Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thuế điện tử trong năm 2022
Một hệ thống thuế điện tử được xây dựng toàn diện, đảm bảo thông tin dữ liệu chính xác, an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo thuận lợi cho người nộp thuế là yêu cầu tất yếu trong thời đại số.
Nhiều bước đột phá lớn
Nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, ngành Thuế đã hiện đại hóa quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành, qua đó mang lại nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, năm 2021, ngành Thuế tiếp tục thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, triển khai áp dụng hóa đơn điện tử. Trong đó, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục thuế trực thuộc. Riêng với triển khai hoá đơn điện tử, sau một tháng triển khai tính đến ngày 21/12/2021, số lượng người nộp thuế đã đăng ký sử dụng là 263.182 doanh nghiệp chiếm 71%, với tổng số hóa đơn có mã đã nhận là 1.707.871 hóa đơn.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực với người nộp thuế. Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Hải Minh, Tổng giám đốc công ty cổ phần Công nghệ Nhật Hải đánh giá, việc nộp thuế hiện nay rất tân tiến, giữa người nộp thuế và cơ quan thuế gần như không phải gặp nhau. “Chúng tôi cứ đến kỳ là nộp theo số liệu đã chốt với cơ quan thuế, việc giao dịch trực tiếp được giảm đi tối thiểu, vì thế không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn giảm được nhiều rủi ro khác. Đó thực sự là một sự cải thiện đáng kể của cơ quan thuế cho hành chính công”.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế cho biết, đến thời điểm hiện tại, Tổng cục Thuế đã triển khai hạ tầng kĩ thuật hệ thống kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia và hoàn thành việc tích hợp 150 thủ tục hành chính thuế lên cổng dịch vụ công quốc gia; đồng thời tiếp tục tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên cổng dịch vụ công quốc gia theo kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, ngành thuế cũng đã thực hiện triển khai các dịch vụ nâng cao, nhằm hỗ trợ tốt hơn nữa đối với người nộp thuế như dịch vụ nhắn tin giữa cơ quan thuế với người nộp thuế, ứng dụng e-Tax dành cho thiết bị di động, e-Mobile cung cấp một số chức năng về đăng ký tài khoản giao dịch điện tử, tra cứu nghĩa vụ thuế, nộp thuế, tra cứu hồ sơ thuế đã nộp; hay triển khai thêm các thủ tục thuế được điện tử hóa như nộp thuế điện tử đối với các khoản thu từ cho thuê tài sản, dịch vụ nộp lệ phí trước bạ cho ô tô, xe máy...
Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, trong năm 2021, ngành thuế được các doanh nghiệp đánh giá là có nhiều cải cách thủ tục hành chính điện tử ấn tượng, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiết kiệm thời gian và công sức. Các chuyên gia cho rằng, những lợi ích từ hệ thống thuế trực tuyến không chỉ hướng tới doanh nghiệp và người dân, mà còn nâng cao công tác quản lý của cơ quan Nhà nước.
Trả lời báo chí, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia tài chính nhận xét, cơ quan thuế đã đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kĩ thuật, để đảm bảo việc hướng dẫn thực thi, cũng như hệ thống hóa, xâu chuỗi các văn bản liên quan đến hoạt động nghiệp vụ của ngành thuế trên hệ thống Internet. Thêm vào đó, là tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể trong nền kinh tế có thể tiếp cận được với các văn bản, nghị định, hướng dẫn quy trình tương đối cụ thể, giúp người đóng thuế chỉ cần thông qua Internet là có thể nắm được các trình, tự mình chuẩn bị và thậm chí là nộp văn bản qua hệ thống Internet. Chính điều này đã tạo ra tính công khai, minh bạch trong hướng dẫn cũng như thực thi chính sách thuế.
Tiếp tục hoàn thiện cải cách
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế số lên ngôi, công tác quản lý thuế trên nền tảng thương mại điện tử còn gặp nhiều thách thức, do cơ sở pháp lý chưa chặt chẽ, ý thức của người nộp thuế chưa cao, hệ thống thuế chưa được thay đổi phù hợp với hình thức kinh tế mới. Nhiều chuyên gia cho rằng, phải dùng công nghệ trong quản lý thuế để quản lý công nghệ trong kinh doanh thời đại số, chính vì vậy, cơ quan thuế vẫn cần tiếp tục có những cải cách để hiện đại hóa hệ thống thuế linh hoạt phù hợp với từng giai đoạn.
Hiện nay, công tác quản lý thuế trên nền tảng thương mại điện tử còn gặp nhiều thách thức, do cơ sở pháp lý chưa chặt chẽ, ý thức của người nộp thuế chưa cao (ảnh minh hoạ)
Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng ADB tại Việt Nam cho rằng: “Việc áp dụng thuế điện tử là cần thiết, nhưng đó mới là theo quan điểm của phía thực thi, còn việc doanh nghiệp nhận thức như thế nào và mức độ sẵn sàng ra sao cũng rất quan trọng. Nghĩa là, nhiều khi chính sách rất tốt, ý tưởng rất tốt, nhưng khi đi vào triển khai thì khả năng của người thực hiện lại chưa đáp ứng được”.
Từ các hạn chế đó, năm 2022, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện mục tiêu triển khai, rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, thực hiện quyết liệt hiệu quả chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030. Đây là nhiệm vụ ưu tiên và quan trọng, đảm bảo tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ngoài ra, công tác quản lý thuế nhà thầu đối với các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới hiện nay cũng vẫn còn nhiều vướng mắc. Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài, không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hiện tổng cục thuế đang nghiên cứu xây dựng cách thức để đưa việc đăng ký khai và nộp thuế lên cổng thông tin trực tuyến của cơ quan thuế.
Như vậy, một hệ thống thuế điện tử được xây dựng toàn diện, đảm bảo thông tin dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo thuận lợi cho người nộp thuế là yêu cầu tất yếu trong thời đại số. Đây còn là một trong những yếu tố quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh bền vững, tạo ra sức hút với các doanh nghiệp FDI và nâng cao vị thế cạnh tranh của Việt Nam so với khu vực và thế giới.
Ông Daniel Van Houtte, Giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân nhận xét: “Các doanh nghiệp nước ngoài rất quan ngại trong việc tốn nhiều thời gian cho việc điền biểu mẫu thuế, gặp trực tiếp cơ quan thuế, hoặc chi phí thuê luật sư tư vấn thuế. Đây đều là những điều mà hệ thống thuế của Việt Nam cần chú ý cải thiện, mặc dù hệ thống thuế điện tử đã có, nhưng chưa đầy đủ, chưa thực sự phù hợp với các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy việc phát triển thuế điện tử hơn nữa, sẽ làm giảm bớt các rào cản cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam”.
Tự động hóa các thủ tục hành chính không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, mà còn nâng cao chất lượng công tác kiểm soát thuế của cơ quan Nhà nước. Việc chuyển đổi số không chỉ hướng đến việc khai, nộp thuế điện tử, áp dụng hóa đơn điện tử, mà còn xây dựng một nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, vững chắc để quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử. Với mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Chính phủ năm 2022, có nhiều thủ tục hành chính thuế cần tiếp tục triển khai, đẩy mạnh để công tác xây dựng hệ thống thuế điện tử bền vững.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận