menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quách Dũng

Tìm giải pháp tháo gỡ đình trệ vận tải hàng hóa

Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ kịp thời, có những biện pháp vừa đảm bảo chống dịch, vừa lưu thông hàng hoá thông suốt...

Nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vậy làm sao để khắc phục ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cung ứng, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Đây là nội dung của buổi tọa đàm trực tuyến do Báo Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) tổ chức ngày 26/7.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, hoạt động vận tải bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù vận tải hàng hoá hiện vẫn hoạt động được nhưng sản lượng bị giảm sút, chi phí tăng lên. Đặc biệt điều kiện làm việc của anh em lái xe cũng rất khó khăn do phải thực hiện quy định về xét nghiệm và cách ly khi đi/đến từ địa phương vùng dịch.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay, từ tháng 5 tới nay, có những địa phương áp dụng biện pháp chống dịch rất mạnh, với mục tiêu cao nhất là phòng chống dịch, hạn chế thấp nhất nguy cơ. Tuy nhiên tại một số thời điểm những biện pháp này chưa có sự linh hoạt, gây ùn tắc cục bộ, gây khó khăn cho các tài xế và doanh nghiệp vận tải. Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành đã có những biện pháp tháo gỡ kịp thời, có những biện pháp vừa đảm bảo chống dịch, vừa lưu thông hàng hoá thông suốt”, ông Trần Thanh Hải chia sẻ.

Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động vận tải, trong đó có việc thành lập 4 tổ công tác của Bộ Giao thông Vạn tải tại 19 tỉnh phía Nam. Chia sẻ về kết quả của các tổ công tác này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết, việc Bộ Giao thông Vận tải thành lập 4 đoàn công tác đến các địa phương, các tuyến quốc lộ, cao tốc để kiểm tra, phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

“Thực tế cho thấy, có những địa phương còn quy định khác nhau về giấy xét nghiệm và thời hạn xét nghiệm đối với lái xe. Hay có địa phương quy định chỉ áp dụng giấy xét nghiệm PCR, một số địa phương lại cho phép cả 2 loại. Hiện Bộ Y tế quy định giấy xét nghiệm có thời hạn 72 giờ, nhưng có địa phương lại quy định ngắn hơn. Vì vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trao đổi và thống nhất giải pháp về các vấn đề trên để vận tải hàng hóa lưu thông tốt nhất trong mùa dịch”, bà Phan Thị Thu Hiền thông tin.

Về vấn cấp thẻ ưu tiên trên "luồng xanh" vận tải để hỗ trợ cho các tài xế, doanh nghiệp vận tải, bà Phan Thị Thu Hiền chia sẻ, “luồng xanh” vận tải được triển khai khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Theo báo cáo từ các sở giao thông vận tải địa phương, cả nước đã cấp gần 55.000 thẻ “luồng xanh” cho các phương tiện lưu thông.

Theo ông Trần Đức Nghĩa, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, trong thời gian vừa qua, khi các địa phương áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp vận tải. Cụ thể đối với doanh nghiệp vận tải đường bộ đang trong tình trạng kiệt quệ, hơn 1 năm chịu tác động dịch bệnh, doanh thu suy giảm, chi phí tăng lên.

Điểm mặt những vướng mắc tại các địa phương, ông Trần Đức Nghĩa cho hay, khi thay đổi hoặc áp đặt quy định để phòng chống dịch COVID-19, hầu hết các địa phương có xu hướng áp dụng rất nhanh, gây lúng túng cho doanh nghiệp. Ví dụ tại Hải Phòng từ ngày 18 đến 20/7, 3 cửa ngõ đi vào Hải Phòng bị ách tắc nghiêm trọng bởi áp dụng dán tem cho các phương tiện và xét nghiệm lái xe trong khi các tỉnh khác chưa áp dụng, các doanh nghiệp chưa thể cập nhật thông tin. Điều này gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Tình trạng trên đã gây thiệt hại ít nhất 100 tỷ đồng/ngày.

Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông tin, liên quan đến “luồng xanh” và tình trạng phương tiện phải quay đầu tại các điểm chốt kiểm soát dịch, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã yêu cầu lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với công an chủ trì cùng các lực lượng y tế, quân đội tổ chức phân luồng, hướng dẫn cụ thể để giảm bớt ách tắc.

“Những ngày qua Sở Giao thông Vận tải đang trực 24/24h để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp xe tải. Với phương tiện chưa được cấp thẻ “luồng xanh” hoạt động trên địa bàn Hà Nội hoặc đi qua Hà Nội không cần phải đến Sở Giao thông Vận tải chỉ cần vào trang web tại địa chỉ: https://sogtvt.hanoi.gov.vn để đăng ký trực tuyến. Trong trường hợp gặp khó khăn, cần gọi trực tiếp đến số điện thoại trực về công tác trên để được giải đáp, tháo gỡ: 0912357845, 0972756888.”, ông Đào Việt Long cho biết.

Về những ý kiến doanh nghiệp phản ánh như ùn tắc giao thông tại chốt kiểm dịch, ông Đào Việt Long khẳng định, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tiếp nhận, lắng nghe và có hướng dẫn, giải đáp cụ thể để các phương tiện ra vào thành phố đảm bảo phòng chống dịch. Các phương tiện cần đăng ký thực hiện theo “luồng xanh” địa phương kết nối với “luồng xanh” quốc gia. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xác định nhiệm vụ chống dịch phải đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đơn vị sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp nhận thông tin qua 3 số đường dây nóng, để cùng doanh nghiệp tháo gỡ để phương tiện vận tải được lưu thông thuận tiện nhất.

Tại cuộc tọa đàm có một vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp vận tải rất quan tâm gửi câu hỏi đến đó là việc hiểu về hàng hoá thiết yếu, các loại xe được đi qua địa phương mình, gây cho doanh nghiệp những lo lắng, băn khoăn, bức xúc. Ví dụ như một số địa phương cho rằng sữa và nước hoặc tiền không phải hàng hoá thiết yếu, khiến những xe chở mặt hàng này phải quay đầu, lưu thông bị cắt khúc, tắc nghẽn...Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, vừa qua có sự khác biệt giữa các địa phương trong áp dụng biện pháp phòng chống dịch và cách hiểu văn bản hướng dẫn, do đó đã gây bức xúc trong doanh nghiệp.

Về hàng hoá thiết yếu, ông Trần Thanh Hải cho hay, Bộ Công Thương đã có công văn gửi cho các địa phương để thống nhất cách hiểu. Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn, trong đó nêu danh sách các hàng hoá thiết yếu cụ thể. Tuy nhiên, đây chỉ là một số hàng hoá có thể liệt kê, thực tế còn tuỳ theo tình hình địa phương, tránh tình trạng cản trở lưu thông vô lý. Do đó cần sự vào cuộc các bộ, ngành địa phương, làm sao đảm bảo việc chống dịch nhưng cũng phải trên cơ sở phân tích, tính toán khoa học để thực hiện mục tiêu kép Chính phủ đã đề ra.

Doanh nghiệp phản ánh các địa phương và quốc gia đều đã có “luồng xanh” vận chuyển hàng hóa, nhưng vẫn có địa phương có những cách làm khác nhau. Bình luận về vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Tp. Hồ Chí Minh đều là bài học cho mỗi địa phương để triển khai những vành đai, hành lang, phương án bảo vệ, phòng ngự của địa phương mình. Cho nên, không tránh khỏi địa phương A, B có cách làm, sáng kiến, sáng tạo khác nhau.

Vì vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất, với phương tiện chở hàng hoá thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của đời sống người dân, các địa phương cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện tối đa. Phương án cấp thẻ nhận diện ‘luồng xanh” đã thống nhất và có cách thức chung, các địa phương cần triển khai thực hiện.

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Văn Hào, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Thái Việt Trung chia sẻ, doanh nghiệp đồng tình với các giải pháp phòng dịch; trong đó có test COVID-19 cho lái xe. Tuy nhiên, khó khăn nhất của doanh nghiệp là test COVID-19, không chỉ các tỉnh, nhà máy đều yêu cầu test PCR rất phức tạp và tốn kém. Cụ thể, đi vào nhà máy LG Hải Phòng khi cho xe vào đã phải test, khi quay trở lại nhà máy đã hết hạn, 1 chuyến hàng phải test 2 lần, chi phí tăng lên rất lớn.

“Vấn đề là làm sao có giải pháp thống nhất việc xét nghiệm COVID-19 bằng việc thống nhất thời hạn, quy trình test và hoạt động của lái xe, không chỉ cấp “luồng xanh” cho phương tiện mà còn có cả “luồng xanh” cho con người.Có như vậy mới đảm bảo nguồn lực lao động, chứ nếu chỉ có phương tiện mà không có con người thì cũng khó có thể hoạt động”, ông Trần Văn Hào bày tỏ.

PGS. TS Trần Đắc Phu - Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trong thời gian dài, do đó cần ưu tiên xây dựng quy trình vận chuyển hàng hoá và phải xây dựng một cách bài bản. Trong thời gian tới, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Công an, các bộ ngành liên quan, các hiệp hội, doanh nghiệp cần họp bàn để xây dựng một hướng dẫn trên tinh thần kiểm soát an toàn và kiểm soát rủi ro.

Đặc biệt, khi có quy trình thực hiện bài bản, giả sử địa phương nào phải thực hiện giãn cách, phong toả cứ thế áp dụng vào sẽ không bị bối rối, mà thực hiện được ngay, hàng hoá thiết yếu cũng sẽ đi vào thuận lợi, không để xảy ra tình trạng xe phải quay đầu như Hà Nội những ngày qua./.
Quang Toàn

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại