Tìm lời giải cho hàng ngàn căn hộ bỏ phế
Đây là lần thứ 3 TP.HCM tổ chức bán đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư, mức giá khởi điểm được đề xuất là 9.900 tỷ đồng.
UBND TP.HCM vừa có văn bản giao nhiều sở, ngành lên phương án đấu giá, giải quyết những căn hộ tái định cư (TĐC) tồn đọng.
Giải quyết bế tắc
Số lượng căn hộ bán lần này sẽ nằm trong chương trình xây dựng 12.500 căn phục vụ bố trí TĐC.
Ghi nhận thực tế cho thấy số lượng người vào ở trong những căn hộ này rất ít. Có những chung cư dù xây dựng đã 5 năm nhưng đến nay hoàn toàn không có bóng người. Do thưa thớt người ở, không được bảo trì tốt nên thang máy ngưng hoạt động, các hạng mục công cộng hỏng. Điều rất cần hiện nay là phải có nhiều người vào ở thì mới bầu ban quản trị để sử dụng phí bảo trì 2% nhằm duy tu.
Trước thực trạng này, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản - Sở Tư pháp TP.HCM kiến nghị đấu giá 3.790 căn hộ TĐC tại phường Bình Khánh, quận 2. UBND TP giao Sở Xây dựng lên phương án tìm người mua.
Như vậy, đây là lần thứ 3 chính quyền tổ chức bán đấu giá để tìm chủ nhân mới. Trước đó, vào năm 2017, TP đã tổ chức đấu giá với mức giá khởi điểm là 8.800 tỷ đồng; năm 2018 đấu giá lần thứ 2 và mức giá khởi điểm là 9.100 tỷ đồng; lần này giá khởi điểm là 9.900 tỉ đồng.
Trả lời câu hỏi vì sao nâng mức giá ban đầu trong khi dự án đang khó bán, Sở Xây dựng TP cho biết mức giá là từ đề xuất, tính toán của nhiều sở, ngành phù hợp với thực tế và giá thị trường.
Theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản, với kinh nghiệm những lần đấu giá trước thất bại, dự kiến lần này nếu không thu hút nhà đầu tư sẽ đề xuất phương án tốt hơn. Cụ thể, "xé nhỏ" số lượng căn hộ bán theo cụm, khối nhà. Nếu gặp khó, có thể chia ra theo sàn, cụm và thậm chí bán lẻ từng căn.
Lý giải việc những lần đấu giá trước thất bại, ông Sỹ cho biết vì quy định đưa ra khiến các nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính. Cụ thể, nếu tham gia đấu giá thì phải bỏ ra 20% mức giá khởi điểm, tức gần 2.000 tỉ đồng; 30 ngày sau, phải nộp thêm tương đương 50% giá trị trúng thầu, còn lại phải thanh toán trong 2 tháng liền kề. "Nếu tháo gỡ được vấn đề này, việc đấu giá sẽ đẩy nhanh tiến độ và thu hút nhiều người tham gia vì vị trí các căn hộ rất thuận lợi và hạ tầng phát triển đầy đủ" - ông Sỹ nhận định.
Giảm giá cũng không mặn mà
Bà Phạm Thị Kim Bạch - một người từng từ chối nhận căn hộ tại chung cư Đức Khải (khu TĐC Thủ Thiêm) để TĐC dự án giải tỏa đô thị Thủ Thiêm, thay vào đó là nhận 790 triệu đồng - cho biết: "Chất lượng công trình không tương xứng giá tiền mua, nhận căn hộ rồi, chúng tôi phải bỏ thêm tiền vào. Ngoài ra, là người lao động chân tay, buôn bán, nếu lên chung cư thì ở không quen".
Cũng theo bà Bạch, năm 2013, khi thấy người dân không nhận căn hộ, chính quyền có tăng mức hỗ trợ và khuyến khích nhận. Tuy nhiên, người dân buôn thúng bán bưng không thể đẩy xe ba-gác, gánh rau lên căn hộ để cất, chưa kể phải tốn nhiều loại phí, bất tiện cho sinh hoạt và công việc nên dù giảm giá thế nào thì những người như bà cũng không mặn mà.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng mức khởi điểm đấu giá chưa hợp lý, cần tính toán lại các chi phí bất hợp lý mới bảo đảm yếu tố thị trường. Càng để lâu, các căn hộ TĐC càng hư hỏng, gây tổn hại cho ngân sách, trong khi nhiều lĩnh vực hạ tầng, giao thông TP thiếu hụt trầm trọng nguồn lực tài chính.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành, nói dưới góc độ doanh nghiệp và tâm lý khách hàng, mọi người rất ngại mua nhà TĐC vì lâu nay, những dự án này chất lượng thường không bảo đảm và giá khởi điểm không tương xứng, muốn thu hút thì phải kiểm định lại chất lượng lần nữa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận