Tin bất động sản mới nhất: Giải mã cơn sốt đất hầm hập; nóng việc mua ‘lúa non’ suất đất tái định cư dự án sân bay Long Thành
'Cơn sốt' bất động sản thường có chu kỳ, khoảng 10 năm lại có 1 lần và trải qua mỗi lần như vậy lại tạo lập một mặt bằng giá mới.
Huyện Vân Đồn, Quảng Ninh mạnh tay với "cơn sốt" đất
Vừa qua, UBND huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh ra thông báo trong đó có nội dung nghiêm cấm việc cán bộ, công chức tham gia các hoạt động môi giới bất động sản. Người ngoại tỉnh đến nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để đầu cơ, bỏ hoang sẽ bị thu hồi.
UBND huyện Vân Đồn yêu cầu thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiên cứu, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, chức năng quản lý được giao, các văn bản chỉ đạo của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh.
Cụ thể, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND huyện về công tác quản lý đất đai trên địa bàn quản lý, đảm bảo đúng theo các chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện và các quy định.
Công khai tại trụ sở UBND xã, thị trấn về các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện; Công khai bảng giá đất hàng năm huyện Vân Đồn và bảng giá đất cụ thể đang thực hiện bồi thường, GPMB các dự án trên địa bàn đã được UBND tỉnh phê duyệt.
UBND huyện cũng yêu cầu tập trung quán triệt, tuyên truyền, công khai bằng hình thức phù hợp cho người dân về quy hoạch, tình trạng pháp lý các dự án đang triển khai trên địa bàn. Đặc biệt, thông báo tới người dân những dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn, chưa đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai; đồng thời cảnh báo người dân cảnh giác trước các cơn "sốt" đất ảo trên địa bàn.
Chỉ đạo các cán bộ chuyên môn thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực chuyên môn phụ trách. Không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, phức tạp trên địa bàn. Thực hiện nghiêm chức năng quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương, quản lý chặt chẽ đất công ích, đất sản xuất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản.
"Sốt" đất ăn theo dự án của SunGroup ở Thanh Hóa
Thời gian qua, tình trạng "sốt" đất diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, Thanh Hóa cũng không là ngoại lệ. Điều đặc biệt là hiện tượng đất tăng giá không chỉ ở các địa phương lân cận thành phố mà còn diễn ra tại các huyện vùng nông thôn, miền núi.
Giá đất tại huyện Như Thanh - nơi dự án quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư - tăng mạnh.
Như Thanh là một huyện miền núi, nằm cách thành phố Thanh Hóa 35 km về phía Tây Nam. Từ sau Tết Nguyên đán, giá đất ở khu vực lân cận dự án đã tăng gấp nhiều lần so với trước đó.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2021, trước câu hỏi của phóng viên về hiện tượng "sốt" đất, ông Đặng Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, khẳng định là có thật. Theo ông Dũng thì đất không chỉ "sốt" mà rất "sốt".
Ông Dũng thông tin, huyện Như Thanh đã ban hành nhiều văn bản gửi cho UBND các xã, thị trấn và phổ biến trên các hệ thống thông tin tuyên truyền để nhằm cảnh báo và tránh thiệt hại cho người dân. Khoảng một tuần trở lại đây, hiện tượng "sốt" đất có dấu hiệu lắng xuống.
Liên quan đến vấn đề "sốt" đất hiện nay, Phùng Đình Ảnh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị đang phối hợp với Sở Xây dựng có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai.
Nhiều thông tin mới chỉ rò rỉ, giá đã bị đẩy lên rất cao
Tại tọa đàm "Giải mã cơn sốt đất" tổ chức sáng nay (9/4), ông Lê Văn Bình - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai, cho biết, nhìn từ góc độ nhà quản lý, ông nhận thấy "cơn sốt" đất thường có chu kỳ, cứ khoảng 10 năm lại có 1 "cơn sốt" đất và trải qua mỗi lần như vậy lại tạo lập một mặt bằng giá mới, gây khó khăn cho nhà đầu tư khi muốn tiếp cận đất đầu tư.
"Cơn sốt đất lần này có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân cộng hưởng. Yếu tố đầu tiên là do quy hoạch", ông Bình lý giải.
Yếu tố thứ hai, theo ông Bình, là vấn đề tài chính. Năm vừa rồi, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến việc lãi suất ngân hàng xuống thấp, dòng tiền sụt giảm.
Vì thế, người dân thay vì gửi tiền tiết kiệm sẽ chuyển sang tìm kiếm các kênh đầu tư khác sinh lời hơn. Mà năm vừa qua, bất động sản và chứng khoán là hai lựa chọn thu hút nhất.
Ông Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản - Sở Xây dựng Hà Nội, cũng đồng tình cho rằng hiện nay, "cơn sốt" đất ở Hà Nội có một số nguyên nhân như ông Bình phân tích. Theo đó, việc "sốt đất" do một số nguyên nhân như tính chu kỳ, xu hướng đầu tư của dòng tiền và quy hoạch.
Bên cạnh đó, ông Minh cho biết còn có một số nguyên nhân khác: Thứ nhất, 2021 là năm đầu tiên chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có chỉ tiêu về phát triển nhà ở, cải thiện điều kiện nhà ở cho người dân…
Thành phố xây dựng kế hoạch và công bố hàng loạt quy hoạch sẽ triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Từ những thông tin như vậy, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào các khu vực có định hướng phát triển đô thị.
Giả sử như việc Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức được công bố chuẩn bị lên quận, chúng ta bắt đầu đầu tư giai đoạn khởi điểm nên nhiều người đầu tư và trở thành nguyên nhân đẩy giá đất. Trong thời gian vừa qua, việc hoàn chỉnh đồ án quy hoạch mới được phê duyệt.
"Do vậy, giá đất được đẩy lên cao nhất trong thời gian qua là đất ở nông thôn, đất vườn ao, đất lâm nghiệp… Có những nơi tăng lên 100%, có nơi tăng đột biến 200%", ông Minh nói.
Tình trạng mua ‘lúa non’ đất tái định cư dự án sân bay Long Thành
Nhiều công ty môi giới và cò đất đang chào bán suất của những người được nhận nền đất tái định cư trong dự án sân bay quốc tế Long Thành theo hình thức mua “lúa non”. Chuyên gia cảnh báo rủi ro khi giao dịch bằng hợp đồng đặt cọc, đặt chỗ, chưa thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.
Theo Báo Lao Động, nhiều người nhu cầu mua đất tại khu vực gần sân bay Long Thành đang xây dựng tại Đồng Nai. Trong quá trình tìm kiếm thông tin, họ lại được môi giới chào bán suất tái định cư với hình thức giao dịch chỉ là mua bán giấy tay và làm thủ tục uỷ quyền.
Tìm hiểu tình hình thực tế tại xã Lộc An, huyện Long Thành – nơi có dự án khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn dành cho những người dân trong khu vực quy hoạch Cảng hàng không Long Thành thuộc diện di dời, giải phóng mặt bằng cho thấy tình hình mua bán này đang diễn ra khá sôi động.
Được biết, một lô tái định cư 300 m2 đang được bán với giá 2,5 tỷ đồng, còn suất phụ tái định cư 100 m2 được bán với giá 800 - 900 triệu đồng.
Về thủ tục, người mua suất tái định cư sẽ tiến hành giao dịch với tiền đặt cọc bằng đúng số tiền chuyển nhượng. Sau đó, người bán làm thủ tục ủy quyền cho người mua đi làm GCNQSDĐ và sang tên.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Nhã, Văn phòng luật DBS, khi tham gia giao dịch chuyển nhượng suất tái định cư bên nhận chuyển nhượng sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro.
Đầu tiên phải nói đến rất nhiều rắc rối xảy ra khi hợp đồng ủy quyền có thể bị chấm dứt do bên ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, điều quan trọng là bên nhận chuyển nhượng sẽ gặp khó khăn trong việc làm thủ tục cấp GCNQSDĐ.
Về phía chính quyền, trước tình hình diễn biến phức tạp của việc mua bán suất tái định cư, UBND huyện Long Thành đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng huyện, chính quyền các xã quanh khu vực này tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên bán đất khi chưa được giao đất, vì điều này không đúng với quy định pháp luật và dễ dàng nảy sinh các vấn đề tranh chấp phức tạp về sau.
Đồng thời, UBND huyện cũng đã có văn bản yêu cầu cán bộ, công chức các cơ quan không được tham gia, liên quan đến việc mua bán đất tái định cư, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận