menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Kim Oanh

Tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho trái vải Lục Ngạn

Trái vải thiều Việt Nam đã được Trung Quốc chấp nhận cho xuất khẩu chính ngạch. Đây là tín hiệu vui, nhưng với một số đòi hỏi về chất lượng và quy chuẩn, sẽ ít nhiều gây khó khăn cho người trồng vải.

Tại “thủ phủ” của trái vải thiều, các cơ quan và doanh nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp để tìm hướng tiêu thụ bền vững cho loại trái cây này.

“Chính danh” sang thị trường Trung Quốc

Năm 2019, tỉnh Bắc Giang dự kiến tổng sản lượng vải khoảng 150.000 tấn. Trong đó, diện tích vải thiều sớm khoảng 6.000 ha, cho sản lượng khoảng 40.000 tấn, 22.000 ha vải thiều chính vụ cho sản lượng khoảng 110.000 tấn. Với sản lượng trên, tỉnh Bắc Giang dự kiến tiêu thụ trong nước khoảng 75.000 tấn, chiếm 50% và 50% còn lại để phục vụ xuất khẩu. Năm nay, thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống, có quan hệ hợp tác nhiều năm với tỉnh Bắc Giang.

Theo ông Cao Văn Hoàn – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, năm nay, Trung Quốc cho phép trái vải thiều được xuất khẩu vào Trung Quốc theo đường chính ngạch nhưng phải tuân thủ một số điều kiện. Xuất khẩu chính ngạch là tín hiệu mừng bởi đầu ra sẽ ổn định hơn với bà con nông dân, mọi người có thể yên tâm sản xuất. Thế nhưng, những khó khăn về việc thay đổi tập quán canh tác nhiều năm nay, thay đổi về cách làm.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, thôn Kép 1, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn cho biết, do vải sẽ xuất khẩu chính ngạch nên quy trình trồng phải kĩ càng hơn, ngay cả thu hái chúng tôi cũng phải được tập huấn để làm sao cho ít lá, ít cuống. Quả vải thu hoạch xong cũng phải được chăm sóc và chọn lọc kĩ hơn.

Thực hiện quy định của phía Trung Quốc, trong việc xuất khẩu phải có tem truy xuất nguồn gốc, từ năm 2018, huyện Lục Ngạn đã triển khai công tác chuẩn bị. Theo đó, toàn bộ diện tích vải thiều của huyện đã được phía Trung Quốc cấp 36 mã số vùng trồng cho tất cả diện tích vải thiều của Lục Ngạn đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, còn có 3 cơ sở đóng gói được phía Trung Quốc chấp thuận đủ điều kiện.

Tập đoàn Trung Kiểm (Trung Quốc) cũng đã tiến hành kiểm tra việc cấp tem truy suất nguồn gốc trước khi dán vào các thùng hàng để vận chuyển sang Trung Quốc.

“Đối với mã vùng trồng năm 2019 mới được cấp và áp dụng, với sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành trung ương, tỉnh Bắc Giang và sự chủ động của huyện nên người trồng vải trên địa bàn huyện không gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện. Đến nay, huyện đã hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện quy trình thủ tục cấp mã số vùng trồng; thực hiện, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đối với các diện tích xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc theo đường chính ngạch” - ông Cao Văn Hoàn cho biết.

Ông Vũ Lệnh Sánh – Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn cũng cho hay, từ năm 2010 đến nay, huyện Lục Ngạn đã giao cho các cơ quan chuyên môn, phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông của huyện… tổ chức khoảng 140 lớp/năm tập huấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm nay, huyện cũng tổ chức được 100 lớp tập huấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để bà con nắm vững phương pháp sản xuất nông nghiệp sạch.

Từ ngày 9 - 14/6/2019, tại TP Côn Minh, tỉnh Vân Nam và TP Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, (Trung Quốc), Bộ Công Thương, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn sẽ tổ chức Đoàn giao dịch thương mại nhằm kết nối cung cầu vải thiều và các nông sản của tỉnh Bắc Giang.

Mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa

Cùng với xuất khẩu, năm nay, trái vải thiều được kỳ vọng sẽ tăng tiêu thụ ở thị trường nội địa nhờ sự hỗ trợ của các kênh bán lẻ trong nước. Cụ thể, Saigon Co.op sẽ đưa vải thiều Lục Ngạn đến gần 700 điểm bán của hệ thống với sản lượng tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Toàn bộ lượng vải này sẽ được đưa vào hệ thống phân phối của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Co.op Smile, Cheers và kênh bán hàng trực tuyến HTV Co.op.

Để bảo quản, quả vải được ngâm trong nước đá trước khi đóng thùng xốp để vận chuyển vào Nam trong xe lạnh -5oC. Nguyên tắc là sáng hái - thu mua, chiều cân hàng, đóng hàng, tối vận chuyển và bán bao nhiêu thì hái bấy nhiêu. Sau 3 ngày, vải vẫn giữ được độ tươi ngon trước khi đến với người tiêu dùng.

Bên cạnh thị trường miền Nam, trái vải cũng được đưa vào hệ thống phân phối nội địa của Big C, Hapro, hệ thống chợ dân sinh để phục vụ người tiêu dùng khu vực miền Bắc. Hàng loạt các sự kiện xúc tiến thương mại như Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn sẽ được tổ chức trong suốt tháng 6 để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Theo ông Cao Văn Hoàn, năm nay, chất lượng vải thiều tương đối tốt, hứa hẹn sẽ được người tiêu dùng trong nước đón nhận.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả