Tiết lộ mới về hành trình đào tẩu khỏi Nhật của cựu chủ tịch Nissan
Các cơ quan chức năng của Nhật đã ghép nối hình ảnh thu được từ các camera an ninh ở những khu vực mà Ghosn đi qua nhằm tìm ra chính xác con đường ông đã đào tẩu khỏi Nhật...
Theo tình tiết mới được tiết lộ từ camera an ninh, cựu chủ tịch hãng xe Nissan, Carlos Ghosn, đã rời khỏi nhà riêng ở Tokyo - nơi ông đang bị quản thúc, vào ngày 29/12 và gặp 2 người đàn ông. Sau đó, ông di chuyển tới Osaka bằng tàu cao tốc, rồi rời khỏi Nhật từ sân bay Quốc tế Kansai cùng ngày, theo tờ Nikkei Asian Review.
Văn phòng Công tố Quận Tokyo và Sở Cảnh sát Đô thị đã ghép nối hình ảnh thu được từ các camera an ninh ở những khu vực mà Ghosn đi qua nhằm tìm ra chính xác con đường ông đã đào tẩu khỏi Nhật trong khi đang chịu quản thúc tại gia theo điều kiện bảo lãnh.
Hai người đàn ông hỗ trợ cuộc đào tẩu
Theo nguồn tin thân cận với sự việc, Ghosn đã rời khỏi căn nhà ở Phường Minato của Tokyo vào lúc 14h30 một mình. Sau đó, ông gặp hai người đàn ông nước ngoài tại một khách sạn cũng tại phường này. Vào khoảng 15h30, ba người cùng lên tàu cao tốc Tokaido Shinkansen từ Ga Shinagawa ở Tokyo tới Ga Shin-Osaka ở Osaka vào lúc 19h30. Sau đó, họ di chuyển lên một chiếc ôtô và tới một khách sạn gần Sân bay Kansai vào khoảng 20h.
Khi hai người đàn ông trên rời khỏi khách sạn lúc 22h, mang theo một hộp lớn và một vali đựng nhạc cụ, Ghosn không xuất hiện cùng họ. Hai người này đi thẳng tới Sân bay Kansai và lên một máy bay cá nhân, cất cánh rời khỏi Nhật vào lúc 23h11.
Ghosn được cho là đã trốn trong chiếc hộp trên để lên máy bay. Theo nguồn tin của Nikkei, hành lý đưa lên máy bay này đã không được quét tia X tại Sân bay Kansai.
Luật hàng không Nhật Bản quy định rằng các hãng hàng không có trách nhiệm tiến hành kiểm tra an ninh đối với hành lý để đảm bảo không đưa những thứ có hại lên máy bay. Các hãng hàng không thường thuê công ty an ninh thực hiện việc này. Hiện tại, các công tố viên Tokyo đang điều tra xem điều gì đã xảy ra ở Sân bay Kansai.
Máy bay cá nhân trên do hãng Bombardier của hãng Canada sản xuất và được quảng cáo là "hành khách có thể ra vào khoang hành lý một cách an toàn trong suốt chuyến bay". Website của Bombardier có đề cập đến thiết kế của máy bay này, trong đó cho phép di chuyển tự do giữa khoang hành khách và khoang hành lý, giúp vật dụng cá nhân của họ luôn trong tầm tay.
Phi cơ chở cựu chủ tịch Nissan bay tới Thổ Nhĩ Kỳ, rồi từ đó tới Lebanon vào ngày 30/12. Theo nguồn tin của Nikkei, hai người đàn ông đã giúp Ghosn hiện không có mặt ở Nhật Bản.
Tờ Wall Street Journal đã đăng tải hình ảnh của chiếc hộp lớn được cho là Ghosn ẩn nấp để lên máy bay rời Nhật. Chiếc hộp này có nhiều lỗ ở đáy để đảm bảo không khí lưu thông, tờ báo này cho biết. Còn chiếc hộp thứ hai đựng một nhạc cụ.
Rắc rối vẫn bủa vây cựu chủ tịch Nissan
Hàng chục người tại nhiều quốc gia đã tham gia vào quá trình điều tra, bao gồm khảo sát chi tiết tại các sân bay trên khắp Nhật Bản, và phát hiện lỗ hổng an ninh tại Sân bay Kansai.
Dù cựu chủ tịch Nissan hiện không có mặt ở Nhật, những rắc rối pháp lý vẫn bủa vây ông ở những quốc gia khác. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire ngày 6/1 cho biết ông sẽ phải đối mặt với các cuộc điều tra tại Pháp.
"Khi một người bị điều tra xét xử, họ sẽ không thể trốn tránh được công lý", ông Le Maire nói. Ghosn bị tình nghi dùng 11 triệu Euro (12,3 triệu USD) từ liên doanh điều hành liên minh giữa Nissan và hãng ôtô Pháp Renault tại Hà Lan vào các mục đích cá nhân. Các nhà chức trách Pháp đã điều tra để làm sáng tỏ các khoản chi tiêu đáng ngờ này.
Cơ quan điều tra Pháp cũng nhận được thông tin từ Renault về hai cáo buộc khác liên quan tới các khoản chi trả đáng nghi cho một hãng môi giới ôtô ở Oman và việc Ghosn sử dụng ngân quỹ của Renault để tổ chức một bữa tiệc ở Versailles. Năm ngoái, nhà riêng ở Pháp của Ghosn đã bị lục soát để phục vụ điều tra cáo buộc thứ hai.
Còn ở Lebanon, một nhóm các luật sư đã nộp đơn kiến nghị Ghosn phải bị truy tố vì những lần ông tới Israel trước đây - quốc gia được xem là kẻ thù của Lebanon. Nếu bị truy tố và buộc tội, ông có thể đối mặt với án tù.
Các nhà chức trách Lebanon dự kiến sẽ tiến hành truy hỏi Ghosn về việc ông rời khỏi Nhật sớm nhất vào thứ Ba và thứ Tư tuần này, đáp lại thông báo truy nã của Interpol. Tuy vậy, có thể ông sẽ không bị bắt giữ.
Trong khi đó, cuối tuần trước, trả lời tờ Fox Business, Ghosn nói rằng ông đang nắm giữ "các bằng chứng thực tế" và tài liệu chứng minh ông là một nạn nhân của một âm mưu lật đổ ông khỏi vị trí lãnh đạo Nissan.
Cũng theo cuộc phỏng vấn với Fox, Ghosn dự kiến sẽ công bố vài cái tên, gồm các quan chức Nhật Bản, mà ông tin rằng đứng sau vụ bắt giữ ông vào năm 2018 với cáo buộc gian lận tài chính. Ghosn tin rằng "họ muốn lật đổ ông" bởi ông có ý định sáp nhập Nissan và Renault.
Yoshihide Suga, Chánh Văn phòng Nội Các Nhật Bản gọi cuộc đào tẩu của cựu chủ tịch Nissan là "điều cực kỳ đáng tiếc của chính phủ" và cho biết điều quan trọng hiện tại là tìm hiểu chính xác con đường mà Ghosn đã rời khỏi Nhật. "Điều quan trọng là đưa ra các biện pháp để điều tương tự không xảy ra", ông Suga nói.
Ông cũng cho biết chính phủ Nhật sẽ dùng mọi biện pháp ngoại giao có thể để dẫn độ Ghosn về Nhật.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận