lớn hàng ngàn tỷ đồng; trong khi các TCTD vẫn phải tuân thủ quy định về giới hạn cấp tín dụng trên vốn tự có và hệ số an toàn vốn (CAR).
Nhận định trên của Phó Thống đốc Đào Minh Tú thực tế là một ghi nhận xác đáng đối với những nỗ lực của hệ thống NHTM khi tham gia cấp vốn vào các dự án hạ tầng giao thông có vai trò huyết mạch, kết nối những vùng kinh tế trọng điểm. Bởi theo những thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), mặc dù cho vay phát triển hạ tầng liên vùng gây áp lực khá lớn về nguồn vốn và chứa đựng không ít rủi ro đối với các NHTM, tuy nhiên tính đến hết quý III/2019, nguồn tín dụng dành cho các dự án hạ tầng giao thông vẫn chiếm khoảng 1,4% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế (tương đương khoảng 110.400 tỷ đồng).
Tại phía Bắc, ngoài việc cấp vốn cho các dự án cao tốc liên tỉnh trọng điểm đã và sắp hoàn thành như: cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Bắc Giang - Lạng Sơn, Cao Bồ - Mai Sơn... các NHTM cũng đang cam kết thu xếp cho vay hàng chục ngàn tỷ đồng đối với các dự án khác như: cao tốc Lạng Sơn - Cửa khẩu Hữu Nghị, Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Hòa Bình – Mộc Châu... Tất cả các dự án này đều được Chính phủ xác định là những công trình huyết mạch kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương khu vực miền Bắc và miền Trung.
Tại phía Nam hoạt động tài trợ vốn xây dựng hạ tầng giao thông liên vùng khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long cũng không kém phần sôi động. Trong năm 2019, câu chuyện bàn bạc thống nhất thu xếp vốn cho dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận nhiều lần được NHNN trực tiếp chỉ đạo. Các NHTM như VietinBank, BIDV, Agribank và VPBank cũng đã cơ bản cam kết sẽ cho vay trên 6.680 tỷ đồng để phát triển tuyến đường huyết mạch này.
Ngoài ra, cũng trong năm 2019, các tuyến giao thông liên vùng quan trọng được Bộ Giao thông - Vận tải ưu tiên thu xếp, tập trung vốn đầu tư như: dự án Vành đai 3, Vành đai 4 (TP.HCM); dự án cao tốc TP.HCM - Tây Ninh; TP.HCM - Chơn Thành, TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến nối Củ Chi - Đồng Tháp Mười - Kiên Giang... cũng đã và đang được các NHTM xem xét, cấp hạn mức tài trợ tín dụng để triển khai trong năm 2020.
Hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết hàng hóa
Không chỉ đầu tư vốn lớn cho các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, trong các năm vừa qua, nguồn vốn tín dụng của hệ thống NHTM đã tập trung rất nhiều cho các dự án phát triển nền tảng kho vận, logistics và hỗ trợ các DN, địa phương xây dựng những mô hình chuỗi giá trị sản xuất – tiêu thụ hàng hóa khép kín có quy mô liên kết ở nhiều tỉnh thành.
Quan sát trong năm 2019 cho thấy, bằng hoạt động tài trợ vốn của các NHTM nhiều dự án cảng biển và trung tâm logistics liên vùng đã được xây dựng, mở rộng. Chẳng hạn trong năm qua BIDV đã đầu tư vốn lớn vào dự án cảng biển Vissai tại Nghệ An. Ngân hàng này cũng đã ký kết hợp tác với Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) để cam kết thu xếp vốn cho những dự án hạ tầng kho vận lớn trên địa bàn cả nước.
Trong khi với VietinBank, ngoài việc ký kết hợp tác với Hateco để phát triển dự án Trung tâm logistics tại Khu Công nghiệp Sài Đồng B (Hà Nội) thì đơn vị này cũng tham gia tích cực vào việc cung ứng vốn cho các DN ngành hạ tầng, kho vận để phát triển các dự án logistics trọng điểm phía Nam như dự án Trung tâm logistics Cái Mép hạ; dự án cảng tổng hợp containner Cái Mép...
Song song với việc đầu tư hạ tầng kho vận, nguồn vốn tín dụng trong năm 2019 vừa qua cũng tập trung khá mạnh vào việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ hàng hóa với quy mô liên tỉnh, liên vùng, thậm chí kết nối khá hiệu quả các DN, ngành hàng vào các chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế.
Phản ánh từ các NHTM ở khu vực phía Nam cho thấy rằng, sau khi thí điểm thành công nhiều mô hình cho vay chuỗi giá trị khép kín ở lĩnh vực nông nghiệp, trong năm qua, nhiều nhà băng đã chủ động hợp tác với các tập đoàn tư nhân lớn trong và ngoài nước để phát triển các mô hình liên kết chuỗi. Chẳng hạn, tại Cà Mau, OCB đã hợp tác với Công ty Thức ăn thủy sản De Heus (Hà Lan) để thực hiện dự án nâng cao chuỗi liên kết ngành hàng tôm với hạn mức cho vay lên tới 100 tỷ đồng/hợp tác xã.
Tại Đồng Tháp, Lâm Đồng... các NHTM như Agribank, VietinBank, SHB… cũng đã chủ động liên kết với hàng trăm DN và hợp tác xã để hình thành các chuỗi liên kết cho vay theo ngành hàng, quy mô cấp tỉnh và liên tỉnh. Trong khi đó, các NHTM như Vietcombank, Techcombank cũng đã liên kết với nhiều tập đoàn lớn như Vinaseed, Sojitz, Masan... để phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất đến xuất khẩu.
Theo ghi nhận từ nhiều địa phương, thông qua việc tài trợ vốn của các NHTM, đề án tái cấu trúc nền kinh tế nông nghiệp của các tỉnh, thành đã có những biến chuyển rõ rệt. Tại TP.HCM, Đồng Tháp, Cần Thơ, Lâm Đồng... năm qua đã có hàng trăm dự án thu hút được nguồn vốn đầu tư từ khối DN tư nhân. Số lượng các DN đầu tư vào các lĩnh vực chế biến nông sản, xây dựng các chuỗi giá trị các ngành hàng với quy mô từ 2-5 tỉnh, thành tăng lên nhanh chóng.
Việc này tạo ra bàn đạp rất thuận lợi để năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể triển khai thí điểm Đề án Phát triển hệ thống Trung tâm cung ứng nông sản hiện đại Việt Nam giai đoạn 2020-2030 với số vốn vay tín dụng trong 5 năm (2020-2025) dự kiến 4.500 tỷ đồng. Từ đó có thể hoàn thành mục tiêu xây dựng các Trung tâm cung ứng, thu gom nông sản đầu mối tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Vũng Tàu, Kiên Giang và xây dựng thành công các trung tâm cung ứng đường biên tại các tỉnh biên giới như: Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn... kết nối thành công đường đi của chuỗi giá trị hàng hóa đối với cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra các thị trường quốc tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận