Tim Cook hầu tòa trong vụ kiện với Epic Games
App Store là nguồn doanh thu lớn thứ hai của Apple, năm ngoái, kho ứng dụng đã kiếm được 64 tỷ USD thông qua việc tăng phí 30%. Vì vậy, trong vụ kiện này, Apple chắc chắn sẽ theo đuổi đến cùng.
Vụ kiện chống độc quyền giữa Apple với Epic Games đã diễn ra được nửa năm và thu hút sự chú ý của dư luận ngành công nghệ. Nếu Epic Games thắng kiện, các quy tắc thanh toán của App Store có thể phải thay đổi, mang lại nhiều lợi ích hơn cho đa số nhà phát triển.
Các nhà phát triển phải chịu mức hoa hồng 30% trong một thời gian dài, nhưng họ đã không thể lay chuyển Apple dù liên tục khiếu nại cho đến khi Epic Games “nổ phát súng” đầu tiên trong cuộc chiến chống độc quyền trên App Store.
Epic Games khai hỏa cuộc chiến chống độc quyền
Vào tháng 8 năm ngoái, Epic Games giới thiệu hệ thống thanh toán mới trong trò chơi Fortnite đình đám, trực tiếp bỏ qua cơ chế thanh toán với mức hoa hồng 30% của App Store. Ngay lập tức, Apple đã gỡ bỏ Fortnite khỏi kho ứng dụng và đe dọa chấm dứt tài khoản nhà phát triển hỗ trợ nền tảng Unreal Engine. Sau đó Epic Games tung ra đòn phản công, cáo buộc Apple vi phạm luật chống độc quyền và vụ kiện bắt đầu.
Trong vụ kiện này, Apple tỏ ra cứng rắn bằng cách xóa Fortnite khỏi kệ và đóng tài khoản nhà phát triển của Epic Games (không bao gồm tài khoản công cụ ảo) như đã thông báo trước đó. Đồng thời, “nhà Táo” tái khẳng định đây là hành động hợp lý, thậm chí còn cho rằng mức hoa hồng 30% xuất phát từ thiện chí nhằm thúc đẩy lợi ích kinh doanh hợp pháp, khuyến khích gia tăng cạnh tranh.
Trong một phiên tòa gần đây, Apple đã yêu cầu tòa án trát đòi Valve, thương hiệu vàng mang tính biểu tượng trong ngành công nghiệp game, đề nghị cung cấp dữ liệu thương mại về doanh số và hoạt động trên Steam để xác nhận những sai phạm của Epic Games. Tuy nhiên, Apple cuối cùng không làm được điều đó.
Vụ việc tiếp tục được đẩy lên cao trào khi Epic Games nhận được thêm nhiều sự hậu thuẫn từ các nhà phát triển. Đến cuối tháng 9/2020, Epic Games đã khởi xướng việc thành lập Liên minh công bằng ứng dụng. Đây là tổ chức phi lợi nhuận bao gồm các nhà phát triển tên tuổi như Spotify, Tile, Deezer, Match, NewsMediaEurope...
Apple quyết tâm theo đuổi vụ kiện
Vào tháng 5 năm nay, vụ án chống độc quyền kéo dài 6 tháng này sẽ bước vào giai đoạn xét xử đầy đủ. Mới đây, các bên tranh tụng đã đệ trình danh sách nhân chứng cuối cùng lên tòa án. Về phía Epic Games, không chỉ có sự xuất hiện của CEO Tim Sweeney và các giám đốc điều hành cấp cao, họ còn tập hợp một số nhân chứng bên thứ 3 nặng ký như Facebook, Microsoft, CEO NVIDIA, CEO Scott Forstall và nhiều người khác.
Đáp lại thách thức từ Epic Games, phía Apple sẽ có sự góp mặt của CEO TimCook, Chủ tịch App Store Phil Schiller, Phó chủ tịch Matt Fischer, Phó chủ tịch cấp cao Craig Federighi, Trưởng bộ phận kỹ thuật gian lận và rủi ro Eric Friedman, Giám đốc phát triển Mark Grimm… TimCook sẽ đứng đối chất trước tòa trong vòng 1 giờ đồng hồ.
Kể từ khi phát triển vụ kiện, lập trường và thái độ của cả hai bên đều rất rõ ràng. Apple cho rằng Epic Games cố tình vi phạm thỏa thuận và giới thiệu hệ thống thanh toán mới nhằm mục đích tăng doanh thu. Đồng thời, với lý do giảm bớt sự cạnh tranh, Epic Games đã bỏ qua các tính năng bảo mật của App Store, điều này cũng khiến quyền riêng tư của người dùng gặp phải những rủi ro lớn.
Trong khi đó, Epic Games lập luận cơ chế thanh toán 30% của Apple vi phạm luật chống độc quyền và tuyên bố Apple “ăn cắp” hàng trăm triệu USD lợi nhuận từ các nhà phát triển mỗi năm. Điều đáng nói, để xoa dịu sự phẫn nộ của các nhà phát triển, vào tháng 12 năm ngoái, Apple đã hạ tỷ lệ hoa hồng áp dụng cho các nhà phát triển vừa và nhỏ xuống còn 15%. Đây là lần đầu tiên Apple giảm đáng kể mức thu trong nhiều năm.
Tuy nhiên, chính sách có vẻ chân thành này không nhận được sự ủng hộ từ các nhà phát triển như kỳ vọng. Một mặt, Apple đặt ra những hạn chế về tiêu chuẩn chính sách, chẳng hạn như chỉ hiệu lực đối với các nhà phát triển có doanh thu hàng năm dưới 1 triệu USD. Mặt khác, mức giảm này với Apple được cho là “chín trâu mất một sợi lông” khi App Store mang về 64 tỷ USD doanh thu hàng năm.
Theo phân tích của Sensor Tower, tính cả năm 2020, Apple thâm hụt 595 triệu USD nếu cắt giảm 15% hoa hồng, chiếm 2,7% doanh thu hàng năm. Có thể thấy mục đích của Apple là không từ bỏ lợi nhuận.
Apple có thể thua kiện?
Đối với Apple, sự thành bại của vụ kiện này có ý nghĩa quyết định. Nó không chỉ liên quan đến hàng triệu lợi nhuận thu được từ Epic Games mỗi năm, mà còn liên quan đến các rào cản thương mại đã được thiết lập từ lâu, cũng như liên đới đến những vụ kiện chống độc quyền của Liên minh châu Âu. Được biết, từ tháng 6 năm ngoái, Ủy ban châu Âu đã mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với hai dịch vụ chính của Apple là App Store và Apple Pay. Nếu Apple thua trong cuộc tranh chấp này, ở một mức độ nhất định, họ sẽ chứng tỏ nghi ngờ lạm dụng quyền lực độc quyền của mình.
Ngoài ra, một khi tiền lệ cho phép Epic Games vượt qua hệ thống thanh toán được mở ra, chắc chắn dẫn đến phản ứng dây chuyền của các nhà phát triển khác làm theo. Vì vậy, khi đối mặt với Epic Games, Apple chỉ có thể cứng rắn. Ở góc độ khác, nếu Epic Games thắng kiện, dù cuối cùng có thay đổi phương thức thanh toán của App Store hay điều chỉnh tỷ lệ hoa hồng thì điều đó chắc chắn sẽ có lợi cho các nhà phát triển.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận