Tiếp tục lộ trình "siết" tín dụng ngoại tệ
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ sẽ được tiếp tục thực hiện trong năm 2019 nhằm chuyển dần quan hệ huy động vốn và cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ sẽ được tiếp tục thực hiện trong năm 2019 nhằm chuyển dần quan hệ huy động vốn và cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ.
ần hạn chế tín dụng ngoại tệ
Từ đầu tháng 4-2019, Thông tư 42/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 24/2015/TT-NHNN đã chính thức có hiệu lực. Thông tư này được sửa đổi lại theo ba hướng. Thứ nhất, cho phép các doanh nghiệp được vay ngoại tệ ngắn hạn để nhập khẩu hàng hóa đến hết ngày 31-3-2019.
Thứ hai, đối với các nhu cầu vay ngoại tệ trung và dài hạn để nhập khẩu hàng hóa thì được kéo dài đến hết ngày 30-9-2019. Thứ ba, đối với nhu cầu vay ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước để làm hàng xuất khẩu thì vẫn tiếp tục được duy trì trong thời gian tới khi NHNN chưa đưa ra thời hạn cụ thể phải dừng hoạt động này.
Động thái này được đánh giá là nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong việc giảm chi phí vay vốn, hỗ trợ tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại quốc tế trong bối cảnh bị tác động bất lợi từ xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao.
Bên cạnh đó, quy định trên cũng không ảnh hưởng đến chủ trương hạn chế đô la hóa của Chính phủ và NHNN do doanh nghiệp phải trả nợ vay bằng ngoại tệ (ngoại tệ không được đưa vào lưu thông mà quay trở lại hệ thống ngân hàng).
Quay trở lại quá khứ, văn bản ban đầu quy định về các hoạt động cho vay vốn bằng ngoại tệ là Thông tư số 24/2015/TT-NHNN. Theo thông tư này thì các doanh nghiệp được vay ngắn, trung và dài hạn ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa và vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu trong nước làm hàng xuất khẩu.
Riêng đối với nhu cầu vay vốn ngắn hạn làm hàng xuất khẩu thì thời hạn được đề ra là chỉ thực hiện đến hết ngày 31-12-2016. Tuy nhiên, để hỗ trợ các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, trong năm 2017, NHNN đã ban hành Thông tư số 18/2017/TT-NHNN, sửa đổi Thông tư 24/2015, theo đó, kéo dài thời hạn nêu trên đến hết ngày 31-12-2018 (thay cho mốc 31-12-2016 ban đầu).
Theo NHNN, lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ sẽ được tiếp tục thực hiện trong năm nay nhằm chuyển dần quan hệ huy động vốn và cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Cụ thể, giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ trên tổng dư nợ tín dụng, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030, cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Quan điểm của NHNN là khuyến khích nắm giữ tiền đồng, thu hẹp hoạt động tiền gửi và cho vay ngoại tệ. Trước đó, trong những tháng đầu năm, tín dụng ngoại tệ có xu hướng tăng mạnh hơn khi doanh nghiệp tập trung vay trước thời điểm quy định mới có hiệu lực.
Nhiều yếu tố thuận lợi
Việc các doanh nghiệp vay tiền đồng rồi mua đô la Mỹ trên thị trường hoặc mua lại của ngân hàng thương mại để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu có thể tạo áp lực nhất định lên cầu ngoại tệ và tỷ giá. Mặc dù vậy, về tổng thể, việc thu hẹp tín dụng ngoại tệ đến thời điểm này đang có nhiều yếu tố thuận lợi.
Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN đã mua thêm khoảng 8,35 tỉ đô la Mỹ bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối, cho thấy nguồn cung ngoại tệ trên thị trường khá dồi dào. Cán cân thương mại của Việt Nam được dự báo có thể xuất siêu nhẹ trong năm nay.
Bên cạnh đó, dòng ngoại tệ từ kiều hối, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài tăng trưởng tích cực sẽ giúp tăng thêm nguồn cung ngoại tệ.
Diễn biến trên thị trường cho thấy trong ba tháng đầu năm, tỷ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại gần như không thay đổi bất chấp việc tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng 0,7%. Việc tiền đồng có diễn biến ổn định kể từ đầu năm đến nay nằm trong bức tranh chung là đồng tiền của hầu hết các nước mới nổi tại châu Á đều hồi phục trở lại so với đô la Mỹ, trong đó mạnh nhất là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (2,2%), tiếp đến là baht của Thái Lan (1,6%) rupiah của Indonesia (1,5%). Đây đều là những đồng tiền đã mất giá mạnh trong nửa cuối năm 2018.
Trong những ngày gần đây, tỷ giá có dấu hiệu bật mạnh (đã có lực tăng hơn 100 đồng/đô la Mỹ trên cả thị trường chính thức lẫn thị trường tự do) do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bất ngờ leo thang trở lại. Tuy nhiên, diễn biến này mang tính ngắn hạn và vẫn có khả năng hai bên sẽ tiếp tục ngồi lại bàn đàm phán và hạ nhiệt được căng thẳng.
Nếu khả năng này xảy ra, sức ép lên đồng nhân dân tệ và đồng tiền của các thị trường mới nổi và cận biên (trong đó có tiền đồng) có thể sẽ sớm được giải tỏa. Theo đó, tiền đồng được dự báo sẽ có mức giảm giá quanh 2% cho cả năm 2019. Khi tỷ giá được giữ ổn định, cả doanh nghiệp và người dân sẽ hạn chế được tâm lý “găm giữ” ngoại tệ, qua đó tác động trở lại giúp việc điều hành càng thêm thuận lợi.
Thông tin từ cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4-2019 cho biết, tính đến ngày 17-4-2019, tăng trưởng tín dụng ở mức 3,23% so với đầu năm. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng 5% của cùng kỳ năm 2018 và 2017, đồng thời cũng thấp hơn so với mức tăng bình quân 3,5% cùng kỳ các năm trước đó.
Diễn biến này phần nào cho thấy nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp hiện chưa quá cao. Ngoài ra, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho toàn hệ thống cũng được NHNN giới hạn ở mức 14% cho cả năm nay. Do vậy, khả năng cầu tín dụng tăng quá cao, gây áp lực lên mặt bằng lãi suất cho vay sẽ không quá lớn.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu thực hiện quy định mới, việc siết cho vay ngoại tệ sẽ phần nào ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp bởi lãi suất vay đô la Mỹ chỉ khoảng 4-4,5%/năm trong khi chuyển sang vay tiền đồng lãi suất 8-10%/năm.
Yếu tố làm giảm bớt tác động là những đối tượng được vay ngoại tệ thường là doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn, có uy tín nên một số ngân hàng đã có chính sách hỗ trợ lãi suất vay hợp lý, khoảng 6-7%/năm để giảm bớt áp lực chi phí tài chính.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận