TikTok bắt tay startup công nghệ để bành trướng mảng thương mại điện tử
TikTok yêu cầu sự giúp đỡ từ các startup công nghệ để cải thiện mảng thương mại điện tử đang gặp khó khăn của mình trong bối cảnh nền tảng chia sẻ video này đẩy mạnh đa dạng hoa doanh thu khi quảng cáo số chững lại.
Hoạt động bán hàng trực tiếp thông qua nền tảng mạng xã hội, tức là người dùng có thể mua hàng mà không cần rời khỏi mạng xã hội đó, đã thành công lớn ở Trung Quốc. Ứng dụng “chị em” của TikTok, Douyin, ghi nhận doanh số bán hàng tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái trong 12 tháng tính đến tháng 05/2022, với người dùng đã mua hơn 10 tỷ sản phẩm.
ByteDance của Trung Quốc, công ty sở hữu cả TikTok và Douyin, có kế hoạch mở rộng mô hình này trên toàn cầu thông qua TikTok Shop, mảng bán lẻ trực tuyến ra mắt vào năm ngoái tại Vương quốc Anh và Đông Nam Á.
Tuy nhiên, việc triển khai thương mại điện tử của TikTok đã gặp phải một loạt vấn đề: nhân viên nghỉ việc vì gặp tình trạng kiệt sức, các thương hiệu từ bỏ nền tảng do không đủ doanh số bán hàng và khách hàng phàn nàn về việc giao hàng chậm trễ và mua phải sản phẩm giả.
TikTok bắt đầu làm việc với một số startup trong những tuần gần đây để khắc phục một số vấn đề này, từ đó kích thích người bán và người mua sử dụng nền tảng này nhiều hơn. Các startup công nghệ mà TikTok “cầu cạnh” đến gồm ChannelEngine, TalkShopLive và YunExpress, tất cả đều chuyên về phần mềm tích hợp công nghệ mua sắm và thực hiện các đơn đặt hàng.
Quyết định thuê ngoài đối với một số hoạt động là nỗ lực mới nhất của TikTok nhằm thúc đẩy thương mại điện tử, một mảng mà TikTok đang đặt cược sẽ trở thành nguồn doanh thu cốt lõi của họ trong tương lai.
Đây không phải là lần đầu tiên công ty thuê ngoài công nghệ để hỗ trợ hoạt động mua sắm trực tiếp. Tháng 10/2022, Financial Times đưa tin TikTok đang hợp tác với TalkShopLive để cung cấp công nghệ cơ bản cho các tính năng mua sắm trực tiếp ở thị trường Bắc Mỹ. Tính năng này sau đó đã chính thức ra mắt vào đầu tháng 11/2022.
Việc TikTok tăng cường đầu tư vào công nghệ diễn ra trong bối cảnh công ty này vừa hạ mục tiêu doanh thu toàn cầu của năm 2022 ít nhất 20%, theo các nguồn tin giấu tên. Nhiều nhà bán lẻ và thương hiệu từng nói với Financial Times rằng họ chấm dứt quan hệ đối tác với TikTok Shop vì công nghệ của nền tảng này quá khó điều hướng và mức tài nguyên cần thiết để bán trên ứng dụng không xứng đáng với lợi nhuận thu được.
Các đối thủ của TikTok, bao gồm Meta và YouTube, đã thử nghiệm các tính năng mua sắm trong vài năm qua nhằm cố gắng đa dạng hoá nguồn doanh thu của họ.
Đầu tháng 11/2022, Financial Times đưa tin rằng YouTube đang thử nghiệm gắn các đường link về mua sắm trong Shorts, một nền tảng chia sẻ video dạng ngắn giống như TikTok. Instagram của Meta cũng thử nghiệm tính năng mua sắm trong vài năm qua nhưng không đạt được nhiều thành công.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận