Tiêu huỷ ô tô Lamborghini và Mercedes-Benz G63 có đúng quy định không?
Tiêu hủy ô tô Lamborghini và Mercedes-Benz G63 nhập lậu và không giấy tờ tại Việt Nam là phù hợp với quy định pháp luật.
Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM có bài viết: “Quảng Bình thông tin lý do tiêu hủy 2 ô tô Lamborghini và Mercedes-Benz AMG G63” về việc Hội đồng tiêu hủy tỉnh Quảng Bình thông tin lý do tiêu hủy ô tô Lamborghini và Mercedes-Benz AMG G63 phải bị tiêu hủy mà không thể đem ra đấu giá để sử dụng.
Cụ thể, đại diện hội đồng tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính tỉnh Quảng Bình cho biết hai chiếc xe nêu trên không thể xác định được số khung, số máy và không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, không đủ điều kiện lưu thông trên đường, do đó không thể đem ra đấu giá sử dụng.
Nhiều bạn đọc thắc mắc lý do phải tiêu huỷ, quy định pháp luật ra sao?
Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời:
Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, quy định phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
Bên cạnh đó, phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây:
- Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;
- Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.
Tiêu huỷ ô tô Lamborghini và Mercedes-Benz G63 nhập lậu và không giấy tờ tại Việt Nam là phù hợp với quy định pháp luật. Ảnh: CTV
Các mức phạt tiền quy định tại khoản 1 và 2, điều này cũng được áp dụng xử phạt hành chính đối với:
- Hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu;
- Hành vi cố ý tàng trữ hàng hóa nhập lậu;
- Hành vi cố ý giao nhận hàng hóa nhập lậu.
Ngoài ra, tùy tính chất mức độ còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo Khoản 4 Điều 15 Nghị định 98/2020 như sau:
- Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 5 điều này;
- Tịch thu phương tiện vận tải vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại điều này trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên.”
Đồng thời, cũng tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 98/2020 quy định về biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại điều này.
Như vậy, đối với việc tiêu hủy 2 siêu xe nhập lậu, nếu cơ quan thẩm quyền có cơ sở cho rằng những tài sản này không đủ điều kiện được lưu thông và có biện pháp xử lý phù hợp với quy định thì việc tiêu hủy các siêu xe nhập lậu và không giấy tờ tại Việt Nam là phù hợp với quy định pháp luật.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận