24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Hướng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tiết kiệm điện: Nhìn từ hai phía cung – cầu

Câu chuyện về thiếu hụt nguồn năng lượng cho phát triển đất nước đã được đề cập nhiều trong năm 2019 và tiếp tục gây sức nóng cho năm 2020 và cho cả giai đoạn tiếp theo.

Theo dự báo từ Bộ Công Thương, các năm 2021-2025, mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, song hệ thống điện vẫn khó đáp ứng được nhu cầu phụ tải tiếp tục tăng cao như hiện nay. Cùng với đó, nhiều dự án điện vẫn ở trong tình trạng chậm tiến độ, chưa thể đưa vào hoạt động.Ngay từ nhiều năm trước và hiện tại, để ứng phó với thiếu hụt năng lượng, các ngành nghề tiêu tốn năng lượng như thép, xi măng, sản xuất chế tạo... đã tìm ra hướng đi, đầu tư để tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhu cầu bức thiết

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp đang chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hiện nay các nguồn năng lượng sơ cấp không đáp ứng được nhu cầu năng lượng của nền kinh tế. Việt Nam đã phải nhập khẩu than cho phát điện và sẽ nhập khẩu khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) từ năm 2023.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện trong thời gian tới sẽ giảm nhiều so với trước đây, khoảng 8,5% trong giai đoạn 2021-2025 và khoảng 7,5% trong giai đoạn 2026-2030 nhưng nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống vẫn rất cao. Vì vậy, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ góp phần quan trọng đảm bảo cung ứng điện.

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với tốc độ tăng trưởng phụ tải như hiện nay, mỗi năm cần sản suất bổ sung khoảng 3.000 - 4.000 MW công suất từ các dự án nguồn điện đưa vào vận hành thương mại. Trong khi đó, hiện nay nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ, gây khó khăn cho tình hình cung cấp điện.

Do đó, giải pháp thiết thực lúc này là các doanh nghiệp và người dân phải chủ động tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm cho mình và cho đất nước.

"Khối sản xuất công nghiệp sử dụng gần một nửa tổng sản lượng điện cả nước, tức là khoảng 100 tỷ kWh/năm. Nếu các doanh nghiệp có thể chung tay tiết kiệm 1%, tương đương giảm 1 tỷ kWh/năm, thì số tiền tiết kiệm được là 1.600 tỷ đồng”, ông Võ Quang Lâm nói.

Theo ông Hồ Mạnh Tuấn, đại diện Tổng công ty Điện lực miền Bắc, để đẩy mạnh việc tiết kiệm điện, hàng năm, tổng công ty đều xây dựng kế hoạch và phối hợp với chính quyền địa phương, các Sở Công Thương... để tuyên truyền rộng rãi những giải pháp tiết kiệm điện, đặc biệt là các giờ cao điểm.

“Hàng tháng, chúng tôi tổ chức thống kê theo dõi và báo cáo tình hình sử dụng điện tại các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, có so sánh với mức sử dụng điện của tháng cùng kỳ năm trước, báo cáo Sở Công Thương, Sở Tài Chính và UBND tỉnh để có biện pháp đối với đơn vị, khách hàng không thực hiện tiết kiệm điện, đồng thời gửi cho Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng công ty đưa lên website”, ông Tuấn nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, khoảng 30% sản lượng điện dành cho chiếu sáng (dân dụng, công cộng…), chỉ cần tiết kiệm một nửa số điện hiện dùng bằng công nghệ đèn Led... sẽ tiết kiệm tương đương việc phải xây dựng một nhà máy điện hạt nhân công suất khoảng 4.000MW... Do vậy, tiết kiệm từ nguồn cầu sử dụng điện phải là giải pháp ưu tiên hàng đầu, thay vì việc đi tìm kiếm hay chỉ tập trung xây dựng thêm các nhà máy điện.

Tự thân doanh nghiệp

Vấn đề tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp đã không còn là mới mẻ. Tiền điện cũng luôn là yếu tố cấu thành chi phí và quyết định phần nào sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng dành nhiều quan tâm và đầu tư cho việc này.

Tiết kiệm điện: Nhìn từ hai phía cung – cầu
Với tốc độ tăng trưởng phụ tải như hiện nay, mỗi năm cần sản suất bổ sung khoảng 3.000 - 4.000 MW công suất. Ảnh minh họa: Ngọc Hà - TTXVN

Hiện Khu liên hợp sản xuất Gang thép Dung Quất – Quảng Ngãi trang bị công nghệ lò cao được khép kín 100%, không xả thải ra môi trường, toàn bộ chất thải, khí thải, nước thải đều được xử lý triệt để, tuần hoàn tái sử dụng, không xả nước sản xuất ra môi trường.

Ông Hồ Đức Thọ cho hay, khu liên hợp cũng lựa chọn công nghệ luyện than cốc thu hồi nhiệt siêu sạch tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay, thân thiện với môi trường. Đây là công nghệ sản xuất than cốc sạch thu hồi nhiệt đạt các tiêu chuẩn môi trường theo cơ chế phát triển sạch, giảm lượng khí thải nhà kính theo Nghị định thư Kyoto.

Công nghệ này triệt tiêu toàn bộ khí, khói và các chất hóa học độc hại sinh ra từ quá trình luyện than cốc, chỉ thu hồi lại nhiệt năng để chạy máy phát điện.

Theo ông Hồ Đức Thọ, việc sử dụng công nghệ thu hồi nhiệt chạy máy phát điện trong nội bộ khu liên hiệp sẽ giúp Hòa Phát Dung Quất tự chủ khoảng 70% tổng nhu cầu điện sản xuất. Điện tiết kiệm được sẽ giúp doanh nghiệp tăng cạnh tranh. Đây cũng là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp nếu muốn phát triển một cách bền vững.

Ngoài ra, Tập đoàn Hòa Phát cũng đang tích cực cùng Điện lực Quảng Ngãi tham gia điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại để sử dụng điện một cách tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Một Tập đoàn khác cũng đi đầu và đẩy mạnh tiết giảm lượng điện năng tiêu thụ trong sản xuất là Sơn Hà. Theo ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà, Tập đoàn áp dụng các biện pháp sản xuất tiết kiệm năng lượng, giúp giảm 30% chi phí năng lượng cho sản xuất.

Ông Sơn cho hay, những sáng kiến như: thay thế toàn bộ đèn Led trong nhà xưởng, thiết kế khu sản xuất tận dụng ánh sáng mặt trời, lắp đặt điện mặt trời áp mái hay nhiều công đoạn sản xuất ứng dụng công nghệ 4.0, robot, giúp tăng năng suất gấp 15-20 lần so với trước đây, đồng thời tiết kiệm điện hơn rất nhiều.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép, muốn tiết kiệm điện, ngoài việc cải tiến, sắp xếp sản xuất thì hiệu quả nhất vẫn là đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất. Nếu thực hiện tốt sẽ mang lại hiệu quả cao, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tiết kiệm điện phải nhìn từ hai phía, cung – cầu. Doanh nghiệp, người dân đóng vai trò rất quan trọng trong thực hiện tiết kiệm thành công. Tuy nhiên, ông Sưa cho rằng, phía nhà nước, các cơ quan chức năng cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tiết kiệm điện và ngược lại là xử phạt các doanh nghiệp tiêu tốn điện năng...

Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội thông qua triển khai đồng bộ và triệt để các giải pháp quản lý, kỹ thuật, tập trung vào những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng bắt buộc, loại bỏ các trang thiết bị lạc hậu tiêu tốn nhiều năng lượng.../.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả