menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Kiến Vũ

Tín dụng bất động sản tại Tp.HCM khởi sắc, đón cơ hội bứt phá

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Tp.HCM, tính tới thời điểm cuối tháng 4/2024, tổng dư nợ BĐS trên địa bàn Tp.HCM là 981,5 ngàn tỷ, tăng 1,61% so với cuối năm 2023.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Tp.HCM, hoạt động tín dụng bất động sản (BĐS) đang có xu hướng tăng trưởng qua từng tháng với những chuyển biến tích cực.

Tín dụng bất động sản tăng mạnh nhất vào tháng 4/2024

Phân tích số liệu theo từng tháng cho thấy trong tháng 1/2024 tín dụng BĐS giảm 0,49%; tháng 2 giảm 0,01% và đến tháng 3 tăng trưởng trở lại ở mức 0,96% và tháng 4/2024 là tháng tăng trưởng cao nhất, lên tới 1,15%. Nếu phân tích theo từng tháng thì rõ ràng là tín dụng BĐS đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, đặc biệt là tháng 4/2024.

Theo thống kê của NHNN, dư nợ tín dụng cho vay khu công nghiệp, khu chế xuất, kinh doanh bất động sản và cho vay chuyển nhượng quyền sử dụng đất có tốc độ tăng trưởng cao hơn các lĩnh vực khác. Trong đó, dư nợ cho vay đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 44,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cuối năm 2023.

Tín dụng bất động sản tại Tp.HCM khởi sắc, đón cơ hội bứt phá
Ảnh minh họa: VGP/Anh Lê

Tuy nhiên, nếu xét riêng về tín dụng cho vay BĐS với mục đích để sử dụng như mua nhà để ở, xây và sữa chữa nhà ở, chuyển quyền sử dụng đất để xây nhà ở… thì đây vẫn là phân khúc có tỷ trọng cao nhất, chiếm 68% trong tổng dư nợ bất động sản trên địa bàn.

Theo VTV, đặt trong mối liên hệ của tín dụng BĐS cả nước thì tín dụng BĐS của Tp.HCM chiếm khoảng 33% trong tổng dư nợ bất động sản của cả nước và nếu phân tích tín dụng chung trên địa bàn thì chiếm khoảng 27%. Ngược trở lại những năm gần đây tín dụng bất động sản cũng chiếm 27 đến 28% tổng dư nợ tín dụng, tuỳ theo thời điểm.

Bất động sản Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Đánh giá về tiềm năng để khơi thông dòng vốn cho lĩnh vực bất động sản, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay các bộ, ngành đang tích cực hoàn thiện những văn bản pháp lý hướng dẫn triển khai ba bộ luật quan trọng là Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật các Tổ chức tín dụng 2024. Vì thế, các khó khăn vướng mắc về pháp lý vốn là khó khăn mấu chốt của trường bất động sản kỳ vọng sẽ sớm được tháo gỡ, từ đó các dự án đang triển khai dang dở có thể nối lại. Thị trường trái phiếu, nguồn vốn tín dụng cũng sẽ có cơ hội để phục tiếp tục đà phục hồi trong các quý cuối năm.

Đặc biệt, với nguồn vốn dồi dào và lợi thế vay vốn giá rẻ, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đang đổ vốn vào các lĩnh vực bất động sản công nghiệp, du lịch và bất động sản nhà ở.

Chia sẻ về tiềm năng thu hút vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản, ông Trương Khắc Duy Minh, Phó Tổng Giám đốc KCN Việt Nam cho biết, dòng vốn tiếp tục diễn biến tích trong bối cảnh Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút đầu tư. Ngoài yếu tố khách quan như xu hướng chuyển dịch sản xuất, cũng cần ghi nhận sự tích cực đến từ chính sách của Chính phủ giúp thu hút đầu tư, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trong đó, dòng vốn nước ngoài đổ vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam đã có mức tăng trưởng khá tích cực. Cụ thể, đến tháng 4/2024, đã có khoảng 1,6 tỷ USD được các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Con số này cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái và là con số khá ấn tượng khi thị trường bất động sản trong nước vẫn còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, tuy có những tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn, nhưng chuyên gia cũng đánh giá chung rằng thị trường vẫn đối diện với nhiều khó khăn trong thời gian tới, ít nhất là trong ngắn hạn khi các quy định mới trong các bộ luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản cần thêm thời gian để “ngấm”.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, các giải pháp khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp hiện nay tập trung chủ yếu ở các giải pháp tình thế từ đàm phán gia hạn trái phiếu, bên cạnh tập trung vào tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, một giải pháp khác đặt ra là tăng cường huy động thêm vốn, tức tăng vốn chủ sở hữu.

Ngoài ra, để khơi thông dòng tiền, các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng vào cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi hơn, cũng như kỳ vọng việc đẩy nhanh các dự án công, liên kết ngành, từ đó giúp giảm thiểu chi phí và nâng cao sức cạnh tranh.

Lãi suất cho vay mua nhà vẫn đang tiếp tục giảm

Theo báo Tin Tức, nhìn chung, lãi suất cho vay mua nhà hiện nay vẫn tiếp tục giảm nhằm giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn rẻ vay mua nhà.

Thống kê mới nhất của NHNN, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5 điểm % so với cuối năm ngoái; trong khi lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6 điểm %.


Đáng chú ý, lãi suất vay mua nhà tại nhiều ngân hàng hiện chỉ từ 5 - 6%/năm, áp dụng trong 6 - 36 tháng đầu tiên. Nếu so với mức lãi suất tiết kiệm phổ biến kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cho vay hiện ngang hoặc cao hơn chỉ 1%. Sau ưu đãi, lãi suất thả nổi cho các khách vay cũ của nhóm ngân hàng quốc doanh trong khoảng 9 - 10%/năm, trong khi một số ngân hàng tư nhân vẫn neo cao trên 12%/năm.

Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV) đang áp dụng lãi suất cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng, vay mua nhà ở dao động từ 5 - 7%/năm, tùy kỳ hạn.

Cụ thể, BIDV áp dụng lãi suất vay tối thiểu 5%/năm trong 6 tháng đầu, thời gian vay tối thiểu 36 tháng; hoặc tối thiểu 5,5%/năm trong 12 tháng đầu, thời gian vay tối thiểu 60 tháng. Tại các địa phương khác, mức lãi suất cho vay mua nhà tối thiểu cố định từ 6%/năm áp dụng trong 24 tháng đầu tiên hoặc 7%/năm trong 36 tháng đầu tiên. Chính sách này áp dụng từ nay đến 30/6/2024. Hết ưu đãi, lãi suất thả nổi được tính theo công thức lãi suất cho vay cơ sở cộng với biên độ 3,7%. Phí trả nợ trước hạn là 1% trong 2 năm đầu tiên và 3 năm tiếp theo là 0,5%.

Tại VietinBank, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5,2%/năm, vay trung, dài hạn từ 5,8%/năm, áp dụng cho khách hàng vay sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

Với Vietcombank, khách hàng cá nhân vay mua nhà, mua ô tô hoặc vay tiêu dùng, lãi suất ưu đãi từ 6%/năm trong 6 tháng đầu với các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng); hoặc 6,3%/năm trong 6 tháng đầu với các khoản vay trung, dài hạn. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi khoảng 9%/năm và thay đổi 3 tháng/lần.

Agribank áp dụng lãi suất từ 4,0%/năm với khoản vay đến 3 tháng, 4,5%/năm với khoản vay trên 3 đến 6 tháng, từ 5,0%/năm với khoản vay trên 6 đến 12 tháng, từ 6,0%/năm với khoản vay trên 12 tháng, từ 6,5%/năm với khoản vay trên 24 tháng. Kể từ năm thứ 3, mức lãi suất cho vay sẽ thả nổi, mức lãi suất thả nổi ước tính theo gói vay này khoảng 8 - 9%/năm.

Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất vay mua nhà cũng ở mức thấp. Chẳng hạn, BVBank đang có lãi suất vay ngân hàng thấp nhất chỉ từ 5%/năm áp dụng cho các khoản vay mua, xây dựng, xây sửa nhà, biên độ sau khi hết ưu đãi là 2%/năm. Lãi suất thả nổi của BVBank dao động từ 9,5% - 10%/năm.

VPBank áp dụng mức 5,9%/năm cho 6 tháng đầu. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm biên độ 3% mỗi năm. Lãi suất thả nổi của VPBank dao động từ 9,5% - 10%/năm

Sacombank áp dụng cố định lãi suất 6,5%/năm trong 6 tháng, 7%/năm cố định 12 tháng, 8%/năm cố định 24 tháng cho các khoản vay phục vụ đời sống (mua, xây, sửa bất động sản; mua ô tô; tiêu dùng). Hết thời gian cố định, lãi suất sẽ điều chỉnh định kỳ 3 tháng/lần.

MSB vay ngắn hạn 5 tháng lãi suất 6,2%, vay ngắn hạn 6 tháng 6,8%, vay trung, dài hạn cố định 12 tháng 6,5% và vay trung, dài hạn cố định 24 tháng lãi suất là 8%.

Nhóm các ngân hàng nước ngoài cũng có sự điều chỉnh lãi suất cho vay. Cụ thể, Wooribank áp lãi suất vay cố định trong 5 năm (5,3% cố định trong 6 tháng đầu và 8% cố định trong 54 tháng tiếp theo), hoặc 5,1% cố định 1 năm đầu, 5,5% cố định trong 2 năm đầu, 5,7% cố định trong 3 năm đầu.

Lãi suất thả nổi sau ưu đãi của Wooribank vào khoảng 8,7/năm.


Shinhanbank áp dụng 5,5%/năm cố định 6 tháng đầu và 7,5%/năm 54 tháng còn lại; hoặc 5,2%/năm cố định 12 tháng, 5,5%/năm cố định 24 tháng, 6,0%/năm cố định 36 tháng. Lãi suất thả nổi dao động ở mức 8,5 - 8,6%/năm.

Standard Chartered lãi suất cố định 6,0% trong 1 năm, 6,4% trong 2 năm, 6,8% trong 3 năm (áp dụng với các khoản vay từ 1 tỷ đến dưới 3,5 tỷ); hoặc lãi suất cố định 5,8% trong 1 năm, 6,2% trong 2 năm, 6,6% trong 3 năm (áp dụng với các khoản vay trên 3,5 tỷ).

Hong Leong Bank cố định 1 năm đầu tiên 5,5%/năm, cố định 2 năm đầu 6%/năm, cố định 3 năm đầu 7,5%/năm. Lãi suất thả nổi từ năm thứ 2 đến năm thứ 4 được tính bằng lãi suất cơ bản + từ 0,75%/năm; từ năm thứ 5 trở đi được tính bằng lãi suất cơ bản + từ 0,49%/năm.

Minh Hoa (t/h)
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả