Tin bất động sản hôm nay 10/1: Thủ tục chuyển đất 50 năm thành đất ở, đất vàng Hà Nội ‘khóc’ vì ế, một văn phòng đăng ký đất để mất 22 sổ đỏ
Đất vàng Hà Nội ‘khóc’ vì ế ẩm, Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà làm mất 22 sổ đỏ… là những tin bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản hôm nay ở miền Bắc
Theo thống kê của CBRE, năm 2020, lĩnh vực bán lẻ là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19.
Tại khu vực trung tâm Hà Nội, tỷ lệ trống tăng 12,9% so với cùng kỳ, đạt 14,3%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Đồng thời, tỷ lệ trống ở khu vực ngoài trung tâm tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 12,3%.
Tin bất động sản hôm nay 10/1: Thủ tục chuyển đổi đất 50 năm thành đất ở, đất vàng Hà Nội ‘khóc’ vì ế ẩm, một văn phòng đăng ký đất để mất 22 sổ đỏ.
Trong bối cảnh ấy, thị trường có thêm 2 dự án lớn khai trương, đóng góp thêm 41.000m² diện tích mặt bằng bán lẻ cho thuê tại Hà Nội.
Tính đến cuối năm 2020, nguồn cung bán lẻ của Hà Nội đạt 1.050.000m², tăng 4% so với năm 2019. Tốc độ tăng này thấp hơn so với 2năm trước do có một số dự án không đi vào hoạt động như kế hoạch.
Thống kê cho thấy, giá chào thuê trung bình (tầng một và tầng trệt, không bao gồm VAT và phí dịch vụ) ở khu vực trung tâm tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 107,7 USD/m²/tháng do một số mặt bằng bán lẻ tại vị trí đắc địa chào thuê ở mặt bằng giá cao hơn, sau khi được nâng cấp lại.
Mặt khác, giá chào thuê tại khu vực ngoài trung tâm ghi nhận mức tăng nhẹ 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 24,5 USD/m²/tháng.
Trong 3 năm tới, CBRE dự báo thị trường dự kiến có hơn 300.000 m² mặt bằng bán lẻ chào thuê mới, đều đến từ khu vực ngoài trung tâm. Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã định hình lại hành vi mua sắm của người tiêu dùng, chú trọng đến xu hướng thương mại điện tử và đời sống sức khỏe.
Số lượng cửa hàng dược phẩm được ghi nhận tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 26 cửa hàng lên 43 cửa hàng tại Hà Nội, do lối sống lành mạnh ngày càng trở nên quan trọng và đã trở thành một xu hướng mới.
Tin bất động sản hôm nay ở miền Trung
Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà, Đà Nẵng đã để mất 22 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân.
Theo điều tra của công an TP Đà Nẵng, bà Dương Thị Ngọc Anh, nhân viên chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà tự ý lấy 22 sổ đỏ của công dân cho bà Đào Thị Như Lệ (1979, ngụ tỉnh Quảng Nam) mượn. Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng sau đó đã khởi tố vụ án.
Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Dương Thị Ngọc Anh và Đào Thị Như Lệ, Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh bất động sản về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.
Theo đó, bà Anh đã mang 22 sổ đỏ của người dân đang nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà (làm thủ tục sang tên đổi chủ) cho bà Lệ mượn mang đi cầm cố, thế chấp khoản vay nóng hàng trăm tỷ đồng.
Liên quan vụ việc, Công an TP Đà Nẵng đã thu hồi và bàn giao sổ đỏ bị chiếm giữ bất hợp pháp lại cho Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà.
Tin bất động sản hôm nay ở miền Nam
Sẽ có các khu nhà ở phù hợp với từng khu vực tại TP Thủ Đức.
Ông Phạm Đăng Hồ - Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, TP Thủ Đức được thành lập dựa trên việc sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức, thuộc phạm vi 12 quận nội thành phát triển. Do đó, khi TP Thủ Đức ra đời vẫn phải đảm bảo bài toán phát triển nhà ở, tạo động lực mới để phát triển nhà ở trong thời gian tới.
Cụ thể, khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được quy hoạch phát triển các loại hình nhà ở cao tầng vì giáp trung tâm Quận 1; Khu công nghệ cao sẽ phát triển các loại hình nhà ở cho chuyên gia, công nhân có chất lượng cao, có tác phong công nghiệp và những khu nhà ở có thể nghỉ dưỡng, sinh thái hoặc đô thị thông minh.
Và với khu vực lõi xung quanh Đại học Quốc gia sẽ là nhà ở cho sinh viên, giáo viên, công chức và những khu đại học sẽ phát triển trong tương lai.
Ngoài ra, trung tâm của TP Thủ Đức là phường Trường Thọ cũng sẽ được quy hoạch lại trên cơ sở sắp xếp các quỹ đất trống như xi măng Hà Tiên, cảng Trường Thọ… để phát triển thành các trung tâm mới.
Thủ tục chuyển đất 50 năm thành đất ở
Theo Luật Đất đai hiện hành, đất được phân loại thành 3 nhóm gồm: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng, trong đó không quy định loại đất nào là đất 50 năm. Đất 50 năm không phải loại đất theo quy định của pháp luật mà đó là cách gọi của người dân dùng để chỉ loại đất có thời hạn sử dụng 50 năm.
Đất 50 năm không được xây dựng nhà ở vì không phải là đất ở; nếu muốn xây dựng nhà ở phải xin chuyển mục đích sử dụng đất.
Hộ gia đình, cá nhân chuyển các loại đất có thời hạn sử dụng 50 năm sang đất ở phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (theo khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai năm 2013).
Tuy nhiên, không phải khi có đơn xin chuyển là được phép chuyển mục đích sử dụng đất, mà UBND cấp huyện, cấp tỉnh sẽ căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nếu thửa đất xin chuyển mục đích thuộc khu vực được chuyển mục đích sử dụng theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện thì mới được phép chuyển.
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng các loại đất có thời hạn sử dụng là 50 năm khi có nhu cầu chuyển sang đất ở phải thực hiện theo thủ tục sau:
1. Chuẩn bị hồ sơ
Theo Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT, hộ gia đình, cá nhân chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm:
- Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số 01.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Ngoài ra, phải mang theo chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân để xuất trình khi có yêu cầu.
2. Trình tự thực hiện
Bước 1. Nộp hồ sơ tại phòng Tài nguyên và Môi trường.
Bước 2. Tiếp nhận hồ sơ
Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Bước 3. Giải quyết yêu cầu
Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính; trình UBND cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định (nhận Thông báo và nộp tiền theo Thông báo, giữ biên lai, chứng từ nộp tiền để xuất trình khi nhận Quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất).
Bước 4. Trả kết quả.
(tổng hợp)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận