Tín dụng đen nở rộ những tháng cuối năm
Cuối năm khi dịch Covid-19 có chiều hướng bùng phát trở lại khiến nhiều người dân gặp vô vàn khó khăn. Đây cũng là thời điểm nhu cầu vay tiêu dùng của người dân tăng cao. Lợi dụng tâm lý này, hoạt động tín dụng đen đã “luồn lách”, thâm nhập, nở rộ và phát triển với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi như: Cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng, lập các tài khoản hội nhóm trên mạng xã hội.
Cảnh báo bẫy tín dụng đen cuối năm, lãi suất cắt cổ 300%- 1.700%/năm
Các đối tượng vay rất đa dạng, không chỉ có DN nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương, tín dụng đen còn nhắm đến cả những người nghèo, công nhân, người có trình độ thấp... gặp khó khăn đột xuất về tài chính dịp cuối năm. Lượng tiền cần vay của những đối tượng này không lớn nhưng số lượng người vay lại khá nhiều. Do không tìm hiểu rõ về cách tính lãi suất nên dễ bị sập bẫy, phải trả lãi gấp nhiều lần tiền vay gốc.
Chị Trần Thu Hường ở Cầu Giấy (Hà Nội), người từng vay tín dụng đen cho biết, cách đây 6 tháng do có việc gấp, chị phải vay 50 triệu đồng qua tín dụng đen, với lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày, sau 5 tháng, riêng tiền lãi chị phải trả tới 37.500.000 đồng, tiền gốc thì vẫn còn nguyên. Hàng tháng, chị phải dành ra một khoản tiền để trả lãi, nếu không trả đúng hẹn thì lãi lại cộng vào tiền gốc rồi lại tiếp tục bị tính lãi trên số tiền đó… Đến thời điểm hiện tại, chị vẫn chưa thể trả hết số tiền đã vay, chị Hường lo lắng, không biết đến khi nào mới có thể trả xong “món nợ” này.
Anh Trần Thanh, công nhân khu công nghiệp Vĩnh Hưng kể, tôi đã vay trả góp 30 triệu đồng để mua xe máy từ những tờ quảng cáo gần chỗ làm với lãi suất 6%/tháng, trễ 1 ngày phạt 500.000 đồng. Tuy nhiên, sau vài tháng kẹt tiền, trễ hạn số tiền nợ của anh Thanh đã được cộng dồn lên đến 100 triệu đồng. Không có tiền trả, nhiều lần anh nhận được tin nhắn hăm dọa, cho giang hồ “xử”. Quá lo sợ, anh Thanh đã phải bán xe và vay mượn của bạn bè, người thân để trả nợ. Dù đã hết nợ gốc cùng một phần lãi ban đầu, nhưng vì an toàn, anh Thanh đành phải bỏ dở công việc đang làm và chuyển đổi nơi ở trọ.
Tại nhiều nơi ở vùng ven đô, tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền được được dán tại các cột điện, tường rào... với các nội dung như "cho vay tiền nhanh gọn, bảo mật", "cho vay tiền giải ngân trong ngày"... kèm theo đó là số điện thoại của người cho vay, thậm chí tại các khu công nghiệp, chợ...
Chị T. nhân viên làm nghề dịch vụ tại Hà Nội được một nhóm đối tượng gạ cho bốc "bát họ" với số tiền 20 triệu đồng. Cắt lãi ngay từ đầu, T. chỉ được nhận 16 triệu đồng, mỗi ngày phải đóng từ 150-200 ngàn đồng cho đến khi hết nợ. Và để làm tin, T. phải gửi cho các đối tượng giấy tờ tùy thân như giấy CMND, ảnh chân dung, ảnh chụp trang cá nhân trên mạng xã hội Facebook, Zalo... Do không thể gom đủ tiền trả lãi và gốc cho các đối tượng. các đối tượng còn quay phim, chụp ảnh chị và con gái mới 7 tuổi doạ đưa lên mạng xã hội. Và do lo sợ bị đưa ảnh, thông tin lên mạng nên chị T phải cắn răng trả nợ không dám tố cáo.
Trong năm 2021, trên địa bàn huyện Gia Lâm, một đường dây tín dụng đen do các đối tượng có tiền án tiền sự điều hành đã bị lực lượng công an triệt phá. Theo tài liệu điều tra, ổ nhóm này đã lợi dụng vào vỏ bọc là các tiệm cầm đồ, công ty hỗ trợ tài chính, để hoạt động rộng khắp nhiều quận, huyện ở TP Hà Nội với số tiền hàng chục tỷ đồng, lãi suất lên đến 300%/năm. Các đối tượng sẵn sàng sử dụng vũ lực để uy hiếp buộc con nợ phải trả. Ngày 15/12 vừa qua, Công an Nghệ An tiến hành khám xét các cơ sở kinh doanh của Công ty tài chính Tân Tín Đạt, bắt giữ 52 đối tượng liên quan. Mức lãi suất cao nhất đường dây này cho vay là 5.000 đồng/triệu/ngày, tương đương trên 200%/năm. Hay như ở Hải Phòng triệt phá đường dây nặng lãi, cho vay với lãi suất lên tới 1.700%/năm. Theo đó, có nạn nhân vay của nhóm đối tượng này 16,2 tỷ đồng, đã trả hơn 20 tỷ đồng nhưng giờ vẫn nợ hơn 11 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP xảy ra gần 70 vụ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen". Cơ quan điều tra đã khởi tố 25 vụ, 88 bị can. Đáng chú ý, có đến hơn 40 vụ liên quan đến việc khủng bố con nợ bằng bom bẩn (chất bẩn, chất thải). Trong năm 2021, cơ quan công an các địa phương đã tiếp nhận, phát hiện 1.047 vụ án, vụ việc và 1.718 người liên quan tới tín dụng đen, qua đó khởi tố 554 vụ, xử phạt hành chính 375 vụ.
Biến tướng dưới nhiều hình thức
Trước sự bùng nổ của tín dụng đen, cơ quan chức năng đã mở nhiều đợt truy quét. Theo Bộ Công an, cả nước hiện có 26.942 cơ sở cầm đồ với 40.483 người làm nghề, qua kiểm tra lực lượng chức năng địa phương đã phát hiện hơn 11.300 cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động tín dụng đen. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, liên tục thay đổi cách thức hoạt động để qua mặt cơ quan chức năng.
Để đối phó với cơ quan công an, gần đây, các đối tượng cho vay nặng lãi thường núp bóng dưới các giao dịch dân sự. Chẳng hạn như thỏa thuận cho vay, ghi mục lãi suất hợp đồng thấp hơn lãi suất thực tế; hoặc ghi đúng theo hợp đồng song lại “đẻ” thêm giấy vay tiền viết tay, các giấy này có thể tiêu hủy hoặc thay đổi dễ dàng. Thậm chí, các đối tượng còn sử dụng hợp đồng giả cách yêu cầu bị hại viết giấy mua bán tài sản, sau đó cho người vay tiền thuê lại chính tài sản đó.
Đáng chú ý, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lập các DN núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng,"- Trung tá Đỗ Minh Phương - Phó Trưởng phòng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự thông tin.
Cũng theo ông Phương, bên cạnh các ứng dụng (app), website cho vay chính thống của các ngân hàng, đã xuất hiện khoảng 200 ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quan, có liên quan đến người nước ngoài có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác.
Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác. Ngoài việc làm cho người vay tiền lâm vào cảnh khánh kiệt về tài chính, hoạt động vay lãi, thu nợ đang làm gia tăng tỷ lệ các vụ án như cưỡng đoạt tài sản, hành hung… gây mất trật tự, an toàn xã hội.
Phát triển thị trường tài chính vi mô, đẩy mạnh tín dụng chính thức
Theo ước tính của các chuyên gia tài chính, quy mô tín dụng đen hiện chiếm từ 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế, với số tiền từ 600.000 - 800.000 tỷ đồng. TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, sở dĩ tín dụng đen vẫn phát triển mạnh là vì thị trường này phù hợp với nhiều đối tượng vay.
Ví dụ, đối tượng của ngân hàng là các DN, cá nhân đủ hồ sơ thì vay thế chấp, với công ty tài chính thì khách hàng phải chứng minh được thu nhập, có thể thông qua tiền lương, thông qua thu nhập thụ động, tiền cho thuê nhà, tiền tiết kiệm… Còn với cho vay ngang hàng, cho vay P2P trên mạng và cho vay tín dụng đen thì mọi điều khoản cho vay rất gọn nhẹ, chứng minh thu nhập, chứng minh tài sản đảm bảo dễ dàng, nhanh chóng…
Được biết, Bộ Công an sẽ tiếp tục quản lý chặt các cơ sở kinh doanh cầm đồ, dịch vụ cho vay, kinh doanh tài chính, xử lý nghiêm cơ sở hoạt động không phép, biến tướng để hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê. Bộ Công an cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tham mưu Chính phủ, Thủ tướng ban hành các văn bản pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng có liên quan đến hoạt động cho vay dễ phát sinh tín dụng đen, trong đó có hoạt động cho vay trực tuyến qua app, vay ngang hàng và việc người nước ngoài đầu tư kinh doanh dịch vụ cho vay tại Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Văn phòng Luật sư NH Quang & Cộng sự cho rằng bên cạnh các biện pháp mạnh từ phía ngành công an, điều quan trọng nhất là cần nâng cao nhận thức người dân và phổ biến quy định pháp luật. Khi có các khiếu nại, tố cáo của người dân, DN về các vụ việc liên quan tới tín dụng đen thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc khẩn trương để xử lý. Cũng theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, dù tất cả các hành vi liên quan đến tín dụng đen đều vi phạm pháp luật về lãi suất áp dụng, cách thức thu hồi nợ, sử dụng hành vi bất hợp pháp để thu nợ nhưng ngay cả khi đưa ra mức xử phạt cao hơn với hoạt động tín dụng đen mà xã hội vẫn có nhu cầu thì người cho vay tín dụng đen có thể chấp nhận xử phạt để hoạt động, miễn sao họ có lãi. Vì thế, giải pháp then chốt cho việc triệt phá nạn tín dụng đen là cần có chính sách khuyến khích các ngân hàng cung cấp các gói tín dụng vi mô giúp người nghèo. Đồng thời cần phải thúc đẩy, hợp thức hóa hoạt động của các DN fintech (hoạt động tài chính vi mô) để khu vực phi chính thức là tín dụng đen sẽ tự động thu nhỏ lại.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức - Công ty Luật ANVI, cần xây dựng một khung pháp lý rõ ràng cho hoạt động tín dụng vi mô thông qua các công ty fintech, tín dụng đen cần được giải quyết bằng quy luật kinh tế, bằng cung cầu, cần đáp ứng được nhu cầu vay của người dân, DN. Thúc đẩy phát triển hoạt động tài chính vi mô thông qua việc tăng hoạt động cho vay ngang hàng, lập thêm các công ty tài chính vi mô ngoài hệ thống ngân hàng.
Các tỉnh, TP chỉ đạo phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, phục vụ đời sống; hỗ trợ các ngân hàng trong quá trình thẩm định, xác minh đối tượng, nhu cầu vay vốn của người dân. Kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong xử lý tài sản bảo đảm nhằm tăng khả năng cung ứng vốn tín dụng chính thức hiệu quả hơn.
Trong thời gian tới, NHNN các tỉnh, TP tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của ngành ngân hàng nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen. Trong đó, tập trung mở rộng tín dụng hiệu quả, phát triển đa dạng các mô hình thanh toán hiện đại, ứng dụng công nghệ số; triển khai các sản phẩm tín dụng ưu đãi phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân; Đẩy mạnh cải tiến, đổi mới thủ tục giao dịch theo hướng tinh gọn, nhanh chóng, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với nguồn vốn các kênh tín dụng chính thức. Thông tin, tuyên truyền rộng rãi các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi của ngân hàng, các thủ đoạn và tác hại của tín dụng đen. Đặc biệt ngành ngân hàng sẽ kết hợp với Bộ Công an về việc sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để phục vụ trong việc xác định danh tính, định danh khách hàng. Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng có thể cho vay những món nhỏ lẻ nhanh, không cần thế chấp, giải ngân rất nhanh. (Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú)
Bộ Công an cần triệt phá mạnh mạnh mẽ hơn nữa những tổ chức cung cấp dịch vụ tín dụng đen, đề xuất ban hành các chính sách mới đủ sức răn đe ngăn chặn kinh doanh và hoạt động tín dụng đen. Hai là về phía các doanh nghiệp, trường hợp này là các ngân hàng cần thể hiện trách nhiệm với xã hội bằng việc cung cấp các gói tín dụng vi mô, tiến hành đào tạo cho người tiêu dùng cách thức quản lý tài chính để phát huy hiệu quả của khoản vay cũng như gia tăng khả năng thu hồi vốn, thông qua đó giúp xóa đói giảm nghèo. Ba là về phía người dân, không vì cả tin vào tính dễ dãi đơn giản của thủ tục vay nợ để rồi gặp rắc rối phiền phức khi đáo hạn. Nâng cao ý thức, kiến thức phòng, chống tín dụng đen đối với người dân, doanh nghiệp để họ tìm đến nguồn thông tin chính thức từ các tổ chức tài chính, website tin cậy, tham khảo ý kiến tư vấn chính thống trước khi quyết định vay vốn. (TS Cấn Văn Lực)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận