Tín dụng chính sách đạt 226,6 nghìn tỷ đồng, Việt Nam trở thành hình mẫu giảm nghèo
Tại Hội nghị tổng kết Chỉ thị số 40/2014/CT-TW của Ban Bí thư khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 16/7, những kết quả đạt được cho thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả thiết thực, giúp hàng triệu người dân thoát nghèo.
Hơn 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo
Báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, đến 30/6/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt gần 220 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 90 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 69,6%) so với trước khi có Chỉ thị. Ngân hàng đã giải ngân 337 nghìn tỷ đồng cho hơn 12 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Qua đó, góp phần giúp hơn 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 1,3 triệu lao động; giúp hơn 24 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 346 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 142 nghìn căn nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách...
Là địa phương còn khó khăn với gần 20 nghìn hộ nghèo, trong quá trình lãnh đạo, điều hành, Đồng Tháp có những cách làm riêng. Chia sẻ về điều này, ông Lê Minh Hoan , Bí thư tỉnh uỷ Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp đang dẫn đầu khu vực Đồng bằng song Cửu Long về công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng...
“Sau khi về nước, số tiền lao động mang về đã quý, kiến thức lao động mang về còn quý hơn. Có một cuốn sách nói về vấn đề này: “Người nghèo là nghèo cái túi, người giàu là giàu cái đầu”. Vì vậy, tín dụng chính sách xã hội phải lồng ghép được nguồn vốn hữu hình và kiến thức vô hình để kích hoạt đối tượng yếu thế trong xã hội thoát khỏi sự mặc cảm, tự ti vươn lên thoát nghèo”, ông Lê Minh Hoan nói.
Tại Hà Nội, tính đến cuối tháng 6/2020, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP. Hà Nội đạt 4.047 tỷ đồng, riêng trong 5 năm qua, bổ sung 2.950 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị.
Nhân rộng cách làm hiệu quả
Ông Alwaleed Fareed Alatabani, chuyên gia trưởng Thị trường tài chính, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá, tín dụng chính sách với sự hỗ trợ của Chính phủ thực hiện qua NHCSXH được thực hiện thành công tại Việt Nam.
“NHCSXH đang cho vay trên 6,5 triệu hộ gia đình với dư nợ gần 10 tỷ USD thông qua mạng lưới toàn quốc bao gồm 63 chi nhánh tỉnh, 631 phòng giao dịch huyện, hơn 10.400 điểm giao dịch ở cấp xã và gần 175.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Thông qua mạng lưới này, NHCSXH đã tiếp cận khoảng 92% tổng số hộ vay tiềm năng và chiếm tới 87% giá trị tổng các khoản cho vay trong thị trường tài chính vi mô Việt Nam. Tôi rất ấn tượng với những thành tựu NHCSXH đã đạt được”, ông Alwaleed Fareed Alatabani đánh giá
Ông Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, Chỉ thị 40 là một trong những trụ cột quan trọng, là chính sách đáp ứng lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo, là đòn bẩy kinh tế. Nhờ đó, số người nghèo giảm nhanh, từng bước ngăn chặn tín dụng đen ở nông thôn. Tín dụng chính sách góp phần đưa Việt Nam thành hình mẫu giảm nghèo trên thế giới.
Để nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả thời gian tới, ông Trần Quốc Vượng yêu cầu các đơn vị thực hiện mở rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả.
Về vấn đề này, ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc kiến nghị, cần đổi mới tín dụng theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng vay, tạo sinh kế cho đồng bào.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, ưu tiên tập trung, bố trí nguồn vốn để phát huy vai trò của NHCSXH là ngân hàng chủ lực trong triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận