menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Minh Thu.

Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỉ USD

Với mục tiêu tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý cùng bàn luận, tìm giải pháp trong việc đẩy mạnh tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, gỡ các “nút thắt” về tín dụng, đặc biệt với các lĩnh vực như chế biến, xuất khẩu, ngày 12.4, Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo “Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỉ USD”.

Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỉ USD
Thu hoạch tôm ở Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Điểm sáng tăng trưởng tín dụng trong ngành nông - lâm - thủy sản

Tháng 7.2023, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng 15.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Với lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ, lại cộng thêm việc được miễn, giảm các loại phí dịch vụ, nên khi chưa hết hạn, gói tín dụng này đã giải ngân hoàn thành 100% mục tiêu với trên 6.000 lượt khách hàng vay vốn. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc triển khai gói tín dụng này đã trở thành điểm sáng.

Trong cuộc họp về tăng trưởng tín dụng cuối tháng 2.2024, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã tiếp tục chỉ đạo các NHTM đã và đang tham gia sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung, nâng quy mô gói tín dụng này thêm 15.000 tỉ đồng, nghĩa là sẽ có 30.000 tỉ đồng hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản, thủy sản…

Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỉ USD

Nhờ những nỗ lực của bản thân doanh nghiệp và sự đồng hành của ngân hàng, doanh nghiệp lâm - thủy sản giữ vững được hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức. Ảnh: Minh Ánh - Phan Anh

Có đòn bẩy, doanh nghiệp bứt tốc vượt khó khăn

Là một trong 6.000 lượt khách hàng được vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi, ông Lê Quý Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Công ty Xuất nhập, khẩu thủy sản Thanh Hóa tâm sự, trong 4 năm qua doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn như hứng chịu tác động của đại dịch COVID-19, căng thẳng địa chính trị dẫn đến thị trường biến động.

Đối với công ty sản phẩm hàng hóa chủ yếu để xuất khẩu đi Mỹ, Châu Âu như công ty của ông Việt, việc hai thị trường này gặp biến động lớn về suy thoái kinh tế đã khiến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao, công tác sản xuất và bán hàng gặp phải rất nhiều khó khăn.

Ông Lê Quý Việt chia sẻ: "Trong quá trình vừa qua, doanh nghiệp liên tục thay đổi để thích ứng. Tự tái cấu trúc công ty, tái cấu trúc thị trường để giữ vững được hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với doanh nghiệp tôi nói riêng và với doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Hiện tại, nguồn vốn doanh nghiệp đặc biệt là vốn lưu động phụ thuộc rất lớn vào vốn tín dụng của các ngân hàng. Vì vậy, tác động của chính sách về tín dụng đối với công ty có ảnh hưởng rất lớn. Chúng tôi thật sự may mắn khi được Nhà nước quan tâm. Nhờ vậy mà chúng tôi có thể duy trì hoạt động sản xuất thường xuyên, liên tục".

Biết được thông tin NHNN đang nghiên cứu mở rộng quy mô gói tín dụng lên 30.000 tỉ đồng, ông Việt vui mừng và bày tỏ mong muốn: "Nếu NHNN có những cái quan tâm hơn chế độ tín dụng, đặc biệt là vấn đề bảo lãnh thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ có đủ nguồn vốn để đáp ứng kịp thời những lúc biến động".

Cũng giống như ông Việt, để vượt qua những khó khăn, Công ty TNHH Kẻ Gỗ đã áp dụng nhiều chính sách để thích ứng với bối cảnh mới và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính sách đầu tiên là tiết giảm mọi chi phí vận hành, sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn phải đảm bảo phúc lợi xã hội cho người lao động. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực sản xuất, tiếp thị vào các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu.

Đáng nói, doanh nghiệp cũng chủ động thay đổi chiến lược tiếp thị, tìm kiếm thị trường mới. Chia sẻ tới Báo Lao Động, ông Trịnh Đức Kiên - Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ - cho biết, từ năm 2024, doanh nghiệp tích cực tham gia các hội chợ quốc tế để tìm kiếm cơ hội kinh doanh, gần đây nhất là các hội chợ ở Thái Lan, Hoa Kỳ. Bên cạnh đó là các chuyến đi chào hàng trực tiếp tại Singapore, Nhật Bản và sắp tới sẽ là thị trường Úc, New Zealand.

Tuy nhiên, dù đã nỗ lực hết sức vì hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng doanh nghiệp như Công ty Kẻ Gỗ cũng rất mong các chính sách hỗ trợ kịp thời và thiết thực của Nhà nước trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

"Thời gian qua Nhà nước đã làm rất nhiều việc, đặc biệt là gói tín dụng 15.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Rất nhiều các doanh nghiệp lâm, thủy sản đã được hỗ trợ và đánh giá cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp xin đề xuất ngành ngân hàng có thể nới thêm thời hạn các khoản vay, tăng tỉ lệ tín chấp và có cơ chế xét duyệt các khoản vay linh hoạt" - ông Kiên nói.

Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo "Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỉ USD", nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý cùng bàn luận, tìm giải pháp trong việc đẩy mạnh tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, gỡ các “nút thắt” về tín dụng, đặc biệt với các lĩnh như chế biến, xuất khẩu, để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển theo hướng bền vững.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hải Phòng; Sở Nông Nghiệp và Phát triển TP Hải Phòng, lãnh đạo các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp, hiệp hội và lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí.

Hội thảo sẽ được truyền hình trực tiếp vào 14h ngày 12.4 trên Lao Động điện tử www.laodong.vn và Fanpage của Báo Lao Động.

Ngân hàng cần gì để "tháo van" cho dòng vốn tín dụng đổ vào lâm, thủy sản?

Tham gia vào gói tín dụng 15.000 tỉ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã nhanh chóng giải ngân cho vay đạt quy mô 3.000 tỉ đồng theo cam kết và hoàn thành triển khai chương trình ngay thời điểm cuối tháng 11.2023, tức là sau hơn 4 tháng triển khai.

Tuy nhiên, dù việc triển khai cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản tại Agribank đạt được những kết quả khả quan, nhưng ngân hàng này cho biết, trong quá trình triển khai mô hình cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp vẫn còn gặp một số vướng mắc, khó khăn đơn cử như việc phát triển các chuỗi liên kết giá trị hiện nay thiếu các doanh nghiệp đủ tiềm lực để giữ vai trò dẫn dắt, vai trò hạt nhân trong hoạt động của chuỗi liên kết. Tại các địa phương chưa có các chính sách đồng bộ trong việc xây dựng chuỗi liên kết, chưa có sự tham gia đủ mạnh của các ngành chức năng.

Bên cạnh đó, hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến, gây khó khăn cho Ngân hàng trong việc kiểm soát dòng tiền. Chưa có chế tài cụ thể để điều chỉnh quan hệ, tăng tính ràng buộc, tuân thủ hợp đồng liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp nên khi gặp những tranh chấp diễn ra, không có cơ sở pháp lý để giải quyết, thiếu biện pháp xử lý để tăng tính ràng buộc, tuân thủ hợp đồng của người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, còn có khó khăn trong kiểm soát hồ sơ giải ngân vốn vay: Phong tục tập quán địa phương việc mua sản phẩm của người dân không có hóa đơn, chứng từ và phần lớn sử dụng thanh toán tiền mặt.

Lãnh đạo Agribank kiến nghị, ngoài các giải pháp, chính sách từ ngành Ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của các Bộ, ngành, địa phương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; kích thích tổng cầu…, đồng thời tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng, các dự án khả thi, đủ pháp lý. Đồng thời các Sở, ban, ngành, các Hiệp hội doanh nghiệp địa phương tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với ngành ngân hàng trong việc kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt nhu cầu khách hàng, những khó khăn vướng mắc để tháo gỡ, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp được kịp thời.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại