Tiểu thương lên đời khách VIP của nhà băng và ví điện tử
Khó khăn, thậm chí phá sản, song các nhà kinh doanh tiểu thương vẫn đã và đang là những khách hàng hiện hữu và mục tiêu được các nhà băng lẫn các ví điện tử (e-wallet) o bế.
Trong nền kinh tế, cộng đồng kinh doanh tiểu thương bao gồm các nhà kinh doanh cá thể, hộ gia đình ước tính có 5,5 triệu hộ và đóng góp khoảng 30% GDP (thống kê năm 2019, được công bố tại kỳ họp thứ 9 của chương trình họp Quốc hội khóa XIV). Đây cũng là nhóm đối tượng rất quan trọng của chiến lược "lên đời" doanh nghiệp, phát triển và nâng mục tiêu đạt con số 1 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mà Chính phủ đã đề ra.
COVID-19 khiến cộng đồng kinh doanh nói chung và cộng đồng kinh doanh tiểu thươngnói riêng gặp khó khăn không nhỏ. Song bản thân các hộ hoạt động kinh doanh ở quy mô hiện tại, với nhu cầu vốn vừa phải nhưng vòng quay vốn nhanh, khả năng thanh toán tốt; hay ở quy mô tương lai với tiềm năng trở thành các doanh nghiệp lớn hơn (đặt trong điều kiện bình thường), vẫn luôn là nhóm khách hàng mục tiêu hấp dẫn của các ngân hàng và các doanh nghiệp fintech khác.
Nhóm dễ tiếp cận nhưng khó giữ
Nổi lên với vai trò là một trong những ví điện tử tập trung vào phân khúc khách hàng tiểu thương như những đại lý (Merchant) chấp nhận thanh toán bằng quét mã QR, sau 2 năm được cấp phép, SmartPay-ví điện tử của Công ty TNHH Mạng lưới Thông minh (Smartnet) đã có được 400.000 khách hàng. Đây mới chỉ là bước khởi đầu của SmartPay, nhưng là bước khởi đầu đầy khả quan trong hành trình đi tìm kiếm, mở điểm, khai thác nhóm khách hàng tiểu thương tưởng “dễ tính” nhưng thực tế khó chiều và không hề “dễ ăn”.
Theo nhìn nhận chung, cộngđồng kinh doanh tiểu thương thông thường khá dễ tiếp cận nếu so với các nhà kinh doanh loại hình doanh nghiệp, họ sẵn sàng mở rộng cửa chào đón các dịch vụ miễn phí, đặc biệt nếu có kèm thêm các chương trình ưu đãi, khuyến mãi, có lợi ích thiết thực.
“Dịch COVID-19 khiến nhiều tiểu thương khó khăn. Điều này càng thúc đẩy cộng đồng này dễ dàng mở rộng cửa tiếp nhận các phương thức mới, những phương thức thanh toán hoặc hỗ trợ công nghệ, tài chính có thể giúp họ hoạch định, quản lý dòng tiền, vừa giúp họ thanh toán nhanh với chi phí rẻ nhất”, bà Nguyễn Thị Trọng Phú, CEO của SmartPay chia sẻ.
Trong khi đó, đại diện một nhà băng có nhóm khách hàng tiểu thương quy mô lớn cho biết việc tiếp cận đối với nhóm này khá đơn giản trong mùa dịch, bởi họ…rảnh rỗi hơn. Tuy nhiên, cái khó là các tiểu thương đa phần không có sự quan tâm nhiều đối với công nghệ và các ứng dụng công nghệ phức tạp, nên rất dễ...nản. Cũng như, chỉ cần thị trường hồi phục, việc kinh doanh trở lại như bình thường, thì tỷ lệ khách hàng tiểu thương “buông” các ứng dụng thanh toán điện tử để về lại với thói quen thanh toán tiền mặt là khá cao. Do đó, giữ họ cách nào là cả một bài toán khó.
Khách hàng tiềm năng "trọn gói"
Tuy khó giữ, song không phải không có giải pháp để giữ chân, duy trì và phát triển khách hàng từ cộng đồng tiểu thương thành khách hàng thân thiết, thành VIP của nhà băng và fintech. Cung cấp cho khách hàng nhiều lợi ích và tạo sự tiện lợi trong sử dụng chuỗi dịch vụ, đáp ứng tối đa nhu cầu của họ, là chiến lược mà ông Phùng Duy Khương – Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Cá nhân VPBank chia sẻ về kế hoạch VPBank đang thực hiện.
Ông Marek E. Forysiak, Chủ tịch Smartnet và ông Phùng Duy Khương, Phó TGĐ kiêm Giám đốc Khách hàng cá nhân VPBank tại Lễ ký kết hợp tác
VPBank, vốn gây ấn tượng mạnh về hướng hỗ trợ khách hàng, tiếp thị và xây dựng thương hiệu, đồng thời nuôi dưỡng đối tác tiềm năng trong tương lai thông qua chương trình “Học viện Tiểu thương”, vừa bắt tay SmartPay trong kế hoạch hợp tác gia tăng tiện ích người dùng. Theo đó, SmartPay là ví điện tử đầu tiên được VPBank lựa chọn để kết nối tính năng quét mã (QR Pay) ngay trên ứng dụng New VPBank Online.
“Việc kết nối giữa VPBank Online với SmartPay sẽ tận dụng và gia tăng các lợi thế của hai bên trong lĩnh vực thanh toán, mở rộng lượng khách hàng cho cả hai bên. Điều này mở ra cơ hội tiếp cận những sản phẩm tài chính đã được số hóa như dịch vụ tiền gửi, mở tài khoản thanh toán, chọn tài khoản số đẹp cho toàn thể khách hàng của hai bên”, ông Khương chia sẻ.
Còn theo ông Marek E. Forysiak, Chủ tịch SmartNet, việc hợp tác xây dựng hệ sinh thái mạnh có ý nghĩa lớn với cả khách hàng SmartPay và VPBank. Bởi hệ sinh thái này không chỉ cung cấp trải nghiệm thanh toán thuận tiện cho người dùng ứng dụng số VPBank mà điều quan trọng khác, sẽ giúp thúc đẩy khách hàng VPBank tương tác, mua hàng hiệu quả hơn với cộng đồng các tiểu thương. Thông qua lượng tương tác và lượng khách hàng giao dịch kỹ thuật số tại các điểm bán sẽ cung cấp thông tin giá trị cho VPBank để VPBank cấp tín dụng cho phân khúc tiểu thương này. Các khoản cho vay kinh doanh nhỏ dựa trên doanh thu từ VPBank sẽ giúp tiểu thương phát triển kinh doanh.
Tính toán sơ bộ của các bên, 4 triệu khách hàng của VPBank và 2 triệu khách hàng của SmartPay, trong đó hơn 1,5 triệu là cá nhân, cũng sẽ được hưởng thành quả bắt tay kết nối của hai bên.
Tương lai,SmartPay cho biết dù khó, họ vẫn sẽ tiếp tục mở rộng các đại lý chấp nhận thanh toán, như “ưu tiên 1” để từ đó lan tỏa đến cá nhân, người mua và thanh toán tại các điểm này. Với cách thức đó, việc hợp tác với tất cả các nhà băng cũng sẽ là mục tiêu để ví điện tử hướng đến cộng hưởng tối đa lợi ích, từ thanh toán đến dịch vụ "trọn gói" cho các tiểu thương. Bản Việt, CIMB, Bưu điện Liên Việt, VPBank... và sẽ còn nhiều đối tác khác mà SmartPay nhắm tới nâng đời cho các khách VIP ở kỷ nguyên số.
Tương tự như SmartPay, AirPay mới đây cũng hợp tác cùng Techcombank – hướng đến khách hàng là các tiểu thương E-commerce, các nhà kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Shopee. Moca Pay, tận dụng sự nở nồi siêu tốc của siêu ứng dụng Grab tại Việt Nam, đã bắt tay với hàng chục nhà băng để kết nối phục vụ thanh toán cho nhiều nhóm đối tượng, trong đó có khách hàng tiểu thương và ngày càng giúp cho dữ liệu lớn khách hàng của ví điện tử này được nhân lên.
Theo bà Nguyễn Thị Trọng Phú, việc nhắm vào phân khúc khách hàng tiểu thương, đặc biệt các tiểu thương ở khu vực nông thôn, cũng sẽ góp phần giải quyết phần nào bài toán tài chính toàn diện. “Thị trường thanh toán điện tử vô cùng rộng lớn, trong đó, tăng trưởng của ví điện tử đang vượt qua mọi loại hình thanh toán không tiếp xúc (contactless) khác. Tất nhiên, khi đi vào phân khúc ngách, tiếp cận để tiêu thương tải ví và duy trì, sử dụng, đòi hỏi chúng tôi phải “thăm ví”, chăm sóc không ngừng. Nhưng chỉ cần khách hàng chấp nhận và với tốc độ tăng trưởng ngày càng tích cực hơn như hiện nay, việc tiên phong đến với tiểu thương – các đại lý, sẽ giúp chúng tôi cùng các nhà băng kết hợp nối dài mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính, thanh toán hiệu quả hơn, phủ sóng hơn đến mọi thị trường”, CEO SmartPay nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận