Tìm về nếp nhà cổ, các bạn trẻ nhìn ngắm lại dòng thời gian đã qua
Khám phá những ngôi nhà cổ, hòa mình vào dòng thời gian của những ngôi nhà. Không ít bạn trẻ đang tìm và trải nghiệm những điều thú vị ở đây.
Trong vòng xoáy bận rộn và hối hả của cuộc sống kiếm tiền, giới trẻ dường như đang chọn nhiều cách “xê dịch” để giảm căng thẳng sau những ngày vùi đầu vào công việc. Có những người luôn tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo, mới lạ và hiện đại. Nhưng cũng không ít bạn trẻ chọn xả stress ở những nơi không xô bồ, thích khám phá lịch sử và con người đất nước.
Ở đây họ tìm thấy sự kết nối giữa quá khứ và tương lai, cũng như hiểu rõ hơn về nguồn gốc và văn hóa của đất nước hình chữ S này.
Khám phá những ngôi nhà cổ Hội An
Trần Thị Thu Huyền (1989) sống ở Hà Nội luôn bận rộn, quay cuồng với khối lượng công việc lớn. Áp lực nhiều khiến cô dần quên đi cuộc sống hiện tại bên gia đình và bạn bè.
Một ngày buông bỏ hết tất cả, Huyền quyết định rẽ ngang con đường quen thuộc. Cô xách balo cùng những người chị em trong nhà vào Hội An. Huyền chọn khám phá những nếp nhà cổ - Nơi ít người trẻ như cô chú ý và quan tâm.
Cô tìm hiểu, thấy nơi này không ồn ào, vội vã vừa có những khoảng không gian riêng, cùng với sự yên tĩnh. Điều này giúp cô vừa trải nghiệm lại có thể trò chuyện thoải mái với những người đi trong team của mình.
Hội An được biết đến là nơi có 1360 di tích, bao gồm 1068 nhà cổ, 38 nhà thờ tộc, 11 giếng cổ, 23 đình, 43 miếu thờ thần và 44 mộ cổ và 1 cây cầu. Trong số các di tích thuộc di sản văn hóa của phố cổ có một vài điểm đến khách du lịch cần mua vé để tham quan và trải nghiệm.
Huyền và gia đình quyết định tham quan 3 nhà cổ: Quân Thắng, Đức An, Tấn Ký. Đây là 3 trong 25 địa điểm du lịch Hội An thu hút nhiều du khách ghé đến, khu nhà cổ có phong cách thiết kế ấn tượng, độc đáo.
“Trước mình đi Hội An một lần rồi, cũng có nghe nhưng không chú ý, tìm hiểu sâu lắm. Nhưng sau khi người bạn chia sẻ về những ngôi nhà cổ này thì đã quyết định đưa gia đình mình vào để trải nghiệm và khám phá", Huyền cho biết.
Nét thăng trầm theo thời gian dưới những nếp nhà cổNhà cổ Quân Thắng
Hành trình đầu tiên của cả nhóm là đặt chân đến ngôi Nhà cổ Quân Thắng. Đây là ngôi nhà cổ Hội An được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18. Nơi đây cũng được xem là nhà cổ có kiến trúc độc đáo nhất của khu phố cổ. Ngôi nhà mang nét kiến trúc Hoa Hạ Trung Hoa đặc trưng, phảng phất một chút dáng dấp giống những biệt phủ Trung Quốc thời xa xưa.
Vật liệu chính của ngôi nhà là gỗ, tất cả chi tiết đều được chạm khắc dưới tay của các nghệ sĩ tài ba đến từ làng mộc Kim Bồng. Nhà cổ này được xây dựng với diện tích rộng 300m2. Nhà được chia theo 3 gian riêng biệt bao gồm phòng khách, sân giữa và nhà bếp.
Bên ngoài, nhà cổ Quân Thắng có kiến trúc cổ xưa và đặc biệt hình ảnh mái kiểu kẻ truyền độc đáo. Những tấm hoành phi và các câu đối được chạm khắc ở trên cột chèo vô cùng tỉ mỉ.
Gian chính giữa cũng là gian phòng khách bố trí bàn thờ gia tiên bên trong ngôi nhà. Ở giữa căn nhà cổ có bàn thờ treo – nơi gia chủ cầu mong mưa thuận gió hòa, buôn bán tốt.
Ngôi nhà cổ Quân Thắng chính là một minh chứng cho sự thịnh vượng của thương cảng Hội An xưa, với sự hiện diện của các di vật và cổ vật đẹp mắt được trang trí tinh tế, tuổi đời lên tới hàng trăm năm.
Trong khoảng thời gian được trải nghiệm, Huyền cho rằng mình đã đúng khi chọn đi những địa điểm này “Khi mà bước vào trong nhà, mình thấy rất mát vì trong nhà đều làm bằng gỗ lim. Mình thấy rất ấn tượng bàn để tiền của các nước trên thế giới. Khách đến, mỗi vị khách bỏ lại một đồng làm kỷ niệm. Mình như được hòa vào không gian xa xưa ấy”.
Nhà cổ Đức An
Điểm đến tiếp theo là nhà cổ Đức An. Đây là địa điểm được nhiều nhà cách mạng tới để truyền bá chủ nghĩa yêu nước đến nhân dân ở Hội An lúc bấy giờ.
Nhà cổ Đức An được xây dựng từ năm 1830 vào thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn. Tổng cộng có 8 thế hệ đã sinh ra và lớn lên tại đây. Đây còn là nơi ghi dấu sự kiện thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên của thành phố Hội An vào năm 1927, do đồng chí Phan Thêm – Cao Hồng Lãnh làm bí thư.
Nơi đây mang đậm vẻ đẹp cổ kính, tĩnh lặng của những mái ngói rêu phong; không gian thư thái. Khác với nhà cổ Quân Thắng, ở đây mang đậm kiến trúc Việt cùng rất nhiều kỷ vật của đồng chí Cao Hồng Lãnh và những bức ảnh lưu lại kỷ niệm của đồng chí với các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
"Mình thấy rất thú vị vì đây là nhà cổ thương nhân làm nghề thuốc, lưu truyền đến tận bây giờ. Ngôi nhà này có kiến trúc thiên về phong cách Việt Nam thời xưa hơn so với nhà cổ khác. Nơi đây làm bằng gỗ kiên cố và trường kỳ với thời gian. Ở bên ngoài mình thấy rất nóng nhưng khi bước vào trong nhà, mình cảm thấy mát dịu như dùng điều hoà", Huyền cho biết.
Nhà cổ Tấn Ký
Nơi đây được mệnh danh là “Nhà cổ sống" hơn 200 năm tuổi tại Hội An. Khác với 2 ngồi nhà kia, nhà cổ Tấn Ký là nơi giao thoa giữa 3 nền kiến trúc Việt Nam, Nhật Bản và Trung Hoa và nơi sinh sống của 7 thế hệ nhà họ Lê.
Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1741. Chủ nhân của ngôi nhà vẫn đang sinh sống ở khu vực tầng trên, còn khu vực tầng dưới sẽ dành cho du khách tham quan. Ngôi nhà từ xa xưa được đặt tên là Tấn Ký với hàm ý phát đạt trong kinh doanh.
Nhà cổ Tấn Ký bao gồm 2 tầng và 3 gian, được xây dựng theo phong cách kiến trúc giao thoa giữa 3 nền văn hóa là Việt Nam, Nhật Bản và Trung Hoa. Trần nhà lợp ngói âm dương. Điểm nhấn chính của ngôi nhà là những cây cột, kèo, trính, xuyên, tất cả đều được trạm trổ đường nét tinh xảo, ….
Kiến trúc ngôi nhà có hình ống đặc trưng, ở khu vực giữa nhà có thiết kế giếng trời nhằm tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên và điều hòa luồng không khí trong nhà.
Nơi này còn thu hút du khách bởi những cổ vật lâu đời. Nổi bật nhất trong số đó có lẽ là chiếc chén “độc nhất vô nhị” của Việt Nam, theo lưu truyền có từ thời Khổng Tử. Đây được mệnh danh là chiếc chén không đầy. Nó đã xuất hiện ở gia đình họ Lê từ 200 năm trước.
Khi rót nước vào chén, chỉ được phép rót đến 8 phần, nếu rót thêm nhiều hơn thì nước sẽ tự động tràn ra ngoài. Nguyên lý này khuyên nhủ con người kiềm chế hành vi, giữ cho ý chí ở trạng thái Trung Hoà, không thái quá, không bất cập và sống ở đời theo nhân, để thành người quân tử.
Kết thúc hành trình khám phá những nếp nhà cổ. Có lẽ với Huyền, cô đã sống chậm lại tạm thoát khỏi áp lực công việc, tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống và tận hưởng thời gian bên gia đình và bạn bè.
Cùng với đó, những người trẻ tuổi như cô đã phần nào lưu giữ được những giá trị văn hóa, lịch sử đáng trân quý của những nhà cổ Hội An, nơi gắn bó và trở thành một phần “máu thịt” trong đời sống của người dân nơi này.ịch
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận