Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, trái cây tăng mạnh; trong khi thực phẩm rớt giá
Qua theo dõi và ghi nhận giá cả thị trường trong tuần này cho thấy: Giá vàng, trái cây, cá lóc tăng mạnh; trong khi giá rau xanh, thịt heo đồng loạt giảm.
Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở quanh mức trên 1.744 USD/oz, tăng 21 USD/oz so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Bước vào phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng thế giới còn tăng nhẹ. Nhưng ngày phiên sau đó đã đảo chiều giảm khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tung thêm gói hỗ trợ DN đó là mua lại trái phiếu bán trên thị trường thứ cấp. Mặc dù vậy, nhưng giá vàng cũng chỉ giảm nhẹ, do tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa thực sự tin tưởng gói hỗ trợ bổ sung của Fed sẽ hỗ trợ nền kinh tế Mỹ phục hồi sau dịch bệnh.
Nhiều người còn lo ngại rằng, Mỹ mở cửa một số bang quá sớm khi dịch bệnh vẫn còn có thể khiến quốc gia này đối mặt với làn sóng lây nhiễm dịch bệnh thứ 2. Trong 3 phiên liền điều chỉnh nhẹ giữa tuần, giá vàng thế giới đến ngày 19/6 đứng tại mức 1.722 USD/oz.
Phiên cuối tuần giá vàng đã bật tăng lên 22 USD/oz. So với giá mở cửa tuần, vàng thế giới tăng 14 USD/oz.
Nhận định của chuyên gia, giá vàng quốc tế tuần qua chịu áp lực từ Fed. Tuy nhiên, lực cung không bị đẩy mạnh vào thị trường, do nhà đầu tư còn e dè bởi nền kinh tế Mỹ chưa thể phục hồi. Phiên cuối tuần vàng quốc tế tăng mạnh do Nga đã điều 3 máy bay chiến đấu tới chặn 2 máy bay ném bom chiến lược của Mỹ bay trên Biển Okhotsk - ngoài khơi bờ biển của Nga. Trước đó, Nga đã phát hiện hai máy bay Mỹ bay trên vùng biển trung lập trên Biển Okhotsk, gần sát hải phận nước Nga. Những căng thẳng đã khiến nhu càu trú ẩn dòng tiền gia tăng, đẩy giá vàng đi lên.
Tuần qua, thị trường vàng trong nước giao dịch ảm đạm. Vàng SJC chỉ điều chỉnh trong biên độ hẹp từ 20.000 - 50.000 đồng/lượng. Phiên cuối tuần vàng SJC đã đi theo xu hướng thế giới tăng từ 130.000 - 180.000 đồng/lượng.
Nhưng SJC chốt tuần chỉ nhích tăng 40.000 đồng/lượng. Riêng vàng nhẫn tăng khá mạnh 300.000 đồng/lượng.
Giá rau Đà Lạt giảm mạnh
Hiện một số loại rau chủ lực của TP Đà Lạt (Lâm Đồng) tiếp tục giảm mạnh kéo dài, đẩy người nông dân vào cảnh thua lỗ nặng.
Cụ thể, rau cải thảo hiện thương lái chỉ thu mua với giá hơn 10 triệu đồng/1.000m2, tương đương với khoảng vài nghìn đồng mỗi kilogam. Ớt ngọt hơn 10.000 đồng/kg, trong khi thời điểm này năm ngoài đều dao động khoảng 25.000 đồng/kg. Với giá bán trên, mỗi sào cải thảo, nhà vườn thua lỗ từ 10 - 15 triệu đồng; người trồng ớt ngọt chỉ hòa vốn.
Do giá quá thấp, một số vườn cải thảo gia chủ không muốn thu hoạch, để hư hỏng ngoài vườn. Các loại rau chủ lực khác của Đà Lạt như: Bắp cải, tần ô, cô rôn, cà chua... hiện bán vẫn rất chậm, giá chưa bằng một nửa so với thời điểm này năm ngoái.
Theo Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, từ đầu năm 2020 tới nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ các loại nông sản gặp rất nhiều khó khăn, người trồng rau, hoa Đà Lạt đã và đang phải gánh chịu những tổn thất nặng nề.
Nhiều loại trái cây tăng giá trở lại
Ông Trương Quan An - Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An) cho biết: “Giá thanh long đã phục hồi trở lại. Khoảng 3 - 4 ngày gần đây, thanh long ruột đỏ tại địa phương được thương lái thu mua với giá 15.000 đồng/kg”.
Sau Tết Nguyên đán, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thanh long ở Châu Thành không xuất khẩu được sang Trung Quốc khiến giá sụt giảm mạnh, chỉ còn 5.000 - 7.000 đồng/kg mà vẫn có rất ít thương lái gom mua. Song, ông An cho hay mấy ngày gần đây, thương lái bắt đầu quay lại thu mua nhiều hơn, thanh long cũng được xuất bán vào các siêu thị với lượng lớn. Nhờ đó, hàng tồn đọng trên cửa khẩu đã được làm thủ tục thông quan sang Trung Quốc, kéo theo giá thanh long tăng mạnh trở lại.
Tuy không được mức giá cao như trước Tết, song ông An cũng phấn khởi vì với giá bán hiện tại người trồng thanh long đã hoà gốc, thậm chí vườn nào cho sản lượng cao ở vụ thanh long chòng đèn này còn lãi khoảng 1.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Đồng Tháp, ông Trần Văn Tuấn - Giám đốc HTX Thanh Long Hội Quán, thông báo, khoảng một tuần trở lại đây giá thanh long bắt đầu tăng. Thương lái đến tận vườn mua thanh long với giá dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, tăng hơn 4.000 - 5.000 đồng so với tuần trước.
Tương tự, mặt hàng ớt ở huyện Thanh Bình, thị xã Hồng Ngự ở tỉnh Đồng Tháp cũng có chiều hướng tăng mạnh trở lại. Giá ớt từ 6.000 đồng/kg nay tăng lên 12.000 - 13.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Ngọc Nhân - Giám đốc HTX chôm chôm Bình Hòa Phước (Vĩnh Long), cũng vui mừng cho hay, hiện giá chôm chôm Java được thu mua tại vườn từ 12.000 - 13.000 đồng/kg, tăng hơn gấp đôi so với rộ vụ vào hai tuần trước. Chôm chôm đường hiện có giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg và chôm chôm Thái khoảng 25.000 đồng/kg.
Theo ông Nhân, chôm chôm Java đang vào cuối vụ, sản lượng ít khiến giá tăng trở lại và được thương lái thu mua bán trong nước.
Tại Gia Lai, sau thời gian giá dưa hấu giảm còn 1.000 đồng/kg nhưng vẫn bế tắc đầu ra vì dịch Covib-19 khiến mặt hàng này không thể xuất sang thị trường Trung Quốc, nay giá cũng phục hồi trở lại.
Theo thông tin từ Phòng NN-PTNT huyện Krông Pa (Gia Lai), hiện đã có thương lái quay trở lại thu mua dưa cho bà con. Giá dưa được thu mua tại cánh đồng vào khoảng hơn 3.000 đồng/kg, tức tăng gấp đôi so với tuần trước.
Tương tự, sau một thời gian đứng ở mức thấp, giá bưởi da xanh tại tỉnh Bến Tre đã tăng mạnh trở lại từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với cách nay một vài tháng.
Cụ thể giá bưởi da xanh loại 1 đang được nông dân bán cho thương lái và các cơ sở thu mua trái cây trong tỉnh ở mức 40.000 đồng/kg; còn bưởi loại 2 có giá khoảng 29.000-30.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong hơn 3 tháng qua.
Theo nông dân trồng bưởi da xanh và cơ sở kinh doanh trái cây ở tỉnh Bến Tre, thời điểm trước Tết Nguyên đán 2020, giá bưởi da xanh loại 1 có giá 40.000 - 42.000 đồng/kg nhưng sau đó giảm dần và xuống chỉ còn ở mức 25.000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn, nhất là thời điểm tháng 3 và tháng 4/2020.
Gần đây, do nguồn cung bưởi giảm so trước và bưởi da xanh đang được tiêu thụ tại thị trường nội địa nên giá tăng trở lại. Dù vậy, giá bưởi da xanh vẫn còn ở mức khá thấp so với cùng kì nhiều năm trước, khi ấy nông dân thường xuyên bán bưởi với giá từ 55.000 - 60.000 đồng/kg.
Theo một chuyên gia trong ngành, giá trái cây tăng mạnh trở lại do hàng hoá không còn ứ đọng tại các cửa khẩu mà được xuất sang Trung Quốc, dù chưa nhiều như trước. Trong khi đó, một lượng rất lớn các loại trái cây đang được đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Thực tế, những ngày gần đây, để giải cứu trái cây bị ùn ứ do không xuất được sang Trung Quốc, các hệ thông siêu thị lớn ở nước ta quyết định đẩy mạnh thu mua hàng chục ngàn tấn thanh long, dưa hấu nhằm giúp bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể cũng tích cực mua trái cây sau đó phát miễn phí cho người dân nhằm chung tay “giải cứu” mặt hàng này.
Giá cá lóc đen tăng mạnh
Gần 1 tháng nay, người nuôi cá lóc thương phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh phấn khởi khi giá cá lóc tăng mạnh sau một thời gian sụt giảm khiến nông dân thua lỗ.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là khi thực hiện Chỉ thị 15 của Chính phủ về giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ của người dân giảm mạnh dẫn tới giá cá lóc đen thương phẩm liên tục giảm, khiến người nuôi gặp khó; có thời điểm giá cá rớt xuống chỉ còn 25.000 đồng/ kg, khiến người nuôi cá lỗ từ 5.000 đồng đến 8.000 đồng/kg.
Bắt đầu từ giữa tháng 5 trở lại đây, khi việc giãn cách xã hội được nới lỏng, thị trường tiêu thụ tăng trở lại kéo theo giá các loại thủy sản bắt đầu tăng giá, trong đó có cá lóc đen thương phẩm.
Hiện nay, cá lóc đen thương phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được thương lái thu mua tại ao nuôi từ mức 34.000 đồng đến 35.000 đồng/kg, dự báo giá thu mua sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo một số tiểu thương, thời điểm này tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã qua mùa thu hoạch, nguồn cung khan hiếm nên nhiều thương lái mở rộng thị trường thu mua cá ra các tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam bộ như Tây Ninh, Đồng Nai. Nguồn cung thời điểm này không đủ cầu, nên giá cá lóc tiếp tục tăng.
Giá heo hơi cả nước đồng loạt giảm
Tại miền Bắc: Giá heo hơi hôm nay (20/6) tại tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Ninh Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định được thu mua với mức 90.000 - 91.000 đồng/kg. Còn tại Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Tuyên Quang giá heo hôm nay được thu mua với mức thấp hơn từ 88.000 - 89.000 đồng/kg.
Tại miền Trung - Tây Nguyên: Các tỉnh như Khánh Hòa, Bình Thuận, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Nam giá heo hôm nay được thu mua từ 85.000 - 86.000 đồng/kg. Tại Đak Lak, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận giá heo được thu mua với mức thấp hơn từ 83.000 - 84.000 đồng/kg.
Tại miền Nam: Tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Vũng Tàu, Cà Mau, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang giá heo được thu mua trong khoảng từ 86.000 - 88.000 đồng/kg. Còn tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Bến Tre giá heo dao động từ 85.000 - 86.000 đồng/kg.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận