24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hải Vân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tìm 'văcxin' ngăn kinh tế sụt giảm

Trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng do dịch bệnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần phải tìm được liều văcxin trị căn bệnh sụt giảm kinh tế và khẳng định chưa có cơ sở để điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng.

Sáng 25-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - đã chủ trì cuộc họp ghi nhận ý kiến của các thành viên hội đồng, làm cơ sở đưa ra các quyết sách điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có khó khăn, nhất là dịch COVID-19.

"Việt Nam muốn thắng lợi kép, vừa chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế - xã hội, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng và bảo đảm đời sống nhân dân..." - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Bài toán hóc búa

Thủ tướng đặt vấn đề: Có loại văcxin nào cho nền kinh tế Việt Nam để ứng phó căn bệnh sụt giảm kinh tế diễn ra trên toàn cầu? Đây là bài toán hóc búa trong bối cảnh quốc tế, khu vực, nhất là những đối tác quan trọng của Việt Nam sụt giảm tăng trưởng.

Mặc dù đã đạt thành công bước đầu quan trọng trong việc ngăn chặn COVID-19, Thủ tướng khẳng định Việt Nam muốn thắng lợi kép chứ không chỉ một thắng lợi đơn. Phải vừa chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế - xã hội, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng và bảo đảm đời sống nhân dân.

Nhiều thành viên hội đồng đề nghị cần có giải pháp phù hợp để bảo đảm nguồn nhân lực, lao động và các điều kiện sản xuất kinh doanh bình thường cho khu vực doanh nghiệp. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giảm thiểu thông tin tiêu cực, sai sự thật.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết các tổ chức quốc tế đánh giá rất thận trọng về tác động của dịch COVID-19, chúng ta cần bình tĩnh, đưa ra thông tin chuẩn xác. Về kiểm soát lạm phát, ông Hưng cho rằng Việt Nam không nôn nóng trong điều hành chính sách tiền tệ, nhưng không chủ quan trước áp lực lạm phát. Sẽ thận trọng, không thắt chặt quá mức gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Điều quan trọng nhất là giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai giải pháp hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch, và có dư nợ gốc hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23-1 đến ngày 31-3, cho đến khi NHNN ban hành thông tư hướng dẫn.

Về giá vàng, thống đốc NHNN cho biết biến động giá vàng trong nước chủ yếu do giá vàng quốc tế và yếu tố tâm lý. NHNN vẫn theo dõi sát, nếu thị trường có bất ổn, NHNN sẽ can thiệp khi cần thiết.

Sẽ có chỉ thị phát triển kinh tế - xã hội

Ghi nhận các ý kiến đóng góp của thành viên hội đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay sau hội nghị này Chính phủ sẽ ban hành một chỉ thị các giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

"Các đồng chí đều nói trong nguy có cơ", Thủ tướng giao NHNN khẩn trương tổng hợp các ý kiến, hoàn thiện các báo cáo của hội đồng, gửi Thủ tướng. "Tinh thần chung của chúng ta là tăng cường công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách và chỉ đạo, điều hành, lắng nghe các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để từ đó chắt lọc các đề xuất, kiến nghị".

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch - đầu tư tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo chỉ thị về các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam là đất nước an toàn, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững. Chính phủ đang triển khai thực hiện mục tiêu kép là không để dịch COVID-19 lây lan, bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân là quan trọng nhất. Đồng thời, sẽ thực hiện mục tiêu bảo đảm sự phát triển của đất nước...

"Phải cải cách mạnh mẽ, phải đồng tâm hiệp lực với niềm tin, sức mạnh Việt Nam để đưa đất nước tiến lên", Thủ tướng nêu rõ và cho hay chưa có cơ sở để điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô, tăng trưởng. Ông cho rằng cần thận trọng, không bi quan, phân tích kỹ tình hình, xem xét các yếu tố tác động để có giải pháp phù hợp.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch, phương án, kịch bản đối phó tác động về kinh tế - xã hội do dịch COVID-19.

Hội đồng thống nhất nếu phá vỡ vĩ mô, rất nhiều hệ lụy đặt ra. Vì vậy, cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Ông Trần Ngọc Thơ (trưởng khoa tài chính - Đại học Kinh tế TP.HCM):

Chống "virus sợ trách nhiệm"

Dịch Covid-19 có ảnh hưởng tâm lý rất mạnh. Để tìm được liều văcxin nhằm đảm bảo tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, cần hiểu được cơ chế lan truyền của căn bệnh này đến kinh tế Việt Nam. Quan trọng là tạo đề kháng tốt cho nền kinh tế để vượt qua cú sốc. Do đó, các chính sách kinh tế tài chính cần hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt chú ý tới doanh nghiệp bị tác động từ dịch bệnh, gắn với ưu tiên phát triển ngành có ưu thế như nông nghiệp là ngành tiềm năng, sản xuất chế biến, chế tạo... Dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng đang có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc và tìm vào Việt Nam sau dịch bệnh, vì vậy phải tạo môi trường tốt, đầu tư hạ tầng và cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính để đón dòng vốn này.

Cần đảm bảo để quản lý giá cả tốt hơn, xem lại lịch trình tăng giá dịch vụ y tế để giúp doanh nghiệp yếu được hỗ trợ gián tiếp, thay vì chính sách giải cứu.

Đặc biệt, phải chữa được một căn bệnh mới lan truyền, đó là virus sợ trách nhiệm. Virus trì trệ đã được nhận diện, nhưng đó là căn bệnh từ lâu, còn virus sợ trách nhiệm là virus mới xuất hiện, cần có văcxin trị bệnh này, muốn vậy cần phải có lãnh đạo dám nghĩ dám làm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả