Tín dụng cho bất động sản, xây dựng...sẽ bùng nổ vào thời gian tới?
Với việc Luật Bất động sản sửa đổi có hiệu lực từ 1-8, các chuyên gia kỳ vọng cầu tín dụng của nhóm các ngành nghề liên quan đến bất động sản, xây dựng được dự báo sẽ tăng trong những tuần tới.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 14-6-2024, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 3,79% so với cuối năm 2023. Tốc độ tăng trưởng tín dụng phân hóa giữa các nhà băng và các địa phương. Cầu tín dụng yếu và không đồng đều giữa các địa phương được cho là nguyên nhân.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tại một số địa phương tăng trưởng tín dụng còn thấp. Có những tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm.
Tại các ngân hàng thương mại, tốc độ tăng trưởng tín dụng có sự phân hóa rõ rệt. Chẳng hạn tại Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng- Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, tính đến ngày 17-6, tín dụng tại nhà băng này tăng 2,4% so với đầu năm. Còn tại Vietinbank, ông Trần Minh Bình – Chủ tịch HĐQT Vietinbank thông tin, tín dụng của ngân hàng này đã đạt 5%, dự kiến đến hết tháng 6 sẽ tăng khoảng 5,5 – 6% so với cuối năm ngoái.
Nền kinh tế thực tế vẫn đang cần vốn
Nhận xét về con số tăng trưởng tín dụng trên, bà Phan Thị Liên, kinh tế trưởng của Chứng khoán Tiên Phong (TPS) chỉ ra nguyên nhân, thứ nhất sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu; thứ hai sau khoảng thời gian khó khăn của nền kinh tế, các ngân hàng cũng có những thận trọng nhất định với chuẩn cho vay, điều này lý giải cho việc tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm vẫn còn thấp.
Lý giải về việc tăng trưởng tín dụng thấp trong thời gian qua, ông Trần Ngọc Báu – CEO của đơn vị cung cấp dữ liệu và phân tích tài chính WiGroup, cho rằng một phần lý do của việc giải ngân vốn chậm trong thời gian qua là bởi vào cuối năm ngoái, các ngân hàng đã chạy đua giải ngân nên việc những tháng đầu năm có tạm thời hãm lại việc cấp vốn cũng là hoàn toàn bình thường.
Ông Báu nhấn mạnh dù con số tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2024 dù không quá ấn tượng nhưng so với cùng kỳ vẫn ghi nhận tăng trưởng dương, vì vậy có cơ sở để lạc quan về cầu tín dụng trong nền kinh tế.
Phân tích về lý do tại sao dù tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm thấp nhưng cả năm vẫn có thể đạt mục tiêu, kinh tế trưởng của Chứng khoán Tiên Phong (TPS) chỉ ra trong năm 2023, khoảng thời gian đầu năm tăng trưởng tín dụng khá thấp nhưng chỉ có vài ngày cuối năm mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra vẫn đạt được.
“Điều quan trọng là nền kinh tế có hấp thụ được không, chứ mục tiêu đặt ra vậy có thể hiện tại tăng trưởng tín dụng chưa cao; đến lúc nền kinh tế tăng trưởng đủ mạnh để hấp thụ vốn thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ vẫn đạt được. Tính từ đầu năm 2024 cho đến nay, nền kinh tế đã có nhiều diễn biến tích cực hơn so với năm 2023 nên chắc chắn mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% sẽ vẫn đạt được”, bà Liên phân tích.
Cũng theo số liệu của bà Liên có được, khoảng hai tháng gần đây, lãi của các khoản vay đã bắt đầu nhích lên. Lãi vay giống như giá cả của tiền, khi mà cầu vốn tăng, lãi vay mới tăng như vậy có thể thấy nền kinh tế thực tế vẫn đang cần vốn chứ không phải dòng vốn đang bị kẹt không chảy vào nền kinh tế. Thực tế các chỉ số về sản xuất và đơn hàng xuất khẩu đều cho thấy nền kinh tế đang phục hồi.
Cần thiết kế các gói vay có thời hạn dài hơn, lãi suất ổn định hơn
Bàn về giải pháp tăng cung vốn vào nền kinh tế, kinh tế trưởng của Chứng khoán TPBank nhấn mạnh tín dụng đã bắt đầu phục hồi từ tháng 6-2024, xuất nhập khẩu và tiêu dùng đang tăng trở lại.
Ngành bất động sản là ngành thu hút tín dụng rất nhiều, tín dụng dành cho bất động sản chiếm tương đương khoảng từ 20 đến 30% tổng dư nợ. Chính vì vậy khi mà Luật Bất động sản sửa đổi có hiệu lực vào tháng 8-2024 sẽ có tác động đến thị trường bất động sản, vốn vào ngành lớn như bất động sản, xây dựng, công nghiệp, thương mại sẽ gia tăng, vì vậy kéo theo cầu tín dụng gia tăng.
Như vậy nếu muốn đẩy vốn nhanh nhất ra nền kinh tế, những ngành này cần đến sự ưu tiên tín dụng nhiều nhất. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện tại, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành chế biến chế tạo tăng trưởng rất mạnh, trong thời gian tới, tăng trưởng tín dụng chắc chắn sẽ tăng.
Phía các ngân hàng cũng công bố đang đẩy mạnh được vốn ra nền kinh tế. Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc ngân hàng Quân đội (MB) cho biết: Dự kiến đến hết tháng 6, tăng trưởng tín dụng tại MB sẽ đạt 6 – 6,5%. Ông Ánh cho biết thêm: Với mục tiêu năm nay tăng trưởng tín dụng khoảng 15,5%, chúng tôi cần đạt khoảng 8% nữa trong những tháng còn lại của năm. Chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu vào đầu hoặc giữa quý 4.
"Để đạt được mục tiêu này, ngoài sức hấp thụ của nền kinh tế, hiện nay các ngân hàng đều có các giải pháp tổng hợp, không có giải pháp duy nhất nào để đảm bảo tăng trưởng tín dụng và hấp thụ thị trường. Hiện các nhà băng cũng đã giảm lãi suất sâu nhất, có lẽ là trong vòng 10 năm trở lại đây. Khi chi phí vốn thấp thì cầu tín dụng sẽ tăng. Tôi cho rằng, các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí để có nguồn lực hỗ trợ lãi suất cho vay ở mức thấp", ông Ánh nói.
Bên cạnh đó, ông Ánh cũng kỳ vọng khi các luật mới và chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1-8, thì hàng loạt vấn đề sẽ được tháo gỡ. Hy vọng đến quý 3, quý 4 lĩnh vực bất động sản nhà ở sẽ được tháo gỡ, lúc đó sẽ tạo ra hiệu ứng chung cho thị trường bất động sản. Khi đó người dân sẽ bắt đầu mua nhà, đổi nhà và tín dụng của các ngân hàng sẽ tăng trưởng tốt hơn.
Tại Agribank, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ngoài giải pháp hạ lãi suất cho vay, Agribank cũng đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi tổng quy mô 220.000 tỉ đồng dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn, xuất nhập khẩu… với lãi suất cho vay bình quân thấp hơn từ 1% - 2,5%/năm so với lãi suất thông thường.
Các chuyên gia cho rằng để đón đầu cho làn sóng mua bất động sản sau khi luật bất động sản sửa đổi có hiệu lực từ tháng 8, cần thiết kế các gói vay có thời hạn dài hơn, lãi suất ổn định hơn vì vậy cũng đỡ tiềm ẩn rủi ro với người đi vay. Chuyên gia cũng chỉ ra, để cho vay trong lĩnh vực bất động sản, cần phải giải quyết cả những vấn đề pháp lý hiện đang còn tồn tại, điều này cần sự vào cuộc của nhiều bộ ban ngành chứ không phải chỉ riêng ngành ngân hàng có thể giải quyết được.
NHNN cũng đã thể hiện quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Trong thông báo gần đây, NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng nỗ lực phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay, phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II-2024 ở mức 5-6%.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: Hạ lãi suất là chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều năm qua và năm nay vẫn quyết liệt. Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Và điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỉ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ, tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận