Tín dụng của ‘big 4’ ngân hàng quốc doanh tiết lộ điều gì?
Nếu tính theo đầu người lao động, tín dụng tiêu dùng thậm chí đã vượt qua mức thu nhập.
Mặc dù Việt Nam đã và đang kiềm chế đại dịch Covid-19 tương đối tốt, cùng với các yếu tố bên ngoài được cải thiện giúp Việt Nam có vị thế tốt hơn để đề phòng các cú sốc, hệ thống ngân hàng vẫn là khu vực dễ bị tổn thương.
Phân tích bảng cân đối kế toán của bốn ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank – nhóm chiếm khoảng một nửa tổng dư nợ toàn thị trường, HSBC cảnh báo mối lo ngại lớn khi cho vay tiêu dùng cùng với nợ hộ gia đình tăng cao.
Cụ thể, tỷ lệ cho vay hộ gia đình của các ngân hàng này từ mức 28% tổng cho vay vào năm 2013, đã tăng đáng kể lên mức 46% trong năm 2020. Điều này tương đương với mức nợ hộ gia đình “nhảy” từ 25% GDP lên 61% trong vòng 7 năm.
Nếu tính theo lực lượng lao động, cho vay tiêu dùng thậm chí vượt qua ngưỡng 100% mức thu nhập năm 2020, tăng đáng kể từ ngưỡng 41% của năm 2013, theo báo cáo “Vietnam At A Glance – What do banks' balance sheets tell us?” (Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng nói lên điều gì?).
Dù vậy, HSBC cũng lưu ý rằng hạn chế của ước tính trên nằm ở chỗ nợ hộ gia đình khá rộng, bao gồm cả vốn vay cá nhân sử dụng cho mục đích kinh doanh.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, hơn 50% nợ hộ gia đình dùng cho việc kinh doanh cá nhân và 25% cho các khoản thế chấp vào năm 2019. Tính tương tự cho năm 2020, mức cho vay tiêu dùng chiếm khoảng 50% thu nhập của mỗi lực lượng lao động – một tỷ lệ cao đối với thị trường mới nổi như Việt Nam, HSBC đánh giá.
Đòn bẩy tiêu dùng tăng cao có thể làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng trong tương lai, đặc biệt trong điều kiện thị trường lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch.
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam có vị thế mạnh hơn so với các nước trong khu vực, sự yếu kém của thị trường lao động vẫn là mối lo ngại đối với phục hồi nhu cầu trong nước.
Nhìn bề ngoài, các chỉ số thất nghiệp được đánh giá khả ổn với tỷ lệ thất nghiệp giảm về 2,4% trong quý I/2021 từ mức cao nhất 2,7% trong quý II/2020. Tuy vậy, lượng việc làm vẫn thấp hơn 950.000 so với ngưỡng trước đại dịch và mức lương đã giảm lần đầu tiên trong vài năm trở lại đây.
Không chỉ vậy, phần lớn lực lượng lao động của Việt Nam thuộc khu vực không chính thức và mạng lưới an sinh xã hội còn mỏng.
HSBC khuyến nghị Việt Nam nên tiếp tục thúc đẩy tài chính cho các hộ gia đình, người lao động dễ bị tổn thương, cần đẩy nhanh cấp tín dụng và hoãn thuế cho doanh nghiệp hộ gia đình để tăng tốc phục hồi tiêu dùng tư nhân.
Rủi ro nợ xấu
Bên cạnh rủi ro về tín dụng tiêu dùng, Việt Nam còn cần chú ý đến rủi ro nợ xấu đang gia tăng. Theo HSBC, nợ xấu ước tính sẽ tăng từ mức dưới 5% vào năm 2019 lên mức 7% năm 2020, bao gồm cả các khoản vay bị suy giảm giá trị - các khoản nợ đã bán cho VAMC và các khoản vay được cơ cấu lại theo Quyết định 780.
Mặc dù mỗi ngân hàng phân bổ tín dụng theo từng lĩnh vực khác nhau, khu vực sản xuất, bán buôn bán lẻ nhìn chung vẫn được ưu tiên và là động thái tốt đối với triển vọng của Việt Nam.
Tuy nhiên, tín dụng chảy vào các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản đã gia tăng mạnh mẽ kể từ cuối năm ngoái và Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng cảnh báo về vấn đề này.
HSBC nhấn mạnh Việt Nam cần tiếp tục cải cách lĩnh vực ngân hàng vốn đang bị gián đoạn bởi đại dịch khi Việt Nam đang bị tụt hậu so với các nước trong khu vực.
Liên quan đến hệ số an toàn vốn, Việt Nam là quốc gia ASEAN duy nhất chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của Base II với mức tối thiểu 8% và hệ số này vẫn ở mức thấp ngay cả trong một số ngân hàng thương mại nhà nước.
“Mặc dù không thấy rủi ro ngay lập tức, nhưng việc tăng tốc cải cách sẽ giúp xây dựng vùng đệm vốn và ngăn ngừa các cú sốc tiêu cực trong tương lai”, HSBC nhấn mạnh
.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận