Tìm giải pháp phát triển nguồn điện
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nhu cầu sử dụng điện trong năm 2019 và các năm tiếp theo tiếp tục tăng cao, khiến nguồn điện có nguy cơ thiếu hụt, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thành Chung - TTXVN
Ngày 28/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Tiền Phong đã tổ chức hội thảo “Tìm giải pháp phát triển nguồn điện đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia” với sự tham gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đại diện của Bộ Công thương, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước, Viện Kinh tế Việt Nam và các sở, ngành chức năng của nhiều tỉnh phía Nam.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nhu cầu sử dụng điện trong năm 2019 và các năm tiếp theo tiếp tục tăng cao, khiến nguồn điện có nguy cơ thiếu hụt, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.
Ông Nguyễn Quốc Minh, Phó Trưởng Ban chiến lược phát triển EVN cho biết, căn cứ thực tế thực hiện các dự án điện, dự kiến công suất các nguồn điện trên toàn quốc có khả năng đưa vào vận hành trong các năm 2019 - 2020 chỉ đạt khoảng 6740 MW, bằng 62,4% khối lượng dự kiến theo Quy hoạch điện VII.
Tổng công suất các nguồn điện trong năm 2018 - 2019 hầu như không còn nguồn dự phòng và sang giai đoạn 2021 - 2025 sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt. Trong khi đó hiện nhiều dự án nguồn điện (trong đó có nhiều dự án nhiệt điện than) đang chậm tiến độ hoặc gặp khó khăn khi triển khai vì nhiều lý do.
Ông Trần Việt Anh, Phó tổng giám đốc EVNGenco 1, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thành Chung - TTXVN
Thời gian qua, các dự án năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện mặt trời) đang phát triển rất khả quan, dưới cơ chế khuyến khích của Chính phủ, hiện đã đạt 1000 MW và sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, do giá thành sản xuất còn cao và bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên cần có giải pháp nguồn dự phòng. Theo ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), nếu thay thế 1.000 MW nhiệt điện than bằng điện mặt trời, để có lượng điện năng tương đương sẽ cần 3.500 MW và giá điện tăng thêm khoảng 3.500 tỷ đồng/năm.
Ông Lê Văn Lực cho rằng, thời điểm hiện nay và tương lai gần, nhiệt điện than vẫn là giải pháp cơ bản đảm bảo cung cấp điện với chi phí hợp lý, phù hợp với kinh tế đất nước và thu nhập của người dân. Trong thời gian tới, cần đảm bảo và thúc đẩy tiến độ các dự án nguồn điện trong quy hoạch, kiên định trong việc triển khai các dự án, các địa phương ủng hộ để thực hiện các dự án và các chủ đầu tư phải tuyệt đối tuân thủ quy định về môi trường.
Tuy nhiên thực tế, nỗi lo về lượng tro xỉ phát sinh từ hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than vẫn chưa có hướng giải quyết. Theo Tổng Công ty phát điện 1 (EVNGENCO 1), tính riêng hai nhà máy nhiệt điện than Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3, lượng tro xỉ lưu trữ tại hai bãi xỉ là khoảng 2,758 triệu tấn. Việc sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng còn gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn về kỹ thuật./.
>>> Công bố quyết định thanh tra việc điều chỉnh mức giá bán điện
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận